Tháp truyền hình Nam Định: Gió bão không thể quật đổ!
Sự cố đổ tháp truyền hình của Đài phát thanh - truyền hình Nam Định (NTV) do bão số 8 (Sơn Tinh) gây ra ước tính thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng khiến toàn bộ tỉnh mất sóng phát thanh truyền hình.
Nguyên nhân do công trình kém chất lượng đã được đặt ra.
Cột tháp truyền hình Nam Định cao 180m trở thành đống sắt rúm ró sau cơn gió giật cấp 12 của bão Sơn Tinh. Trong khi đó, nhiều nhà chuyên môn đặt vấn đề: tiêu chuẩn quốc gia là phải chịu được gió cấp 15
Sáng 29/10, tại cuộc họp chỉ đạo khắc phục hậu quả bão Sơn Tinh, ông Trần Anh Tú - giám đốc NTV - cho biết vào thời điểm 20h45 ngày 28/10, gió giật mạnh khiến cột tháp thu phát sóng NTV đổ ập xuống đất. Tại hiện trường, cột tháp bị vặn gãy từ phần đế, cách mặt đất khoảng 30m, xô vào tòa nhà phát sóng kề bên, sau đó đổ hướng ra phía tường rào và ngoài đường, sát một nhà dân đối diện đài. Theo quan sát tại hiện trường, phần thân cột có điểm bị gãy rời ra khỏi phần đế, điểm bị gãy như một nhát cắt, không có mối ốc vít nào bị long rời ra.
Toàn tỉnh mất sóng phát thanh truyền hình
Ông Tú cho rằng thời điểm đó gió giật khoảng trên cấp 12 nên đã gây ra sự cố này. Báo cáo với lãnh đạo tỉnh Nam Định, ông Tú cho biết bước đầu đã xác định 4/5 độ dài của cột hư hỏng hoàn toàn, vị trí bị đổ cách mặt đất khoảng 30m. Sự cố này còn làm hư hỏng tòa nhà đặt máy phát sóng bị một thanh giằng xuyên qua, một số thiết bị của Đài truyền hình VN (VTV) và NTV hư hỏng.
Để đảm bảo việc phát sóng không bị gián đoạn, NTV đã đề nghị viễn thông Nam Định kéo cáp quang cho hệ thống truyền hình cáp. NTV cũng đề nghị VTV cho mượn thiết bị để phát sóng, đề nghị VTV và Truyền hình An Viên (AVG) góp vốn để xây dựng lại công trình. Ông Tú cũng cho biết cột phát sóng của Đài PTTH huyện Giao Thủy cũng bị gãy đổ do gió bão.
Đến 17h ngày 29/10, NTV đã cấp lại hệ thống truyền hình cáp đến tất cả các huyện trong tỉnh. Riêng sóng truyền hình analog vẫn đang tiếp tục được khắc phục.
Tháp truyền hình Nam Định sau khi đổ như những cọng bún - Ảnh: Việt Dũng
Chưa xác định có vấn đề chất lượng hay không
Sáng 29/10, lực lượng cảnh sát bảo vệ đã căng dây bảo vệ hiện trường, không cho người dân ra vào khu vực xảy ra vụ đổ tháp. Một số cán bộ Công an Nam Định đã đến xem xét, ghi hình hiện trường. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tú khẳng định đó chỉ là người đến làm việc quay lại hình ảnh chứ hoàn toàn không có chuyện khám nghiệm hiện trường.
Ông Tú khẳng định nguyên nhân xảy ra sự cố là do gió bão quá to, gió giật làm đổ cột tháp nên có thể kết luận được nguyên nhân như vậy. Việc có điều tra hay không, ông Tú cho rằng còn chờ sự chỉ đạo của tỉnh. Về việc có hay không một phần nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo, ông Tú khẳng định không phải. Ông Tú cho biết thiết bị của công trình được nhập từ Malaysia, toàn bộ đều nhập khẩu và đều đã được kiểm tra chất lượng.
Về thi công, ông Tô Văn Hùng - giám đốc Công ty TNHH một thành viên công trình Viettel, đơn vị thi công tháp truyền hình NTV - cho biết đơn vị chỉ thi công phần móng và lắp dựng cột nên cứ đúng theo thiết kế mà làm. Ông Hùng khẳng định đơn vị đã làm đúng theo thiết kế, đã bàn giao cho NTV từ tháng 6/2010. Theo ông Hùng, khi xảy ra sự cố đã quá thời gian bảo hành 12 tháng nên đơn vị thi công không liên quan.
Vết gãy như một nhát cắt - Ảnh: Việt Dũng
Nhìn từ góc độ người trong nghề, ông Trương Mỹ - kỹ sư quản lý chất lượng hạ tầng mạng Gmobile - cho biết một công trình xây dựng phải xét đến ba bài toán: thiết kế, gia công, lắp dựng. Nếu công trình bị sập phải kiểm tra lại toàn bộ quy trình trên. Thông thường nếu thiết kế đúng và thi công đúng theo thiết kế thì khó mà sập được.
Ông Mỹ còn cho biết thêm trong xây dựng công trình sau khi thiết kế phải nhân với hệ số an toàn. Hệ số này được lựa chọn tùy theo chủ đầu tư cũng như mức độ quan trọng của công trình. Hệ số an toàn càng lớn thì độ bền, khả năng chịu lực của công trình càng cao. Tuy nhiên hệ số an toàn càng cao thì giá thành xây dựng cũng tăng lên tương ứng. Để xác định chính xác nguyên nhân tháp truyền hình NTV bị đổ cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Ông Lê Huy Lộc (chuyên gia về kết cấu công trình dây tải điện): Cần xem lại thiết kế Theo tiêu chuẩn VN về tải trọng và tác động - tiêu chuẩn thiết kế (TCVN 2737 - 1995) hiện hành các công trình ở TP Nam Định phải thiết kế với cấp gió IV.B theo phân vùng áp lực gió. Nghĩa là lực gió tác dụng lên cột tối đa 155 daN/m2 (hay gọi là kg/cm2). Tính theo tốc độ gió, tháp truyền hình phải chịu được áp lực gió gần 48,9 m/giây (tương đương cấp 15). Theo tốc độ gió mạnh nhất mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương ghi nhận được thực tế tại Nam Định trong bão số 8 thì cũng chỉ là gió giật cấp 12 (tương đương 32,7-36,9m/giây). Như vậy gió bão ở Nam Định chưa đạt tới cấp gió theo quy chuẩn mà công trình cột tháp truyền hình có thể chịu đựng được, vậy tại sao đổ cột? Trước hết cần làm rõ ban quản lý dự án đặt mua cột từ Malaysia thì có căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn để đưa ra các thông số kỹ thuật cho phía bán hàng không. Hoặc đơn vị tư vấn thẩm định không soát xét để mua, lắp đặt tháp truyền hình đúng yêu cầu. Qua ảnh chụp tôi thấy tháp quá thanh mảnh. Tôi từng tham gia thiết kế cột tháp vượt sông Amur tại Liên Xô cũ cũng cao 180m, thiết kế cột điện vượt sông Hồng cao 150m cũng kiểu ống thép này nhưng kết cấu vững chắc hơn nhiều. Có thể người đi mua hàng không nêu rõ đầu vào thế nào nên vấn đề này phải tìm hiểu. Nếu đặt hàng theo yêu cầu, đủ thông số kỹ thuật chắc chắn sẽ đảm bảo. Nếu còn bản vẽ thiết kế công trình phải tìm hiểu người duyệt là ai, khi duyệt thiết kế của cột có làm công tác thẩm định thiết kế theo quy định hay không. Muốn biết sai thế nào phải có bản vẽ thiết kế và đi thẩm định thiết kế đó. Giờ khôi phục lại tháp thì phải làm rõ vì sao tháp đổ. Nếu không làm rõ mà khôi phục thì lại mắc sai lầm. |
Nguồn Tuổi trẻ
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15