"Thần y" ở Bắc Giang: Chỉ là trò bịp bợm
Chữa bệnh bằng xoa bóp, khấn vái
Vốn là một xã thuần nông, trước đây, người dân Tăng Tiến chủ yếu gắn bó với đồng ruộng. Khi đó, nghề mây tre đan chỉ được coi là một nghề phụ để người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn.
Khác với mọi người trong làng, theo lời nhiều người dân nơi đây “cụ Tám giời” lại có nghiệp khác. “Điện” của “cụ Tám giời” (năm nay ngoài 70 tuổi) nằm tại nhà riêng ở cuối một con đường nhỏ ở thôn Chùa. Mới hơn 8 giờ nhưng trước cửa “điện” đã có rất nhiều người đến từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên… nhờ cụ chữa bệnh. Trong “điện”, hàng chục người đủ lứa tuổi đang ngồi xếp hàng chờ đến lượt. Hỏi những người ngồi bên cạnh, được biết “điện” của cụ Tám không thờ thần thánh nào nên thủ tục rất đơn giản. Người đến chữa bệnh chỉ cần đặt lễ bằng tiền, nhiều hay ít tuỳ tâm.
Cụ Tám đang chữa bệnh cho một bệnh nhân
Ngồi quan sát “cụ Tám giời” chữa bệnh cho một phụ nữ đã luống tuổi đến từ tỉnh Hưng Yên bị đau nhức xương khớp, huyết áp không ổn định, chúng tôi nhận thấy, sau một hồi lầm rầm khấn vái, cụ Tám đứng lên bảo người bệnh tiếp tục ngồi vào vị trí của mình và nói hãy tự khấn các vị thần linh. Tiếp đó, cụ ngồi đối diện với người bệnh lấy hai tay liên tục xoa vào thái dương, đầu, hai vai trong khi liên tục hỏi người bệnh “Thấy nhẹ chưa, nhẹ chưa?”. Được khoảng 15 phút, cụ Tám bỗng đứng phắt lên phán: “Tôi đã xua đuổi hết tà ma, khí nặng trong người bà rồi. Giờ tôi cho bà ăn cơm”. Dù lâu ngày không ăn được cơm, nhưng trước sức ép của “thần y”, người bệnh đành miễn cưỡng nhai trệu trạo được hai thìa cơm thì dừng lại. Lúc này, cụ Tám cầm lấy bát cơm trực tiếp bón cho người bệnh được thêm ba thìa nữa. Thấy con bệnh khẩn khoản xin không ăn nữa, cụ Tám quay lại dặn người nhà: “Trưa về nấu cơm cho bà ấy ăn. Mỗi bữa nấu 4 nắm gạo. Khi ăn thì rải chiếu ra trước bàn thờ ngồi ăn”. Nói xong, cụ Tám ra lệnh cho người nhà đưa bệnh nhân về và hẹn hôm sau lại đến.
Ca tiếp theo chúng tôi chứng kiến là một phụ nữ ở tỉnh Thái Bình, bị mất ngủ triền miên, cơ thể xanh xao gầy mòn. Thủ tục vẫn như ca bệnh trước. “Cụ Tám giời” khấn vái, gõ mõ, thỉnh chuông một hồi rồi nói bệnh của chị là do có “vong” đi theo để… hành. May mà đến cửa “điện” sớm, nếu không chỉ trong ngày là bị xe đâm chết đường, chết chợ. Mới nghe đến đây, cả hai vợ chồng người bệnh mặt tái dại rồi rối rít xin cụ xua giúp tà ma! Đáp lại, cụ Tám vẫn thể hiện màn xoa bóp, hỏi người bệnh những câu hỏi đã nằm lòng rồi lại hẹn lần sau đến chữa tiếp.
Gần ba tiếng buổi sáng, chúng tôi thấy có hơn chục người bệnh lần lượt qua tay “thần y” chữa trị. Ngoài những bệnh về đường “âm”, người đến chữa chủ yếu mắc các bệnh về đường “dương” như: Tai biến mạch máu não, huyết áp cao, câm điếc bẩm sinh, đau lưng, đau đầu... thậm chí có cả bệnh nhân bị ung thư. Tuy bệnh tình mỗi người khác nhau nhưng có điểm chung lớn nhất là dù bệnh nặng hay nhẹ, cụ Tám cũng chỉ xoa bóp, đấm và khấn vái. Ngoài những câu khấn vái, cụ Tám dành khá nhiều thời gian nói với người bệnh về việc được ăn lộc giời của mình cũng như tài cứu nhân độ thế...
Trước thực trạng ngày càng có nhiều người dân ở khắp nơi đến nhà cụ Tám chữa bệnh, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên ra quyết định thành lập tổ công tác gồm đại diện các ngành: Công an, y tế, nội vụ, văn hoá - thông tin, văn phòng HĐND,UBND huyện và lãnh đạo xã Tăng Tiến. Tổ công tác có trách nhiệm điều tra, xác minh làm rõ và giải quyết dứt điểm vụ việc có biểu hiện sử dụng phương pháp mê tín dị đoan để chữa bệnh. |
Lật mặt “thần y”
Đem cái tài chữa bách bệnh của “thần y” đến hỏi lương y Phó Hữu Đức, chủ tịch Hội đông Y Cầu Giấy, ông Đức cho biết: Chữa bệnh cần tuân theo nguyên tắc y lý. Có những bệnh có thể chữa được, nhưng có những bệnh thì hoàn toàn không. Đơn cử như bệnh câm điếc thì cho đến nay y học hiện đại thế giới vẫn bó tay. Chứ chưa thể nói đến việc một người chưa qua trường lớp đào tạo y thuật tự xưng “ thần y” như cụ Tám có thể chữa được.
Lương y Phó Hữu Đức cũng nhấn mạnh: Phương pháp xoa bóp chỉ tác động bên ngoài làm giảm những cơn đau tức thời. Chứ theo những gì “ thần y” này nổ thì hoàn toàn chỉ là trò bịp bợm, đánh vào tâm lý của một số người dân thiếu hiểu biết. “ Chữa tai biến không hề đơn giản, phụ thuộc vào việc bệnh nhân bị nặng hay nhẹ, bị lần 1 hay lần 2. Nếu bị tai biến mạch máu não, tai biến bán cầu đại não trung tâm… thì không thể chữa được. Trong trường hợp bị tai biến nhẹ, lần đầu tiên biểu hiện bằng cơn tăng huyết áp đột ngột nếu được chữa trị kịp thời mới chữa khỏi được. Chỉ xoa bóp, đấm, khấn vái không thể khỏi được” – lương y Đức khẳng định.
Chung quan điểm này, một BS chuyên khoa thần kinh cho rằng: Nếu người bệnh bị chấn thương, bị dị tật, bị nhiễm trùng viêm nhiễm, ngộ độc hay đơn giản nhất là có một vết thương chảy máu chắc chắn là phải đi bệnh viện. Còn lại những triệu chứng kín đáo, mơ hồ do người bệnh “cảm thấy” thì cần biết: Một là 80% bệnh tự khỏi, hai là niềm tin gần như vô thức là một động năng tinh thần rất mạnh đã phát động ý chí bản năng phục hồi sức khỏe, giúp cơ thể tự điều chỉnh và sửa chữa những chệch choạc sinh lý bệnh. Các “thần y” chữa bệnh kiểu tâm linh đều có chung một nguyên lý, bằng nhiều hình thức biểu diễn khác nhau gây nên một tâm lý tự ám thị của người bệnh, tự mình khởi động cơ chế tự phục hồi sức khỏe cho mình.
Trao đổi với phóng viên, ông Thân Thế Nam, Chủ tịch UBND xã Tăng Tiến cho biết: Cụ Tám, chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về y học. Từ năm 2001, gia đình lập “điện”, sau đó hành nghề chữa bệnh. Thời gian đầu chỉ lác đác người đến chữa, tuy nhiên vài năm gần đây ngày càng có nhiều người dân ở khắp nơi tìm đến. 13 năm qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở không cho cụ Tám hành nghề nhưng do chưa kiên quyết xử lý nên tình hình vẫn không có biến chuyển.
“Có bệnh thì vái tứ phương” là tâm lý chung của nhiều người bệnh. Cũng vì lý do này nên nhiều người thường tin vào những lời đồn thổi, thiếu căn cứ khoa học với hy vọng “gặp được thầy, được thuốc”. Nắm bắt được tâm lý trên, nhiều đối tượng tự khoác lên mình một hư danh là “thần y”, “con giời”... để tư lợi bất chính, trong đó trường hợp “cụ Tám giời” không phải ngoại lệ.
Lê Phương
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
Y tế 20/12/2024 20:37
Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Xã hội 20/12/2024 09:58
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn
Y tế 19/12/2024 17:38
Tình trạng các nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng đang điều trị tại Bệnh viện E
Y tế 19/12/2024 16:43
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Y tế 17/12/2024 20:52
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người nhập viện vì mắc sởi
Y tế 17/12/2024 08:06
Nhiều người cần tham vấn tâm lý trong điều trị bệnh “khó nói”
Y tế 17/12/2024 06:39
Hà Nội ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc sởi
Y tế 17/12/2024 06:38
Duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 13/12/2024 11:46