Tam mã vùng biên ải
Du khách lên Đồng Văn, Hà Giang sẽ vượt qua một con đèo ở vùng xa xôi nhất của cao nguyên đá là đèo Mã Pí Lènh. Con đèo hiểm trở này nối Mèo Vạc với Đồng Văn. Đèo được mở vào đầu những năm 60 thế kỷ XX. Lúc đầu còn nhỏ chủ yếu cho người đi bộ và ngựa thồ. Những công nhân mở đường thủa ban đầu phải treo mình trên vách đá để đục lỗ, đánh mìn. Con đèo chỉ dài khoảng 20 cây số nhưng thi công mất hơn một năm trời. Sau này đèo mới được mở rộng và ô tô có thể đi lại được như ngày nay. Không rõ vì sao mà con đèo có tên là Mã Pí Lènh (sống mũi ngựa). Có lẽ do địa thế quá cheo leo và dốc thẳng nên được ví với sống mũi con ngựa là con vật gắn bó và kiên trung với người dân vùng cao để chinh phục miền đất hiểm trở mà chỉ có giống ngựa có thể thích ứng nổi. Từ khi Mã Pí Lènh được hoàn thành, người dân gọi là con đường hạnh phúc vì nó trở thành huyết mạch nối những vùng đất cheo leo trắc trở nhất trong vùng. Đi trên Mã Pí Lènh nhìn dòng sông Nho Quế như một dải lụa uốn lượn dưới đáy vực thật nên thơ. Ngoái lại sau lưng con đèo tựa sợi chỉ mảnh uốn quanh triền núi. Để ghi nhớ công lao của biết bao thanh niên xung phong đã hy sinh thầm lặng và cống hiến sức lực đục đá, kè vực làm nên con đường, đã có một tấm bia trên đỉnh đèo khắc lại chiến công của họ. Mã Pí Lènh đang là điểm đến của những người ưa mạo hiểm và khám phá vẻ hùng vĩ của miền biên ải Tổ quốc.
Để tới huyện Trùng Khánh Cao Bằng du khách phải vượt qua đèo Mã Quỷnh. Đó chỉ là con đèo ngắn nhưng cái tên đã hàm ý chỉ sự hiểm trở và nguy hiểm của con đèo. Mã Quỷnh là khủy chân ngựa. Nó ôm sát vào sườn các ngọn núi, một bên là vách đá dựng đứng, bên kia là vực sâu khiến người yếu tim không dám nhìn xuống. Mã Quỷnh cứ gắng gỏi bám sườn núi trơ vơ mà vượt lên. Có đoạn nó vòng lại rồi lại đột ngột gấp khúc. Người ta bảo đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, Mã Quỷnh giống như một đường viền của trái tim. Đường viền ấy ôm lấy sườn núi đá Cao Bằng vừa kiêu hùng vừa cheo leo, gian khó. Nếu đứng từ Mã Quỷnh nhìn rộng ra thấy những triền ruộng bậc thang xa xa và rải rác những mái nhà sàn thưa thớt chỉ như một chấm nhỏ trong lãng đãng sương giăng. Vào lúc chập chiều khói bếp nếu còn ở Mã Quỷnh ai cũng nhuốm chút cô liêu. Người và xe gắng gỏi vượt qua con đèo tuy ngắn mà vô cùng cheo leo hiểm trở này để về với người thân.
Song có lẽ con đèo nổi tiếng nhất trên con đường lên vùng Thủ đô kháng chiến xưa là đèo Mã Phục. Mã Phục nằm trong địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh Cao Bằng. Từ đây một không gian, địa thế khác được mở ra về phía Đông gồm 5 huyện: Quảng Uyên, Trùng Khánh, Phục Hòa, Hạ Lang và Trà Lĩnh. Thời tiết, khí hậu cũng bắt đầu khác với bên kia con đèo. Một thứ khí hậu ôn đới mát mẻ vào giữa những ngày hè nắng như đổ lửa còn mùa đông cái rét cũng căm căm. Hầu hết chiều dài của đèo Mã Phục chạy trên đỉnh các ngọn núi. Hàng mấy chục cây số dường như không có lấy một đoạn bằng phẳng. Nó liên tục quanh co theo thế núi. Nhiều cung đường bám theo thăm thẳm bên cạnh vực sâu. Và trên đỉnh đèo là hai vỉa núi đá vôi sừng sững như ôm con đèo vào lòng. Đây chính là điểm thường dừng chân của du khách để nghỉ ngơi, có người bảo để lấy lại bình tĩnh vượt tiếp qua quãng đèo còn lại. Sự hiểm trở và độc đạo của Mã Phục gắn liền với một câu chuyện được truyền lại từ xa xưa. Người già ở đây vẫn thường giải thích về cái tên Mã Phục rằng: vào khoảng giữa thế kỷ XI, có một chàng trai Tày tên là Nùng Chí Cao, con một thủ lĩnh hùng mạnh trong vùng.
Nùng Chí Cao khỏe mạnh, thông minh và tài giỏi lắm. Một năm giặc phương Bắc đem quân sang xâm chiếm Đại Việt, Nùng Chí Cao đã đứng lên lãnh đạo nhân dân chống lại quân xâm lược. Bọn giặc bị quân của Nùng Chí Cao đánh cho tan tác phải chạy về bên kia biên giới. Khi đất nước đã yên bình, Nùng Chí Cao cưỡi ngựa trở về quê nhà. Đến con đường độc đạo và hiểm trở này, ngựa chiến của Nùng Chí Cao cũng không tài nào bước nổi và qụy xuống. Con đèo từ đó mang tên là Mã Phục. Đó là câu chuyện kể về sự tích con đèo gắn với chiến công của người anh hùng Nùng Chí Cao từ gần một ngàn năm trước. Còn trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đèo Mã Phục cũng là huyệt đạo mà bọn Pháp chiếm đóng để khống chế bộ đội ta di chuyển từ dưới xuôi lên Cao Bằng. Giặc Pháp dựng hai lô cốt bên hai sườn núi đá vôi trên đỉnh đèo, bố trí hàng trăm lính lê dương chốt chặn tại đây. Người dân kể rằng một lần bộ đội ta đi đến gần chốt của giặc, biết không thể chạy xe qua đó, các chiến sĩ phải tháo rời ô tô ra rồi nhờ dân gùi từng bộ phận luồn rừng tránh lô cốt giặc. Sang bên kia đèo lại lắp ráp lại để chạy tiếp.
Sau giải phóng, đèo Mã Phục được mở rộng và nâng cấp dễ đi hơn nhưng vẫn là cung đường cheo leo hiểm trở vào loại bậc nhất vùng biên cương này. Phải đến những năm 80 mới bắt đầu có dân đến định cư trên đèo. Cao Bằng được mệnh danh là thủ đô hạt dẻ. Nơi đây còn sở hữu loại thịt bò ngon nổi tiếng và nhiều sản vật hiếm quý khác. Tạo hóa cũng thật diệu kỳ khi mở ra trên đỉnh con đèo hiểm trở này một khoảng đất khá rộng, bằng phẳng. Và do nhu cầu của du khách và người dân sở tại một phiên chợ vùng cao độc đáo đã xuất hiện trên đỉnh đèo Mã Phục. Hiện mới chỉ có trên 20 hộ dân lên định cư trên đó, nhưng chợ họp 6 phiên một tháng đã thu hút khá đông khách. Du khách mọi miền đi qua Mã Phục vào chợ phiên đều dừng lại thưởng thức những món đặc sản của Cao bằng , đặc biệt du khách khó mà bỏ qua việc mua ít cân thịt bò hảo hạng của đất này về xuôi làm quà.
Cao Bằng nơi đầu nguồn cách mạng với bao chiến công còn ghi danh trên những di tích lừng danh như hang Pắc Pó, núi Các Mác, suối Lê Nin...Cao Bằng còn sở hữu những con đèo nổi tiếng hiểm trở và thơ mộng như đèo Khâu Liêu, đèo mã Phục. Trong tôi vẫn lưu nhớ những câu thơ nói về người thiếu nữ Tày tiễn người yêu ra trận những năm đất nước chìm trong bom đạn. Câu thơ thật gợi cảm, thật hào sảng thời chinh phu: “Tiễn anh ra Khâu Liêu/ Giữa một ngày đầy gió/ Hoa nhả ngải nở vàng/ Vườn chiều xôn xao nắng…”. Còn nhà thơ Tày, Y Phương thì tha thiết mời: “ Mời anh lên Cao bằng quê em/ Lên đèo Khâu Liêu qua đèo mã Phục/ Vượt qua rừng vầu, xuyên qua rừng trúc…” Và nhà thơ còn hé lộ khiến người ta ngẩn ngơ như chỉ muốn bay lên Cao Bằng trong “ Mùa hoa”: “ Mùa hoa. Mùa đàn bà. Mặt đỏ phừng. Thừa sức vác ông chồng lên núi…Mùa đàn ông. Mệt như chiếc áo rũ. Tựa vách xỏ quần…”.
Xứ Thục
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15