Phát huy hào khí tháng Mười - Cùng xây dựng Thủ đô giàu mạnh
Hào khí tháng Mười | |
Mơn man tháng Mười | |
Vẹn nguyên những bài học quý |
Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam:
Cùng tổ chức Công đoàn góp sức xây dựng Thủ đô giàu đẹp
Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam, thời gian qua, tôi đã cùng với Ban chấp hành Công đoàn công ty triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống, đảm bảo quyền lợi, giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài và đóng góp trí lực cho sự phát triển của công ty. Ví như, Ban chấp hành Công đoàn đã tham vấn kịp thời cho Ban lãnh đạo công ty những tồn tại cần khắc phục như: Môi trường làm việc tại nhà xưởng chưa được thân thiện, thực đơn bữa ăn chưa được phong phú… Nhờ đó, Ban lãnh đạo công ty đã kịp thời rà soát và cải thiện các vấn đề về môi trường làm việc, chất lượng bữa ăn ca cũng được nâng cao.
Đặc biệt, để công ty có những bước phát triển và đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh phải kể đến nhiều sáng kiến sáng tạo của người lao động thông qua các phong trào thi đua do Công đoàn phát động. Với cách làm sáng tạo từ việc phát động ý tưởng cải tiến của Ban chấp hành Công đoàn, từ năm 2016 đến nay đã có 2011 phiếu đề án cải tiến, 651 ý tưởng cải tiến đã được thực hiện thành công. Qua đó, góp phần tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng sản lượng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh vị trí số 1 trên thị trường cung cấp linh kiện máy in.
Để tiếp tục góp sức vào sự phát triển của doanh nghiệp và xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, cán bộ Công đoàn chúng tôi sẽ luôn gương mẫu và đi đầu trong các phong trào của công ty và tổ chức Công đoàn; luôn đi sâu, đi sát, kịp thời động viên, hỗ trợ người lao động để họ yên tâm làm việc và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn. Đặc biệt, chúng tôi cũng nỗ lực rèn luyện về chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ và tâm huyết đối với sự nghiệp của tổ chức Công đoàn.
TS.BS Nguyễn Đức Phúc - Phó Phụ trách Khoa Bộ phận điều trị ung thư phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội:
Đảm bảo sức khỏe để xây dựng Thủ đô
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”. Quả thực, trong bất cứ giai đoạn nào, cả thời chiến hay thời bình xây dựng, kiến thiết đất nước người dân đều cần có sức khỏe.
Đứng trên góc độ là cán bộ y tế, những bác sĩ như chúng tôi luôn tự nhủ phải làm tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là những đóng góp ý nghĩa và thiết thực nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh và văn minh. Đặc biệt, tôi luôn quan niệm phải gần gũi với bệnh nhân, chia sẻ nỗi đau mà người bệnh đang phải chịu đựng như chính nỗi đau của mình.
Thời gian qua những bác sĩ chuyên ngành ung thư như tôi vẫn luôn trăn trở để triển khai thực hiện các chương trình sàng lọc, phát hiện sớm bệnh nhằm giảm số lượng bệnh nhân ung thư xuống thấp nhất. Bởi lẽ hiện nay, số lượng người dân mắc và tử vong vì căn bệnh này ngày càng gia tăng ở mức báo động.
Đặc biệt là ung thư vú và ung thư cổ tử cung – hai bệnh ung thư gây tử vong cao nhất đối với phụ nữ. Đơn cử, đối với ung thư cổ tử cung, theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm tại Việt Nam, có tới 5.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, hơn 2000 trường hợp tử vong. Đồng nghĩa với đó 1 ngày ở Việt Nam có khoảng 14 ca mắc bệnh mới, trong đó có tất cả 7 ca tử vong. Bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa do quan hệ tình dục sớm, quan hệ không an toàn hoặc tình trạng nạo phá thai nhiều lần ở giới trẻ… Đáng lo ngại, đa số bệnh nhân tử vong do ung thư cổ tử cung thường ghi nhận ở độ tuổi thành đạt (35- 55 tuổi), nên gây nhiều mất mát cho gia đình và xã hội.
Hiện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang cố gắng thực hiện triển khai các chương trình tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung. Và Bệnh viện cũng đang dựa trên nhiều kênh như: Kênh thông tin trực tiếp người bệnh chia sẻ; kênh thông tin qua báo, đài, truyền hình… để quảng bá, tuyên truyền nhằm giúp chị em phụ nữ nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng trong độ tuổi tầm soát bệnh lý (21 – 65 tuổi) biết được chương trình này. Bởi lẽ, khi biết thông tin thì mới có thể hy vọng chị em đến khám, sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả.
Trong khi, bệnh ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phát hiện và điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Hiệu quả điều trị thành công ở giai đoạn 1 của ung thư cổ tử cung có thể lên tới 90%. Ngoài ra việc phát hiện sớm, còn giúp bệnh nhân ung thư cổ tử cung ít phải chịu những liệu trình điều trị phức tạp. Tất cả các biện pháp điều trị ung thư đều là những can thiệp hết sức nặng nề. Không những vậy, việc phát hiện ung thư giai đoạn muộn khiến việc điều trị trở lên khó khăn và tốn kém. Bởi vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư, nhất là ung thư cổ tử cung là vô cùng quan trọng.
Trên cương vị là bác sĩ, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có sức khỏe tốt đồng nghĩa sẽ góp phần vào công việc chung xây dựng và bảo vệ Thủ đô.
Thầy giáo Nguyễn Văn Khoa -Trường THPT Ban Mai, quận Hà Đông:
Bảo tồn những giá trị văn hóa của Thủ đô
Có thể nói, để hòa nhập được với xu hướng toàn cầu, giáo dục trong nhà trường phải hướng đến đào tạo con người toàn diện. Chính vì vậy mà mỗi môn học đều có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Người dạy không chỉ hướng người học đến kiến thức môn học của mình mà còn phải tích hợp với nhiều môn học khác để giúp học sinh giải quyết những tình huống khi cần thiết. Đối với bộ môn Ngữ văn lại có đặc thù riêng. Ngoài việc dạy chữ còn hướng tới hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức cho người học vì “văn học là nhân học”.
Như vậy, học văn không chỉ học những kiến thức có trong sách vở mà còn học để làm người. Là một giáo viên dạy Ngữ văn của Thủ đô, tôi rất trăn trở về điều này. Bởi lẽ, theo sự phát triển của xã hội, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 đã phần nào làm cho giới trẻ đang thờ ơ với những giá trị nhân văn đặt ra trong tác phẩm, trong giờ học. Một trong những trăn trở ấy chính là làm sao để gắn giờ dạy văn với việc phát huy hào khí của nghàn năm văn hiến, đặc biệt là qua giờ dạy văn có thể góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội.
Đứng trước thực trạng đó, bản thân tôi nói riêng và các thầy cô trong Tổ Xã hội Trung học phổ thông của Trường Trung học phổ thông Ban Mai nói chung luôn tìm cách để giáo dục học sinh có ý thức hơn với trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát triển những giá trị ấy. Để làm được điều đó ngay từ đầu năm học, tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn đã trao đổi để xây dựng các chuyên đề, chủ đề dạy học có tích hợp liên môn. Điều này đã nhận được sự ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối từ Ban lãnh đạo, Ban Giám hiệu nhà trường.
Với 4 chuyên đề dạy học trong năm, chúng tôi dành riêng một chuyên đề Văn thuyết minh của lớp 10 để cho học sinh tìm hiểu về những giá trị văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Đó là những dự án thuyết minh về làng lụa Hà Đông, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, cầu Long Biên, áo dài Việt Nam qua các thời kì…. Để hoàn thành được những dự án này, học sinh đã phải đi đến tận nơi để tìm hiểu và lấy tư liệu. Qua quá trình trải nghiệm đó, các em không chỉ hiểu được cách viết một bài văn thuyết minh mà còn hiểu sâu sắc hơn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Thủ đô Hà Nội. Từ đó có sự trân quý và ý thức giữ gìn những giá trị ấy.
Như vậy, việc dạy và học văn trong Trường Trung học phổ thông Ban Mai không còn bó hẹp trong khuôn khổ lớp học với phấn trắng, bảng đen. Học sinh không chỉ được tìm hiểu kiến thức mà còn còn được tham gia vào quá trình chiếm lĩnh, tiếp thu và lĩnh hội. Đặc biệt với những dự án như trên, giáo viên và học sinh Trường Trung học phổ thông Ban Mai tự hào đang góp một phần nhỏ bé của mình trong việc lan tỏa hào khí và giữ gìn những giá trị văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Bùi Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Điện toán và Truyền thông Quốc gia:
Mong Thành phố tiếp tục quan tâm đến doanh nghiệp dân doanh
Sau 65 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội 10/10/1954 – 10/10/2019, trái tim của cả nước đã có nhiều khởi sắc bởi sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Trong đó, chính quyền Thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện khuyến khích, để tất cả các thành phần kinh tế đều có cơ hội như nhau, không kể đó là kinh tế tư nhân hay kinh tế nhà nước.
Là một trong những doanh nghiệp còn non trẻ trong lĩnh vực công nghệ, nhưng trong những năm qua, Công ty Cổ phần công nghệ Điện toán và Truyền thông Quốc gia đã có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của Thủ đô, cũng như sự phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Nắm bắt được những lợi thế, cũng như bằng thực lực của mình, Công ty Cổ phần Công nghệ Điện toán và Truyền thông Quốc gia đã thành công và phát triển như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, sự thành công của doanh nghiệp là nhờ biết cách thu hút khách hàng đến với doanh nghiệp bằng giá cả, giữ khách hàng bằng chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững nhờ uy tín của thương hiệu.
Trong bối cảnh kinh tế đang trong giai đoạn hội nhập, doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Hà Nội nói riêng vấp phải sự cạnh tranh khá mạnh mẽ từ các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, trong sự cạnh tranh đó cũng có không ít cơ hội để doanh nghiệp có thể vươn lên và khẳng định mình. Nhưng cái khó vẫn là việc doanh nghiệp phải tạo được sự cạnh tranh thông qua chất lượng, uy tín, giá cả phù hợp, đổi mới công nghệ, mẫu mã…
Trước những khó khăn đó, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành của Thành phố Hà Nội trong việc tạo ra các chương trình hợp tác, kết nối giao thương để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển. Nắm bắt những cơ hội đó, bằng tâm huyết của mình chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến để sử dụng công nghệ hiện đại, giúp tránh sự hao hụt, lãng phí nguyên liệu trong quá trình sản xuất. Đồng thời, sử dụng các dược liệu trong nước, nhân công trong nước để hạ giá thành sản phẩm mà lại tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Nhờ đó, hiện nay sản phẩm của doanh nghiệp đã thu hút được khách hàng. Có thể nói, sau 7 năm đi vào hoạt động, Công ty đã có mức tăng trưởng vượt trội, thương hiệu được khẳng định và đứng vững trên thị trường, góp phần vào việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho lao động và góp phần vào sự phát triển khởi sắc của nền kinh tế của Thủ đô. Hy vọng trong tương lai không xa, với chính sách khuyến khích doanh nghiệp của nhà nước như hiện nay, sẽ còn có nhiều doanh nghiệp tư nhân nắm bắt được cơ hội phát triển, qua đó tạo nên bức tranh kinh tế mới, thắp sáng Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Mai Thị Hạnh - Cán bộ bộ phận một cửa phường Văn Quán (Hà Đông):
Làm tốt chức năng “công bộc” là góp phần xây dựng nền hành chính vì dân
Thế hệ chúng tôi được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay, thật sự xúc động và vô cùng tự hào khi nghiên cứu, tìm hiểu về những chiến công oanh liệt của thế hệ cha anh trong những năm tháng hào hùng đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng Thủ đô. Chúng tôi hiểu rằng để có cuộc sống tươi đẹp hôm nay, các thế hệ đi trước phải trải qua bao mất mát, hy sinh, đã đấu tranh anh dũng, bất khuất để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Bản thân tôi đã nhiều năm công tác tại bộ phận một cửa phường Văn Quán, luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp và người dân đánh giá là cán bộ yêu nghề, trách nhiệm, tận tình với công dân. Với nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, thường xuyên tiếp xúc với người dân, công việc của tôi chẳng khác gì “làm dâu trăm họ”.
Do vậy, tôi luôn cố gắng xử lý công việc nhanh nhất, thuận tiện nhất trong điều kiện có thể. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của người khác khi giải quyết công việc. Coi công việc của người dân như chính công việc của mình để hạn chế những bức xúc. Dù làm nhân viên bộ phận công tác hộ tịch, tư pháp, đến văn phòng tiếp công dân, hay bộ phận một cửa hiện nay, tôi đều rất thích và không cảm thấy vất vả.
Tôi vô cùng xúc động và tự hào mỗi lần đọc cuốn sổ “Góp ý” đặt tại bộ phận một cửa phường. Nhiều người dân khi đến làm thủ tục hành chính tại đây đã ghi một vài ý trong cuốn sổ “Góp ý”. Khi tiếp các công dân lớn tuổi tới làm hồ sơ, tôi thường rời vị trí đến bên các bác hướng dẫn, trao đổi và giúp hoàn thành thủ tục cần làm. Tôi nghĩ, để làm tốt công việc, ngoài việc hiểu các quy định về pháp luật của từng thủ tục hành chính, người cán bộ cần phải hiểu và đồng cảm với công dân. Nhiều trường hợp người dân bức xúc khi mới đến, cán bộ tiếp dân cần lắng nghe họ trình bày với thái độ nhẹ nhàng, nhiệt tình, để giúp họ tháo gỡ dần những vướng mắc.
Ngoài ra, tôi còn có nhiều sáng kiến trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, như: Nghiên cứu làm tờ rơi với những hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện trong đăng ký dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục khai sinh, khai tử, kết hôn, cấp giấy xác nhận hôn nhân, trích lục hộ tịch. Tham mưu để Ủy ban nhân dân phường ra quyết định thành lập tổ tình nguyện phục vụ hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại nhà.
Nhờ đó, tỷ lệ công dân của phường đăng ký nộp hồ sơ tại nhà luôn đạt hơn 80%, có thủ tục đạt 95%. Những thành tích tuy còn khiêm tốn nhưng tôi cũng thấy tự hào khi mình được đóng góp một phần nhỏ xây dựng và phát triển Thủ đô.
Nhóm PV (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề
70 năm ngày Giải phóng Thủ đôCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13
Mùa thu và ngày Giải phóng Thủ Đô
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 05:45
Trách nhiệm với quê hương, đất nước
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 16:24
Đồng chí Phạm Quang Nghị được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 10:21
Lắng đọng Chương trình: "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên"
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 15:35
Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 14:03