NSƯT Kim Cúc: Vẹn nguyên ký ức khi đọc bản tin chiến thắng 30/4 lịch sử
Gặp pháo thủ số 1 xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập | |
Ký ức của người lính xe tăng: Trận đánh trong ngày giải phóng đất nước |
Hạnh phúc khi là “người được lựa chọn”
Dường như đã quen thuộc với những tiếng gõ cửa từ các phóng viên vào thời điểm chuẩn bị kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, nên NSƯT Kim Cúc không ngạc nhiên khi thấy chúng tôi xuất hiện trước cửa nhà vì chưa báo trước. Nghe giọng bà (hiện nay NSƯT Kim Cúc đã ngoài 70 tuổi) chúng tôi lại nhớ đến những ký ức ngày xưa, mỗi lần lặng im bên chiếc đài bé xíu, lắng nghe giọng đọc của bà qua chuyên mục Đọc truyện đêm khuya trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
NSƯT Kim Cúc và phóng viên Anh Trang (bìa phải) hồi trẻ |
Nhắc đến thời khắc lịch sử của Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, đôi mắt NSƯT Kim Cúc ngấn lệ bởi theo bà, mỗi dịp kỷ niệm là một lần trái tim bà xốn xang với những ký ức cứ tự nhiên ùa về. Và rồi, những hình ảnh về năm tháng lịch sử ấy dần được hiện lên như thước phim quay chậm qua lời kể của người có giọng đọc “vàng”, vẫn nồng ấm, dữ dội, vẫn vẹn nguyên dù thời khắc lịch sử đã đi qua hơn 40 năm.
“Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”, giọng bà rung lên khi đọc lại từng từ, từng chữ của bản tin chiến thắng lịch sử khiến thế hệ sau như chúng tôi không khỏi rưng rưng niềm xúc động.
NSƯT Kim Cúc luôn xúc động khi nhắc lại thời khắc đọc bản tin chiến thắng lịch sử. |
Với NSƯT Kim Cúc, bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975 dường như là một điều đặc biệt như bà tâm sự: “Mình không chọn đọc bản tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhưng lịch sử đã chọn mình để nhận nhiệm vụ đọc tin chiến thắng trong giây phút tự hào ấy”.
Chia sẻ về sứ mệnh được lịch sử lựa chọn để đọc bản tin chiến thắng vào trưa ngày 30/4/1975, NSƯT Kim Cúc cho biết, hầu hết mọi người không ai biết rằng bản tin chiến thắng đầu tiên được phát từ lúc 11h45 phút, chỉ sau 15 phút quân ta cắm cờ chiến thắng trên Dinh Độc Lập. Bởi ai cũng cho rằng, bản tin chiến thắng đầu tiên được phát vào bản tin đặc biệt lúc 18 giờ và được phát đi phát lại sau đó nhiều lần.
NSƯT Kim Cúc kể: “Hôm ấy, vào đúng ca trực nhận tin của phóng viên Anh Trang. Cô Trang nhận được tin từ Bộ Tổng tham mưu báo có tin chiến thắng, đề nghị sang nhận ngay, lại được nhắc nhở tin đặc biệt quan trọng. Bình thường các phóng viên sẽ đạp xe sang Lý Nam Đế nhận tin nhưng hôm ấy cô Trang được điều động ô tô.
Vừa đến đầu đường Lý Nam Đế không hiểu vì lý do gì, xe phanh gấp, cô Trang bị đập đầu vào xe, chảy máu đầu. Dù đau nhưng cô Trang vẫn nén đau, ôm đầu chạy đến Bộ Tổng tham mưu nhận tin. Khi về, một tay cô cầm tờ tin chiến thắng, một tay ôm đầu, chạy đến gần cầu thang của Đài Tiếng nói Việt Nam thì cô gục xuống ngất xỉu vì máu chảy nhiều quá”.
Nhận bản tin từ tay phóng viên Anh Trang, phát thanh viên Kim Cúc khi ấy xuống ngay hầm phát trực tiếp, đọc thẳng tin chiến thắng. Bà cho biết, đến tận khi cầm tờ bản tin trên tay bà mới biết đó là tin giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hôm ấy, cùng ca trực với bà còn có phát tranh viên Kim Túy, người miền Nam. Hai người cùng hồi hộp khi ngồi xuống chiếc ghế đọc, phát trực tiếp lên sóng phát thanh, trước mặt là dòng chữ “hàng triệu người đang nghe ta” thì chỉ biết động viên nhau kìm nén cảm xúc.
Không chỉ là “người được lịch sử lựa chọn” để đọc bản tin chiến thắng trong ngày giải phóng 30/4/1975, mà trước đó, trong suốt những ngày tháng cao điểm của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các bản tin chiến thắng được phát đi liên tục qua giọng đọc của bà đã trở thành những ký ức không thể nào quên.
Bà kể, mỗi khi có tin bắn rơi máy bay hoặc bắt được một tên địch, Bộ Tổng tham mưu lại thông báo cho các phóng viên đến nhận tin, chuyển đến đài và đọc luôn. Những bản tin ngắn “Xin mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi vừa mới nhận được…” được phát liên tục vào mỗi đầu giờ.
Mỗi bản tin được phát đi tuy chỉ chưa đầy 30 giây, nhưng chứa đựng trong đó là biết bao mong mỏi của hàng triệu con tim Việt Nam đang cùng một ý chí hướng về miền Nam ruột thịt. Và rồi sứ mệnh lịch sử đã chọn bà, đó không chỉ là niềm hạnh phúc, tự hào mà với bà cũng như hàng triệu trái tim được nghe tin chiến thắng qua giọng đọc của bà thời điểm đó và bây giờ cũng sẽ mãi không thể nào quên…
Những bản tin “bắn thẳng vào trái tim”
Xúc động nhớ lại thời khắc lịch sử trước khi chuẩn bị đọc bản tin trong chiến thắng trong ngày 30/4/1975, NSƯT Kim Cúc kể, khi đó chúng tôi phải phân công nhau xem ai đọc trước, ai đọc sau nhưng tôi nghĩ, vì là tin chiến thắng miền Nam nên để chị Kim Túy đọc cho đồng bào miền Nam nghe trước.
Khi đó, hai chị em ngồi cạnh nhau, nắm tay nhau để cùng giữ bình tĩnh và cũng là cách để nhắc nhở nhau, mọi cảm xúc, tình cảm đều phải kìm nén để cảm xúc không được dâng lên, có thể ảnh hưởng đến dây thanh đới, tin chiến thắng sẽ không được đọc trọn vẹn. Và điều quan trọng nhất, phải đọc để truyền tải được sự hào hùng của chiến thắng, sự hào sảng và tâm thế của người chiến thắng.
“Chị Kim Túy đứng trước micro, bắt đầu cất giọng đọc. Giọng chị thật truyền cảm. Vừa đọc, chị vừa nắm chặt tay tôi không rời. Chưa bao giờ tôi thấy chị đọc truyền cảm đến thế, điều đó xóa tan nỗi lo âu của tôi là chị đang xúc động nên có thể đọc không rõ lời. Khi vừa dứt bản tin, chị chuyển ngay sang để tôi đọc lần thứ hai. Khi đó tôi cũng phải nắm tay chị Túy để giữ bình tĩnh khi đọc”, NSƯT nhớ lại.
Thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 đã đi qua hơn 40 năm, thế nhưng, mỗi lần được nghe lại bản tin chiến thắng qua giọng đọc của NSƯT Kim Cúc: Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập… vẫn khiến cho chúng tôi, thế hệ sinh sau ngày giải phóng miền Nam phải gai người vì xúc động và dâng trào cảm xúc.
Đâu đó qua bản tin chiến thắng, chúng tôi hình dung ra được niềm vui vô bờ của hàng vạn con người Việt Nam trong thời khắc ấy. Những mũ, những áo được tung lên, những cái ôm hôn chào đón chiến thắng cứ dần hiện lên qua từng chữ được đọc bằng tất cả bản lĩnh nghề nghiệp và trái tim nóng ấm của bà.
NSƯT Kim Cúc chia sẻ, bà đã đọc rất nhiều bản tin. Ngoài bản tin chiến thắng lịch sử đến bây giờ vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua, bà cũng rất ấn tượng với những bản tin đọc cho ngụy quyền Sài Gòn. Để có thể đọc chạm đến tâm can, tình cảm của “những người bên kia”, bà đã phải nhiều lần tiếp xúc với tù nhân Mỹ để tìm hiểu và để hiểu họ hơn.
Bởi mục đích tối thượng là truyền tải thông tin và cảm xúc vào những bản tin của mình, để những bản tin ấy “bắn thẳng vào trái tim” những người lính bên kia. Bà còn nhớ hình ảnh những người lính cầm dao còn lúng túng, chứng tỏ họ là những công tử được chiều chuộng nhưng vì số phận, họ buộc phải cầm súng…
Chính từ những quan sát và suy nghĩ này, mỗi khi đọc bản tin cho ngụy quyền, từng lời bà vang lên như thủ thỉ, tâm tình, khuyên nhủ… Nhiều “người lính bên kia” đã từng nói với bà rằng, mỗi khi nghe những gì bà đọc qua đài tiếng nói, họ đều muốn buông súng quay về.
Mặc dù chỉ tiếp xúc với NSƯT Kim Cúc trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng trong cảm nhận của chúng tôi, giọng nói của bà là những say sưa, cuốn hút với bản tin chiến thắng đặc biệt ngày 30/4/1975, là những rưng rưng còn đọng lại khi kể về bản tin cho “những người lính bên kia” mà bà đã được chọn để nhận “sứ mệnh lịch sử”... và rồi tất cả những kỷ niệm đó đều là những ký ức tự hào không thể quên.
Tuấn Minh – Bảo Nhi
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40