Nhiều “ông lớn” bỗng dưng thích nông nghiệp
Những chuyển hướng
Mới đây, chính quyền tỉnh Quảng Ninh xác nhận thông tin việc Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng có đề xuất với tỉnh được tham gia vào các dự án nông nghiệp. Theo đó ba mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Vingroup là sản xuất các sản phẩm rau, quả sạch; áp dụng công nghệ cao trên các cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí sản xuất và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao.
Trong cuộc gặp mặt với báo chí trước Tết Ất Mùi, ông Vượng đã chia sẻ về sự khởi nguồn để thực thi kế hoạch làm nông nghiệp của mình. Ông cho biết, qua cuộc gặp với chuyên gia nông nghiệp của Israel trước tết, ông đã phải giật mình trước thành quả của nước họ khi áp dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ví dụ như cà chua, ở nước ta bình thường chỉ đạt 30 tấn/ha, nếu được mùa cũng chỉ 50-60 tấn/ha, còn ở Israel bình thường là 300 tấn/ha, nếu được mùa có thể lên đến 700 tấn/ha, mà toàn là cà chua sạch, trăm quả như một. Từ đây, người sáng lập tập đoàn Vingroup đã yêu cầu các đồng sự triển khai kế hoạch. Vingroup đã gom được vài chục héc-ta đất nông nghiệp để thực hiện kế hoạch này. Dự kiến, Vingroup sẽ đầu tư những trang trại trồng rau, củ, quả sạch với công nghệ của Israel. Các khu đất nông nghiệp đó sẽ được áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất cùng sự giúp đỡ từ những chuyên gia giỏi nhất.
Tập đoàn Hòa Phát, một ông lớn khác trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép, bất động sản, mới đây cũng đã công khai hướng đầu tư mới. Theo đó nông nghiệp sẽ được tập đoàn ưu tiên nguồn lực nhân sự lẫn tài chính. Trước mắt, Hòa Phát group sẽ bỏ ra 300 tỷ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn năm, dự kiến sẽ cho ra thị trường lô hàng thương mại đầu tiên vào tháng 6/2015. Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với doanh số 6 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2014, cả nước sản xuất được 14,7 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp và dự kiến tăng lên 15,6 triệu tấn trong năm nay. Tuy nhiên, con số này chưa đáp ứng được đủ nhu cầu thị trường bởi chiến lược phát triển ngành chăn nuôi cho hay đến năm 2015, Việt Nam cần 18- 20 triệu tấn thức ăn công nghiệp và tăng lên 25-26 triệu tấn vào năm 2020. Để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, những năm qua Việt Nam đã phải chi hàng tỷ đôla Mỹ để nhập khẩu thức ăn gia súc, năm 2014 lên tới 3,3 tỷ đôla.
Tuy nhiên, thị phần “chiếc bánh chưa đông người chia” này lại lọt vào tay của các doanh nghiệp ngoại. Báo cáo từ Hiệp hội Chăn nuôi cho thấy, các doanh nghiệp liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra, còn các doanh nghiệp trong nước dù đông quân số nhưng chỉ chiếm 40% thị phần. Dù dũng cảm đưa ra sách lược mới trong kinh doanh, nhưng theo ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát group vẫn thận trọng khi nhìn nhận rằng, áp lực cạnh tranh trong ngành thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi rất lớn, thậm chí lớn hơn ngành thép nhưng tập đoàn quyết tâm vượt qua các khó khăn, trở ngại để thành công.
Nói đến đầu tư nông nghiệp, không thể không nhắc đến ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL group). Khối tài sản của ông Đức thuộc top đầu trên sàn chứng khoán và ông đến với nông nghiệp cũng đã bảy năm.
Năm 2008, nhận thấy lĩnh vực bất động sản tuy có khả năng mang lại lợi nhuận đột biến nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và mang tính chu kỳ, Ba Đức đã đưa ra quyết sách tìm sang Lào, Campuchia tìm đất trồng cao su, sau đó là mía, cọ dầu và ngô. Với phương châm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để phân tán rủi ro, “lấy ngắn nuôi dài” từ những cây trồng ngắn ngày, đến giữa năm 2014, HAGL group có khoảng 44.500 hécta cao su, 8000 héc-ta mía đường, cọ dầu đã trồng được 17.300 héc-ta và bắp có khoảng 5.000 héc-ta.
Biết tận dụng các cây trồng làm thức ăn gia sức, năm vừa qua, ông Đức lại bắt tay vào kế hoạch phát triển đàn bò 100.000 con. "Nhiều cổ đông tâm sự với tôi rằng các dự án phát triển rất thuận lợi nhưng chờ lợi nhuận quá lâu, sốt ruột vô cùng. Vì vậy, tôi phải nghĩ đến cây bắp, con bò để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư", Ba Đức bộc bạch. Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2014, ông Đức cho biết, HAGL group đã đầu tư 18.000 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được thành công. Riêng năm 2014, doanh thu từ bán mủ cao su, bán đường của tập đoàn đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và chiếm hơn 40% tổng doanh thu.
Hỗ trợ từ chính sách
Với đề án của Vingroup, phía Bộ NN&PTNT cũng như UBND tỉnh đều đồng tình ủng hộ và cho biết sẽ tạo điều kiện đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nhận định, sản phẩm nông nghiệp luôn có đầu ra, bởi khách hàng tiềm năng là 1,2 triệu dân trên địa bàn và hơn 7 triệu du khách mỗi năm, hàng chục nghìn công nhân tại các khu công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá, trong tương lai gần, lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sẽ phát triển ở Quảng Ninh. Bộ trưởng khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các khu nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ninh nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung, tạo động lực cho sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp.
Hiện Chính phủ đã có Nghị định 210 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ban hành từ năm 2013 và Bộ Tài chính cũng vừa có thông tư hướng dẫn thanh toán, quyết toán các khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ có hiệu lực từ 27/4/2015. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng việc triển khai các văn bản này phải thực hiện nhanh chóng và mỗi tỉnh cần có chính sách đặc thù để áp dụng vào thực tế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và liên kết với nông dân.
Tháng 2 vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng cho ra mắt “Nhóm công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”. Tại phía Nam có 15 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này tham gia. Đây cũng là động thái cho thấy Chính phủ đã sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư nông nghiệp. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: "Yếu kém của ngành nông nghiệp là do sản xuất chưa gắn với chế biến, thị trường.
Đầu vào của nông nghiệp chưa tự chủ được mà phải phụ thuộc vào nước ngoài. Hiện tại chưa tới 10% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, số doanh nghiệp đầu tư vào thương mại nông nghiệp chỉ có 3-4%. Bộ nhờ các doanh nghiệp góp ý để có thể thu hút đầu vào nông nghiệp. Chúng tôi sẽ chọn một số lĩnh vực ưu tiên để đột phá".
Hữu Vinh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Tài chính 23/12/2024 11:37
Dự báo giá vàng: Xu hướng tăng vẫn chi phối
Tài chính 23/12/2024 06:10
Hôm nay (22/12): Giá vàng nhẫn tăng nhẹ
Tài chính 22/12/2024 06:02
6,8 triệu cổ phiếu BMK chào sàn UPCoM ngày 26/12
Tài chính 21/12/2024 22:33
Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm
Tài chính 21/12/2024 22:32
Prudential và HSBC hợp tác lấy trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm
Tài chính 21/12/2024 17:35
Cơ hội đầu tư nào sẽ khởi sắc trong năm 2025?
Tài chính 19/12/2024 16:33
Tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng
Tài chính 19/12/2024 11:42
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Cầu nối đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của thị trường bảo hiểm
Tài chính 19/12/2024 09:36
100% Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thành lập Ban chỉ đạo Tổng kiểm kê tài sản công
Tài chính 19/12/2024 08:55