Ngày xưa chẳng về
Nhất quỷ nhì ma | |
Nếu anh về thành phố | |
Chia tay như cơm bữa, sao không bỏ được nhau? |
Quyết của năm mười chín tuổi thực sự là một gã điên. Gã điên đứng trên sân khấu và hát. Cả đám đông ở bên dưới nhốn nháo. Bài hát cậu ấy thể hiện là một ca khúc tiếng Anh có tên là Forever and one. Thật kì lạ, cậu ta có thể lên tông ở khúc cao trào của bài hát vốn dĩ cao vút này. Điệu bộ của cậu ta lúc đó thật ngông nghênh còn trái tim của đám học sinh bên dưới thì như thế vụn ra.
Những thứ đập mạnh vào cảm xúc luôn dễ dàng có thể khiến con tim người ta tan chảy (đôi khi là tan vỡ) luôn được. Để rồi ấn tượng về va đập ấy lại khắc trong trí nhớ thật sâu, mãi không thể quên!
Hôm gặp lại, Quyết có nói với tôi rằng dạo này cậu sống hòa hợp với mọi người hơn nhiều rồi. Cậu sợ cô đơn, cũng vì lẽ đó mà đôi khi cậu hùa theo cả những thứ mà bản thân không thích.
Tôi đề nghị Quyết hát lại cho tôi nghe ca khúc Forever and one. Giọng hát tuyệt nhiên không còn cao vút và ma mị như trước nữa. Nỗi buồn chót vót trong từng câu hát cũng không hề còn. Tôi cảm nhận được những thay đổi trong cậu nhưng hoàn toàn không thể giải thích cụ thể được: những thay đổi đó là như thế nào?
Từ một kẻ lập dị, một kẻ khùng trở thành một người có ích? Hay từ một cậu bé sống có chiều sâu trở thành một thanh niên tập lớn, loanh quanh giữa nếp ngày nhàn nhạt?
Ảnh minh họa: Kiều Hạnh |
Tôi từng ngưỡng mộ trước những gì nằm trong trí óc của Quyết. Nó vừa trong veo, lại vừa đầy nhiệt huyết và hồ hởi. Đúng giống với những phẩm chất của những con người có đầy đủ bỡ ngỡ và khát vọng.
“Có điều này tớ chỉ nói với cậu thôi. Tớ cảm thấy buồn! Bài Hồ trên núi đã thắng.”
Quyết ghé sát tai tôi, giữa đám đông. Với Quyết, nỗi buồn không phải là thứ để đem ra cho nhiều người xem. Tôi tin là Quyết không hối tiếc, cậu sẽ không dằn vặt với bản thân rằng lẽ ra mình phải chọn một bài đủ chín chắn để có thể chạm vào cảm xúc của những bậc giám khảo đứng tuổi bên dưới.
“Một cậu học sinh thì trái tim càng phải nhiều nhiệt huyết. Phải học để biết da diết và phải biết hát những khúc ca có chứa những âm điệu của chính bản thân mình. Tớ sẽ không bao giờ thành tâm hát một bài ca xa lạ. Tớ sẽ hát bài ca ấy, nhưng là vào một thời điểm khác.”
Quyết hào hứng nói. Những ý nghĩ ấy làm tôi thương Quyết vô cùng.
Tôi thấy tiếc cho những tháng năm học sinh của nhiều người. Họ thức dậy vào mỗi buổi sáng, nhét những cuốn sách vào cặp rồi đến trường. Họ áp lực và sợ hãi trước những bài kiểm tra. Điều ấy khiến họ phải quay bài. Con người phải phấn đấu vì cái đẹp! Với học sinh, điểm cao có tên gọi khác là “điểm đẹp”. Cứ cái gì đẹp thì ta tuyệt nhiên nên dùng mọi cách để mà phấn đấu.
“Với học sinh thì việc học luôn là nhất!”
Phụ huynh và thầy cô giáo nói thế.
Họ cứ thế hát những bài hát cũ. Quyết thì chọn những bài cảm động được trái tim cậu. Với tất cả những bài như thế, cậu đều biết cách để cuốn người nghe vào.
“Khi cùng chung một khoảng sân, ta vẫn nên học cách coi trọng một người vì những nét riêng. Có người đáng nể sự nhanh nhạy trước những bài hóa thì phải có những người biết viết văn bằng tất cả cảm giác. Ngoài ra, thi thoảng còn có những kẻ mà ta cần phải nể vì tài đá cầu của họ.”
Tôi ngờ rằng, chính những kẻ như Quyết mới là những người biết lễ phép bậc nhất. Thứ lễ phép chẳng cất lên thành lời mà thấm vào cách nghĩ, tự nhiên như hơi thở.
“Càng nói nhiều về sự tử tế, con người ta sẽ càng giỏi bới móc!” - Quyết bảo.
“Càng mong đợi nhiều, con tim người ta càng dễ vỡ ra vì cảm giác mất mát.” tôi thêm.
2.
Những năm còn là học sinh, Quyết có yêu một người con gái tên là Nụ. Nụ dưới Quyết ba khóa. Những thằng con trai trong lớp luôn nhắc đến Nụ như là một “hot girl” của trường.
“Con đấy lăng nhăng lắm!”
Một thằng có giọng nói chua nhất nhận định.
Quyết bắt đầu quan tâm về Nụ, kiểu quan tâm kì lạ của những chàng trai mới lớn vừa giống như tò mò, vừa có chút niềm thương ở lưng chừng ngộ nhận. Quyết nghe lũ bạn kể về việc Nụ với bạn trai hôn nhau ở dưới chân cầu thang. Quyết nghĩ về chiếc hôn đó.
“A lô, anh muốn làm quen với em. Không biết như thế có được không. Anh có thể hát cho em nghe, ngay bây giờ.”
Đó là câu đầu tiên Quyết nói sau khi Nụ bắt máy, trong cuộc gọi đầu tiên của hai người. Chẳng hiểu sao Nụ lại đáp “dạ” trước câu làm quen như xối nước vào mặt của Quyết. Hay là vì lúc ấy tim Nụ cũng bỡ ngỡ? Có lẽ thế, Nụ giải thích rằng tâm trạng cô ấy không tốt. Cô ấy không chấp nhận được sự thiếu tôn trọng của một kẻ được gọi là người yêu.
“Em không ổn hả.”
“Gần như thế. Hình như hôm nọ em có thấy anh hát ở hội thi của trường. Em thấy lẽ ra anh phải đi thi Việt Nam Idol mới phải.”
“Anh không nghĩ đến, nhưng anh có thể hát cho em những bài mà em thích.”
Quyết nói thế và làm như thế thật. Bất kì một bài hát nào dù cũ dù mới, nếu Nụ thích Quyết cũng sẽ học thuộc nhạc để hát cho cô gái ấy nghe.
Tôi thích thứ tình cảm mà Quyết dành cho Nụ. Hai người họ chẳng cầm tay nhau lấy nổi một lần. Họ chưa bao giờ cùng nhau đi dưới ánh mắt trời. Tất cả chỉ là những cuộc gọi điện dài. Những lần nhìn thấy từ xa rồi đêm về nhắc nhớ. Ở độ tuổi này thì “một tình cảm đặc biệt” không nhất thiết phải là yêu. Giống như việc Quyết bị cuốn vào dòng suy nghĩ về Nụ bởi câu chuyện về cái hôn dưới chân cầu thang. Quyết đứng lại để cảm nhận những gì thuộc về con người Nụ, chỉ vì một lần tâm trạng Nụ không ổn và Quyết thì lại làm quen Nụ vào đúng lần ấy. Quyết cảm thấy ấm áp khi một người con gái xinh như Nụ lại đi nhắc Quyết mặc thêm áo khi cái rét vừa về.
Những điều đến trong bối rối đều mang lại những cảm xúc hết sức đặc biệt. Người khiến mình nhiều lần bối rối để biết mà đứng lại và nhận ra một niềm thương, đó chắc chắn là một người đặc biệt.
3.
“Nhưng sau đó thì cậu đã khóc?”
Tôi phán đoán. Ai yêu đơn phương mà chẳng phải khóc. Nhưng hình như suy nghĩ của tôi có phần thiếu sót.
“Cả hai cùng khóc đấy!”
Quyết bổ sung thêm. Cô gái Quyết thầm yêu thương rõ ràng là nhận ra tình cảm của cậu ấy. Trong một ngày tồi tệ, Quyết và cô ta đã nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ nói chuyện với người còn lại nữa. Nhưng họ không tắt máy. Thế nghĩa là cuộc nói chuyện vẫn tiếp tục. Cô gái đã bật khóc trước. Đó là khi Quyết nói về những trầy xước ở thanh xuân này.
Giữa đám đông ồn ào, một cô gái bạo dạn dám gọi bạn trai ra chân cầu thang để hôn hoàn toàn là một cô gái đáng chú ý. Người ta chú ý để mà phán xét cô ấy. Những gì họ được dạy là phải sống sao cho đúng với chuẩn mực. Những người phóng khoáng thường rất lệch lạc.
Chẳng hiểu vì sao bản thân Quyết lại rất ghét mỗi khi có cậu trai nào đó khinh khỉnh phán:
“Con đấy trông thế thôi nhưng cái gì cũng biết đấy.”
Tôi biết rằng, sâu trong lòng Quyết yêu Nụ. Cậu chẳng nói với ai về tình yêu của mình. Chính cậu cũng không biết nơi mà tình cảm ấy bắt đầu. Thật rối bời khi mà trong lòng mình cứ ào lên quá nhiều cảm giác đặc biệt.
Nhưng có lẽ giọt nước mắt của Nụ là đặc biệt nhất!
Quyết yêu Nụ khi cậu nhận ra rằng cô gái trước mặt cậu rất dễ khóc. Một cô gái dễ khóc là một cô gái dễ mềm lòng. Những vui buồn yêu ghét ở một cô gái như thế bao giờ cũng rất da diết.
Con người ta bao giờ cũng bị trò chơi của sự tưởng tượng đánh lừa. Một người trưởng thành sẽ chẳng bao giờ bận tâm những suy nghĩ mà người khác tưởng tượng ra rồi áp đặt lên mình. Nhưng Nụ của Quyết còn quá ít tuổi.
“Thực ra em cũng chẳng ngoan ngoãn gì!”
Nụ nhận định. Tất cả những mỏng manh của thế giới này đều được gom hết vào nhận định đó.
Với tôi, đúng là Nụ không ngoan ngoãn thật! Nụ vẫn tiếp tục lao vào những cuộc vui không có Quyết. Hai người họ vẫn trở về nơi nhau trong một cảm giác ấm áp không có tên. Hình như Quyết muốn lấp đầy cái cảm giác chân thành mà những người Nụ gọi là “người yêu” không đem lại được cho Nụ. Giống như chính Quyết đã từng nói với tôi:
“Tớ vẫn sẽ thương Nụ cho tới ngày mắt Nụ còn trong!”
Những năm mười chín tuổi, con người ta thường hay khẳng định những điều vu vơ quá đỗi. Nhưng với Quyết của những năm mười chín, sự thiêng liêng có thể sản sinh từ chính những điều vu vơ như thế.
4.
Tôi với Quyết gặp lại nhau khi cả tôi với cậu ấy đều đã hai mươi ba tuổi.
Một cách nhanh chóng, tôi nhận ra sự chán nản trên khuôn mặt của một cậu thanh niên vừa học xong đại học như Quyết. Bằng những lời thoại rời rạc, tôi nhận ra cả muôn điều vụn vặt trong tâm trạng của Quyết bây giờ.
Cậu ấy muốn nói với tôi rằng: cậu thấy đấy, cuối cùng thì tớ cũng xa Nụ, sau bao nhiêu điều tưởng chừng là đẹp đẽ. Tớ vẫn đi học Đại học như rất nhiều bạn bè cùng trang lứa khác. Khi ai cũng đổ xô đi học Đại học thì tấm bằng đại học trở thành bằng xóa mùa chữ (có lần tôi nghe Quyết kể rằng bố cậu nói với cậu như thế). Mà ở đời còn gì đau đớn hơn mù chữ? Thế nên phải học, phải tiến lên hàng đầu, cho dù kì thực ta chẳng biết ở hàng đầu ấy có những gì.
Tôi thậm chí còn nhận ra những lời tệ hơn mà Quyết muốn nói:
Dạo này tớ ít hát đi rồi. Tớ phải đi học, đi làm thêm và mua những thứ “căn bản” mà một người như tớ phải có.
Quyết kể với tôi rất kỹ về hành trình tìm việc của cậu ấy. Cậu ấy thích viết từ những năm cấp ba và bản thân cậu cũng đã có nhiều truyện ngắn được đăng trên các tờ tạp chí lớn. Cậu xin vào làm trong một nhà sách với vai trò biên tập cho dòng sách Văn học trẻ. Bản thảo đầu tiên cậu tham gia biên tập và truyền thông có vẻ khá thành công.
“Nhưng cuối cùng thì tớ bỏ việc, sau bốn tháng làm ở công ty sách. Huyền ạ!”
“Tớ đã nghĩ lại về rất nhiều thứ. Bây giờ tớ phấn đấu để trở thành dược sĩ, theo đúng ngành học của mình.” - Quyết tiếp tục.
Tự dưng tôi thấy lòng mình buồn sâu thẳm. Đây là Quyết mà tôi đã từng quen. Cậu ta đã trở thành một con người hết sức thực tế. Tôi không biết được rằng: những thứ mà cậu đang cuốn theo được gọi là “sống thực tế” hay phải gọi là “bị dòng đời cuốn đi” nữa. Chỉ là tôi nhớ cái cách Quyết cầm mic và hát những bài hát cao vút. Trời ơi, cảm giác đó mới thật tuyệt. Đoạn điệp khúc đã cao quá chừng mà cậu vẫn còn lên tông. Trên sân khấu đó, Quyết có quyền ngông nghênh. Không anh soi mói sự ngông nghênh ấy của cậu, những người bên dưới thậm chí còn cảm thấy thích thú. Bởi vì cậu đã chiếm trọn lấy trái tim của họ rồi.
Tôi nhớ cái cách mà Quyết đem tất cả chân thành để yêu một cô gái mà theo những đứa con trai còn lại là “chỉ đáng để chơi bời”.
Chính bởi Quyết mà tôi mới nhận ra sức bào mòn ghê gớm của thời gian.
“Theo thời gian, mọi người phải học cách để chung sống. Phải sống sao cho thật gần với những người trong tập thể.”
“Và cậu trở nên giống họ?”
“Cũng gần như thế. Với quỹ thời gian eo hẹp vốn có, tớ nghĩ rằng tốt hơn chúng ta nên học cách làm những thứ căn bản trước.”
Tôi lại nhớ tới câu chuyện về việc lấp đầy chiếc bình của một vị giáo sự nọ. Giáo dục là thế mà, người ta luôn dạy mỗi người phải lấp đầy cuộc đời bằng những “hòn đá tảng”, sau đó là những thứ có kích thước nhỏ hơn, và cứ thế nhỏ dần!
Bây giờ Quyết của tôi chẳng khác nào một tên bội thực. Tôi tin chắc rằng, nếu ngày xưa quay về, Quyết sẽ chọn hát một bài đại loại như bài Hồ trên núi. Còn về chuyện tình cảm, chắc chắn Quyết sẽ không bao giờ yêu Nụ.
Và tôi vẫn bâng khuâng tự hỏi: mắt Nụ bây giờ có còn trong?
Nguyên Bảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40