Lòng vẫn nhớ về Hà Nội...
Tinh túy đất kinh kỳ | |
Vang ca khúc khải hoàn | |
Tháp Rùa hồ Gươm |
“Dù có đi bốn phương trời/Lòng vẫn nhớ về Hà Nội...”, câu hát ấy ngân vang mãi không chỉ trong lòng những người con xa Hà Nội, mà ngay cả những ai đang sống giữa lòng Hà Nội. Không chỉ là nỗi nhớ quê hương đơn thuần, nỗi nhớ về Hà Nội bao hàm một nghĩa rộng lớn, bởi dù sống trong hoàn cảnh nào, người Hà Nội vẫn giữ được nét hào hoa phong nhã được mô tả đậm nét trong câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An”.
Hồ Gươm |
Tràng An là chỉ kinh đô Thăng Long – Hà Nội, thanh lịch chính là phong cách sống đẹp của người dân bao đời trên đất kinh kỳ. Đẹp trong rất nhiều thứ ăn: Ăn nói, ăn mặc, ăn học, ăn chơi, ăn ở… trong đó chứa đựng nét đẹp từ giao tiếp, ứng xử giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên, môi trường…
Nét Tràng An ấy được khắc họa qua hình ảnh của người Hà Nội đầy văn hóa. Một Hà Nội xưa được hình dung qua những nét phác họa vô cùng đẹp đẽ. Nơi đó khi ra đường, nam thanh nữ tú đều khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống, dáng vẻ lịch thiệp, khoan thai; nơi mà người ta nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, lễ phép, kính nhường; nơi mà cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào, con người cũng không so đo, toan tính; cuộc sống lặng lẽ, êm đềm…
Chùa Tây Phương |
Đó chính là thanh lịch. Vậy nét đẹp của người Hà Nội có phải chỉ là quá khứ? Vậy thì tại sao “Dù có đi bốn phương trời/Lòng vẫn nhớ về Hà Nội”? Hà Nội của một thời đạn bom, một thời hòa bình kia mà. Có phải vì Hà Nội đã để lại trong mỗi chúng ta những vóc dáng, hình hài và niềm tự hào không chỉ đối với những người con của đất kinh đô mà của cả dân tộc.
Ấy nhưng, trong sự phát triển như vũ bão cũa xã hội, trong cái tồn tại hay không tồn tại, cần thiết phải hội nhập, không những đối với các vùng miền mà là hội nhập toàn thế giới ấy, liệu những nét thanh lịch của đất kinh kỳ có phai nhạt? Bởi thế có ý kiến cho rằng người Hà Nội thanh lịch khi xưa là tiểu tư sản lỗi thời, cuộc sống hiện tại không cho phép sống chậm, từ tốn nhỏ nhẹ mà phải hoà vào dòng xoáy của cơ chế thị trường để tồn tại.
Làng lụa Vạn Phúc |
Theo tôi, không phải vậy, chính cái thanh lịch của người Tràng An đã hun đúc nên một nền văn hoá Thăng Long rất riêng, rất đáng tự hào của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nếu ta được tiếp xúc với những gia đình người Hà Nội gốc, ta sẽ thấy chất văn hoá thật tự nhiên đã ngấm sâu vào máu họ, truyền từ đời này sang đời khác.
Tất nhiên cuộc sống trong một đô thị phát triển, với hội nhập nhiều nền văn hoá khác nhau, đã ít nhiều làm mai một những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa, song ta vẫn nhận ra nét Tràng An còn đậm rõ giữa lòng Hà Nội trong mỗi con người yêu Hà Nội, luôn hướng về Hà Nội.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Và như thế, dẫu cuộc sống có vội vã, bon chen thì người Tràng An vẫn giữ gìn, bảo tồn nét thanh lịch truyền thống. Dẫu xã hội có phát triển đến đâu đi chăng nữa, thì mỗi chúng ta dẫu có là người dân đất kinh kỳ hay ở bất kể đâu vẫn muốn giữ những nét văn hoá rất đặc trưng ấy. Cái văn hoá ấy được kết tinh từ những điều giản dị nhất , từ lời ăn tiếng nói mộc mạc ân tình, đến cách ứng xử tình nghĩa, bao dung giữa con người với con người.
Hồn cốt Hà Nội vẫn ẩn chứa trong những phố phường tấp nập, bên Tháp Rùa rêu phong, Hoàng thành cổ kính, là những toà tháp mới được xây dựng cao chọc trời; những hàng cây cổ thụ ngàn năm tuổi, bên cạnh những hàng phượng vĩ mới được vun trồng; bên cạnh những nhà hàng cơm tây, cơm Tầu… vẫn phảng phất hương vị của mẹt bún chả, bát bún riêu; và quên sao được cái thơm phưng phức của cốm làng Vòng trong những chiếc bánh cốm cổ truyền.
Ảnh: Đỗ Huệ |
Trong những cuộc trà dư tửu hậu, có ý kiến hùng hồn cho rằng, bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế thị trường, việc Hà Nội mở rộng với dân số nội thành bằng dân số ngoại thành, lại có hàng chục vạn lao động chân tay các tỉnh về kiếm sống, Hà Nội đã trở nên nhếch nhác, và dĩ nhiên cái văn hoá Tràng An sẽ khó mà lưu giữ.
Theo tôi không thể đánh giá như vậy, nếu để tâm nghiên cứu về một Hà Nội ngàn năm văn hiến, ta sẽ thấy không phải ngẫu nhiên mà Thăng Long Hà Nội được gọi với cố danh Kẻ Chợ, vì ngoài giá trị kinh đô của đất nước, nơi đây được nhìn nhận như một trung tâm giao thương với hệ thống chợ truyền thống nổi tiếng. Những mặt hàng mang đến chợ đều do các làng, xã quanh thành trồng cấy, sản xuất đem vào đổi chác, bán mua.
Mỗi chợ như thế là một không gian văn hoá hết sức phong phú và rộng mở, con người thoả sức ghi nhận những dấu ấn sâu đậm về đặc sản vùng miền, những lề thói dân dã... Ở đó cao hơn hết là những mối quan hệ, những trao gửi ân tình, những niềm vui, nỗi buồn được chia sẻ thân tình. Hơn nữa, việc hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội, theo các nhà nghiên cứu văn hoá là làm phong phú thêm nét văn hoá hào hoa của người Hà Nội.
Sơn Nam Thượng, một trong những trấn cổ của tỉnh Hà Tây cũ là đất trăm nghề; xứ Đoài (Sơn Tây) là mảnh đất có truyền thống văn hoá lâu đời, chính họ đã tạo lập nên 36 phố phường Hà Nội xưa với những nét văn hoá đa dạng và đặc trưng của đất kinh kỳ và trở thành những người Hà Nội gốc lâu đời.
Xứ Đoài cũng là quê hương của nhiều làng nghề nổi tiếng, như: Gấm và lụa vân Vạn Phúc; lụa, the, lĩnh La Khê; tiện gỗ Nhị Khê; thợ nề, thợ mộc làng Chàng; thợ đá ở Hoàng Xá... Hà Tây không chỉ là đất trăm nghề mà còn là đất của những điệu dân ca, nghi lễ dân gian mang những nét văn hoá rất đặc trưng, như: Hò Dô (Quốc Oai); chèo Tàu (Đan Phượng); múa sênh tiền (Phú Xuyên); trống quân (Thường Tín); phường rối Tế Tiêu, Thạch Xá, Chàng Sơn...
Ở góc độ lịch sử, Xứ Đoài là nơi cư trú lâu đời của người Việt cổ, là nơi khởi nguồn của nền văn minh lúa nước có cách đây mấy ngàn năm. Xứ Đoài có làng cổ Đường Lâm nổi tiếng, nơi đã sinh ra hai vua Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) và Ngô Quyền. Sử sách còn ghi lại chiến công hiển hách của Ngô Quyền, một vị Vua tài năng trong lịch sử đánh đuổi giặc Nam Hán và khai sinh nền độc lập đầu tiên cho nhà nước vào năm 938.
Nói đến Xứ Đoài cũng phải nhắc đến hai danh thần nổi tiếng làm quan đồng triều là Tô Hiến Thành quê ở Đại Mỗ và Đỗ Kính Tu quê ở Vân Canh. Đó là hai danh tướng văn võ song toàn, với nhân cách cao thượng, hết lòng tận trung với nước.
Lịch sử cũng còn mãi ghi ơn công lao của Nguyễn Trãi, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới; vị Thám hoa Giang Văn Minh, sứ thần Đại Việt thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) bất khuất trước triều đình phương Bắc, thà chết để chứng minh một nước Nam bất khuất kiên cường và rất nhiều danh nhân khác cùng bao người con Xứ Đoài đã được lưu danh trong sử sách...
Xét về mặt con người, người Xứ Đoài có tính cách bộc trực, ngay thẳng , sống khẳng khái, khoan dung, nổi tiếng hay làm và cũng rất khéo tay, chính vì vậy mà nơi đây mới có nhiều nghề như thế. Văn hoá Xứ Đoài có bề dầy và rộng như thế, vậy cớ sao làm phai nhạt nét thanh lịch đất kinh kỳ được.
Sự hợp nhất Hà Tây với Hà Nội đã để lại những hoài niệm, những suy nghĩ của những người con Xứ Đoài về một địa danh, một mảnh đất giàu bản sắc văn hoá, gắng sức xây dựng văn hoá Xứ Đoài hoà quyện với văn hoá Thăng Long, để văn hoá của đất kinh kỳ thêm đậm đà bản sắc và tồn tại mãi với thời gian.
Cũng phải kể đến, trên địa bàn Hà Nội từ 5 cửa ô đổ vào có bao nhiêu tên làng bên tên phố, những làng truyền thống như làng hoa Ngọc Hà, làng Bưởi, làng Vòng, làng Mọc, làng Yên phụ... Cái văn hoá làng từ bốn ngàn năm đã chắt lọc nên tinh hoa văn hoá của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đặc trưng trong văn hoá giao tiếp của họ là lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử.
Những nét văn hoá Hà Nội nhất cũng là những nét văn hoá đặc trưng nhất của cả nước. Những người dân với lối sống giản dị, khiêm nhừơng, ân tình, niềm nở và mộc mạc trong giao tiếp chính là những người tiêu biểu của Hà Nội văn hiến. Hơn ai hết họ biết được sức mạnh của khối cộng đồng được gắn bó bởi sợi dây tình cảm. Bởi vậy người Hà Nội đâu phải là người dân đô thị lạnh lùng, "đèn nhà ai nhà nấy rạng" mà ngược lại luôn quan tâm đến nhau khi "tối lửa tắt đèn"...
Đó chính là nét đẹp văn hoá cộng đồng của người Hà Nội. Thế nhưng tại sao trong bài thơ "Mẹ ra Hà Nội thăm con" của Lê Đình Cánh, có câu: "Lên thang chẳng dám bước dài/Vào khu tập thể gặp ai cũng chào..." lại trở nên nổi tiếng vậy? Có phải vì cái nét văn hoá cộng đồng của người Hà Nội đã bị phai nhạt? Chỉ có người "nhà quê" mới gặp ai cũng chào.
Hình ảnh ấy khiến mỗi người con Hà Nội không khỏi không suy nghĩ. Lại có chuyện nhà ai cũng cửa đóng then cài, có ai hỏi thăm nhà người hàng xóm ngay bên cạnh cũng không biết là ai. Giờ đây khi nhiều dãy nhà cao tầng hiện đại mọc lên, thì chuyện "hàng xóm láng giềng" có lẽ còn lặng lẽ hơn.
Cho dù xã hội có phát triển đến đâu, con người có thay đổi nếp sống thế nào để phù hợp với thời đại thì hồn cốt của thanh lịch Tràng An vẫn không thể mai một. Những người con của đất kinh kỳ vẫn luôn đau đáu giữ gìn và chắt lọc những tinh tuý của văn hoá Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với niềm tự hào mang tầm vóc dân tộc. Bởi xét trên mọi góc độ , những nét Hà Nội nhất cũng là nét văn hoá đặc trưng nhất của người Việt.
Gìn giữ để những nét văn hoá ấy không chỉ còn là ký ức, hoài niệm về một thời đã qua. Chắc chắn Hà Nội sẽ phát triển hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trong xu thế hội nhập quốc tế, song những nét văn hoá đặc trưng của Hà Nội sẽ còn mãi theo thời gian. Để mỗi khi nhớ về Hà Nội là nhớ về những cái đẹp, cái cao thượng, chứ không phải nhớ để tiếc nuối bởi mất đi một nét văn hoá đặc trưng rất Hà Nội, rất Việt Nam. Khi ấy ta lại đắm mình, thả hồn vào giai điệu của lời ca" "Dù có đi bốn phương trời/Lòng vẫn nhớ về Hà Nội..."
Nguyễn Hải Giang
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13
Mùa thu và ngày Giải phóng Thủ Đô
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 05:45
Trách nhiệm với quê hương, đất nước
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 16:24
Đồng chí Phạm Quang Nghị được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 10:21
Lắng đọng Chương trình: "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên"
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 15:35
Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 14:03