Không thể mãi trông chờ kịch bản từ phim nước ngoài
Điện ảnh Việt trước “cơn sóng” ngoại | |
Hai phim Việt giành giải tại liên hoan phim nước ngoài | |
"Cha cõng con" đoạt giải phim nước ngoài hay nhất tại Mỹ |
Phim Sống chung với mẹ chồng dùng kịch bản nước ngoài Việt hóa có nhiều yếu tố chưa phù hợp tâm lý người xem trong nước. |
Thiếu kịch bản hấp dẫn
Việc làm lại phim nước ngoài từ những kịch bản được Việt hóa không phải điều gì xa lạ với các nhà sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên, khác với cách đây vài năm khi một số phim như Cô gái xấu xí hay Cô nàng bất đắc dĩ... không để lại nhiều ấn tượng, bị dư luận chê bai thì ở thời điểm hiện tại, nhiều phim kiểu này rất ăn khách, gây được tiếng vang với lượng khán giả theo dõi đông đảo. Trên sóng truyền hình VTV, hai bộ phim nhiều tập trình chiếu mùa hè vừa qua là Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử đã thu hút số lượng người xem kỷ lục; trước đó, năm 2016 là các phim Tuổi thanh xuân; Zip pô, mù tạt và em.
Trong các phim chiếu rạp có Bạn gái tôi là sếp; Sắc đẹp ngàn cân; Em là bà nội của anh; Yêu đi, đừng sợ!... đều bội thu ở các phòng vé. Có phim còn đoạt giải cao trong nước như phim Yêu của đạo diễn Việt Max làm lại từ kịch bản phim Thái-lan, giành Giải Mai Vàng 2015 ở hạng mục phim được yêu thích nhất. Hàng loạt dự án phim có kịch bản nước ngoài cũng đã bắt đầu tiếp thị, đang trong quá trình triển khai sản xuất để ra mắt trong năm nay như Mối tình đầu của tôi hay Cô nàng ngổ ngáo...
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, người tham gia thực hiện bộ phim Người phán xử được Việt hóa từ kịch bản phim của I-xra-en phát trên sóng VTV vừa qua đã chia sẻ, sẽ rất khó làm ra những bộ phim hay nếu trong tay không có kịch bản tốt. Tuy nhiên, muốn có những kịch bản như thế đòi hỏi tác giả phải có sự tích lũy về kinh nghiệm, kiến thức, vốn sống thực tế và sự đầu tư về kinh phí xứng đáng. Giá trị kịch bản một tập phim hiện chỉ khoảng mười triệu đồng thì khó lòng có nổi những bộ phim đình đám.
Cũng vì vậy mà đã có không ít bộ phim bị kéo dài về số tập với rất nhiều các tình tiết, nhân vật không cần thiết, chỉ cốt tăng thêm kinh phí. Xa rời cuộc sống với vô vàn những thay đổi, biến chuyển hằng ngày, hằng giờ, cách khai thác hình tượng nhân vật không rõ nét và có khi cùng lúc hướng vào nhiều đối tượng khác nhau khiến phim Việt mất đi tính tập trung, không nhất quán về tính cách, tâm lý nhân vật và rõ ràng về chủ đề.
Để tiết kiệm chi phí và tăng khả năng thành công, nhất là với phim truyền hình, các nhà sản xuất có xu hướng mua kịch bản các bộ phim ăn khách nước ngoài để Việt hóa hơn là đặt hàng kịch bản trong nước. Theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng: “Việc dùng kịch bản phim Việt hóa là một bước đi mới của điện ảnh nước ta và cũng là việc bình thường như điện ảnh các nước đã làm, thể hiện nỗ lực của các nhà sản xuất đưa về những kịch bản tốt, tương đồng về văn hóa và phù hợp thị hiếu của khán giả Việt Nam.
Chính trong quá trình tìm kiếm, Việt hóa kịch bản, sản xuất phim và đưa phim đến khán giả, những nhà làm phim nước ta có thể soi xét lại mình và học hỏi đồng nghiệp nước ngoài nhiều điều bổ ích. Thí dụ, cấu tứ cũng như cách kể chuyện trong kịch bản phim Người phán xử rất chặt chẽ, sáng tạo. Họ biết cách giấu chuyện, luôn tạo ra các mâu thuẫn, xung đột, gợi nên sự tò mò để giữ khán giả trước màn hình và biết cách khai thác đề tài đến cùng, với nhiều cung bậc, không bỏ qua bất cứ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất.
Cùng chung quan điểm, nữ biên kịch Dương Nữ Khánh Thương không phủ nhận yếu tố tích cực từ việc Việt hóa kịch bản nước ngoài, góp phần thay đổi khẩu vị của người xem, song nhấn mạnh cần có sự chọn lọc và quan tâm hơn cách tiếp nhận văn hóa. “Vì mua lại kịch bản có bản quyền cho nên khi tiến hành Việt hóa, các nhà sản xuất sẽ phải có ý thức nắn nót và lao động nghiêm túc hơn trên một sản phẩm đã từng thành công trước đó.
Cũng vì vậy, họ sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn, cho nên từ khâu kịch bản đến khâu diễn viên, đạo diễn, quay phim đều đã có chuẩn mực để soi vào” - Nữ biên kịch phim nhấn mạnh. Một nguyên nhân khác của phim Việt hóa là tâm lý khán giả trong nước cũng dễ chấp nhận một văn hóa “chuyển ngữ” khi được bổ sung yếu tố bản địa cho phù hợp, kể cả có phần cường điệu, vô lý. Qua đây, có thể thấy, nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng rất cần sự tương tác, giao thoa để phát triển và từ đó làm ra những sản phẩm phim thuần Việt tốt hơn trong tương lai.
Chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng
Từ thành công của một số bộ phim sản xuất từ kịch bản phim nước ngoài được Việt hóa, đã có ý kiến cho rằng, hiện nay xu hướng này là một trong những “lối thoát” cho các nhà sản xuất phim trong nước, nhất là với phim truyền hình. Nhưng thật ra không phải tất cả đều là mầu hồng và hệ lụy cho tương lai phát triển của điện ảnh nước nhà là điều có thể nhìn thấy.
Việc làm lại phim nước ngoài theo kịch bản được Việt hóa không những thể hiện sự khủng hoảng trong khâu biên kịch, mà còn phần nào cho thấy sự bế tắc của nhiều nhà làm phim trong nước. Gọi là Việt hóa nhưng chúng ta không dễ gì hòa nhập trong một kịch bản các yếu tố văn hóa, tâm lý khác biệt và cũng không thể áp đặt lối tư duy, hành động, tập tục ứng xử từ một nền văn hóa bên ngoài vào con người và đời sống Việt Nam.
Nhà biên kịch có giỏi đến mấy cũng phải “cố” đưa những yếu tố Việt vào các khung kịch bản ngoại, trong khi vẫn phải bảo đảm cam kết về bản quyền. Sau những thành công của một số bộ phim Việt hóa vừa qua, dư âm để lại đã gây nên nhiều tranh luận về định hướng thẩm mỹ, thị hiếu và nhận thức của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh đó là các tác động tiêu cực, làm tăng thêm sự trì trệ, trông chờ từ bên ngoài, làm thui chột khả năng sáng tạo và phát triển của điện ảnh dân tộc, giảm dần số lượng phim thuần Việt vốn đã ít ỏi trên thị trường.
Một nền điện ảnh được tiếp sức bởi kịch bản phim nước ngoài sẽ không có được những hình tượng, tính cách nhân vật tiêu biểu của cuộc sống đương đại. Như vậy, làm sao điện ảnh có thể đóng góp vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước?
Từ câu chuyện này đã đặt ra vấn đề cần nâng cao vị thế và quan tâm đầu tư đến đội ngũ biên kịch phim Việt Nam để họ có thể chuyên tâm cống hiến. Có như vậy điện ảnh nước ta mới hy vọng có những kịch bản phim đạt chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật và hấp dẫn, lôi cuốn người xem, đồng thời cũng có nhiều kịch bản hay cho nhà sản xuất lựa chọn. Nhà biên kịch Dương Nữ Khánh Thương nhận định: “Kịch bản không yếu, nhưng các nhà sản xuất chưa chịu “đãi cát tìm vàng”, kiên nhẫn khuyến khích và đầu tư kịch bản thuần Việt.
Thay vì vay mượn từ bên ngoài những thứ đã định hình, nên chăng cần nghĩ đến một giải pháp kích cầu nghề nghiệp lâu dài và có nền tảng bền vững hơn. Các cơ quan quản lý nên có hướng hỗ trợ tài chính, đặt hàng, tổ chức đào tạo, tìm kiếm và bồi dưỡng những cây bút xuất sắc, giúp họ có những trải nghiệm thực tế, mở rộng vốn sống, tăng cường kỹ năng biên kịch để đưa vào các tác phẩm”.
Theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, muốn có nhiều kịch bản phim hay, người làm điện ảnh phải luôn đặt mình vào vị trí của khán giả để nắm bắt những nhu cầu của họ. Các nhà làm phim nước ta cần đổi mới không ngừng để mang lại những điều mới mẻ cho khán giả, thực hiện các khâu sản xuất thật sự chuyên nghiệp, kỹ càng từ kịch bản đến tuyển chọn diễn viên, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh. Một yếu tố quan trọng là quảng bá phim ảnh qua các trang mạng xã hội, thông tin điện tử và facebook. Ở đây không chỉ là quảng bá mà còn là sự tương tác với khán giả, lắng nghe sự phản hồi của họ để tìm hướng thu hút khán giả đến với phim Việt.
Với thực tế tư nhân hóa trong việc làm phim hiện nay ở Việt Nam, nhà biên kịch hầu như không có nhiều vai trò. Mọi quyết định thuộc về nhà sản xuất, nhà đầu tư và họ có mục đích làm kinh tế rõ ràng để thu lợi nhuận. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao các nhà sản xuất phim thời gian qua ưa sử dụng kịch bản phim nước ngoài được Việt hóa. Tuy nhiên, mặt chưa được của cách làm này là bị rập khuôn theo kịch bản có sẵn, ít được khai phá tự do theo ý mình, trong khi nghệ thuật bao giờ cũng đề cao sự sáng tạo mới mẻ, hơn là làm lại cái mà người ta đã làm rồi. Nhà Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam |
Theo Trịnh Mai Anh/nhandan.com.vn
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40