Đại học đa lĩnh vực: “Quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam
Quy định sử dụng trang thông tin điện tử ở trường đại học, cao đẳng | |
Tự chủ đại học phải kiên trì | |
Sửa đổi Luật Giáo dục lần này cần toàn diện, căn bản |
TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường Đại học, Cao Đẳng Việt Nam đã có những phân tích cụ thể về Đại học đa lĩnh vực mà Việt Nam đang thực hiện và cần phải thay đổi.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT). Ảnh: N. Khánh (Báo Lao Động) |
Thực trạng hình thành các đại học đa lĩnh vực tại Việt Nam.
Trước năm 1993 (chí ít là từ sau năm 1975), ở Việt Nam không có các đại học đa lĩnh vực. Tất cả các cơ sở giáo dục đại học, để phục vụ cho nhu cầu nhân lực của một nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đều được xây dựng theo mô hình của Liên Xô cũ, tức là đều là các trường đại học chuyên ngành. Cái gọi là “Trường đại học Tổng hợp” trên thực tế cũng chỉ là trường đào tạo về khoa học cơ bản.
Để triển khai Nghị quyết TW4 (Khóa 7) nhằm đổi mới hệ thống giáo dục nước ta từng bước theo hướng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nhà nước chủ trương xây dựng các đại học đa lĩnh vực.
Trên tinh thần đó, trong 2 năm 1993 và 1994, lần lượt 5 đại học đa lĩnh vực là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng đã được thành lập, dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành có trên cùng một địa bàn lại với nhau.
Hiện tại 5 đại học này đều hoạt động theo các quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ (đối với 2 đại học quốc gia) hoặc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (đối với 3 đại học vùng) ký ban hành.
Trước đó, Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH do Bộ GD và ĐT trình lên Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính Phủ) từ năm 1992 (Phương án IV), tất cả các đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: đại học (University), trường (College) và khoa (Deparment), tức là theo mô hình các University của Hoa Kỳ. Để làm được việc đó, cần phải tổ chức lại tất cả các trường đại học chuyên ngành (vốn có cấu trúc kiểu Liên Xô cũ) tham gia vào sự hình thành của đại học đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, quá trình triển khai lại không phải như vậy. Vì nhiều lý do khác nhau (chủ yếu liên quan tới yếu tố con ngươi, cuối cùng ở tất cả các đại học đa lĩnh vực được thành lập, cấu trúc 3 cấp là trường – khoa – bộ môn (kiểu quản trị của Liên Xô cũ) về căn bản vẫn được giữ nguyên ở các trường thành viên.
Kết quả là các đại học đa lĩnh vực đều có cấu trúc 4 cấp: đại học - trường – khoa – bộ môn. Để giữ được vị thế của mình vốn đã từng là một trường đại học độc lập, các trường thành viên khi chuyển ngữ cấu trúc 4 cấp trên qua tiếng Anh thường sử dụng mô hình: University – University – Faculty- Department, gây ra sự hiểu lầm trong các đồng nghiệp nước ngoài cho rằng các đại học đa lĩnh vực ở Việt Nam là các tập đoàn đại học.
Thực ra các đại học đa lĩnh vực của ta ngay từ lúc thành lập đã có xu hướng tồn tại dưới dạng một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.
Hoạt động rời rạc và vô hiệu hóa các đại học đa lĩnh vực
Khi thành lập các đại học đa lĩnh vực xã hội mong chờ ở những ưu việt mà kiểu trường này sẽ bộc lộ ra như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau), ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau trong một đại học, sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành (Inter-disciplinary)...
Tuy nhiên cho tới nay kết quả có được lại không phải như vậy do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học không có được sức mạnh tổng hợp.
Về mặt thể chế các quy chế tổ chức và hoạt động của các đại học đa lĩnh vực, đặc biệt ở Quy chế cho các đại học vùng ban hành tại Thông tư số 08/2014/TT-BGDĐT ngày 20/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và ở Điều lệ trường đại học, đã gần như khẳng định tư cách hoạt động độc lập của các trường thành viên – điều tối kỵ đối với một đại học đa lĩnh vực ở mô hình phương Tây .
Với những quy định như vậy, cấp “đại học” trong các đại học đa lĩnh vực có thể được ví như cấp “bộ chủ quản” trong thể chế hiện nay. Vì tồn tại đồng thời 2 “bộ chủ quản” nên dĩ nhiên xuất hiện nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ bớt đi một “cấp bộ chủ quản”, tức là giải thể các đại học đa lĩnh vực.
Từ những phân tích ở trên có thể thấy 2 nguyên nhân làm cho các đại học đa lĩnh vực của ta hiện nay chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực. Cụ thể:
Các đại học đa lĩnh vực chưa phải là một chỉnh thể thống nhất (đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo) mà chúng chỉ vận hành dưới dạng của một “tập đoàn đại học” hay chính xác hơn, dưới dạng của một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.
Về mặt pháp lý các trường đại học thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc và vô hiệu hóa các đại học đa lĩnh vực.
Đề nghị Nhà nước quy định cụ thể các tiêu chí của loại hình “đại học” |
Nhiều bất hợp lý
Để các đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam, nhằm đón nhận những sứ mệnh cao hơn trước đà phát triển của đất nước, về mặt thể chế Nhà nước cần tạo điều kiện rất thuận lợi để chúng phát huy được tối đa sức mạnh tổng hợp của mình.
Trong chiến tranh chúng ta đã từng thành lập các quân đoàn (bao gồm nhiều sư đoàn, lữ đoàn trực thuộc) để đánh hợp đồng binh chủng, trong kinh tế chúng ta đã có các tập đoàn quốc gia (bao gồm nhiều công ty, tổng công ty thuộc các ngành nghề khác nhau), nên trong giáo dục đại học đã quá muộn nếu chúng ta chưa có các đại học đa lĩnh vực đích thực. Điều này là quá rõ ràng nhưng đáng buồn là cho tới nay, không hiếm học giả và nhà quản lý vẫn đang còn hoài nghi trước chủ trương đó.
TS Lê Viết Khuyến kiến nghị nhiều vấn đề để thay đổi thực trạng đại học đa lĩnh vực của Việt Nam hiện nay. Cụ thể:
Trong các luật về giáo dục của Việt Nam đều khẳng định có 3 loại cơ sở giáo dục đại học là đại học (University), học viện(Academy/Institute) và trường đại học (College) nhưng không định nghĩa rõ các loại hình này như ở luật giáo dục của nhiều quốc gia khác. Theo quan niệm thông thường tên gọi đại học chỉ dành cho các đại học đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT hiện nay, danh hiệu “đại học” mới chỉ được đặt cho 5 cơ sở, trong đó có 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng, trong khi còn hàng loạt các cơ sở giáo dục đại học khác (như Trường Đại học Cần thơ, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt…) mặc dù mang tính chất đa lĩnh vực rất rõ ràng nhưng lại không được mang danh hiệu này. Đây là điều vô lý và không công bằng.
Đề nghị Nhà nước quy định cụ thể các tiêu chí của loại hình “đại học” và nếu trường nào đạt được các tiêu chí đó thì đương nhiên được mang danh hiệu “đại học” (University).
Một bất hợp lý khác nữa là khi dịch ra tiếng Anh tất cả các trường đại học đều tự nhận là University trong khi ở nhiều nước, việc sử dụng tên gọi tiếng Anh (University, College, Academy/Institute) lại được Nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Việt Nam cũng nên có thói quen quản lý như vậy để tránh hiểu nhầm về loại hình của các trường đại học.
Xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”
Nhà nước hiện đang chủ trương khuyến khích tự chủ đại học. Theo thông lệ chung của thế giới thì các đại học đa lĩnh vực (University) phải là những cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ sớm nhất.
Tuy nhiên ở Việt Nam cho tới nay cả 5 đại học đa lĩnh vực đều không có tên trong danh sách 24 trường đại học tự chủ của Việt Nam. Đây là điều quá vô lý, đề nghị Nhà nước sớm khẳng định quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học này.
Bên cạnh đó, việc trao quyền tự chủ cho các đại học đa lĩnh vực nói riêng và cho các trường đại học nói chung, phải đi cùng với việc xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản” như đã chỉ ra ở Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (tháng 11 năm 2005).
Một khi bỏ được cơ chế “bộ chủ quản” và trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các đại học đa lĩnh vực thì các trường thành viên sẽ xóa đi được ấn tượng về “hai cấp bộ chủ quản” gây khó cho hoạt động của họ.
Ngoài ra, quyền tự chủ của trường đại học không thể trao cho một cá nhân (Giám đốc đại học) mà phải trao cho một Hội đồng đại học, có các thành viên chủ yếu là những đại diện ưu tú nhất của cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ từ tập thể đại học theo kiểu “quyền làm chủ tập thể”).
Hội đồng đại học phải là một hội đồng quyền lực thật sự, quyết định mọi chính sách của đại học, có quyền chọn lựa giám đốc đại học và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của đại học.
Điều đáng tiếc là mặc dù các luật về giáo dục và Điều lệ trường đại học đã có quy định khá rõ về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng đại học nhưng trên thực tế, Hội đồng đại học không phải đã được thành lập ở tất cả các đại học đa lĩnh vực và nếu có thì chúng chỉ giữ vai trò rất yếu thế trong các đại học này và thường bị Giám đốc đại học xem như một tổ chức tư vấn cho mình.
Sớm phê chuẩn quy chế hoạt động cho từng đại học đa lĩnh vực
TS Khuyến đề nghị, Nhà nước cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng đại học đa lĩnh vực. Trong các quy chế này cần thể hiện rõ ràng quyền tự chủ toàn diện của đại học đa lĩnh vực, cần khẳng định tính toàn vẹn, thống nhất của đại học đa lĩnh vực trên mọi mặt hoạt động, đặc biệt trong hoạt động đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rút quan điểm sai lầm xem các trường thành viên trong đại học đa lĩnh vực có tư cách đầy đủ như một trường đại học độc lập. Ngoài ra, trong quy chế này phải thể hiện rõ ràng chức năng của các cấp quản lý trong một đại học đa lĩnh vực: Hội đồng đại học - xây dựng chính sách, Giám đốc đại học - đề xuất chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách, Hiệu trường trường thành viên - triển khai chính sách, Trưởng khoa - thực hiện chương trình và hỗ trợ đội ngũ, giảng viên - triển khai thực hiện chương trình.
Đối với vấn đề 3 hay 4 cấp quản lý trong mô hình tổ chức đào tạo của một đại học đa lĩnh vực cần được nhà nước quy định cụ thể và tùy thuộc vào 2 điều kiện:
- Chế độ phân cấp tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo. Nếu theo cơ chế khoán gọn quản lý đào tạo tới cấp khoa (như mô hình universitet của Liên xô cũ) thì không cần thành lập các đơn vị quản lý theo từng lĩnh vực ngành đào tạo, tức là sẽ không có các trường thành viên (College/Facullty/School); còn nếu muốn huy động được sức mạnh tổng hợp để toàn đại học tham gia hoạt động đào tạo thì phải lập ra các trường thành viên.
- Thực hiện đào tạo dại học theo diện rộng hay theo diện hẹp. Đơn vị bộ môn (kafedra/division) chỉ cần lập nếu chủ trương đào tạo diện hẹp.
So sánh về cấu trúc tổ chức của 2 loại mô hình đại học Trong quan niệm về mô hình đại học truyền thống (Liên Xô cũ, Việt Nam trước 1993) không có khái niệm về đơn vị đào tạo theo lĩnh vực ngành nghề. Do đó không thể đồng nhất khái niệm Faculty trong mô hình đại học đa lĩnh vực kiểu phương Tây với khái niệm Khoa hoặc Facultet trong mô hình đại học theo kiểu Liên Xô cũ. Khái niệm Bộ môn hay Kafedra chỉ có ở những trường đại học thực hiện đào tạo theo diện hẹp, tức là những trường đại học được xây dựng theo mô hình Liên Xô cũ. Khái niệm này hoàn toàn không có trong các đại học đa lĩnh vực kiểu phương Tây. Do đó không thể đồng nhất khái niệm Kafedra hoặc Bộ môn trong mô hình đại học kiểu Liên Xô cũ với khái niệm Department trong mô hình đại học kiểu phương Tây. Giữa 2 mô hình đại học đã nêu chỉ tìm thấy sự tương đương của 2 khái niệm Facultet và Department mà Việt Nam gọi là Khoa. Trong mô hình đại học đa lĩnh vực các khái niệm College, Faculty và School đều thuộc cấp quản lý thứ 2 và hoàn toàn tương đương nhau. |
Theo Hồng Hạnh/ dantri.com.vn
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Tin khác
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02
Ba Đình: Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Giáo dục 19/11/2024 18:50
“Người lái đò” tận tâm và nhân hậu
Giáo dục 19/11/2024 16:40