Có hôm nay là xương máu đổi về
Ngã ba Đồng Lộc - Mãi mãi một huyền thoại | |
Tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách tại Thanh Hóa | |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm các gia đình chính sách ở Đà Nẵng |
Sắt son “Trọn một lời thề”
Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Lời tri ân”. Với 2 nội dung chính “Trọn một lời thề” và “Lời tri ân”, trưng bày sẽ kéo dài đến 10/9/2018.
Trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” tại Nhà tù Hỏa Lò đang thu hút đông đảo người dân đến thăm quan, tìm hiểu. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn |
Phần nội dung thứ nhất “Trọn một lời thề” là những câu chuyện trên một “trận tuyến đặc biệt” - ngục tù của thực dân, đế quốc. Giữa nơi ngục lửa, những người con trung hiếu của dân tộc vẫn kiên tâm, bền chí trước những trận đòn tra tấn thấu xương hay khi cận kề cái chết. Nhiều tấm gương kiên trung trong ngục tù thực dân, đế quốc đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tại không gian trưng bày này lần đầu tiên khách tham quan được biết, được hiểu về hệ thống nhà tù nhiều hơn trường học dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc; về chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã bất khuất vượt qua, giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Đó là một Hỏa Lò - địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội, nơi cuộc sống của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng là một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại chế độ lao tù hà khắc. Từ gáo nước, khẩu phần ăn hằng ngày, việc phát thêm chiếu, chăn chống rét… đều phải trải qua những cuộc đấu tranh quyết liệt.
Buồng giam trong ngục tối tại Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Tư liệu |
Đó là một Sơn La - nơi rừng thiêng nước độc với những căn phòng tối bằng gạch và đá kiên cố đặc biệt hệ thống xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3m. Khi cánh cửa gỗ đóng lại thì mỗi xà lim cá nhân biến thành một hộp kín, tù nhân phải nằm co và khó phân biệt thời gian ngày và đêm. Khu xà lim biệt giam đã từng giam các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Tô Hiệu…
Đó là một Khám Lớn Sài Gòn - vùng đất dữ với các khu biệt giam, xà lim án chém, phòng để máy chém và khu hành quyết tù nhân. Đây là khám đường lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh, một trong nhưng “biểu tượng” cho bộ máy thống trị của chế độ thực dân ở Nam kỳ.
Đó còn là một Côn Đảo, “là địa ngục trần gian” cách xa đất liền, nơi những chiến sĩ cộng sản phải đương đầu với bộ máy khủng bố tinh vi và tàn bạo; nơi tù nhân bị bỏ đói, bỏ khát, bị nhốt như những con vật trong các Chuồng Cọp, hiếm có nơi nào mà mạng sống của con người bị coi rẻ đến như vậy; cũng hiếm có nơi nào, sự sống của tù nhân lại được duy trì kiên cường đến thế.
Đó là một Phú Quốc - trang sử bi hùng, nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chọn làm địa điểm xây dựng trại giam bởi vị trí nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, kẻ thù có thể mặc sức dùng mọi thủ đoạn tra tấn gây chết chóc, thương tật về thể xác, đau khổ về tinh thần suốt đời. Chúng còn “sáng tạo” ra các kiểu giam “độc đáo” để hành hạ, đày đọa tù binh đến tận cùng như Chuồng Cọp kẽm gai. Chỉ vài ngày bị giam tại đây, toàn thân người tù bị lột hết da.
Cùng các nơi giam giữ khác như: Bót Catinat (Sở Mật thám Nam Kỳ), Nhà lao Tân Hiệp, Khám Chí Hòa… đều là những nhà tù khắc nghiệt, đày đọa và cướp đi sinh mạng của biết bao chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam.
Tất cả những địa ngục trần gian này chính là một “chiến trường đặc biệt” dù không có tiếng súng rền vang, nhưng đã cướp đi một phần thân thể và sinh mạng của biết bao người con ưu tú của dân tộc từ những năm đầu thế kỷ XX đến 2 cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Những câu nói, những lời tâm huyết của các chiến sĩ cách mạng như: Đồng chí Hoàng Văn Thụ trước khi bị dẫn giải từ xà lim tử hình Nhà tù Hỏa Lò ra pháp trường đã tỏ rõ niềm tin vào thắng lợi của cách mạng; câu chuyện về đồng chí Lý Tự Trọng oanh liệt sống những ngày cuối cùng trong xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn hay bút tích chống ly khai của đồng chí Lưu Chí Hiếu tại Chuồng Cọp, Côn Đảo… đều được thể hiện nổi bật trong trưng bày.
Thế hệ trẻ hôm nay đến thăm nhà tù Hỏa Lò để thêm hiểu về giá trị của Hòa bình và tri ân sự hy sinh lớn lao của những người con yêu nước đã ngã xuống vì Hòa bình cho dân tộc |
Một phần diện tích của trưng bày đã thể hiện khát khao cháy bỏng của mỗi chiến sĩ cách mạng khi bị bắt, giam trong các “địa ngục trần gian” là tận dụng mọi thời cơ để tổ chức vượt ngục: Biết bao thử thách hiểm nghèo họ phải đối mặt: Bị truy lùng, bắt giam trở lại; phải chịu những trận đòn tra tấn đến chết đi sống lại hay có thể bị giông bão, sóng biển nhấn chìm hoặc làm mồi cho thú dữ nơi rừng sâu nước độc, nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện như cuộc vượt ngục tập thể tại Bến Đầm, Côn Đảo.
Nhân việc bị bắt đi làm đường đến Bến Đầm, các tù nhân ngày đêm lao động khổ sai, bí mật đào hầm, đóng thuyền chuẩn bị vượt ngục, nhưng gió to, sóng dữ đã đánh chìm những chiếc xuồng gỗ do tù nhân tự tạo, 117 chiến sĩ bị địch bắt lại, 81 chiến sĩ hy sinh trên biển (75 người trôi dạt vào bờ, 6 người mất tích giữa biển khơi). Những chiến sĩ hy sinh được người dân Côn Đảo âm thầm chôn cất ở bãi cát Cỏ Ống và lập đền thờ. Hiện vẫn còn 73 hài cốt các chiến sỹ nằm lại ở Cỏ Ống, Côn Đảo.
Có hôm nay là xương máu đổi về
Phần nội dung trưng bày thứ hai “Lời tri ân” là những câu chuyện thời hậu chiến vẫn còn day dứt cho tới ngày hôm nay. Nhiều chiến sĩ may mắn được trở về trong vòng tay của gia đình, của đồng đội, nhưng có những người đã mãi mãi ra đi, thân thể họ đã hòa trong đất mẹ.
Tổ hợp chính “Lời tri ân” được thể hiện như một bông hoa tươi thắm mang ý nghĩa: Sự hy sinh của bao chiến sĩ đã cho đất nước được trường tồn, nở hoa. Mỗi cánh hoa là một sắc màu, nếu Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn được thể hiện bằng màu xanh thẫm của đại ngàn, thì Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma lại là một màu xanh của mênh mông biển cả.
Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn Đặc nhiệm cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an thăm Triển lãm Lời tri ân. Ảnh: Nguyễn Đức Trung |
Tại đây, người xem như trầm lắng lại khi đứng trước những bức ảnh bạt ngàn các ngôi mộ không tên, không tuổi ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ… sẽ mãi mãi là những chứng tích lịch sử không thể lãng quên của một thời Hoa - Lửa. Những nghĩa trang ấy còn là nơi yên nghỉ của hàng triệu người lính năm xưa hừng hực khí thế lên đường chiến đấu, giờ quây quần bên nhau mộ thẳng một hàng.
Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm nhưng nỗi đau còn âm ỉ trong những người mẹ tìm con, vợ tìm đợi chồng, anh tìm em, con ngóng tìm cha. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, bổ sung hồ sơ liệt sĩ là ước vọng tâm linh cháy bỏng không chỉ riêng các gia đình, thân nhân liệt sỹ mà của toàn xã hội, đặc biệt của các cựu chiến binh như: Ông Lê Văn Cam đã dành 20 năm đi tìm hài cốt của đồng đội, hay ông Trần Ngọc Doanh với hàng trăm chuyến hành trình ngược xuôi tìm đồng đội… có trong nội dung trưng bày “Trả lại tên cho anh”.
Bằng tấm lòng và hành động, những món quà tình nghĩa từ “Quỹ tri ân các cựu tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò” đã được trao tận tay các bác có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2017 cũng được cập nhật lên trưng bày. Một ngọn nến nhỏ không thể sưởi ấm cả mùa đông. Một tấm lòng thảo thơm là đáng quý, nhưng cần lan tỏa hơn nữa những vòng tay chia sẻ để ngọn lửa tri ân mãi mãi ấm nồng.
Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về những “địa ngục trần gian”, sự hy sinh lớn lao của những người con yêu nước đã ngã xuống vì hai tiếng hòa bình cho dân tộc.
Hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: Hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng tuổi xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước. Để thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực hơn, cố gắng hơn, nhiệt huyết hơn công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước mơ của các anh hùng, liệt sĩ.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên thông kết quả khám để phục vụ người bệnh tốt hơn
Giúp người thu nhập thấp tiếp cận tài chính số
Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn khối Giáo dục
Cần quyết liệt xử lý nạn “quái xế”
Bông mua tím
Sức khỏe người lao động là “vốn quý” của doanh nghiệp
Giữ gìn giá trị truyền thống từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Sự kiện 04/11/2024 22:07
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Sự kiện 04/11/2024 21:44
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Sự kiện 04/11/2024 21:37
Đại biểu Quốc hội: Cần nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường dù là nhỏ nhất
Sự kiện 04/11/2024 16:33
Đại biểu đề xuất quan tâm đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động
Sự kiện 04/11/2024 16:19
Đại biểu Quốc hội: Không tăng lương khu vực công, nhưng phải tăng lương hưu và trợ cấp cho người có công
Sự kiện 04/11/2024 15:06
Đại biểu Quốc hội: Cần cơ chế đặc thù cho các địa phương bị thiệt hại do bão lũ
Sự kiện 04/11/2024 13:25
Đại biểu đề nghị xử lý nghiêm các vụ lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng
Sự kiện 04/11/2024 10:40
37 tỉnh, thành giảm 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị cấp xã sau sắp xếp
Sự kiện 01/11/2024 21:41
Luân chuyển, chỉ định Phó Bí thư Huyện ủy các huyện Yên Thành, Quế Phong
Sự kiện 01/11/2024 21:39