Chuyện ở huyện làm nông nghiệp công nghệ cao
Hiệu quả từ việc dồn điền, đổi thửa | |
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi quan trọng |
Giàu lên nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế
Táo bạo, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết với nghề nông, có trình độ tiếp thu và áp dụng công nghệ, chuyên nghiệp trong sản xuất, đó là công thức làm nên thành công mô hình sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Đăng Quý và chị Đặng Thị Cuối thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.
Rau hữu cơ là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao rất thành công ở Đan Phượng |
Anh, chị từng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, được tiếp cận với mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thông minh, tiện lợi và cho hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù nhận được mức lương 50 triệu đồng/tháng nhưng anh chị đã luôn đau đáu sớm muộn gì cũng trở về quê hương để thực hiện ước mơ làm chủ vùng sản xuất rau hữu cơ và làm giàu trên chính quê hương mình.
Từ tháng 5/2017, với diện tích 3ha thuê được cùng số vốn tích lũy được sau nhiều năm anh chị đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới, mua thiết bị, giống, vật tư... để trồng các loại rau.
Bằng sự nỗ lực và kiên trì không ngừng, giờ đây anh chị đã thành công với mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao không sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng hạt giống rau biến đổi gen; đất trồng và nước tưới đảm bảo an toàn và được kiểm tra nghiêm ngặt.
Hiện tại, sản phẩm rau của gia đình được các siêu thị, các bếp ăn tập thể, các đơn vị cá nhân đặt mua với số lượng lớn, vượt khả năng cung ứng của gia đình anh, chị. Mô hình đã cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Không chỉ tạo thu nhập ổn định cho gia đình mà mô hình của anh chị còn tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình đã làm tăng hiệu quả sử dụng đất góp phần bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho người nông dân. Đây là sự thay đổi tư duy đột phá của người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh tình hình ô nhiễm thực phẩm xảy ra thường xuyên, nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn đã và đang được cả xã hội quan tâm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Dung xã Phương Đình, là một trong những hộ dân sớm áp dụng khoa học công nghệ vào trồng hoa lan Hồ Điệp. Năm 2010, gia đình bà Dung mạnh dạn làm đơn xin dồn điền đổi thửa tập trung tất cả diện tích đất của gia đình tại một nơi, cùng với đó bà vay ngân hàng 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng các dãy nhà kính, màng, diện tích gần 3.000m2 sản xuất giống hoa và 40.000 cây hoa thương phẩm lan Hồ điệp. Đến nay thu nhập từ trồng hoa mỗi năm thu lãi vài tỷ đồng.
Cũng đầu tư sản xuất giống, hoa thương phẩm lan Hồ điệp là HTX Đan Hoài. Dự án của HTX Đan Hoài có 7 dãy nhà màng lưới, sản xuất 50.000 cây giống và 20.000 cây thương phẩm, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm. Hai cơ sở này đều ứng dụng công nghệ cao bao gồm giống mới, sử dụng các chế phẩm sinh học, điều tiết ánh sáng, có hệ thống tự điều hòa nhiệt độ, quy trình sản xuất được thực hiện khép kín. Các mô hình này tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập tương đối ổn định.
Chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Với mong muốn thoát nghèo, làm giàu chính đáng, anh Trần Văn Thắng, ở xã Thọ An, đã trải qua nhiều nghề. Sau khi tích lũy được một số vốn nhất định, mảnh đất quê hương lại là lựa chọn ổn định cho anh đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Với nhận định, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển.
Từ năm 2015, trên diện tích hơn 2000m2, anh Thắng đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại đạt chuẩn chăn nuôi bò thịt. Với sự trợ giúp của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, trang trại đã nhập các giống bò chất lượng cao về chăn nuôi như: BBB, Brahman, Droughmaste...
Đây là những giống bò mới do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội triển khai trên địa bàn Hà Nội cho năng suất, chất lượng cũng như giá trị kinh tế cao hơn so với chăn nuôi giống bò cỏ thông thường từ 5- 7 triệu đồng/con. Từ 10 con ban đầu, chỉ sau 2 năm, anh đã đầu tư tăng đàn lên trên 220 con bò thịt thương phẩm.
Mở rộng chăn nuôi quy mô lớn, anh Thắng đã đầu tư dây truyền sản xuất thức ăn chăn nuôi cho bò tự phối trộn nhằm đảm bảo chất lượng cũng như giảm chi phí mua thức ăn. Nếu trước kia mỗi ngày anh phải chi phí trên 10 triệu đồng mua thức ăn cho đàn gia súc thì sau khi đầu tư dây truyền sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tiết kiệm được trên 3 triệu đồng/ngày.
Ngoài ra, với nguồn phụ phẩm nông nghiệp của địa phương rất dồi dào cũng là nguồn thức ăn thô xanh quan trọng được anh Thắng tận dụng để phát triển chăn nuôi bò thịt và góp phần giải quyết nguồn phụ phẩm nông nghiệp của địa phương, giảm ô nhiễm môi trường.
Sau gần 2 năm phát triển, đến nay mô hình chăn nuôi bò thịt của anh Trần Văn Thắng đang phát triển ổn định cho thu nhập gần 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho rất nhiều lao động ở địa phương. Hiện nay, anh Thắng đang được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bò thịt an toàn thực phẩm để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Vốn là nông dân, để tích lũy kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tiếp cận những mô hình mới do Trung tâm và huyện tổ chức đã giúp anh Thắng nung nấu quyết tâm, xây dựng thành công mô hình chăn nuôi bò thịt thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao như hiện nay.
Mở rộng đầu tư công nghệ cao
Qua tìm hiểu, hiện trên địa bàn huyện Đan Phượng đã thu hút một số dự án đầu tư lớn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Dự án của Tập đoàn Vingroup về bảo tồn nguồn gen, đầu tư sản xuất rau hữu cơ và hoa quả; Dự án trồng nấm và hoa lan của Công ty Phát triển công nghệ cao Toàn Cầu; Dự án bảo tồn nguồn gen và trồng cây dược liệu ở xã Đan Phượng... Từ thành công bước đầu, huyện Đan Phượng đang tập trung hỗ trợ để mở rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các xã trên địa bàn huyện.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không đơn giản, bởi phải có nguồn vốn đầu tư lớn cho công nghệ, xây dựng hạ tầng, nhân lực chất lượng cao. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Đan Phượng đã ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính và mặt bằng sản xuất.
Cụ thể, huyện đã đẩy mạnh các biện pháp thâm canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; phát triển các khu chuyên canh tập trung, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa; bước đầu hình thành các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình có năng lực, đủ điều kiện đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của thành phố; thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Nhờ chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, hiện tại huyện Đan Phượng đã xây dựng được thương hiệu bưởi tôm vàng Đan Phượng và dán tem nhận diện hàng hoá nông sản cho sản phẩm rau an toàn của xã Phương Đình, Thượng Mỗ, Đan Phượng. Ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp mã QR code cho sản phẩm bưởi tôm vàng và rau hữu cơ.
Với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân Đan Phượng sẽ có thêm nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống và góp phần phát triển bền vững nông thôn mới.
Lê thị Hà
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39
Hương thu ở phố sương mù
Cộng đồng 14/11/2024 11:31