Chuyện cô giáo tự xây dựng phần mềm
Thầy giáo Phạm Văn Hoan: Hạnh phúc là khi mang lại niềm vui cho học trò | |
Lan toả những tấm gương "Người tốt, việc tốt" | |
Phạm Minh Ngọc: Hạnh phúc khi trở thành giáo viên mầm non |
Trăn trở với việc giáo dục trẻ khó hòa nhập
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp cho biết: Từ ngày còn là sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2), tôi đã làm gia sư dạy kèm cho một trẻ tự kỷ. Rồi như một cơ duyên, ra trường, tôi lại được nhận dạy một trẻ tự kỷ khác tại Hà Nội. Hằng ngày, nhiệm vụ của tôi chỉ là giữ cho em ngồi yên, luyện viết và không để ảnh hưởng đến lớp học. Sau đó, tôi vào dạy ở Trường Tiểu học Vĩnh Hưng rồi biên chế tại Trường Tiểu học Tân Mai.
Cô Diệp cùng học sinh hỗ trợ các bạn mắc chứng tăng động vào giờ ra chơi. |
Trong quá trình dạy học, những học sinh tự kỷ luôn làm tôi thấy day dứt. Hiện nay, ngoài công việc giảng dạy, hết giờ ở trường, tôi vẫn miệt mài đi dạy cho những em mắc chứng tự kỷ nặng. Đã không ít lần tôi cảm thấy mệt mỏi, nhưng rồi đam mê, lòng yêu trẻ lại thôi thúc tôi tiếp tục cố gắng.
Càng ngày, cô Diệp càng nhận ra xung quanh có nhiều trẻ khó hòa nhập (bao gồm: Trẻ tự kỷ, trẻ phổ tự kỷ và trẻ tăng động giảm tập trung) chưa được can thiệp sớm dẫn đến tình trạng các em ngày càng nặng thêm. Từ đó, cô Diệp quyết tâm phải tìm ra được phương pháp hiệu quả để giúp các em phát triển bình thường và hòa nhập với cuộc sống. Tất cả những phương pháp giáo dục trẻ khó hòa nhập như dạy học bằng tranh ảnh, bằng thẻ chữ, bằng trực quan sinh động… cô Diệp đều đã thực hiện nhưng nhận thức của học sinh khó hòa nhập vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Nhận thấy có tới 90% học sinh khó hòa nhập mà cô dạy có niềm đam mê sâu sắc với máy tính nhưng trên mạng Internet hiện nay chỉ có các phần mềm học tập dành cho học sinh bình thường và học sinh giỏi xuất sắc, bằng kinh nghiệm của một giáo viên tiểu học gần 20 năm dạy trẻ tự kỷ, cô Diệp quyết định sẽ tự thiết kế một phần mềm dạy học cho trẻ khó hòa nhập.
Trước khi xây dựng phần mềm này, cô Diệp đã dành một thời gian dài tìm hiểu về tâm sinh lý và nhận thức của trẻ khó hòa nhập. Cô tham gia Câu lạc bộ Hội Cha mẹ có con tự kỷ tại Hà Nội. Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô đến các trung tâm hỗ trợ Trẻ tự kỷ của các Tổ chức Phi Chính phủ để giao tiếp, trò chuyện với các em. Cô cũng tham gia đầy đủ các khóa học về trẻ tự kỷ của Mỹ, Úc và Trung Quốc tập huấn tại Việt Nam để có thêm kiến thức về giáo dục trẻ đặc biệt. Đến năm học 2018 - 2019, sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu, cô Diệp đã tổng hợp kiến thức thu nhận được thành phần mềm Hỗ trợ trẻ khó hòa nhập, tập trung dạy môn Toán và môn Tự nhiên xã hội ở trình độ lớp 1, lớp 2 và lớp 3.
Theo cô Diệp, phần mềm dành cho trẻ khó hòa nhập khác hẳn phần mềm cho học sinh bình thường rất nhiều. Bởi phần mềm dạy học sinh bình thường thiên về truyền tải kiến thức bằng chữ viết và tập trung vào hệ thống bài tập nâng cao. Còn đối với học sinh khó hòa nhập, phần mềm cần phải được chú trọng nhiều hơn về mặt hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy để các em dễ tiếp thu hơn. “Khi sáng tạo phần mềm này, tôi đã nghĩ rất nhiều đến sự khác biệt về nhận thức và tâm sinh lý của học sinh khó hòa nhập so với học sinh bình thường.
“Phải có sự nỗ lực và tâm huyết thực sự với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là công việc giảng dạy cho trẻ em khó hòa nhập mới có thể nghiên cứu và tạo nên một phần mềm độc đáo và nhân văn như vậy” - ông Nguyễn Ngọc Ân (Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam) chia sẻ sau khi nghe cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp trình bày về phần mềm trước Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 3 |
Các em khó hòa nhập ham thích dùng máy tính, ham thích được làm những bài toán dễ và khi được khen, dù chỉ là rất ít, các em cũng vô cùng sung sướng. Mỗi lời khen của cô, mỗi tiếng vỗ tay của các bạn khiến cho các em say mê hơn với việc học. Dần dần, những kiến thức mà các em học được sẽ là bước tiến nhỏ để các em tập trung hơn trong giờ học” - cô Diệp chia sẻ.
Đặc biệt, qua phần mềm, cô Diệp đã khéo léo nhờ phụ huynh hỗ trợ cùng với mình để giúp các em hoàn thành nhiệm vụ trên lớp. Phụ huynh giám sát con làm, sao lưu kết quả và tương tác được với giáo viên trên lớp. Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước mà không cần internet học sinh vẫn có thể sử dụng được. Trải qua cả quá trình gian nan, giờ đây, những học sinh đặc biệt trong lớp cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp làm chủ nhiệm đã có rất nhiều tiến bộ. Trong mỗi hoạt động ngoại khóa, các em đã mạnh dạn tự tin hơn rất nhiều.
Dành tình thương cho trẻ khó hòa nhập
Dạy học chưa bao giờ là việc dễ dàng và việc dạy những trẻ khó hòa nhập lại càng thách thức hơn rất nhiều. Đã không ít lần, cô Diệp phải bật khóc vì bất lực khi cô dạy mãi cả năm trời, học sinh vẫn không biết cách làm một việc đơn giản nhất là nắm tay. Nhưng cô Diệp chưa bao giờ bỏ cuộc bởi cô luôn tâm niệm: “Tôi đến với trẻ khó hòa nhập không chỉ bằng tình thương mà còn như một niềm đam mê. Càng gắn bó với các em, tôi càng thêm nhận ra ý nghĩa và hạnh phúc từ cuộc sống”. Theo cô Diệp, điều quan trọng nhất để gắn bó với nghề bên cạnh kiến thức chuyên môn là tình yêu trẻ, yêu nghề. Khi có đủ những điều đó, thì khó đến mấy cũng sẽ vượt qua.
Trong những học sinh khó hòa nhập mà cô Diệp từng dạy, học sinh để lại cho cô nhiều ấn tượng nhất là em Trương Thăng. Thăng ít nói từ bé, âm điệu lại không rõ. Khi đến trường, lúc nào em cũng mơ màng, vô cảm, không học, không chơi và không tiếp xúc với bất cứ ai. Cô Diệp đã tìm mọi cách để trò chuyện với em và hướng dẫn em phát âm. Sau mỗi giờ học, cô lại cần mẫn qua nhà để dạy riêng cho em những kỹ năng cơ bản của một đứa trẻ bình thường. Ngày ngày, cô ở bên cạnh em, cùng em chơi, cùng em luyện tập. Lần đầu tiên được Thăng nắm tay, cô Diệp đã bật khóc vì vui mừng và xúc động. Từ đó, Thăng để cô nắm tay em bước dần ra thế giới bên ngoài và đưa em vào nề nếp học tập.
Cô Diệp đón nhận tình cảm của học sinh trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 |
Không phụ công cô, từ một học sinh tự kỷ nặng, Thăng đã thay đổi rõ rệt. Sau 5 năm Tiểu học, em đã biết đọc, biết viết, biết làm toán, thậm chí cả những bài toán khó với phân số, số thập phân em đều làm thành thạo. Em cũng đã biết cách viết một bài văn để thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Trong bài văn đầu tiên, em viết: “Cô Diệp có đôi mắt rất to. Cái miệng hơi rộng. Cô hay cười để lộ hàm răng trắng bóng như kem Tràng Tiền”. Những dòng chữ chân thật, ngây thơ ấy, đối với mẹ em và cô Diệp, giống như là những kì tích. Đến nay, Thăng đã là một thanh niên 18 tuổi. Em đã biết làm việc nhà giúp mẹ nhưng hằng ngày vẫn dành 45 phút để làm bài cô Diệp giao.
May mắn đối với cô Diệp là trong suốt nhiều năm dạy học cho trẻ khó hòa nhập, cô luôn được gia đình ủng hộ. “Tôi còn nhớ, cách đây 16 năm, con gái của tôi khi đó mới chỉ 4 tháng tuổi. Hàng ngày, ông bà trông con hộ tôi đến 9 giờ tối. Khi tôi trở về nhà, lúc nào ông bà cũng khen “bé ngoan” để tôi yên tâm làm việc. Phụ huynh của tôi còn nhiều lần ôm mẹ chồng tôi mà khóc: “Ông bà giúp đỡ gia đình con. Nếu cô Diệp không giúp, sẽ không ai giúp con được”. Thực sự, tôi biết rằng, những việc tôi đã làm khiến cho bố mẹ tôi cũng phải cảm động và sẵn sàng làm tất cả việc nhà cho tôi say mê với con đường mà mình đã chọn” - cô Diệp bồi hồi chia sẻ.
Con gái Phùng Khánh Huyền của cô Diệp, ngày nào sau giờ tan học cũng cùng mẹ đến nhà các anh chị học sinh tự kỷ. Khi mẹ dạy các anh chị học, Huyền cũng ngồi riêng một góc tự học bài. Chứng kiến trọn vẹn tâm huyết của mẹ, Huyền có ý tưởng sẽ kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức chung tay vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam. Em cũng mơ ước sau này sẽ trở thành một nhà báo để góp phần lan tỏa những việc làm tốt đẹp như việc mà mẹ em đang làm đến nhiều người hơn nữa.
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (5/11): Giá dầu thế giới tiếp đà tăng mạnh
Tỷ giá USD hôm nay (5/11): Đồng USD thị trường tự do quay đầu giảm
Giá vàng hôm nay (5/11): Vàng trong nước đồng loạt giảm mạnh
Tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 đến người lao động ngành Xây dựng Hà Nội
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội với loạt tranh vẽ bằng bút bi
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 5/11: Sáng sớm có mưa rào, trời chuyển rét
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Tin khác
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Xã hội 04/11/2024 19:26
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy
Giáo dục 04/11/2024 13:59
Bộ GD&ĐT cảnh báo việc giả mạo văn bản thông báo tổ chức Giải đạp xe
Giáo dục 04/11/2024 12:26
Nhiều điểm mới trong xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Giáo dục 02/11/2024 06:17
Kiến tạo chính sách để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo
Giáo dục 01/11/2024 20:58
Giải quyết trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cho học sinh
Giáo dục 01/11/2024 20:36
Bác bỏ tin lộ đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Toán tại quận Hai Bà Trưng
Giáo dục 01/11/2024 18:26
Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu thành phố Hải Phòng năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 9/11
Giáo dục 01/11/2024 06:42
Tăng cường quản lý các trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài
Giáo dục 30/10/2024 21:02
Trường THCS Quang Lãng với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”
Giáo dục 29/10/2024 06:58