Chung cư liệt truyện (bài 3): Ở chung cư rất cần hàng xóm
Chung cư liệt truyện: Đừng đùa với lửa! (Bài 2) | |
Chung cư liệt truyện: Đi thang máy (Bài 1) |
So với cuộc sống ở thôn xã thì rõ là sống ở đô thị cái tình hàng xóm có “khiếm khuyết” thật. Chả thế mà trong bài thơ “Mẹ ra Hà Nội thăm con”, nhà thơ Lê Đình Cánh đã có câu “Lên thang chẳng dám bước dài/Vào khu tập thể gặp ai cũng chào…”. Sống ở chung cư, nếu so với cuộc sống ở đô thị nói chung, nhiều người nhận xét rằng sự giao tiếp hàng xóm còn “nghèo nàn” hơn nhiều. Có phải sống ở chung cư thì không cần hàng xóm?.
Vui đấy lại chưa vui vậy
Buổi sáng tôi vừa mở cửa thì đã nghe “cháu chào ông”, ngẩng mặt tươi cười tôi nhận ra cô bé 6 tuổi ở căn hộ đối diện đang lúi húi buộc dây giầy. Cháu cất tiếng “cháu chào ông” thêm lần nữa vì sợ tôi chưa nghe rõ.Tôi đáp lại để cháu vui “Chào cháu. Cháu ngoan quá”. Lại chưa kịp nghe câu đáp của cháu, tôi đã nghe vọng ra “cháu chào ông”. Ôi, cô chị năm nay 9 tuổi vẫn đang còn ở trong nhà nghe thấy đứa em gái của mình chào thì cũng nhanh nhẩu chào vọng ra như kiểu “nếu không chào thì mất quyền lợi” vậy. Chưa hết, cũng lúc đó bố của hai cháu bước ra, thay vì giục hai cô con gái nhanh lên thì lại hỏi: “Chú đêm qua ngủ ngon không ạ?”. Ôi, ở chung cư như thế ai mà chẳng muốn ở.
Buổi chiều, bạn vừa “tung tẩy” đi dọc hành lang thì phải lùi người né vội. Một bà mẹ trẻ tuổi nhang nhác con gái của bạn chẳng nói chẳng rằng “ẩn” bạn sang một phía để cô ta xách túi xách đồ đi cho nó khỏi vướng. Bạn là người vốn dĩ chan hòa nên vội vàng lên tiếng “Đi đâu mà cồng kềnh thế cháu?”. Không câu đáp lại chỉ ánh mắt “hình viên đạn” chĩa thẳng vào bạn chứ nói gì đến một câu đáp lễ. Bỗng cái niềm vui buổi sáng bị vơi đi trước cách ứng xử của nhiều bạn trẻ sinh sống ở chung cư.
Ảnh minh họa. |
Xu hướng ở mới cũng cần có lối sống mới
Ở chung cư bây giờ đang trở thành một xu hướng đối với người Hà Nội, nói một cách khác là ở chung cư đang thành một thói quen sống mới trong một đô thị hiện đại, đặc biệt là đối với những công dân trẻ. Cư dân sống ở chung cư đa phần là công chức nhà nước, người cao tuổi nghỉ hưu, người các tỉnh lên Hà Nội học tập và làm việc. Với những đối tượng ấy nhà chung cư xem ra là rất hợp lý.
Khác với nhà tập thể cũ, nhà chung cư cao tầng hơn, đông cư dân hơn nhưng lại khép kín hơn, xa vắng hơn và khó gặp nhau hơn. Sống ở chung cư nghĩa là sống trong một “môi trường” với rất nhiều tiện ích và cũng có rất nhiều hộ gia đình cùng ở trong một tòa nhà, nhiều người cùng ra vào lên xuống nên cũng thường xuyên chạm mặt nhau. Chạm mặt ở sảnh chung. Chạm mặt ngay trước cửa căn hộ. Chạm mặt ở cầu thang máy và kể cả chạm mặt ở chỗ đổ rác.
Do đặc tính là ở chung cư đa phần là những cặp vợ chồng trẻ. Những cặp vợ chồng này thường là do bố mẹ hai bên có điều kiện nên cho ra ở riêng hoặc là do công việc có thu nhập khá nên về sinh sống ở chung cư cho nó an ninh. Người mua đứt căn hộ có. Người thuê ở có. Người mua đứt thường có thái độ chan hòa bởi dù sao họ cũng có ý thức căn hộ chung cư mà họ đang ở là “ngôi nhà” của mình. Nhưng những người thuê ở thường có thái độ “lạnh nhạt” với người xung quanh bởi họ có suy nghĩ là mình chỉ ở tạm và luôn dè chừng như kiểu “hình như mọi người đang để ý mình thì phải”.
Ở chung cư đa phần cư dân là những người ban ngày đi làm tối về chỉ để nghỉ ngơi và ngủ nên “đèn nhà ai nhà nấy rạng” gần như là phổ biến. Có người đi làm từ sáng sớm tới tối muộn mới về. Đi sớm về muộn nên có khi hai căn hộ đối diện nhau mà chủ nhân của hai căn hộ có khi chưa một lần tường mặt, chưa một lần qua chơi nhà nhau. Đi sớm về muộn nên dù có muốn chào nhau cũng khó bởi vì khi mình đi làm thì người bên kia còn chưa ra cửa.
Ở chung cư không có nghĩa là xa rời chuyện xã hội
“Đấy cũng là nỗi khổ ông ạ” người cháu họ gọi tôi là chú nhưng theo cách gọi thay con thì cháu luôn một điều “ông” hai điều “ông”, người cháu trong một lần ăn giỗ đã “than vãn” với tôi như vậy. Cháu cho biết thêm “Căn hộ đối diện gần như đến ở đồng thời với cháu ở chung cư A nhưng cháu chưa một lần giáp mặt”. Thôi bỏ đi, cháu tôi kể, chuyện giáp mặt thì không vấn đề gì nhưng có lần bà giáo Hồng (gọi thế vì trước kia bà là cô giáo trường Trung học phổ thông) được cư dân trong chung cư tín nhiệm bầu vào Ban quản lý, tìm đến căn hộ đó để nhắc nhở chuyện đóng góp vào quỹ khuyến học của tòa nhà.
Chẳng là năm học đã kết thúc, ban quản lý chung cư có ý định tổ chức một cuộc “tuyên dương” các cháu học sinh ở chung cư để khuyến khích các cháu đồng thời “thắt chặt” tình cảm cư dân. Bà Hồng nhiều lần đến căn hộ đối diện với căn hộ của cháu tôi để “nhắc nhở” chuyện nộp bản phô tô giấy khen của các cháu và thu tiền quỹ khuyến học. Thấy bà Hồng đi lại nhiều lần nên cháu tôi nói là đóng hộ nhưng bà Hồng không nhận. Bà Hồng nói “Để họ đóng cho nó có trách nhiệm”. Thế là người cháu của tôi cứ rập rình suốt tối cuối cùng cũng gặp được gia chủ. Thay vì câu cám ơn và sẵn sàng làm theo yêu cầu thì người chủ nhà đó sẵng giọng buông câu “biết thế” rồi đóng sập cửa lại. Đã đành đi làm vất vả nên mệt mỏi nhưng bạn thử nghĩ xem thái độ như vậy có đúng không?
Đem chuyện này kể với mấy người bạn thể dục buổi sáng, có cả già cả trẻ, đa số ý kiến đều cho rằng bất kể ở đâu thì chuyện hàng xóm vẫn là quan trọng, song cũng có ý kiến giải thích rằng: Không thích tiếp xúc với những người hàng xóm trong chung cư đang là “cách sống” của nhiều gia đình trẻ. Theo họ thì bên trong căn hộ của mình đã đầy đủ mọi thứ. Thói quen “đi chợ” một lần dùng cho cả tuần đang phổ biến. Có đầy đủ mọi thứ rồi thì cần gì đến chuyện có bữa nhỡ nhàng thiếu cái gì đó gõ cửa nhà bên hỏi vay hỏi xin. Lại có người cho rằng cư dân chung cư hiện nay khá đa dạng và phức tạp. Biết người ta là ai và họ như thế nào? Thôi thì cứ đóng cửa cho lành, cho yên tâm.
Quả tình là cư dân chung cư hiện nay đúng là rất đa dạng. Những người trước kia chưa từng sinh sống ở môi trường kiểu tập thể cũng có. Người thường xuyên sống trong môi trường tập thể cũng có. Người từ các địa phương về sống cũng có. Có người “vô tư” cứ thấy ai đó đi qua là nhìn kiểu như theo dõi cũng có. Người vô tư thấy nhà bên cửa mở đi ngang qua dừng lại đứng hồn nhiên ngó vào nhìn cũng có. Những “cử chỉ” đó làm người ta phát ngại mà“đóng cửa” và “ngoảnh mặt làm ngơ”.
Đúng là tắt lửa tối đèn có nhau
Khổ thế đấy. Nhưng cho dù ở chung cư hay ở nhà mặt đất thì anh có “bỏ” được nhưng mối quan hệ hàng xóm đâu. Tôi được nghe một câu chuyện như sau: Một sáng khi mọi người trong tòa nhà gần như đã đi làm hết. Cô giúp việc cho một căn hộ hốt hoảng vừa chạy ra sảnh vừa gõ cửa mấy nhà gần đó kêu giúp đỡ. Thì ra “ông chủ” của cô không may bị đột quỵ. Cô giúp việc sợ quá nhoáng nhoàng kêu cứu. May mà căn hộ gần đó có người ở nhà. Người hàng xóm tốt bụng đã nhanh chóng sang sơ cứu rồi gọi xe cấp cứu giúp. May mà kịp nên “ông chủ” bên đó tai qua nạn khỏi. Thử hỏi nếu người hàng xóm kia cứ “dửng dưng” và đóng sập cửa nhà mình lại thì sẽ như thế nào?
Ở chung cư, theo tôi, thì kiểu gì cũng không bỏ được mối quan hệ cộng đồng. Đó là mối quan hệ có “gốc rễ” lâu đời và là đặc tính của người Việt chúng ta. Đã đành sinh sống trong chung cư là sinh sống trong một điều kiện mới, hiện đại và tiện ích nhưng mối quan hệ cộng đồng sẽ giúp chúng ta thấy không bị nhàm chán, không bị “giam lỏng” trong căn hộ của mình. Những người ở quê lên chung cư trông cháu cho con. Những người già con cái đón về chung cư ở với mình để tiện chăm sóc.
Những đứa trẻ cả ngày chỉ biết tới học và học, tối về chung cư với bố mẹ…đó là những đối tượng rất cần được “giao lưu” được tiếp xúc và được vui chơi nói chuyện. Mối quan hệ hàng xóm sẽ giúp họ xóa đi mặc cảm xa cách, xóa đi những phiền muội tuổi già, làm gần lại những tình cảm người với người. Chả thế mà từ ngàn đời nay ông cha ta vẫn dạy: “Bán anh em ra, mua láng giềng gần”.
Và tôi nhận ra: Ở chung cư vẫn rất cần hàng xóm.
Nguyễn Nguyễn
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01
Tái hiện không gian "nhà tranh vách đất" làng quê Bắc Bộ
Tôi yêu Hà Nội 15/11/2024 14:47
Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một
Tôi yêu Hà Nội 14/11/2024 09:08
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49