Chen lấn, giành giật quà từ thiện: Đừng để bị lòng tham chi phối
Những suất cơm ấm lòng giữa mùa dịch | |
Tấm lòng "vàng" sẻ chia vì cộng đồng trong tâm dịch covid - 19 | |
Người Hà Nội tương thân, tương ái trong mùa dịch |
Cần loại bỏ “văn hóa” chen lấn
Bắt đầu từ ngày 1/4, toàn dân thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều người lao động nghèo, xe ôm, người bán hàng rong, những người vô gia cư… vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.
Để chia sẻ những khó khăn ấy, ở khắp nơi trên cả nước, mọi người đã chung tay hỗ trợ người nghèo bằng những hành động thiết thực như tặng khẩu trang, phát quà từ thiện, bữa cơm miễn phí hay lấy gạo từ các cây “ATM gạo” miễn phí…
Những việc làm tình nghĩa của những cá nhân, tổ chức hảo tâm đã góp phần giảm thiểu gánh nặng cơm áo cho nhiều người nghèo trong lúc khó khăn, nhưng trên hết là sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau làm ấm lòng cả người cho và nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những hành động đẹp, đáng quý ấy vẫn còn xuất hiện những hình ảnh “không đáng có”.
Khi đến nhận quà từ thiện, người dân nên xếp hàng và tuân thủ quy định giãn cách 2m để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. (Ảnh: Trần Thắm) |
Trưa 14/4, sau 3 ngày hoạt động, tại điểm phát gạo từ thiện Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đã xảy ra tình trạng chen chúc, tranh giành nhau khi hàng trăm người có mặt để được vào lấy gạo. Một số cá nhân cố tình xô đẩy, cãi vã vì cho rằng phải chờ đợi quá lâu. Những hành động thiếu ý thức này đã khiến “cây ATM gạo” bị mất đi một phần ý nghĩa.
Thất vọng trước hình ảnh chen lấn, xô đẩy này ngay tại điểm từ thiện, chị Phạm Thị Như (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải thốt lên: “Trong những ngày cả nước căng mình chống dịch, tại một điểm từ thiện mà xuất hiện những hình ảnh xấu như thế này thật quá đau lòng. Chỉ vì vài cân gạo mà người ta chen lấn xô đẩy kiểu như tranh cướp. Điều gì đã xảy ra như thế này?”.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, người mở ATM rút gạo “bằng chân” ở Hà Nội cho biết, trong ngày 14/4, khi có mặt tại điểm phát gạo miễn phí tại phường Nghĩa Tân, anh đã cố gắng dùng loa nhắc nhở, thuyết phục bà con để đứng giãn ra: "Nếu bà con không nghĩ lại, không nhường nhịn nhau, không có ý thức, chúng ta sẽ vỡ trận và chúng con sẽ đóng cửa ATM gạo miễn phí".
Trên thực tế, trong cuộc sống, văn hóa xếp hàng đã được hình thành từ rất lâu. Xếp hàng được đánh giá như một sự bình đẳng của trật tự xã hội. Chúng ta đi siêu thị vẫn phải xếp hàng để thanh toán, vào quầy làm thủ tục, ra cửa sân bay, nhà ga cũng vẫn phải tuân thủ việc xếp hàng.
Vậy thì hà cớ gì khi đi nhận một phần quà từ những nhà thiện tâm, chúng ta lại không thể tuân thủ quy luật của sự bình đẳng ấy? Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, để phòng tránh dịch Covid-19, việc giãn cách giữa người với người là 2m là thực sự cần thiết.
Lòng tốt cần đặt đúng chỗ
Anh Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, khi thực hiện dự án ATM gạo miễn phí, bên cạnh những lời ủng hộ, cảm ơn, động viên thì nhóm làm tình nguyện cũng nhận được không ít băn khoăn từ cộng đồng. Trong đó, có hai câu hỏi làm anh cảm thấy trăn trở, khó nghĩ. Đó là làm sao để gạo và những hỗ trợ của dự án đến đúng với những người thiếu gạo, những người cần hỗ trợ và làm sao để giải quyết vấn đề người không cần hỗ trợ mà vẫn đi nhận hỗ trợ?
Theo chia sẻ của anh Hùng, cách đây vài ngày, có một tài khoản Facebook đã bình luận trong một bài viết trên Fanpage Sách Thái Hà của anh. Đoạn bình luận có nội dung như sau: Nhà mình ngay cạnh chỗ phát gạo, cũng mong các bạn xem xét lại có cách nào không để hạn chế những người không cần mà vẫn cứ đến lấy… Chứng kiến cảnh lấy gạo rồi ra cổng Ủy ban thay áo, quay lại lấy lần hai... nhói lắm.
“Đọc xong dòng bình luận đó, chúng tôi cũng cảm thấy nhói. Những hừng hực khi triển khai dự án bỗng dưng trầm xuống một nhịp. Tôi hiểu, cái gì cũng có điểm hạn chế của nó, và việc làm thiện nguyện cũng không ngoại lệ. Tôi chỉ ước giá mà ai cũng có ý thức, ai cũng có tinh thần tương thân tương ái thì có lẽ chúng tôi sẽ “nhàn” hơn một chút và ngoài kia, hẳn là người nghèo sẽ ít đi, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ bớt khó khăn hơn”, anh Hùng bày tỏ.
Trước khi bắt tay thực hiện dự án, anh Hùng cũng tìm hiểu thông tin và biết được tình trạng “người giàu” đi nhận gạo tại các cây ATM gạo miễn phí ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy nên một khẩu hiệu đã được anh chú trọng nêu cao: “Nếu bạn cần, hãy đến lấy, nếu bạn ổn, hãy nhường cho người khác nếu bạn có, hãy chung sức đóng góp thêm”.
Tuy nhiên, cũng theo anh Hùng, có vẻ khẩu hiệu này chưa giải quyết được triệt để tình trạng trên. Bởi rõ ràng việc “người giàu” đi nhận hỗ trợ không đơn giản là câu chuyện cho - nhận mà đã trở thành vấn đề ý thức, đạo đức và văn hóa.
Trên thực tế, những hình ảnh xấu xí này không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Mới đây, trên mạng xã hội cũng lan truyền một clip quay tại điểm phát gạo, mì tôm, khẩu trang tại số 2 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân (Hà Nội) có những kẻ tham không đeo khẩu trang đã vào bàn để các túi đồ từ thiện lấy đi mấy túi đồ, mà đáng lẽ ra ai thực sự khó khăn cũng chỉ lấy một túi quà.
Thậm chí, có một phụ nữ còn đem cả một túi to nhặt hết sạch phần quà trên bàn. Những hành đồng của những kẻ tham như thế này thực sự gây bức xúc vì họ đã cướp miếng ăn của những người nghèo khác, và ăn cắp cả lòng tốt của những người làm từ thiện. Vì thế nếu lòng tốt đặt không đúng chỗ, để kẻ tham lợi dụng trục lợi, vừa làm giảm đi ý nghĩa của việc làm nhân văn cao cả, vừa làm mất đi cơ hội của những người nghèo cần sự giúp đỡ thực sự.
Trong thời điểm này để giúp công việc từ thiện thêm ý nghĩa, lan tỏa đến cộng đồng thì việc phê phán, kịp thời ngăn chặn, hạn chế kẻ tham lợi dụng lòng tốt của cộng đồng để trục lợi là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, khi người dân còn chưa có ý thức trong việc nhận từ thiện cũng như thực hiện giãn cách xã hội cũng cần sự chung tay, giám sát của các cơ quan chức năng. Hãy để những hành động đẹp được lan tỏa và “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Theo như chia sẻ của anh Nguyễn Mạnh Hùng, sau khi có sự cố người dân chen lấn, xô đẩy tại cây ATM phát gạo miễn phí ở phường Nghĩa Tân, phương án của anh đưa ra là nhờ chính quyền vào cuộc. Đến sáng 15/4, nhờ lực lượng công an phường Nghĩa Tân và các tình nguyện viên, mọi người đã trật tự và đảm bảo quy định đứng cách nhau 2m chờ đến lượt mình vào rút gạo. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21