Cải cách hành chính: Cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu
Chồng chéo, kém hiệu quả
Thưa bà, có ý kiến cho rằng bộ máy hành chính chúng ta càng cải cách càng cồng kềnh, bà suy nghĩ gì về vấn đề này?
Trên góc độ thực tiễn, có thể nói thế này: Ai cũng nói bộ máy hành chính cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, cần giảm tầng lớp trung gian. Chúng ta nêu lên, rồi đưa ra diễn đàn Quốc hội đã nhiều, song câu hỏi đặt ra, vì sao chúng ta làm không được? Đây chính là câu chuyện thứ nhất mà tôi quan tâm.
Câu chuyện hai là vì sao chúng ta nói giảm biên chế và có đặt ra lộ trình sao không giảm được. Thế nên, tôi rất kỳ vọng vào kỳ họp Quốc hội này, vì hiện Quốc hội đang thảo luận các dự án Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Chính quyền địa phương.
Còn nói về sự chồng chéo, thực sự đến giờ mình chưa thể kết luận được, nhưng cũng cần phải có đánh giá khoa học về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Ví dụ, ở Trung ương, bộ A làm gì? Quản lý gì thì ở dưới cấp sở, ngành, quận, huyện các bộ phận tương đương làm gì. Từng công chức làm gì? Từng bộ phận tương đương làm gì? Liệu có bị chồng chéo hay không ngay trong lĩnh vực ngành quản lý về chức năng nhiệm vụ? Tôi nghĩ là có. Ví dụ, trong lĩnh vực xây dựng, có nhiều cơ quan cấp phép trong việc xây nhà. Không thể hiểu nổi, tại sao có chuyện một người dân chỉ sửa cái nền nhà thôi mà cơ quan nào cũng biết, cũng đến lập biên bản. Trong khi, cũng trên địa bàn đó, có những người xây những căn nhà to đùng mà lại không ai biết.
Thực tiễn là như vậy. Có quá nhiều cơ quan làm cùng việc, nhưng có điều khi vụ việc xảy ra chẳng cơ quan nào chịu trách nhiệm. Nói về vai trò người đứng đầu, dường như người đúng đầu hiện nay có rất nhiều nhiệm vụ, nhưng sự việc thành hay bại thì trách nhiệm người đứng đầu đến đâu rất khó đánh giá. Điều đó nói lên sự yếu kém về hiệu quả của bộ máy quản lý còn có nguyên nhân khách quan từ cơ chế.
Cơ chế các luật sẽ hướng đến để điều chỉnh, song rõ ràng với một bộ máy ngày càng cồng kềnh, kéo theo đó cấp phó cũng nhiều lên làm tốn kém ngân sách nhà nước. Bà nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Tôi cũng không nói cấp phó là bao nhiêu thì đủ, bộ máy thế nào là vừa, tất cả sẽ là võ đoán. Song đã đến lúc chúng ta phải đánh giá lại một cách nghiêm túc công tác tổ chức bộ máy dựa trên nền tảng khoa học lẫn thực tiễn sinh động của cuộc sống để thấy rõ những điểm không hợp lý. Tổ chức bộ máy là vấn đề rất lớn, nhưng cảm nhận của tôi là rõ ràng đang có sự bất cập, đã đến lúc cần phải điều chỉnh lại. Ví dụ khi nói, 30% công chức không làm được việc là cũng chỉ ước lượng hoặc hình dung ra thôi chứ không có cơ sở hay kết luận nào. Vì vậy, vấn đề cần bàn ở đây là nên xem xét công việc, hiệu quả, trách nhiệm của từng vị phó thế nào?
Nhiều cấp phó, thêm phụ cấp
Nhưng thưa bà, Quốc hội và Hội đồng nhân dân có chức năng hết sức quan trọng là giám sát. Trong khi theo quy định, ở cấp bộ mỗi cơ quan chỉ được phép 3 thứ trưởng, nếu cao hơn phải xin phép Thủ tướng. Nay bộ nào cũng có 6- 8 thứ trưởng, cấp tỉnh thành cũng vậy, trên cương vị là Chủ tịch HĐND TP. HCM bà có suy nghĩ gì?
Tôi mới đi một hai quốc gia để tìm hiểu về cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền của họ, tận mắt thấy thế này: Có quốc gia, các cơ quan công quyền chỉ có 1 đến 2 cấp phó, song cũng có nơi đến mười mấy cấp phó. Vấn đề ở chỗ, mỗi cấp phó chỉ chịu trách nhiệm một lĩnh vực được giao, họ chỉ biết nhiệm vụ của họ, còn các lĩnh vực khác họ không quan tâm. Điều kỳ lạ, họ là “người nhà nước” hưởng lương để làm việc, nên ngoài lương không có bất kỳ chế độ nào đi kèm như phụ cấp chức vụ. Nhân đây cũng nói thêm về sự bất cập của bộ máy và quá nhiều cấp phó xét dưới góc độ đề bạt cán bộ. Theo quy định trong cơ cấu bộ máy, anh muốn lên được chức cao hơn thì anh phải qua chức cấp phó... Quy định như vậy vô tình làm cho thời gian kéo dài khiến nhiều thứ trở nên nhiêu khê. Vì vậy, vận hành bộ máy đó thế nào để hoạt động hiệu quả còn hơn là những quy định mang tính cứng nhắc. Hiện ở nước ta tuy nhiều cấp phó nhưng trách nhiệm rất thiếu rõ ràng. Ở các nước, cấp phó phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực mình phụ trách. Họ làm việc, chứ không phải đẻ ra ghế để thêm một thủ tục hành chính.
Vậy để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy cũng như cấp phó và các chức vụ khác chúng ta phải làm gì?
Tất nhiên phải đánh giá lại. Ví dụ, một bộ có 5- 7 thứ trưởng với tư cách là giúp việc bộ trưởng thì cần phải nhìn nhận lại nếu nhiều thứ trưởng đến thế có cần bên dưới vụ, cục nữa hay không? Phải chẻ dọc bộ máy, xem một người làm bao nhiêu việc, một việc bao nhiêu người làm để thủ tục hành chính không phải chạy qua nhiều cửa. Quan trọng là cách thức quản lý bộ máy. Nâng cao tính trách nhiệm của cá nhân, để cho bộ máy hoạt động hiệu quả.
Khó quyết khi không có quyền
Nhưng vấn đề ai là người có quyền đánh giá bộ trưởng và các cấp phó?
Để đánh giá được điều này, cá nhân tôi cho rằng phải quy định người đứng đầu cấp bộ, ngành, địa phương quyền hạn và trách nhiệm phải đi đôi với nhau. Khi chất vấn bộ trưởng, nếu có góp ý về trách nhiệm cá nhân, tôi thực sự cũng rất áy náy vì hiểu rằng quyền và trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu! Đơn giản, theo quy định hiện hành quyền, trách nhiệm của người đứng đầu không rõ ràng. Phương pháp làm việc của chúng ta cái gì cũng đưa ra tập thể. Đưa ra tập thể bàn là đúng, vì trí tuệ tập thể bao giờ cũng hơn trí tuệ một người. Nhưng khi đã bàn xong thì chỉ một người đứng đầu quyết là đủ. Người đó quyết thì phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình trước những việc mình đã quyết.
Tôi là thủ trưởng đơn vị này song là cấp dưới của cấp trên kia, do đó, trong hệ thống chính trị tới đây cũng phải xem xét lại công tác quản lý nhà nước. Ví dụ, ở cấp Chính phủ quản lý bộ thành viên, Thủ tướng chỉ nắm mỗi bộ trưởng. Còn bộ trưởng phải được Thủ tướng phân quyền cho việc được phép bổ nhiệm cấp thứ trưởng, vụ trưởng cũng như miễn nhiệm họ. Hoặc Thủ tướng đề nghị bộ trưởng cách chức cấp dưới của mình nếu không hoàn thành công việc. Song thực tế, Thủ tướng không có quyền này. Không có thực quyền làm sao nâng cao trách nhiệm của bộ máy. Đành rằng chúng ta luôn tuân theo quy tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ...
Nói tóm lại với tư cách đại biểu QH, tôi chỉ mong lần này khi chúng ta thảo luận các đạo luật về tổ chức bộ máy, cần phải quy định rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu đơn vị.
Phải chăng đây cũng là trường hợp như vụ xảy ra tai nạn làm chết người ở công trình đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng không thể cách chức lãnh đạo nhà thầu ngay được?
Đó là do cơ chế. Vấn đề cần sửa lần này phải sửa lại quyền hạn của từng cấp. Ví dụ chúng ta đang đặt ra câu hỏi tại sao không có người đứng đầu từ chức? Khách quan là vậy, nhưng đi sâu vào không đơn giản. Vì có những cái người đứng đầu quyết được, song có những cái không thể quyết, dẫu rất muốn nhưng khi mang ra lấy ý kiến đảng bộ, tập thể cơ quan lại không thống nhất. Còn nếu tôi là người đứng đầu, cho tôi toàn quyền, không làm được việc mới tính. Thế nên, như trường hợp Bộ trưởng Thăng không thể cách chức lãnh đạo công ty để xảy ra tai nạn, đơn giản vì bộ trưởng không đủ thẩm quyền.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn không đi đôi với nhau sao có thể đặt vấn đề xử lý người đứng đầu. Ví dụ, một đồng chí cấp sở không hoàn thành nhiệm vụ đương nhiên khó có thể xử lý người đứng đầu UBND. Bởi cán bộ đó do Ban Thường vụ Thành ủy, tỉnh ủy địa phương đó quản lý, quyết định. Tất nhiên, xét về mặt quản lý nhà nước, lãnh đạo có trách nhiệm quản lý, giáo dục, song không có quyền cách chức người đó. |
L. Hà (thực hiện)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
37 tỉnh, thành giảm 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị cấp xã sau sắp xếp
Sự kiện 01/11/2024 21:41
Luân chuyển, chỉ định Phó Bí thư Huyện ủy các huyện Yên Thành, Quế Phong
Sự kiện 01/11/2024 21:39
Huy động 256.250 tỷ đồng để đầu tư phát triển văn hóa
Sự kiện 01/11/2024 17:28
Đại biểu đề nghị quy định về phòng cháy tại nhà chung cư cao tầng
Sự kiện 01/11/2024 13:57
Đảm bảo sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế
Sự kiện 31/10/2024 20:34
Đề nghị nâng mức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên
Sự kiện 31/10/2024 18:55
Gỡ vướng về đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh
Sự kiện 31/10/2024 13:27
TP.HCM: Dự kiến thu gần 33.000 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất
Sự kiện 31/10/2024 08:53
Tạo khung pháp lý chung để quản lý hoạt động của tàu bay không người lái
Sự kiện 30/10/2024 22:44
Tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng tinh gọn, hiệu quả
Sự kiện 30/10/2024 21:15