Báo chí cần khắc phục hạn chế để “bút sắc, lòng trong”
* Thưa Thứ trưởng, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những ưu điểm nổi bật, báo chí của chúng ta đang nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó vấn đề đạo đức người làm báo dường như đang bị xem nhẹ. Quan điểm của Thứ trưởng về luồng dư luận này như thế nào?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Trước hết, phải khẳng định trong chặng đường 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nói cách khác thì những mặt tích cực của báo chí vẫn là dòng chủ đạo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đúng là báo chí cũng mắc phải không ít khiếm khuyết, sai sót. Có những tờ báo thông tin thiếu trung thực, lại có những tờ báo vì quá nhanh nhạy, muốn đưa thông tin đầu tiên nên thiếu kiểm chứng, dẫn đến những sai sót đáng tiếc và phải bị xử lý. Nhiều sản phẩm báo chí còn chạy theo xu hướng giật gân, câu khách, xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng, nhất là trong các ấn phẩm phụ, số chuyên đề, báo điện tử. Thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu nhạy cảm chính trị, vi phạm bản quyền có chiều hướng gia tăng. Những bất cập trong phát triển báo chí thiếu tính quy hoạch dẫn đến trùng lặp về nội dung, phân tán, lãng phí về nhân lực, tài chính, nhất là trong lĩnh vực truyền hình.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn |
Một thiếu sót lớn nữa tôi muốn nói đến chính là đạo đức làm báo. Nghề nào cũng cần phải có đạo đức, nghề báo lại càng phải đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Nhưng nhiều nhà báo vì lý do này, lý do khác vẫn phạm phải những sai phạm rất đáng tiếc. Những sai phạm đó là gì? Tung tin thất thiệt, đưa tin gây ảnh hưởng, phương hại đến tổ chức, cá nhân. Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm này theo tôi là do quá trình toàn cầu hóa thông tin, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông trên Internet, điều này cũng khiến cho công tác lãnh đạo, quản lý báo chí gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; 98 cơ quan báo điện tử; 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội; gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ... |
* Thời gian qua, làng báo xuất hiện nhiều ấn phẩm báo chí đăng tải nội dung thiếu lành mạnh, sai sự thật và dẫn đến hiện tượng “lá cải hóa” báo chí. Thậm chí, thông tin trên một số trang mạng xã hội được cơ quan báo chí sử dụng như một nguồn tin. Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng trên?.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Thực tiễn cho thấy, kỷ nguyên số đã dẫn đến sự bùng nổ của truyền thông xã hội - một phương thức thông tin có phạm vi ảnh hưởng gần như không giới hạn về thời gian và không gian. Truyền thông xã hội đang phát triển mạnh mẽ và mỗi ngày chúng ta thấy đều có sự thay đổi rất lớn. Mạng xã hội đã tận dụng được những tiến bộ của công nghệ hiện đại để tạo ra sức hấp dẫn ngày càng tăng. Mạng xã hội thông tin rất nhiều và đa dạng, đã đặt ra cho báo chí truyền thống, cơ quan báo chí chính thống của chúng ta phải bắt kịp được xu hướng đó để không bị lạc hậu. Điều đó tạo ra không ít thách thức, đó là bùng nổ thông tin trên truyền thông xã hội; bùng nổ về số lượng người sử dụng truyền thông xã hội; áp lực về thông tin phản biện kịp thời và thông tin chỉnh hướng dư luận; áp lực về cạnh tranh trong kinh tế báo chí (thu hút quảng cáo, trao đổi, mua bán thông tin…). Vì thế, báo chí cách mạng cần ứng xử với truyền thông xã hội như một công cụ trong quá trình phát triển của báo chí đương đại.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại lễ khai giảng lớp “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập” K6-BTXB01 |
Mặt khác, một vấn đề nữa đặt ra là cùng với việc cập nhật thông tin nhanh nhạy, chúng ta phải đảm bảo đúng định hướng. Đây là cái khó đặt ra cho cơ quan báo chí. Thông tin phải được kiểm chứng và xem xét một cách kỹ lưỡng. Phóng viên chỉ là một bước để chúng ta thực hiện thông tin kiểm chứng. Tòa soạn cũng phải thực hiện kiểm chứng thông tin để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Tính nhanh nhạy của nhà báo, của người làm báo là rất cần thiết, tuy nhiên cái nhanh nhạy đó phải thông qua thực tiễn và bằng thực tiễn của mình. Đã là người làm báo phải hòa mình vào nhịp thở của cuộc sống, phải lăn vào cuộc sống để có tin bài có chất lượng chứ hiện nay tôi thấy, nhiều nhà báo, phóng viên lướt web, lên facebook, lấy thông tin, xào xáo lại rồi đăng đã xâm phạm quyền tác giả. Ví dụ trận lốc xoáy mới đây tại Hà Nội, tôi được biết một số nhà báo không có mặt tại hiện trường, khi nghe tin, xem trên facebook chỗ này, chỗ khác có cây đổ, nhà tốc mái rồi xào xáo lại, coi đó là tin tổng hợp của mình, thậm chí lấy ảnh của đồng nghiệp, ảnh trên mạng xã hội. Việc làm này không chỉ bỏ qua vai trò xã hội của người làm báo, mà nó còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo, bỏ qua quy trình tác nghiệp thông thường, dẫn đến sai phạm rất đáng tiếc. Đó là cách làm báo không có lợi, gây tác hại cho chính cơ quan báo chí, cái này tôi đã thường xuyên nhắc các cơ quan báo chí. Chúng ta phải khắc phục hạn chế này để “bút sắc, lòng trong” lấy lại được lòng tin của độc giả.
* Tình trạng nhà báo bị hành hung, đe dọa vì chống tiêu cực ngày càng nhiều. Chỉ trong chưa đầy 1 tuần đầu tháng 6 vừa qua đã có 3 nhà báo bị đe dọa và hành hung. Do đó rất nhiều nhà báo, mặc dù luôn xác định “sinh nghề, tử nghiệp” nhưng cũng cảm thấy bất an khi tác nghiệp. Vậy theo Thứ trưởng, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và làm thế nào để bảo vệ nhà báo?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Tôi đánh giá cao vai trò của báo chí trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tiêu cực, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng. Thông tin do báo chí cung cấp đã góp phần rất hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng. Còn hiện tượng hành hung nhà báo và mới đây nhất là hai nhà báo ở báo Giao thông Vận tải là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong giới báo chí cũng có người sử dụng, câu kết với xã hội đen, hành hung đồng nghiệp của mình, đây là hành động rất đáng lên án và chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải vào cuộc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những nhà báo tác nghiệp chân chính, một cách an toàn nhất. Hội Nhà báo và cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi sẽ lên tiếng để bảo vệ những nhà báo chân chính, bảo vệ đồng nghiệp của mình.
Việc nhà báo bị hành hung, đe dọa khi tác nghiệp, theo tôi, có những nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến các cấp chính quyền, các nhà quản lý chưa quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu, nắm chắc các quy định của Luật Báo chí. Chỉ khi nào các điều luật liên quan đến báo chí được các cấp chính quyền và nhà quản lý hiểu và thực hiện nghiêm túc thì việc bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp mới có thế thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Chính vì vậy, để ngăn chặn tình trạng trên, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí để mọi người hiểu rõ về hoạt động báo chí, quyền và phạm vi tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Phát huy vai trò, trách nhiệm của của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ nhà báo. Đối với các vụ cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cần phải xem xét xử phạt vi phạm hành chính và công khai kết quả xử lý trước công luận. Cơ quan báo chí khi cử nhà báo, phóng viên tham gia hoạt động chống tiêu cực phải có phương án cụ thể, theo dõi sát sao để can thiệp kịp thời, không để phóng viên tác nghiệp một mình. Các cơ quan chức năng cần thống nhất về nhận thức trong việc vận dụng pháp luật trên cơ sở lợi ích chung của xã hội để xử lý nghiêm khắc cá nhân có hành vi đe doạ, hành hung nhà báo.
Nhà báo tác nghiệp trên quần đảo Trường Sa |
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì soạn thảo Luật Báo chí trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015. Việc xây dựng Luật Báo chí lần này cũng sẽ quy định cụ thể hơn việc bảo vệ nhà báo tác nghiệp; khắc phục những mặt hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí như trong thời gian qua do các quy định pháp luật còn thiếu hoặc chưa rõ ràng; đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của các cơ quan báo chí, nhà báo; trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động báo chí, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng của tình hình mới ở trong nước và trên thế giới; đảm bảo sự thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng tốt hơn nữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của công dân phù hợp điều kiện phát triển của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
*Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Thương Huế (Thực hiện)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
Luật quy định như thế nào về hành vi gian lận bảo hiểm?
Ngày 24/12: Giá dầu thế giới giảm nhẹ
Kiểm soát an ninh hàng không dịp Tết 2025
Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai tới đâu?
Mở rộng tiêm phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Noel trong tôi
Tin khác
Tin vui: Người dân được nhận 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH trước Tết
Tin mới 24/12/2024 08:21
Đánh giá tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Tin mới 24/12/2024 08:07
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16