TP.HCM: Dịch sốt xuất huyết "rình rập" xóm trọ nghèo
Sống chung với ô nhiễm
Sau cơn mưa lớn vào đầu giờ chiều 5/8, chúng tôi tìm đến xóm trọ nhỏ nằm tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân - nơi anh Trần Văn Khánh (28 tuổi, quê Quảng Ngãi) cùng vợ đang sinh sống. Xóm trọ có chừng 15 phòng sâu trong hẻm, người thuê chủ yếu là lao động tự do, công nhân, tiểu thương ở khu công nghiệp Tân Tạo. Phía trước trọ là con mương hôi thối cuốn theo rác thải và xác chết động vật. Mưa xuống khiến nước lên, chảy vào những rãnh nước không lối thông đọng thành vũng, vô tình tạo ra nơi ở “tuyệt vời” cho lăng quăng.
Hơn một tuần trước, nghe tin trong khu trọ có người phải nhập viện vì bị sốt xuất huyết, anh Khánh lúc đó mới tá hoả tìm cách phòng chống muỗi cho gia đình và xóm trọ. Bản thân anh cũng đang mắc bệnh về gan, đôi mắt vàng như mỡ gà nên hay đau ốm, vì vậy cứ nghe có dịch bệnh là anh lại chạy đôn chạy đáo tìm cách phòng ngừa.
Khu trọ của anh Khánh nằm đối diện con mương đen kịt, hai bên con mương này còn có nhiều khu trọ khác. |
“Nói là phòng tránh nhưng cũng chỉ mắc màn ngủ vào buổi tối. Trong nhà lúc nào cũng sẵn sàng nhang chống muỗi, cứ lúc nào mưa xong là phải đốt để tránh muỗi. Người lớn như tôi thì không lo, chỉ sợ mấy đứa nhỏ sức khoẻ yếu dễ bị nhiễm bệnh...”, anh Khánh nói.
Khi được hỏi vì sao không đi nơi khác sạch sẽ hơn để thuê trọ, anh Khánh cho biết, phòng trọ ở đây gần khu công nghiệp Tân Tạo – nơi anh làm việc nên thuê ở đây sẽ thuận tiện hơn. Ngoài ra, giá thuê mỗi tháng chỉ hơn 1,5 triệu đồng nên dù phòng có ẩm thấp và bẩn một chút nhưng gia đình anh Khánh vẫn có thể “miễn cưỡng” ở được.
“Ngày nắng thì không sao, ngày mưa thì nước đọng bốc mùi hôi thối, chuột cống chạy vào nhà như cơm bữa tha theo nước bẩn từ dưới mương nước. Có những lúc mưa to, gián từ dưới cống leo lên bu kín cả một mảng tường. Nhưng phòng trọ rẻ thì khó kiếm, dù ở đây có mất vệ sinh một chút nhưng vẫn ở được, chỉ cần xịt côn trùng thường xuyên thì không sao”, anh Khánh thở dài nhìn về con mương đen trước phòng trọ của mình.
Men theo con mương là một dãy trọ khác cách xóm trọ của anh Khánh chừng 30m. Đây là nơi sống của anh Hùng (44 tuổi, quê Quảng Trị), bên trong phòng trọ được “tô điểm” bằng những mảng tường rêu, trần nhà mạng nhện bám dày dặc ám mùi ẩm mốc, hôi hám.
Khi được hỏi về dịch sốt xuất huyết, anh Hùng dứt khoát nói bình thường, sống ở đây nhiều năm nhưng chưa bao giờ bị bệnh tật gì. Anh Hùng cho rằng “những người cơ địa yếu mới bị bệnh” nên anh không để ý việc phòng tránh muỗi nhiều như người khác, chỉ duy nhất việc mắc màn đi ngủ là vẫn làm mỗi ngày.
“Cũng nghe nói sốt xuất huyết nguy hiểm từ lâu, nhưng mà tôi chưa tận mắt thấy ai bị bao giờ nên cũng không lo lắm. Chỉ biết là nếu mắc màn ngủ mỗi tối thì sẽ phòng tránh được muỗi, chỗ nào có lăng quăng thì đổ nước đi là được. Mấy bữa trước có người về xịt thuốc rồi nên chắc không sao đâu...”, anh Hùng cho biết.
Chủ động phòng dịch
Quận 8 là một trong những địa phương có số ca bệnh sốt xuất huyết trong tuần tăng so với số ca trung bình 4 tuần trước. Nghe tin có người chết vì sốt xuất huyết, ông Trần Văn Thắng (62 tuổi, ngụ quận 8) bắt đầu biết “sợ” và tìm cách phòng chống muỗi. Nghe theo hướng dẫn của trạm y tế, mỗi ngày ông đều dọn phòng trọ thường xuyên, rác thải được bỏ vào thùng rác, đồng thời chai xịt muỗi và nhang muỗi lúc nào cũng luôn có sẵn trong phòng, màn muỗi cũng được ông thay mới vì cái cũ đã rách loang lổ vài nơi.
“Tôi nghe nói quận 8 có người chết vì sốt xuất huyết, nên khu này ai cũng lo. Cách đây mấy bữa có người về xịt thuốc và hướng dẫn phòng sốt xuất huyết, nên bây giờ cũng yên tâm hơn”, ông Thắng cho biết.
Nghe khuyến cáo của trạm y tế, ông Thắng mỗi ngày đều dọn rác trước phòng trọ để phòng muỗi. |
Khu trọ của ông Thắng được bao quanh bởi hai con kênh là Kênh Lò Gốm và Kênh Đôi, vì vậy muỗi và lăng quăng rất dễ sinh sôi nảy nở vào mùa mưa. Xung quanh khu vực này các khẩu hiệu chống dịch sốt xuất huyết cũng được bố trí để tuyên truyền cho người dân.
Sát bên khu trọ của ông Thắng, anh Nguyễn Tiến Thành (29 tuổi) dù chưa từng mắc sốt xuất huyết nhưng cũng rất sốt sắng trong việc dọn dẹp đường phố và thực hiện nhiều biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. “Tôi không lo cho bản thân, mà sợ gia đình có mẹ già và trẻ nhỏ nên không thể chủ quan, lỡ có chuyện gì thì khổ lắm. Việc mình phòng muỗi vừa tốt cho bản thân vừa tốt cho cộng đồng”, anh Thành nói.
Anh Thành cũng cho biết, xung quanh khu vực này chưa nghe nói có ai bị sốt xuất huyết mà nhập viện, nhưng cán bộ trạm y tế vẫn thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng chống dịch. Vì vậy, anh Thành và những người trong xóm vẫn luôn chủ động trong việc diệt lăng quăng, phòng muỗi.
Bà Mai Thị Mậu (áo nâu) đậy chum nước để phòng lăng quăng. |
Là người có thói quen dùng chum hứng nước mưa để tưới cây, rửa ráy, bà Mai Thị Mậu (84 tuổi) cũng bắt đầu thay đổi thói quen tiềm ẩn nguy cơ gây sốt xuất huyết này. Hai chiếc chum to đựng nước mưa đục ngầu, phủ lớp rêu xanh dày đặc được bà đậy lại sơ sài bằng miếng fibro bể. "Cái này ngày mai dùng là hết liền, chứ không có để lâu, trong này không có lăng quăng đâu”, bà Mậu nói.
Bà Mậu cho biết, hai chum nước này được để trước nhà từ nhiều năm trước, đôi lúc cũng có lăng quăng vì nước để lâu không ai dùng. Nhưng gần đây bà hay dùng để tưới cây và cho những tiểu thương bán cá gần đó dùng nên ít khi còn đọng nước. “Trạm y tế có nhắc nhở về việc đựng nước mưa bằng chum, nên thời gian qua tôi đậy chum kỹ lại, phòng muỗi vừa tốt cho gia đình vừa tốt cho người xung quanh”, bà Mậu cho hay.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 22-28/7, Thành phố ghi nhận tổng cộng 35.125 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 8.171 ca, trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 568 ca. Trong tuần ghi nhận 2 trường hợp tử vong do o tại quận 7 và huyện Củ Chi, nâng tổng số ca tử vong do SXH tại TPHCM đến nay là 16 trường hợp. Dự báo, trong những tháng còn lại của năm 2022 - khi Thành phố đã bước vào những tháng cao điểm của mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng, từ đó số ca bệnh nặng và tử vong cũng sẽ tăng. Thông qua hệ thống tin nhắn sms, UBND TP.HCM kêu gọi mỗi người dân dành ít nhất 15 phút mỗi tuần và hãy bắt đầu ngay từ ngày hôm nay thực hiện các biện pháp triệt nơi sinh sản của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết như đậy nắp những vật chứa nước đang sử dụng, loại bỏ hoặc đưa vào nơi có mái che những vật chứa nước không dùng tới, loại bỏ các loại rác thải có khả năng đọng nước xung quanh, thả cá/muối vào những vật chứa nước mà không thể thay nước. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Yêu cầu các địa phương báo cáo thưởng Tết trước ngày 15/12
Đời sống 07/11/2024 16:30
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33