Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học đã và đang dần được khẳng định và trở thành xu thế tất yếu của giáo dục. Thông tin tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm 2007, từ một số ít trường triển khai đào tạo tín chỉ, cho phép người học đăng ký học tập, xem kết quả học tập, đóng học phí online, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai loại hình đào tạo này. Việc đăng ký thi Trung học phổ thông và xét tuyển qua mạng, các nghiệp vụ quản trị trường học cũng được số hoá, thực hiện trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.
Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, nhờ sự linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. (Ảnh minh họa: P.N) |
Năm 2018, ngành Giáo dục đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục với 53.000 trường học, 710 Phòng Giáo dục và Đào tạo, gần 24 triệu học sinh và hơn 1,4 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thông tin của 393 trường đại học, cao đẳng với 2,5 triệu sinh viên và 120.000 giảng viên cũng được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng triển khai. Đến nay đã có 5.000 bài giảng E-learning, 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm.
Thời điểm dịch Covid-19, học sinh và sinh viên không thể đến trường học tập. Với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở đào tạo tăng cường các hình thức dạy học qua Internet và trên truyền hình. Nhờ sự linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 - 2020.
Riêng tại Hà Nội, thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý. Theo đó, năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thí điểm áp dụng sách điện tử các môn Âm nhạc, Thủ công, Tin học, Tiếng Anh với các trường Tiểu học, Trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quá trình học tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên; đồng thời thí điểm triển khai trường học điện tử cho 3 cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở tại 3 Phòng Giáo dục và Đào tạo (quận Long Biên 16 trường, quận Thanh Xuân 4 trường và quận Bắc Từ Liêm 14 trường).
Cũng trong năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục triển khai "Trường học kết nối" trong tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn qua mạng tới tất cả các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Các trường đã tiến hành tập huấn và cấp tài khoản cho các giáo viên và học sinh. Đến hiện tại, việc khai thác, sử dụng “Trường học kết nối” ở các trường đã dần đi vào nền nếp và có tác dụng tốt. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường thường xuyên đưa bài lên trang web, xây dựng nguồn học liệu mở, góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong trường học hiện nay.
Đặc biệt, trong thời gian học sinh phải tạm nghỉ học tập trung tại trường do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhằm hỗ trợ việc học tập, củng cố kiến thức cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức ghi hình và phát sóng chương trình "Học trên truyền hình" các môn học năm học 2019 - 2020 dành cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 bảo đảm chất lượng cao nhất; đồng thời chia sẻ nội dung cho 12 tỉnh/thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng chỉ đạo tới 100% các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố thông tin và hướng dẫn học sinh tham khảo Chương trình dạy học trên VTV7 - Kênh truyền hình chuyên về Giáo dục của VTV.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn triển khai hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study, học tập qua internet giúp việc ôn luyện kiến thức của học sinh trở nên tự giác. Trong tháng 5 - 6/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức 2 đợt khảo sát chất lượng cho 74.000 học sinh lớp 12 bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Hanoi Study. Kết quả, trên 99,5% học sinh tham gia làm bài và nộp bài thành công. Cũng trong tháng 6/2020, Sở tiếp tục triển khai khảo sát tiếng Anh cho 104.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn toàn Thành phố.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Được biệt, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó giáo dục là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên triển khai thực hiện.Với quy mô 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo với hàng triệu học sinh, sinh viên, giáo viên, ngành Giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số.
Thông tin tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành Giáo dục rất quan tâm tới việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành công dân toàn cầu. Chính vì vậy, chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận, dịch Covid-19 vừa qua mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả dạy học online trong thời điểm dịch Covid-19 được đánh giá tốt. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tổ chức lại hoạt động chuyển đổi số một cách bài bản hơn để nâng cao hiệu quả.
Chia sẻ về những việc cần phải làm để thực hiện chuyển đổi số, người đứng đầu ngành Giáo dục cho rằng, trước hết cần có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để từng tập thể, cá nhân, mỗi giáo viên, học sinh có thể tham gia và hoạt động hiệu quả. Trên nền tảng đó sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng kho tài nguyên học tập số, qua đó, công tác quản lý, hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy, chia sẻ tri thức trở nên hiệu quả, thiết thực.
“Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các phần mềm hiện đại, rất nhiều hoạt động giáo dục truyền thống sẽ dần dần được thay bởi phần mềm, công nghệ mô phỏng... Kết nối giáo dục sẽ được mở rộng không chỉ trong nước mà tới toàn cầu. Việt Nam muốn đi xa, đi một cách chắc chắn trên con đường phát triển trong thời đại công nghệ 4.0, thì phải trang bị tốt kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ cho từng cấp bậc học” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Việt Nam rất ý thức trong việc xây dựng một đội ngũ nhân lực thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, các trường đại học đã rà soát để mở các mã ngành mới đào tạo đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng làm việc với một số đại học trong nước và quốc tế tại Việt Nam để thúc đẩy việc phát triển nhân lực chuyển đổi số.Mục tiêu của ngành Giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới.
Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng triển khai ở 4 vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về giáo dục đào tạo; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (5/11): Giá dầu thế giới tiếp đà tăng mạnh
Tỷ giá USD hôm nay (5/11): Đồng USD thị trường tự do quay đầu giảm
Giá vàng hôm nay (5/11): Vàng trong nước đồng loạt giảm mạnh
Tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 đến người lao động ngành Xây dựng Hà Nội
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội với loạt tranh vẽ bằng bút bi
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 5/11: Sáng sớm có mưa rào, trời chuyển rét
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Tin khác
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Xã hội 04/11/2024 19:26
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy
Giáo dục 04/11/2024 13:59
Bộ GD&ĐT cảnh báo việc giả mạo văn bản thông báo tổ chức Giải đạp xe
Giáo dục 04/11/2024 12:26
Nhiều điểm mới trong xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Giáo dục 02/11/2024 06:17
Kiến tạo chính sách để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo
Giáo dục 01/11/2024 20:58
Giải quyết trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cho học sinh
Giáo dục 01/11/2024 20:36
Bác bỏ tin lộ đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Toán tại quận Hai Bà Trưng
Giáo dục 01/11/2024 18:26
Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu thành phố Hải Phòng năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 9/11
Giáo dục 01/11/2024 06:42
Tăng cường quản lý các trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài
Giáo dục 30/10/2024 21:02
Trường THCS Quang Lãng với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”
Giáo dục 29/10/2024 06:58