Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị Y tế tại các bệnh viện
Sáng 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Bộ Y tế kết hợp với trực tuyến tới điểm cầu Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TTXVN) |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư khác nhau. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của ngành. Trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Y tế luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình. Bên cạnh ghi nhận, biểu dương những thành tích, thành tựu của ngành Y tế, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu; các đề xuất của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bật cập để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Theo đó, Thủ tướng đề nghị phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; “thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Làm việc phải thực chất, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”.
Thủ tướng yêu cầu tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân; không phân biệt công lập hay ngoài công lập; triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên, ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung, dài hạn. Đặc biệt, mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ; không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: CP) |
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, trước mắt tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19, các nội dung về Y tế trong chương trình phục hồi, phát triển theo các Nghị quyết của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vaccine, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Y tế, trực tiếp là Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh... Tiếp tục quan tâm kiện toàn lãnh đạo Bộ và lãnh đạo y tế các cấp; khuyến khích, bảo vệ và phát huy vai trò của những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo, ngành Y tế khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Trước mắt, tập trung sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XII. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ Y tế, với quan điểm quan điểm “Nghề Y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”; quan tâm phát triển hệ thống Y tế, nhất là Y tế cơ sở, Y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Toàn ngành tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.
Đặc biệt, Bộ Y tế rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Nếu vướng mắc cơ chế, Chính phủ sẽ họp liên ngành để tháo gỡ và xử lý để dứt khoát việc này không ảnh hưởng đến việc khám, điều trị sức khỏe của nhân dân. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện đổi mới mạnh mẽ tài chính, bảo hiểm Y tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia. Toàn ngành cũng cần khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển Y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức. Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ Y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm Y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên; Phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách Y tế; đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; tập trung phát triển công nghiệp dược...
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Theo đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm Y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, và số giường bệnh trên 10.000 dân. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực Y tế. Trong giai đoạn 2000-2021, tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần.
Đến nay, tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Sản xuất vắc xin trong nước bảo đảm 11/12 loại vắc xin tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A…).
Hiện Việt Nam là quốc gia có số liều vắc xin phòng Covid-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vắc xin cao và tốc độ tiêm nhanh. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Italy, Pháp... Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế công nhận và trao đổi kinh nghiệm.
Đặc biệt, những thành tích, đóng góp của ngành Y tế, trong hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Trần Minh). |
Để đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động chuyên môn cũng như nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kiến nghị một số nội dung quan trọng. Trong đó, bảo đảm an ninh Y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện; ứng phó kịp thời các tình huống khẩn cấp về Y tế. Tiếp tục tập trung kiểm soát dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tiêm vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, biểu dương khen thưởng để động viên tinh thần lực lượng ngành Y tế yên tâm công tác; Tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công.
Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế và bảo hiểm Y tế, cụ thể kiến nghị rà soát tỷ trọng chi của ngân sách Nhà nước và bảo hiểm xã hội trong tổng chi cho Y tế; đổi mới phương thức chi trả; điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ; giải quyết các vướng mắc trong xã hội hóa. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; các nhiệm vụ, dự án lĩnh vực Y tế thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 liên quan đến lĩnh vực của ngành.
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết tồn tại về tổng mức thanh toán; đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm Y tế phù hợp. Tăng cường công tác kiểm soát thanh toán, giám định trước để kịp thời kiểm soát chi phí Y tế phù hợp an toàn Quỹ; Nâng cao năng lực quản trị hệ thống Y tế, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền theo quy định, cải cách thủ tục hành chính. Siết chặt quản lý nhà nước về cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị Y tế. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đẩy mạnh phát triển ngành dược và trang thiết bị Y tế. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị Y tế; giải quyết triệt để các hồ sơ tồn đọng. Cải cách hành chính; thực hiện triệt để công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị Y tế. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc, thiết bị, hóa chất, vật tư Y tế; hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm chức năng và hàng hóa có nguy cơ gây hại cho sức khỏe...
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Nền tảng quan trọng để Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm
Dự báo giá vàng tuần từ 25-30/11: Giá vàng sẽ tăng hay giảm?
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 25/11: Sáng sớm có sương mù, trưa chiều giảm mây trời nắng
Giá vàng hôm nay 25/11: Chưa có dấu hiệu giảm
Tăng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công
Quyền lợi đặc biệt của lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Tin khác
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Xã hội 24/11/2024 13:32
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Văn hóa 24/11/2024 08:32
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Xã hội 23/11/2024 18:17
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Cộng đồng 23/11/2024 15:27
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Giáo dục 23/11/2024 15:25
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Văn hóa 23/11/2024 15:18
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Cộng đồng 23/11/2024 08:12
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28