Thông suốt triển khai công việc và xử lý tình huống
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023) chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tham dự tại 63 điểm cầu.
Ưu tiên trang thiết bị tốt nhất
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn tới các Bộ, ngành, cơ quan đã tham gia vào Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia trong những năm qua và hỗ trợ, hợp tác với tinh thần trách nhiệm cao cùng với Bộ GD&ĐT để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong rằng năm nay Ban Chỉ đạo cấp quốc gia sẽ tiếp tục hoàn thành tốt công việc theo kế hoạch đã được phân công.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Nhấn mạnh tính chất định kỳ hàng năm, cũng như yêu cầu, đòi hỏi cao của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Kỳ thi được diễn ra trong toàn quốc, được xã hội quan tâm, kết quả của kỳ thi được sử dụng cho nhiều yêu cầu về chuyên môn và các mục đích khác nhau, cho nên chỉ đạo và các yêu cầu luôn rất cao. Đặc biệt trong thời điểm này, khi đang thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT thì sự quan tâm của xã hội càng lớn hơn nữa với kỳ thi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi năm nay học sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông cũ - Chương trình 2006, với chương trình và sách giáo khoa cũ, tuy nhiên tinh thần đổi mới đang trong thời điểm thực hiện ở tất cả các lớp, các chương trình, chứ không chỉ là thi theo chương trình cũ. Kỳ thi năm nay có một vài điểm mới, điều chỉnh, cho nên các yêu cầu đối với việc tập huấn, quán triệt thực hiện phải được chuẩn bị rất chu đáo.
“Từ góc độ là người chịu trách nhiệm cao nhất của Bộ GD&ĐT đối với kỳ thi này, tôi bày tỏ mong muốn, kỳ vọng tất cả lãnh đạo các tỉnh/thành phố trong cả nước đang đóng vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh phát huy hết tinh thần trách nhiệm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền. Đối với tính toàn quốc của kỳ thi nhưng cấp tỉnh đã được quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn, yêu cầu, nên rất mong các đồng chí đã trách nhiệm lại càng trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Đánh giá cao nhiều tỉnh/thành phố ngoài triển khai các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT còn cẩn thận chuẩn bị theo các yêu cầu riêng của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp bám rất chắc các yêu cầu trong Chỉ thị 17 ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời có sự thống nhất, liên thông, kết nối thông suốt giữa các cấp và các Ban Chỉ đạo để thực hiện được đầy đủ Chỉ thị 17.
Trong các công việc cần chuẩn bị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý Ban Chỉ đạo địa phương có sự ưu tiên cho chuẩn bị về phương diện kỹ thuật, trang thiết bị. “Năm nào chúng ta cũng lưu ý thận trọng nhưng thực tế cho thấy, đôi khi chỉ trang thiết bị chưa tốt sẽ dẫn đến hệ quả. Chúng ta rút kinh nghiệm ngay kỳ thi lớp 10 vừa rồi của một địa phương chỉ mờ một chút thôi đã phát sinh nhiều vấn đề phải xử lý. Do đó, cần ưu tiên trang thiết bị tốt nhất. Nhưng cũng không phó thác hoàn toàn cho trang thiết bị, sự kiểm tra của con người, yếu tố con người thận trọng cũng là rất cần thiết. Ưu tiên thiết bị, con người quan tâm phối hợp - các điều đó mới đảm bảo được các khâu yên tâm, an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các nội dung về tập huấn cho cán bộ coi thi, lực lượng phối hợp, hướng dẫn cho học sinh, đặc biệt là với cán bộ coi thi để các công việc được tinh thông, đầy đủ, thành thạo.
Đối với công việc như in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bảo quản, vận chuyển, giao nộp bài thi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong các địa phương lên nhiều phương án, đề phòng trường hợp có thời tiết bất thường, thiên tai và mong các đơn vị của Bộ Công an sẽ phối hợp tốt trong cả khâu đề thi và bài thi.
Năm 2023, cả nước có tất cả 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Phòng, chống cháy nổ và đảm bảo không cắt điện trong thời gian diễn ra kỳ thi, khu vực in sao đề thi, chấm thi ưu tiên cũng là lưu ý của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với các Ban Chỉ đạo thi địa phương.
Riêng về công tác truyền thông, thông tin, bao gồm cả thông suốt trong ngành dọc, trong toàn bộ công tác chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Ban Chỉ đạo địa phương có kế hoạch để thông tin đầy đủ, kịp thời đến các đối tượng như phụ huynh, cho lực lượng phối hợp, nhân dân được biết các thông tin tổ chức kỳ thi, chính sách, các nội dung xã hội quan tâm.
“Thông suốt trong triển khai công việc và xử lý các tình huống. Công tác thông tin, truyền thông cũng là một phần của công tác tổ chức thi đảm bảo cho sự thành công của kỳ thi”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các địa phương còn vấn đề gì vướng mắc liên quan trao đổi ngay và kịp thời để Bộ GD&ĐT và Ban Chỉ đạo quốc gia có thể xử lý.
Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, công khai, minh bạch.
Thông tin tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết: Năm nay có tất cả 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 37.841 thí sinh tự do (chiếm 3,69% tổng số thi sinh), 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến (chiếm 95% tổng số thí sinh). Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 46.670 thí sinh chiếm 4,55% tổng số thí sinh.
Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đã phân công nhiệm vụ 4 đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và lãnh đạo Bộ làm việc với Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các địa phương về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cùng với đó là thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương. Tính đến thời điểm này, đã có 12 buổi làm việc của 4 đoàn công tác Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tại các địa phương.
Quang cảnh Hội nghị. |
Về công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, hiện nay Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi. Xây dựng và hoàn thiện đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 công bố ngày 1/3/2023. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để chuẩn bị cho Hội đồng ra đề thi.
Về công tác ra đề thi, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện; thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng ra đề thi.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm phiên bản đã cung cấp cho các Sở GD&ĐT năm 2022. Nhằm khắc phục một số hạn chế trong việc sử dùng phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT đã tập huấn và hướng dẫn các Sở GD&ĐT chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, cài đặt và sử dụng đúng quy định; tập huấn kỹ việc sử dụng phần mềm; tổng hợp các hạn chế, lỗi mà các kỳ thi trước bị mắc phải trong chấm thi để có phương án khắc phục, tránh lặp lại.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ GD&ĐT đã tập huấn thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023, chuẩn bị đầy đủ tài liệu, biểu mẫu, sổ tay phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi; đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi. Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản phân công các cơ sở giáo dục đại học cử người tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi tại các địa phương. Theo đó, huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 Sở GD&ĐT.
Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng cho biết, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn làm việc, các đoàn kiểm tra với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi; kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; tiếp tục triển khai công tác truyền thông, gắn với các công việc cụ thể theo tiến trình tổ chức Kỳ thi. Trên cơ sở kết quả làm việc của các đoàn Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và lãnh đạo Bộ, kết quả kiểm tra của 10 đoàn kiểm tra của Bộ, nếu cần thiết Ban Chỉ đạo cấp quốc gia sẽ có văn bản lưu ý các địa phương.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho hay: Với tinh thần chủ động, phòng ngừa từ sớm, từ xa, Thanh tra Bộ GDĐT đã thực hiện theo nguyên tắc kế thừa, phát huy những ưu điểm của những năm qua và hạn chế, bổ sung những vấn đề liên quan đến các điểm mới. Xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, Thanh tra đã tổ chức các hội nghị tập huấn cho các cán bộ về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, thành lập 63 đoàn kiểm tra, thanh tra công tác tổ chức thi tại các địa phương. Hiện nay, 53/63 tỉnh đã có đường dây nóng để phản ánh thông tin kịp thời, đảm bảo an ninh, an toàn. Ngoài ra, Thanh tra còn thành lập 10 đoàn tham gia kiểm tra sâu các nội dung chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại một số địa phương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thanh, kiểm tra, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Thanh tra Bộ tiếp tục thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra tỉnh tại các địa phương để đảm bảo an toàn, chặt chẽ, cẩn trọng ở tất cả các khâu. Phải đảm bảo các khâu của kỳ thi đều được kiểm tra. Không được để một cán bộ nào không được tham gia tập huấn mà tham gia vào kỳ thi. Cán bộ phải được tập huấn đầy đủ, hiểu công việc được giao, được làm.
Đại diện Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Vương Ánh Dương thông tin, Bộ Y tế đã có văn bản về đảm bảo công tác y tế phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 gửi tới các Sở Y tế tại các tỉnh, thành phố để đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế chuẩn bị, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh tại các điểm thi; thường trực cấp cứu đối với các tình huống bất ngờ. Trong đó, lưu ý về vị trí địa điểm đặt phòng cấp cứu tại các điểm thi phải phù hợp, thuận tiện công tác cấp cứu nhanh, kịp thời; bố trí phòng đủ rộng, đủ thoáng để thực hiện các biện pháp cấp cứu hiện trường nhanh chóng.
Ngoài ra, thời điểm tổ chức thi thường xảy ra các dịch bệnh liên quan quan đến an toàn thực phẩm. Do vậy, Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế thành lập các đoàn, tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại các hàng quán, khu vực ăn uống xung quanh các điểm thi, phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh mùa hè có thể xảy ra.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. |
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh (đại diện Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã triển khai, thực hiện nghiêm túc đồng bộ từ trung ương đến địa phương các công tác chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh cho toàn kỳ thi, tránh để xảy ra bất cứ sai sót nào. Bộ Công an cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra, đánh giá các an toàn trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi. Ngoài ra, Bộ Công an cũng tiến hành rà soát các thông tin trên mạng, xử lý những thông tin sai lệch liên quan, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của kỳ thi.
Đối với các thiết bị gian lận trong kỳ thi, đặc biệt là thiết bị công nghệ cao, Bộ Công an đã thực hiện rà soát, phát hiện và xử lý những hành vi mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình, gian lận thi cử. Để đảm bảo an toàn, an ninh tuyệt đối, Bộ Công an tiếp tục tập huấn, lưu ý với cán bộ tại các điểm thi về thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu trữ tại các điểm thi, tránh xảy ra những sai sót không đáng có.
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh tại các địa phương đã trao đổi, góp ý, nêu các đề xuất, kiến nghị cùng các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục những hạn chế trong việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với mong muốn kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, công khai, minh bạch.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tin khác
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02
Ba Đình: Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Giáo dục 19/11/2024 18:50
“Người lái đò” tận tâm và nhân hậu
Giáo dục 19/11/2024 16:40
Quận Bắc Từ Liêm tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực
Giáo dục 19/11/2024 15:36