Tạo bước đột phá mới về tài chính, ngân sách để Hà Nội phát triển nhanh
Huy động nguồn lực tài chính
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quy định về tài chính, ngân sách được nêu chủ yếu tại Điều 35 về "Huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô” và Điều 36 về “Sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô”; đồng thời, tại các điều khoản khác của dự thảo Luật cũng thể hiện việc sử dụng ngân sách các cấp của Thành phố để chi những khoản chi đặc thù, cao hơn hoặc ngoài quy định đã có của Trung ương ở các lĩnh vực như: văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, an sinh xã hội, khoa học và công nghệ, nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị…; chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, Quy định tại Điều 35 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Thủ đô năm 2012 và Nghị định số 63/2017/NĐ-CP (về thưởng vượt thu), các cơ chế chính sách thí điểm về tài chính - ngân sách theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội (tương tự với các Nghị quyết thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ, Đà Nẵng); như việc được quyết định áp dụng trên địa bàn một số loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định (cấp trên).
Theo tính toán, trong giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu chi đầu tư phát triển của thành phố Hà Nội là 715 nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa) |
Đồng thời, có 2 nội dung quy định tại Điều này đã có sự điều chỉnh, bổ sung mới so với các cơ chế thí điểm về tài chính, ngân sách đang được áp dụng ở Thủ đô.
Cụ thể, về mức vay nợ và bội chi ngân sách (khoản 4 Điều 35) có 3 nội dung chính: Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần; Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ liên quan đến khoản vay lại”. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố Hà Nội hằng năm do Quốc hội quyết định.
Quy định này nhằm cho phép Hà Nội được vay nợ không có hạn mức trần, có thể cao hơn so với Luật Ngân sách (60%) và Nghị quyết số 115 của Quốc hội (không quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Nhưng việc kiểm soát mức dư nợ do Quốc hội quyết định và phải nằm trong khả năng trả nợ của Thành phố (do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định mức vay). Như vậy, quy định này giúp Thành phố có cơ chế huy động nguồn vốn vay linh hoạt, chủ động hơn, tập trung hơn, huy động nguồn lực tài chính đủ lớn để triển khai những nhiệm vụ chiến lược, trọng điểm trong từng thời kỳ.
Theo tính toán, trong giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu chi đầu tư phát triển của thành phố Hà Nội là 715 nghìn tỷ đồng, trong khi đó ngân sách Thành phố chỉ có thể đáp ứng được 312,56 nghìn tỷ; vì vậy con số thiếu hụt này cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tạo nguồn lực cho Thành phố trong đó có nguồn vốn vay là phần rất quan trọng để huy động nguồn lực đầu tư. |
Về tiền thu từ đất (khoản 5 Điều 35), Quy định này xác định: Ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn vốn trên cơ sở đề xuất của thành phố Hà Nội.
Hiện nay theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các địa phương đang được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Tuy nhiên trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật Ngân sách nhà nước sẽ được sửa đổi và quy định tỷ lệ điều tiết, phân chia khoản thu này giữa trung ương và địa phương.
Như vậy, quy định này nhằm ưu đãi, cho phép Thành phố được giữ lại “tối đa” các khoản thu từ đất, trên cơ sở hằng năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể (có thể cao hơn tỷ lệ theo quy định của Luật Ngân sách) nhằm giúp Hà Nội có thêm nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ trọng điểm, cụ thể do Thành phố đề xuất; trong đó có cả việc chi cho di dời, hỗ trợ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở của Trung ương và Thành phố theo quy hoạch.
Có ý kiến của đại biểu Quốc hội và một số cơ quan, đơn vị đề nghị cân nhắc việc quy định “được giữ lại tối đa” là chưa rõ, chưa xác định được khoản giữ lại cho ngân sách Thành phố là bao nhiêu để có căn cứ thực hiện. Quy định này sẽ rất khó có hiệu lực khi Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi quy định về nội dung này. Đồng thời, việc giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể là cần xem xét lại sự phù hợp về thẩm quyền quyết định liên quan đến phân bổ ngân sách.
Chính vì vậy, đối với quy định này, đề nghị Quốc hội xem xét theo hướng: xác định tỷ lệ điều tiết cụ thể, cao hơn dự kiến của Luật Ngân sách nhằm tạo nguồn lực cho Thành phố; đồng thời, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định về tỷ lệ điều tiết cao hơn cho Thủ đô trong 1 giai đoạn nhất định gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng điểm, hoặc nhiệm vụ do Trung ương giao.
Sử dụng linh hoạt nguồn lực tài chính
Tại Điều 36 “Sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô” được xây dựng nhằm tạo thể chế thông thoáng, thuận lợi cho Thủ đô được linh hoạt, chủ động trong việc bố trí, sử dụng ngân sách để phục vụ cho đầu tư phát triển; khắc phục những vướng mắc của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công hiện hành.
Điều 36 gồm các quy định được kế thừa từ Nghị quyết số 115/2020/QH14 (như việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư phát triển; sử dụng nguồn chi thường xuyên để cải tạo cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình tài sản công đã có); đồng thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Điều 36 có quy định cho phép: Sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội để thực hiện dự án đầu tư, công trình, dự án trọng điểm có tính chất vùng, liên tỉnh nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thủ đô và địa phương khác.
Luật Thủ đô sửa đổi gắn với đặc thù của Hà Nội. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa) |
Ngoài ra, tại Điều 36 còn có những quy định mới, đặc thù nhằm khắc phục những vướng mắc hiện nay của Thành phố. Quyết định nguồn vốn ngân sách để lập các loại quy hoạch: quy định này giúp Thành phố chủ động quyết định nguồn vốn đầu tư công hoặc nguồn vốn sự nghiệp để lập các quy hoạch, do hiện nay, theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng chưa có quy định thống nhất về nguồn vốn lập quy hoạch. Thực tiễn việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để lập quy hoạch cũng có những khó khăn nhất định trong việc bố trí vốn và quá trình triển khai thực hiện;
Thành phố được quy định Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn của trung ương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố Hà Nội mà ngân sách trung ương không hỗ trợ. Quy định này nhằm giúp Thành phố có thể chủ động trong việc quy định chế độ, định mức chi ngân sách phù hợp với tình hình thực tiễn, hợp lý, bảo đảm cho việc triển khai nhiệm vụ hiệu quả hơn.
Theo quy định hiện hành, nhiều chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Trung ương ban hành khung hoặc mức chi cụ thể để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội nhanh, giá cả tiêu dùng có những biến động theo thị trường của từng địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, một số định mức, chế độ chi ngân sách không còn phù hợp. Do đó, việc giao thẩm quyền này cho Thủ đô là rất cần thiết nhằm xây dựng những chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố Hà Nội mà ngân sách trung ương không hỗ trợ.
Đây là quy định phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong việc sử dụng ngân sách. Việc cho phép Thủ đô được ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh quá trình tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố.
Gắn với tính đặc thù của Thủ đô
Tại Kỳ họp thứ 6, trình bày tóm tắt Tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu, đối với chính sách tài chính, ngân sách và đầu tư, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần.
Ngân sách Thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, cho rằng, Luật Thủ đô sửa đổi cần gắn với đặc thù của Hà Nội, cả về vị trí địa lý, văn hóa, tính chất, vai trò của Thủ đô. Từ đó nghiên cứu để mở ra các quy định gắn với đặc thù của Hà Nội.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội. (Ảnh: Hải Lý) |
Đối với các vấn đề tài chính, kinh tế, có những quy định cần cụ thể hóa để tạo căn cứ triển khai thực hiện. Ngoài ra, các quy định về ưu tiên, hỗ trợ sẽ khá bất lợi cho việc tổ chức thực hiện nếu không được cụ thể hóa.
“Luật thủ đô không phải là cơ chế tài chính ngân sách thí điểm, rất khác so với các quy định mang tính chất thí điểm. Thí điểm là thử nghiệm để qua thực tế đúc rút kinh nghiệm, đánh giá, còn về Luật, tính ổn định cao hơn, theo tôi cần rà soát để làm sao mỗi quy định có độ ổn định, ít nhất cũng cần trải qua được quá trình 5 năm thực hiện, sau đó tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung”, bà Vũ Thị Lưu Mai nói.
Bà Vũ Thị Lưu Mai cũng cho rằng, còn có 2 khía cạnh cần được đánh giá tác động, thứ nhất là toàn bộ những chính sách mới sẽ tác động đến ngân sách và đời sống xã hội như thế nào? Phần đánh giá chưa được cụ thể, mặc dù có những chính sách liên quan đến thuế, ngân sách. Vậy tác động ở chừng mực nào là vấn đề cần bàn để có thể chấp nhận được.
Về việc huy động nguồn tài chính, bà Vũ Thị Lưu Mai đánh giá phần chi ngân sách khá rõ, còn phần thu cần làm rõ hơn. Với địa bàn như Thủ đô Hà Nội thì đặc thù trong chính sách thu là gì?
Đại biểu cũng tán thành với quy định về các khoản liên quan đến thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc quyền quản lý của Thành phố thì được giữ lại tối đa; tuy nhiên, cũng cần có sự hỗ trợ của Hà Nội trong việc di dời các trụ sở ra khỏi Thành phố.
Về nguồn lực tài chính, Dự thảo cho phép Hà Nội sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Theo rà soát, thì hiện nay nguồn cải cách tiền lương còn dư còn rất lớn. Hiện nay rất nhiều địa phương đề nghị dùng nguồn này để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Đại biểu cho rằng đây cũng là một cơ chế đặc thù để giúp cho Hà Nội có thể chủ động sử dụng hiệu quả nhất nguồn cải cách tiền lương còn dư của mình.
Tiếp theo là vấn đề sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho cải tạo và xây dựng. Đây là vấn đề đang được tranh luận rất nhiều ở kỳ họp quốc hội vừa qua. Bà Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến: “Nếu chúng ta đưa được vào Dự thảo thì cũng là tạo một cơ chế pháp lý vững chắc để Hà Nội có điểm tỳ trong việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên cũng cần đưa ra một khung để thực hiện để tránh thực hiện tùy tiện. Bởi chi thường xuyên cho việc cải tạo nâng cấp mà không có quy định cụ thể có thể dẫn đến việc khó kiểm soát”.
Bảo Thoa
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tin khác
Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 16:05
Đảm bảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành kịp thời
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 15:46
Triển khai Luật Thủ đô: Kiểm soát chất lượng các văn bản quy định chi tiết
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 14:03
Để Luật Thủ đô đến mọi nơi, mọi nhà
Luật Thủ đô 2024 13/11/2024 12:34
Luật Thủ đô 2024 mở ra “kỷ nguyên mới” để Hà Nội bứt phá về kết cấu hạ tầng
Luật Thủ đô 2024 06/11/2024 23:12
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Luật Thủ đô 2024 04/11/2024 22:12
Luật Thủ đô 2024: Thêm cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư xã hội
Luật Thủ đô 2024 04/11/2024 17:26
Phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững
Luật Thủ đô 2024 04/11/2024 12:25
Hà Nội xây dựng dự thảo áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Luật Thủ đô 2024 04/10/2024 11:56
Hà Nội: Năm 2024, ban hành 39 văn bản thi hành Luật Thủ đô 2024
Luật Thủ đô 2024 05/09/2024 21:53