Những kiến nghị tâm huyết của cử tri Thủ đô gửi tới Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
Cần quan tâm đến nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp
Trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri Thủ đô và theo tổng hợp của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, có 48 nhóm kiến nghị trọng tâm của cử tri được gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô |
Cụ thể, từ ngày 20/9/2023 đến ngày 14/10/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động Thủ đô. Trong số các vấn đề cử tri nêu ra tại các cuộc tiếp xúc, có 48 nhóm ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán Ngân sách Nhà nước hằng năm và tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Cử tri các huyện Quốc Oai, Thanh Oai cho rằng, việc quy định giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% có thời hạn 6 tháng (kể từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023) theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ chưa thuận lợi trong việc kê khai thuế, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp theo kỳ hạn tối thiểu là 12 tháng.
Cử tri Thủ đô cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng giảm mức thuế thu nhập đối với Quỹ tín dụng Nhân dân từ 17% xuống 15%, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Đồng thời, xem xét, sửa đổi các luật liên quan để điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non cho phù hợp. Xem xét, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng người mua bảo hiểm y tế đủ 5 năm trở lên (thay vì quy định 5 năm liên tục) được hưởng 100% mức chi trả bảo hiểm y tế, để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm y tế...
Cùng với đó, cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm tuổi nghỉ hưu đối với công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại một số lĩnh vực để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời thu hút người lao động và doanh nghiệp tự nguyện tham gia vào hệ thống an sinh của nhà nước.
Chị Hà Phương Anh kiến nghị về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) |
Chị Hà Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy cho rằng, khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cả người sử dụng lao động và người lao động cũng đã phải trích 1 khoản tiền nhất định để nộp vào quỹ bảo hiểm, đồng nghĩa với việc họ đã hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm phúc lợi cho người lao động. Tuy nhiên, khi người lao động vì một lý do nào đó không còn đi làm, không có nhu cầu tham gia bảo hiểm và muốn rút 1 lần thì nên để quyền quyết định cho đối tượng được hưởng phúc lợi chính là người lao động.
“Bên cạnh đó, đề nghị điều chỉnh quy định điều kiện nghỉ hưu là đủ 60 tuổi đối với lao động nam và 55 tuổi đối với lao động nữ. Với người lao động, đặc biệt là lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, ngoài 50 tuổi sức khỏe đã giảm sút, năng suất lao động sẽ không cao”, chị Phương Anh chia sẻ.
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất tại các thành phố lớn có đông công nhân ngoại tỉnh về làm việc. Đồng thời, nghiên cứu quy định cơ chế để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân.
Chị Phạm Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Suncall Technology Việt Nam cho rằng, để chính sách nhà ở xã hội được áp dụng một cách hiệu quả và thực tế, cần thiết có một hệ thống chính sách pháp luật phù hợp. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa có sự tập trung đầy đủ vào việc đáp ứng nhu cầu của những người không có khả năng mua nhà thương mại. Vì vậy, cần thiết phải mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội.
Khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) |
Về vay vốn, nếu không có chính sách được ưu đãi về vốn vay phù hợp cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội và người mua nhà thì chính sách phát triển nhà ở xã hội của nhà nước bị triệt tiêu hoàn toàn giá trị tốt đẹp, mục đích của chế độ an sinh xã hội cũng không đạt được.
“Chính sách ưu đãi về tài chính đối với người có nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội như mua, thuê mua… còn giúp tăng khả năng tiếp cận với nhà ở xã hội của các hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những người chưa có điều kiện vay vốn từ các ngân hàng thương mại”, chị Trang bày tỏ.
Nhiều kiến nghị liên quan tới lĩnh vực giáo dục
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu phương án chuyển đổi cơ sở vật chất, nguồn lực của các trường đại học, cao đẳng sau khi di dời để xây dựng các trường phổ thông công lập, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cử tri huyện Thanh Oai kiến nghị di chuyển một số trường đại học về huyện Thanh Oai, do huyện phía Nam thành phố này có địa hình bằng phẳng và thuận tiện về giao thông.
Cử tri huyện Thạch Thất thì mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có kế hoạch, bố trí kinh phí để tiếp tục giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội. Huyện Thạch Thất tạo điều kiện sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án và giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (ảnh minh hoạ) |
Cũng liên quan tới lĩnh vực giáo dục, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiên cứu điều chỉnh sách giáo khoa cho phù hợp; nghiên cứu lựa chọn kỹ lưỡng đội ngũ biên soạn sách giáo khoa và ban hành thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc. Đồng thời, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đầu tư để đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để nâng cao tính cạnh tranh, tạo điều kiện cho học sinh chọn được nơi mình thích học, kiến thức mình cần bổ sung.
Cử tri huyện Mê Linh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về công tác sử dụng cơ sở vật chất trường họcvà công tác thu - chi trong dạy thêm, học thêm trong nhà trường để thống nhất cách quản lý, minh bạch trong công tác thu - chi. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm để kịp thời xử lý các vi phạm nhằm tạo niềm tin trong học sinh, phụ huynh và nhân dân.
Liên quan đến nhóm vấn đề về sử dụng mạng internet, cử tri thành phố Hà Nội cho rằng, việc lừa đảo trên không gian mạng và lừa đảo của các công ty, doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu hoặc nhượng cổ phần đang lan rộng, thực chất là chiếm đoạt tài sản của nhân dân.
Cử tri đề nghị Chính phủ có chế tài và biện pháp quản lý mạnh hơn nữa để ngăn chặn kịp thời các vấn đề trên; đề nghị Bộ Công an có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tội phạm công nghệ cao và các hình thức đánh bạc qua mạng.
Cử tri đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, có giải pháp sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thông tin, định hướng thông tin trên internet, bởi hiện nay công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội còn những lỗ hổng, những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Ví dụ như thông tin trên mạng xã hội thường có sớm hơn thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống, trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội lại đưa tùy hứng, chưa qua kiểm duyệt, thẩm định.
Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị |
Về công tác giám sát, cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát những lĩnh vực quan trọng, những vấn đề dân sinh bức xúc như: Giám sát công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị; giám sát vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải; giám sát phòng cháy, chữa cháy tại các đô thị lớn.
Cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong điều hành giá cả thị trường; lựa chọn thời điểm tăng giá các dịch vụ thiết yếu cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Ngoài ra, cử tri Thủ đô kiến nghị Chính phủ khi phê duyệt xây dựng các khu công nghiệp và chế xuất, cần phê duyệt đồng bộ với việc đầu tư xây dựng nhà ở, trường học, các thiết chế cho công nhân lao động; có cơ chế để công nhân, con công nhân lao động đang thuê trọ được bình đẳng thụ hưởng các dịch vụ, thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục tại địa phương.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 28/11/2023, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày, tiến hành theo 2 đợt (Đợt 1: từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2: từ ngày 20 đến ngày 28/11/2023). Kỳ họp thứ 6 được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án Luật; xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật. Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024. Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4. Tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
37 tỉnh, thành giảm 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị cấp xã sau sắp xếp
Sự kiện 01/11/2024 21:41
Luân chuyển, chỉ định Phó Bí thư Huyện ủy các huyện Yên Thành, Quế Phong
Sự kiện 01/11/2024 21:39
Huy động 256.250 tỷ đồng để đầu tư phát triển văn hóa
Sự kiện 01/11/2024 17:28
Đại biểu đề nghị quy định về phòng cháy tại nhà chung cư cao tầng
Sự kiện 01/11/2024 13:57
Đảm bảo sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế
Sự kiện 31/10/2024 20:34
Đề nghị nâng mức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên
Sự kiện 31/10/2024 18:55
Gỡ vướng về đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh
Sự kiện 31/10/2024 13:27
TP.HCM: Dự kiến thu gần 33.000 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất
Sự kiện 31/10/2024 08:53
Tạo khung pháp lý chung để quản lý hoạt động của tàu bay không người lái
Sự kiện 30/10/2024 22:44
Tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng tinh gọn, hiệu quả
Sự kiện 30/10/2024 21:15