Những cách làm hay để giảm thiểu rác thải nhựa
Phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường Phát động dự án "Tăng cường nhận thức về quản lý chất thải nhựa" Trách nhiệm không của riêng ai |
Người dân, tiểu thương cùng chung tay
Ghi nhận thực tế tại chợ Văn La (phường Phú La, quận Hà Đông) sau khoảng 2 tháng được Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Quận đoàn Hà Đông tổ chức phát làn, túi thân thiện với môi trường, chúng tôi đã thấy có sự đổi khác hơn trước rất nhiều.
Hội viên phụ nữ phường Phú La sử dụng làn nhựa giảm thiểu sử dụng túi ni lông trong mỗi lần đi chợ (Ảnh: Nguyễn Hoa) |
Mặc dù sử dụng túi ni lông rất tiện lợi, phù hợp túi tiền tuy nhiên các tiểu thương kinh doanh đã có ý thức hạn chế phát sinh lượng lớn túi ni lông bằng những sáng kiến như sử dụng túi giấy đựng đồ lưu niệm, hoa quả sấy khô, đóng nhiều mặt hàng trong một túi ni lông thay vì một sản phẩm đựng trong một túi ni lông như trước. Nhiều người dân khi đi chợ đều đem theo làn nhựa để đựng đồ thay thế cho túi ni lông…
Chị Nguyễn Thị Tuệ (tiểu thương tại chợ) cho biết, từ khi được Ban quản lý chợ, Thành đoàn Hà Nội tuyên truyền, các tiểu thương đã hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, mỗi người đều tự nhận thấy mình cần thay đổi thói quen đưa nhiều túi ni lông cho khách hàng, học những cách tuyên truyền, giải thích dễ hiểu với khách hàng mỗi khi họ xin thêm túi ni lông. Nếu trước kia khách mua vài quả chanh, quả ớt, mấy cây hành đều đòi đựng riêng trong một túi ni lông thì nay người bán đều giải thích cho khách hiểu để đựng chung vào các túi đồ đã mua trước đó, khách hàng đều đồng tình, vui vẻ chứ không gây khó khăn gì. Người dân khi đi chợ đã có ý thức mang theo làn, hộp… sử dụng được nhiều lần để hạn chế phải dùng quá nhiều túi ni lông.
Bày tỏ sự phấn khởi khi thói quen sử dụng túi ni lông của người dân đang dần thay đổi, bà Nguyễn Thị Phú (tổ dân phố số 6, phường Phú La, quận Hà Đông) hồ hởi cho hay: “Trước kia tôi đi chợ luôn dùng túi ni lông mà người bán hàng đưa nhưng từ khi được tuyên truyền sử dụng làn nhựa, ngày nào đi chợ tôi cũng chủ động đem theo làn góp phần giảm thiểu rác thải nhựa. Ban đầu sử dụng làn nhựa thay thế túi ni lông cũng thấy hơi lỉnh kỉnh nhưng dùng rồi thành quen, nếu tất cả người dân đều cùng sử dụng thì sẽ giảm ô nhiễm môi trường”.
Mặc dù tiểu thương và người mua hàng đều hồ hởi, chung tay giảm thiểu rác thải nhựa tuy nhiên khi trò chuyện các tiểu thương vẫn bày tỏ băn khoăn bởi việc tiếp cận các loại túi thân thiện môi trường thay thế túi ni lông còn nhiều bất cập, đặc biệt là về giá thành. Thực tế giá túi ni lông rẻ hơn rất nhiều so với các loại túi dễ phân hủy, trong khi thực phẩm, hàng hóa họ bày bán không thể nâng giá lên cao hơn so với trước, nếu sử dụng túi thân thiện đồng nghĩa với việc họ sẽ phải bù thêm phần chi phí mua túi, do đó về lâu dài nhiều tiểu thương vẫn còn e ngại. Do đó các tiểu thương cho rằng giải pháp quan trọng nhất để hạn chế, giảm thiểu tiến tới loại bỏ các loại rác thải nhựa tại chợ dân sinh là biến nhận thức thành hành động kết hợp với các chính sách hỗ trợ ban đầu từ phía các cơ quan chức năng.
Vẫn còn nhiều cái khó
Tựu chung một điều dễ nhận thấy, mặc dù phong trào hạn chế rác thải nhựa Hà Nội triển khai đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực, đả giảm được một lượng lớn rác thải nhựa tuy nhiên để tiến tới thay thế, xóa bỏ hoàn toàn rác thải nhựa vẫn là câu chuyện dài và cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
Một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng, người kinh doanh vẫn chọn lựa túi ni lông là bởi tiện lợi, giá thành rẻ. Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi ni lông là 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay thực tế giá bán 1kg túi ni lông trên thị trường chỉ khoảng 25.000 - 40.000 đồng/kg thấp hơn so với mức thuế môi trường quy định. Mức thuế trên vẫn chưa đủ sức răn đe, hạn chế các công ty sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần, do đó tình trạng sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường vẫn diễn ra nhiều.
Chia sẻ về những nguyên nhân, rào cản trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết lý do người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng túi ni lông chủ yếu là do sự tiện lợi của túi ni lông khó phân hủy khi sử dụng, khi đi chợ không phải mang túi theo; giá thành của túi ni lông rẻ cũng là một trong các nguyên nhân làm cho người tiêu dùng khó thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt. Ngoài ra, các sản phẩm thân thiện với môi trường còn chưa được bán phổ biến tại các cửa hàng tiện lợi và các sản phẩm này cần công nhận chất lượng đạt chuẩn của cấp có thẩm quyền cấp phép, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng...
Cùng đó để góp phần hạn chế, tháo gỡ những khó khăn đó, tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa giao Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi ni lông.
Bên cạnh đó, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia đều cho rằng cơ chế, chính sách là “1 trong 3” nhóm giải pháp lớn cần tích cực triển khai để giảm thiểu rác thải nhựa, các đại biểu đề xuất phải có hệ thống cơ chế, chính sách, cụ thể hóa định hướng kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là đồng bộ từ nỗ lực đến thu gom – phân loại – tái chế, tái sử dụng chất thải đến cơ chế, chính sách khuyến khích những công nghệ “biến rác thải thành tài nguyên”.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, các nhóm giải pháp đang được tích cực triển khai để giảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của cơ quan quản lý và người được giao thực hiện phải làm quyết liệt, thường xuyên, đến cùng thì mới giải quyết được vấn đề.
Với góc độ là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường, ông Phạm Cao Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị (URENCO) cho rằng, ngoài việc chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền, cần sự tham gia vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội đoàn thể, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực từ phía người dân. Cùng đó, các chính sách hỗ trợ về thuế xuất, mặt bằng, trợ giá đối với các hoạt động xử lý rác tái chế mà thị trường không thể điều tiết được… sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động phân loại – thu gom – tái chế - tái sử dụng rác hiệu quả.
Đồng quan điểm này, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, việc luật hoá nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa khó phân hủy mà doanh nghiệp sản xuất là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách cần đồng bộ, có đánh giá về ảnh hưởng đối với doanh nghiệp sản xuất có sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy. Do vậy, những doanh nghiệp thay đổi công nghệ cần có sự trợ giúp của Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi thuế hoặc Nhà nước có thể hỗ trợ kinh phí mua công nghệ về lĩnh vực này từ nước ngoài để áp dụng cho doanh nghiệp trong nước.
Nguyễn Hoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
“Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”: Trang bị kiến thức về sản phẩm để bảo vệ bản thân và gia đình
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Tin khác
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42
Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của Đông Anh tới thị trường trong và ngoài nước
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 18:56
Hà Nội có xã dân tộc miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 09:24
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương
Thủ đô 19/11/2024 15:25
Sơn Tây: Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2023 - 2024
Nhịp sống Thủ đô 19/11/2024 07:59