Nâng cánh ước mơ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Gặp mặt 70 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt toàn quốc năm 2018 | |
Chủ tịch nước gặp mặt đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt |
Cảm động những tấm gương vượt khó
Trong buổi gặp mặt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lần thứ 11 năm 2018, tổ chức vừa qua tại Thủ đô Hà Nội, có 70 em học sinh từ các vùng, miền khác nhau trên cả nước tới tham dự. Mỗi em mang đến một câu chuyện, một nỗi vất vả, khó khăn trong cuộc sống, điều đó in hằn trên khuôn mặt, vóc dáng nhỏ bé của các em.
Quan trọng hơn cả, không phải vì khó khăn mà chùn bước, mà bỏ cuộc, sự thiệt thòi ấy không làm mất đi nghị lực sống, quyết tâm vươn lên trong học tập, lao động của các em. Mỗi hoàn cảnh đặc biệt, đó là một tấm gương về nghị lực vượt khó, vươn lên.
Em Bàn Tòn Cao, dân tộc Dao, sinh năm 2007, học lớp 5, trú tại thôn 6 xã Đắk N’Dót huyện Đắk Mil tỉnh Đắk Nông thuộc hộ cận nghèo. Vì nhà ít đất sản xuất bố mẹ em phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhà nghèo, nhưng từ lớp 1 đến lớp 4 Cao đều đạt học sinh Giỏi xuất sắc, đạt giải Ba cấp tỉnh cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng năm 2016 -2017 với sản phẩm là xe đa năng có thể gieo thóc.
Sản phẩm sáng tạo của em là sự gắn bó với đời sống của những người nông dân lam lũ, một nắng hai sương, bởi ở trong hoàn cảnh nghèo khó trong em luôn khao khát được giúp bố mẹ, giúp người dân trong làng vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chia sẻ nghị lực vươn lên |
Trong cuộc trò chuyện, Nguyễn Thị Mơ (học sinh Trường THCS, THPT Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) nhiều lần nấc nghẹn trong nước mắt khi kể về sự hy sinh cao cả của cha, mẹ dành cho em. Nhà có 2 chị em, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo của xã, không ruộng đất canh tác, cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào việc làm thợ hồ của cha nhưng hiện nay cha em đang thất nghiệp.
Mẹ em bán cá ở trong xóm, thu nhập thấp, không ổn định, ngoài giờ học Mơ còn phụ giúp công việc gia đình đỡ đần cho cha, mẹ. Thấu hiểu được nỗi cực nhọc và sự hy sinh lớn lao đó, Mơ đã đền đáp lại công lao của cha mẹ em bằng thành tích học tập với nỗ lực rèn luyện. 8 năm liền, em đều đạt học sinh giỏi, có thành tích đặc biệt môn điền kinh (chạy 800m) đạt giải Nhất huyện, giải Nhất, giải Ba của tỉnh trong nhiều năm liên tiếp.
Cùng chung những nỗi niềm đó, em Hồ Thị My (học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quãng Ngãi) mồ côi cha, mẹ, gia đình thuộc diện hộ nghèo, 3 chị em ở cùng với nhau, hàng ngày ngoài công việc học tập My đảm nhiệm việc chăm sóc 2 em gái nhỏ. Ngoài giờ lên lớp, tất cả những công việc nhà, trồng lúa, trồng rau... đều do bàn tay nhỏ bé của My lo toan.
Dù cuộc sống quá vất vả nhưng suốt từ năm học lớp 1 tới lớp 9, My đều đạt học sinh giỏi và đạt giải Ba học sinh Giỏi cấp huyện, giải Ba thi kể chuyện cấp huyện... Khi được hỏi về ước mơ sau này, My nói “hiện tại em chưa dám ước mơ nhiều vì cuộc sống của 3 chị em còn đang quá khó khăn, chỉ mong sao để giúp em gái thứ hai của em được tới trường, vậy là em đã vui lắm rồi”...
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em (dưới 16 tuổi), trong đó gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và khoảng 2,1 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Quốc hội đã ban hành Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, sau đó được sửa đổi thành Luật trẻ em năm 2016. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như: Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục, bảo vệ trẻ em, hỗ trợ trẻ em thực hiện quyền tham gia... Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực đất nước còn khó khăn, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ quyền của mình.
Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, trong 26 năm qua, hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp (thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội) đã huy động được gần 6.000 tỷ đồng và hỗ trợ được hơn 30 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2017, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam huy động được hơn 79 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho 106.400 lượt trẻ em.
Những hỗ trợ đó là sự động viên, biểu dương các em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, giúp các em có thêm niềm tin, quyết tâm vươn lên đạt những thành tích cao hơn nữa trong học tập, rèn luyện, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua ái quốc theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng thời, thông qua chương trình gặp mặt trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức qua mỗi năm, giúp trẻ em thực hiện quyền trẻ em, tạo cơ hội cho đại diện trẻ em khó khăn các vùng miền được tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp, được bày tỏ tình cảm và tâm tư nguyện vọng của các các em với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ và các nhà tài trợ.
Qua đó, góp phần tác động tích cực đến nhận thức của chính quyền địa phương, nhà trường, cha mẹ các em trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện để các em có cơ hội thực hiện đầy đủ quyền của mình, hạn chế tối thiểu tình trạng học sinh khó khăn không được tới trường, bỏ học giữa chừng...
Cần chung tay bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em Trong khuôn khổ các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt 70 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến từ 14 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp thiết và tầm quan trọng của công tác này; kịp thời tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt. Bên cạnh đó, quan tâm giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đồng thời, phê phán, lên án và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động phạm pháp. Chủ tịch nước cũng đề nghị, cần phải chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm của gia đình và sự tham gia của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Quan tâm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em, bảo đảm điều kiện, thời gian thích hợp để trẻ em được tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. |
My Nguyễn – Đình Dũng
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tin khác
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39
Hương thu ở phố sương mù
Cộng đồng 14/11/2024 11:31
Các bạn trẻ hào hứng với trải nghiệm “siêu xanh, siêu xinh” đến từ Vinamilk
Cộng đồng 13/11/2024 20:04