Mùi già đón tất niên
Những điểm cần lưu ý khi sửa soạn mâm cỗ cúng Tất niên Những việc cần làm ngày Tất niên |
Thơm ngát cánh đồng mùi già
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, phố phường Hà Nội mang một nét riêng biệt, không khí Tết tỏa ra từ khắp mọi nhà. Mùi hương trầm, mùi cam Canh, mùi bưởi Diễn, mùi hoa ly trên bàn thờ gia tiên ấm cúng… và còn một mùi hương đặc biệt, chẳng gặp ở đâu khác được là hương của cây mùi già.
Người dân làng Hoạch An tất bật với vụ mùi già ngày cuối năm. Ảnh: P.Ngân |
Người Hà Nội xưa giờ vẫn có tục lệ đun nước cây mùi già vào chiều 30 Tết để tắm, rửa mặt. Theo quan niệm của người xưa, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui. Được tắm gội bằng nồi nước lá mùi với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là như thấy những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư được trút bỏ, để từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui, may mắn của năm mới.
Mùi già ở Thủ đô đã quá đỗi thân thuộc nhưng nếu hỏi loài cây này được trồng ở đâu thì chắc hẳn không phải ai cũng biết. Ở vùng đất ngoại thành, làng Hoạch An chính là một trong những vựa mùi già lớn chuyên cung cấp cho thị trường Hà Nội. Trên những nẻo đường về vùng ven đô của đất Hà thành, dễ dàng cảm nhận được mùi hương thơm ngát từ những thửa ruộng mùi già chờ đến ngày thu hoạch.
Bên những luống mùi già bông hoa trắng li ti bay phất phơ trong gió, bà Trần Thị Dung cho biết: “Vùng đất Hoạch An này chuyên trồng hành, răm, mùi để bán vụ đông và Tết. Từ thời cha ông, chúng tôi đã lớn lên cùng với cây mùi. Đến bây giờ, chúng tôi cứ thế mà làm nghề. Có lẽ vì chất đất phù sa nên cây nào trồng lên cũng đậm mùi, đậm vị lắm, không lẫn đi đâu được”.
Cây mùi già đắt khách trong những phiên chợ. Ảnh: Minh Phương |
Cũng như bà Dung, người làng Hoạch An mang trong mình tình yêu quê hương và niềm tự hào với nghề trồng mùi được truyền từ đời này qua đời khác. Người làng kể, mùi ở làng Hoạch An là giống mùi ta, thân cây trắng mà quả rất tròn trịa và thơm, mang một nét rất riêng biệt, dễ dàng nhận ra, không như nhiều giống mùi mới, cây thì to, lá như lá cần tây mà lại không có tí hương nào.
Thông thường, dân làng Hoạch An sẽ bắt đầu trồng mùi vào khoảng tháng 9 Âm lịch. Họ gieo những hạt mùi giống xuống đất rồi chờ một tháng cho hạt nảy mầm lên cây. Lúc này, họ mới tỉa bớt cây mùi non mang ra chợ bán cho nhà nào ăn rau sống, phần còn lại sẽ nuôi để già. Trong luống già họ cũng không thu hoạch hết mang đi bán mà luôn chừa lại một phần nhỏ làm giống cho vụ sau. Cứ như thế, giống mùi ta thơm nức mũi này tồn tại trên đất ruộng Hoạch An từ năm này sang năm khác.
Kiên trì bám nghề
Cây mùi già vụ Tết trồng kéo dài trong 3 tháng, phải tầm ngày 25, 26 tháng Chạp thì mới chín già quả và cho mùi hương đượm nhất. Đây cũng là lúc thu hoạch rộ nhất, 5 ngày cuối cùng của năm cũ, bà con nông dân lại tất bật trên những cánh đồng. Thời gian thu hoạch chuẩn như kim đồng hồ, bởi nếu cắt sớm hơn thì quả còn xanh và nhiều hoa đun nước sẽ bị vẩn đục. Do đó, bà con thường phải chờ đến đúng ngày mới cắt, rồi bán rải rác cho đến tận 30 Tết là vừa xong một mùa.
Ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng thôn Hoạch An cho biết, người dân Hoạch An cần cù, chịu khó và nhiều kinh nghiệm canh tác rau màu. Hiện làng có khoảng 30 hộ đang trồng cây mùi già. Theo ông Tập, nhiều đời nay, các hộ dân vẫn trồng cây mùi già để phục vụ người dân Thủ đô vào dịp Tết Nguyên đán, vừa để có thêm thu nhập, vừa duy trì, giữ gìn truyền thống, văn hóa đặc trưng của người dân trong những ngày Tết đến Xuân về. |
Mặc dù việc gieo trồng không đòi hỏi nhiều kĩ thuật nhưng công đoạn thu hoạch lại tỉ mỉ và tốn nhiều công sức nhất. Vào thời gian cao điểm, cứ 1, 2 giờ đêm, gia đình 4 người nhà bà Trần Thị Oanh sẽ ra đồng cắt mùi. Cây trồng trên đất cát mềm nên khi thu hoạch người nông dân chỉ cần dùng tay. Sau khi mang về từ đồng, những bó mùi được mang đi rửa sạch phần đất cát, rồi được phân loại, chia thành những bó nhỏ tí xíu chừng 2 ngón tay. Bà Oanh bảo phải bó nhỏ như thế này vì mỗi gia đình chỉ cần vài nắm con con cũng cho tất cả thành viên “tẩy trần” cuối năm.
Qua một đêm tỉ mẩn, đến sáng hôm sau, từng xe chất đầy cây mùi già của người làng Hoạch An sẽ nối đuôi nhau tỏa vào trong phố phường Hà Nội. Có người bán ở chợ Hà Đông, có người mang lên phố cổ và các quận khác. Bán xong, họ lại tất tả đi về và tiếp tục ra đồng chuẩn bị cho buổi chợ ngày mai. Sáng sớm 30 Tết, mùi già được bán tại hầu hết các chợ dân sinh. Mặt hàng rẻ nhất chợ, chỉ vài ngàn đồng một mớ nhưng lại rất đông khách mua.
“Năm nào cũng thế, phải hết phiên chợ chiều 30 Tết thì chúng tôi mới xong việc. Hàng chục năm bán hàng, ai cũng xuýt xoa khen mùi thơm nên tôi thích lắm, có động lực bám nghề đến nhiều năm sau nữa. Dù tiền thu về từ đây không thấm là bao, chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/sào nhưng trồng mùi nó như một cái thú, cái cảm giác thân quen mà nếu bỏ thì sẽ thấy thiếu thốn, bứt rứt trong lòng”, bà Oanh cho biết. Và dù có bận rộn hay đắt khách đến đâu, trên chuyến xe trở về nhà, bà Oanh cũng luôn giữ lại một bó mùi để “ướp hương” cho chính gia đình mình đón chào năm mới.
Quả thực, với những người thường xuyên mua mùi già về tắm chiều cuối năm, cứ thấy hương mùi thì coi như là đã cảm nhận khoảnh khắc giao thừa đã cận kề, nếu thiếu nó thì vị Tết thật trống trải. Ai đó đã nói đúng rằng mùi hương và âm thanh là những thứ lưu giữ ký ức tốt nhất. Hương mùi già vẫn mãi ở đó, vẹn nguyên qua năm tháng nhờ đôi bàn tay gieo trồng, vun đắp của người nông dân tảo tần, dù lấm lem nhưng luôn mong muốn mang những điều đẹp đẽ, thơm tho nhất đến với cuộc đời, đến với mọi gia đình, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.
Phương Ngân
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40