“Loạn” thực phẩm chay, khôn lường hậu họa!
Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm chay | |
Cẩn thận với thực phẩm chay đóng gói | |
Cẩn thận với thị trường đồ ăn chay |
Nhiều người phải nhập viện do dùng sản phẩm pate Minh Chay. |
Tràn lan sản phẩm chưa rõ chất lượng
Hiện tại, ngày càng có nhiều người lựa chọn thực phẩm chay để sử dụng hàng ngày như một cách để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, nắm bắt được nhu cầu này nhiều hộ gia đình, cá nhân bắt tay vào sản xuất thực phẩm chay chế biến sẵn. Không chỉ cá nhân và hộ kinh doanh cá thể, hàng loạt doanh nghiệp cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển của thị trường sôi động này. Nhanh chóng, hàng trăm sản phẩm chay được tung ra thị trường với mức giá không hề rẻ dù chất lượng chưa được kiểm định rõ ràng.
Không cần phải đến dịp lễ Vu Lan thị trường thực phẩm chay mới hoạt động nhộn nhịp, mà từ lâu thị trường này đã vô cùng phong phú về sản phẩm. Mấy năm gần đây, cứ vào ngày rằm hay mùng 1 âm lịch là chị Nguyễn Mai Hương (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) đều lựa chọn thực phẩm chay để chế biến món ăn cho gia đình. Chị Hương cho hay, ban đầu chị chỉ tập ăn chay và dần dần thấy thích. Sau thời gian ăn chay, chị thấy người khỏe mạnh, nhẹ nhõm hơn.
Cũng giống như chị Hương, chị Thanh Nga (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cũng thường xuyên lựa chọn thực phẩm chay cho bữa cơm gia đình. Chị Nga chia sẻ: “Thị trường có hàng nghìn mặt hàng, tôi chỉ lựa chọn theo thói quen và chọn sản phẩm có tên, địa chỉ nhà sản xuất. Sản phẩm nào cũng có bao gói, chúng tôi không thể phân biệt được đâu là sản phẩm đảm bảo, đâu là sản phẩm không đảm bảo”. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của không ít khách hàng như trên, thực phẩm chay đang được sử dụng phổ biến thay thế cho thực phẩm tươi sống.
Dạo một vòng quanh các chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Ngọc Hà, chợ Châu Long,… không khó để tìm thấy những sản phẩm chay chế biến sẵn. Một tiểu thương tại chợ Đồng Xuân cho biết nhu cầu tìm mua đồ chay những năm gần đây tăng nhiều, đặc biệt với các sản phẩm chế biến sẵn. Vào dịp rằm tháng 7, lượng khách đặt hàng trước tăng gấp đôi năm ngoái, do đó chị phải tích trữ nhiều hàng hơn. Giá bán đồng thời cũng tăng khoảng 10 – 15%.
Cụ thể, giá các loại giò chả chay đông lạnh dao động 30.000 – 50.000 đồng/500 gram, trong khi heo quay, đùi gà chay có giá khoảng 100.000 – 120.000 đồng/kg, sườn non chay giá 200.000 – 250.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những thực phẩm chế biến sẵn trông bắt mắt y hệt món mặn này chỉ được bọc trong túi ni lông mỏng, bên ngoài không có nhãn hiệu hay bất cứ thông tin gì về thành phần sản phẩm hay hướng dẫn sử dụng chi tiết, đặc biệt là ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Không chỉ được bán trực tiếp tại nhiều chợ truyền thống, thực phẩm chay cũng được đưa lên “chợ mạng”. Khách hàng chỉ cần gõ tìm kiếm “thực phẩm chay” là sẽ được hàng nghìn kết quả nơi bán các sản phẩm này. Có nơi kinh doanh trên website riêng, có nơi lại lựa chọn bán hàng thông qua các website thương mại điện tử… Chưa kể nhiều người khác kinh doanh tại các nhóm trên mạng xã hội.
Đồng thời, thị trường cũng xuất hiện nhiều mặt hàng chay nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với mức giá thường cao gấp 3 – 4 lần doanh nghiệp trong nước sản xuất. Một phần vì vậy, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hàng nội địa thay vì nước ngoài.
Nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng
Ngày 19/8, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 2 bệnh nhân rất nặng vào cấp cứu (là vợ chồng ở Hà Nội) do ngộ độc độc tố Botulinum. Cả 2 vợ chồng này đều sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới vì thế Bệnh viện Bạch Mai đã lập tức báo cáo lên Cục An toànthực phẩm và Bộ Y tế.
Nhận được thông tin, Cục An toàn thực phẩm có Công văn hỏa tốc đề nghị Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương điều tra, xác minh thông tin và trực tiếp làm việc với Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị liên quan. Sau khi có thông tin chính thức, sáng 29/8, Cục An toàn thực phẩm đã đăng thông tin cảnh báo trên website Cục (www.vfa.gov.vn), đồng thời có văn bản gửi cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đề nghị rà soát, giám sát, thu hồi sản phẩm pate Minh Chay, thông báo rộng rãi để người dân không sử dụng sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.
Một cụ ông ở Hà Nội phải vào viện vì có triệu chứng sau khi ăn pate chay (ảnh: KTDT) |
Đến lúc này, qua rà soát cho thấy, trong thời gian một tháng trước đó (từ 13/7 đến 18/8/2020) đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị. Cụ thể, tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca), Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM (2 ca) với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở,... Các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, trong đó 5/9 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng.
Riêng với trường hợp 2 vợ chồng điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã phải liên hệ khẩn với các cơ quan liên quan và nhập được 2 lọ thuốc giải độc từ Thái Lan (với giá lên tới 8.000 USD/lọ) để truyền kịp thời.
Trước tình trạng kinh doanh tràn lan sản phẩm chay như hiện nay, các chuyên gia y tế cho rằng điều quan trọng nhất là người tiêu dùng tự nâng cao cảnh giác trong mua sắm và sử dụng thực phẩm. Người dân nên ưu tiên các cơ sở kinh doanh uy tín, có thương hiệu, nhãn sản phẩm ghi đầy đủ thông tin. Đặc biệt, đối với tất cả các loại đồ hộp dù chay hay mặn, người tiêu dùng cần nấu chín trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh. Việc nấu lại thức ăn đóng hộp ở 70oC trong khoảng từ 10 – 20 phút có thể ngăn ngừa nhiễm độc hiệu quả. Nếu thực phẩm đóng gói công nghiệp bị phồng, rách hay hết hạn, người dân không nên sử dụng. |
Vài ngày qua, tại Hà Nội tiếp tục có thêm khoảng 20 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng bất thường sau khi sử dụng pate Minh Chay đến các bệnh viện thăm khám. Tại phía Nam, ngày 3/9, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng có báo cáo về việc tiếp nhận chùm ca bệnh nghi ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng pate Minh Chay (6 bệnh nhân chuyển từ các tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu). Như vậy, đến thời điểm này, trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được lỗ hổng trong quản lý thì hơn ai hết, những người tiêu dùng sản phẩm đã phải lĩnh hậu quả.
Số bệnh nhân nhập viện có thể còn tăng lên do gần 12.000 khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới. Nghiêm trọng hơn, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nếu không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc thì không thể khắc phục được và cũng không thể tránh được tình trạng tái diễn những vụ việc tương tự.
Được biết, ngày 4/9, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội ra văn bản chỉ đạo tất cả các đội quản lý thị trường trực thuộc rà soát, kiểm tra tất cả các địa điểm đang kinh doanh sản phẩm pate Minh Chay để thu hồi sản phẩm, kiểm tra chất lượng.
Chưa rõ ràng trong khâu quản lý
Khi vụ ngộ độc pate Minh Chay xảy ra khiến hàng chục bệnh nhân nhập viện, các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc, song người dân vẫn chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Có thể thấy, việc quản lý còn rất nhiều bất cập. Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 4/9, khi được hỏi: Ai là người chịu trách nhiệm trong vụ ngộ độc pate Minh Chay? Bộ Y tế, Bộ Công thương có trách nhiệm gì liên quan đến vụ việc này?, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cùng cho biết, theo Nghị định 15/2018 quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, Chính phủ giao cho 3 bộ phụ trách lĩnh vực này.
Trong đó, Bộ Y tế phụ trách mặt hàng thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên,… Bộ Công thương phụ trách mặt hàng rượu, bia, nước giải khát… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý sản xuất, lưu thông sản phẩm ngũ cốc, thịt, sản phẩm rau, củ, quả,… Ông Trương Quốc Cường cũng cho biết, về trách nhiệm quản lý, ngoài việc chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm thông tin cảnh báo người tiêu dùng, yêu cầu thu hồi sản phẩm, Bộ Y tế đã chuyển hồ sơ về vụ việc pate Minh Chay sang Bộ Công an đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Qua vụ việc pate Minh Chay và cách xử lý sự cố, rõ ràng khâu quản lý có vấn đề. Một sản phẩm, một cơ sở mà 3 bộ cùng quản lý đã cho thấy sự chồng chéo, ai sẽ chịu trách nhiệm chính? Thiết nghĩ, cần phải sửa lại những bất hợp lý trong Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể, những sản phẩm mà con người sử dụng trực tiếp phải để Bộ Y tế quản lý.
Trao đổi với báo chí, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM nhìn nhận thị trường thực phẩm chay đang phát triển mạnh mẽ với đủ loại mặt hàng và chất lượng. Công tác quản lý vì thế cũng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt đối với các mặt hàng “giả mặn” chế biến sẵn. “Thực phẩm chay ở chợ và trên mạng phần nhiều là hàng do cá nhân và gia đình tự làm, không qua kiểm nghiệm, không có thông tin nhãn mác rõ ràng, khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, các món “giả mặn” đã chế biến và đóng gói sẵn lại càng nguy hiểm, vì thường có hương vị và màu sắc rất bắt mắt, nguy cơ độc hại càng cao”, bà Lan nhận định. Thậm chí, sự việc sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới bị phát hiện chứa vi khuẩn có độc lực rất mạnh vừa qua còn dấy lên tình trạng chính cơ sở kinh doanh được cấp phép rõ ràng, với sản phẩm có bao bì nhãn mác đầy đủ, vẫn có nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Vì đây là cơ sở có đăng ký kinh doanh, có thông tin liên hệ, nên cơ quan chức năng mới có thể sớm xử lý và thu hồi sản phẩm. Nếu người dân sử dụng các sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường, việc kiểm soát sẽ càng thêm khó khăn, cũng không biết lấy ai chịu trách nhiệm”, bà Lan nói.
Về Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, Công ty này được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) thẩm định an toàn thực phẩm, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 01/2020/NNPTNT-HAN ngày 3/1/2020. Đáng chú ý, ngày 25/5/2020 Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã lấy mẫu 2 sản phẩm pate Minh Chay và ruốc nấm cháy tỏi của công ty để kiểm tra.
Kết quả, cả 2 mẫu đều bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu phân tích. Thế nhưng, sau khi có thông tin “Cảnh báo khẩn cấp về sản phẩm pate Minh Chay” của Cục An toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc với Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới. Tại thời điểm kiểm tra lại phát hiện hàng loạt sai phạm, cụ thể: Công ty chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất; chưa cung cấp được số lượng nguyên liệu nhập kho để sản xuất các loại sản phẩm; số lượng toàn bộ sản phẩm đã sản xuất; số lượng toàn bộ sản phẩm đã cung cấp ra thị trường; cũng như các hồ sơ theo dõi sản xuất trong thời gian từ 1/7 đến 28/8/2020,…
Trước những vi phạm đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị UBND huyện Đông Anh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 17,5 triệu đồng. Sở cũng đã tạm dừng hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với doanh nghiệp trên cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vi khuẩn Clostridium botulinum type B có trong sản phẩm pate Minh Chay có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ gây tử vong. Hà Nội hiện đã xác minh được hàng chục khách hàng trên địa bàn có mua pate Minh Chay trong tháng 7, 8 qua hình thức online và đang tiến hành thu hồi. Không chỉ pate Minh Chay, toàn bộ sản phẩm khác của đơn vị này đều được thu hồi để xác minh chất lượng theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế./.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo, người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm sau: pate Minh Chay, pate nấm Hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri hương thảo mộc, giò lụa lúa mì, muối lạc truyền thống, chả quế lúa mì, muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, ruốc nấm truyền thống, ruốc nấm sả ớt, ruốc nấm cháy tỏi. Trường hợp người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nêu trên cần chủ động theo dõi các diễn biến, biểu hiện của cơ thể. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tiêu dùng 22/11/2024 23:33
Hà Nội và Hà Giang: Kết nối vì sự phát triển bền vững của nông thôn mới
Tiêu dùng 22/11/2024 12:37
Đưa nông sản OCOP Hà Giang đến người tiêu dùng Thủ đô
Tiêu dùng 21/11/2024 16:47
Xăng RON 92 giảm xuống còn 19.343 đồng/lít từ chiều 21/11
Tiêu dùng 21/11/2024 16:33
Online Friday 2024: "Điểm hẹn" mua sắm trực tuyến hàng Việt chất lượng cao
Tiêu dùng 21/11/2024 11:55
Xanh hóa ngành giấy để đạt “kỳ tích” xuất khẩu
Tiêu dùng 14/11/2024 09:26
Ngành Công Thương triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Tiêu dùng 12/11/2024 14:52
Online Friday 2024: 60 giờ săn khuyến mãi "khủng" toàn quốc
Tiêu dùng 11/11/2024 22:31
Những điều cần biết để săn sale 11/11 hiệu quả
Tiêu dùng 09/11/2024 08:26
Hà Nội: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng 2024 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước
Tiêu dùng 07/11/2024 21:36