Kỳ cuối: Điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi
Kỳ 2: Gửi trái tim nơi biển cả | |
Kỳ 1: Hậu phương – tiền tuyến thắm đượm nghĩa tình |
Sẻ chia và đồng cảm
Trên hành trình theo chân Đoàn công tác của Vùng 1 Hải quân, với không ít những điều cao đẹp mà tai nghe, mắt thấy, một người đồng nghiệp đã quả quyết với tôi rằng, phải dùng cụm từ “chiến sĩ giáo dục” mới đủ để phần nào nói lên hình ảnh của các giáo viên biển đảo. Tôi cho điều này là đúng bởi chỉ có 4 từ đó mới có thể toát lên niềm thán phục của tôi dành cho các thầy cô. Vì sao ư? Bởi, có thể nói rằng quyết định đi theo nghề dạy học trong thời buổi hiện nay không phải là một quyết định dễ dàng! Và sẽ khó khăn hơn, thách thức hơn khi quyết định đi dạy ở vùng biển đảo! Phải có một ý chí, bản lĩnh và lòng yêu nghề thực sự mới có thể đưa ra một quyết định dũng cảm như vậy.
Lại nhắc đến hải trình trên những điểm xa xôi bậc nhất khu vực Đông Bắc khi ấy, dù đường đi dài nhưng thời gian chúng tôi dừng lại lâu nhất chính là ở hai trạm ra đa được ví von là “mắt thần” biển trời phía Bắc Tổ quốc 480 (đảo Trần) và 485 (đảo Trà Bản). Hôm ghé đảo, ngay sau khi hoàn tất các khâu nghi lễ, tôi vội đi tìm những giáo viên. Có gặp mới thấy và cảm nhận được sự chân thành của họ. Có một cô giáo đã nói với chúng tôi rằng: “Sự vất vả ở đảo không đáng sợ bằng sự cô đơn. Vậy nên, khi có người đến thăm, cả cô giáo và học trò đều rất vui”.
Trường Mầm non xã Bản Sen. |
Nhắc đến quyết tâm bám đảo, cô giáo trẻ Ngần Thị Minh (Trường Liên cấp đảo Trần) nhìn tôi rồi nở nụ cười lạc quan. Tưởng như dễ dàng nhưng kỳ thực ít ai biết được rằng, từng có thời điểm cô Ngần Thị Minh cũng phải chịu áp lực, hoang mang trước lựa chọn của mình. Nghe kể, cô Minh bắt đầu công tác tại đảo Trần từ đầu năm học 2018 – 2019. Đáng lẽ sau khi dạy 1 học kỳ tại đây thì cô được điều động về, thế nhưng tình yêu nơi đảo nhỏ cứ níu giữ, chẳng thể dứt, cô lại xin ở lại nơi đây để tiếp tục gắn bó công tác.
Như bao giáo viên dũng cảm bám đảo, tình cảm của cô dành cho đảo chất phác và gần gũi. Đến, sống, cống hiến và yêu. Yêu đảo và yêu người. “Rồi cứ từng ngày trôi qua, cá nhân tôi lại thêm yêu đất nước và ý thức rõ hơn về trách nhiệm đóng góp của mình. Tôi thấu hiểu hơn và đồng cảm nỗi vất vả của những người đi trước, đã cống hiến nhiều phần mồ hôi, nước mắt, xương máu để giữ đất, giữ biển đảo” – cô Ngần Thị Minh bộc bạch.
Sẽ thật thiếu nếu không nhắc đến những khó khăn trong công tác dạy và học nơi đảo xa. Tại Trường học Liên cấp đảo Trần, đầu tháng 8/2015 trường được khởi công xây dựng. Đến nay, dãy nhà hai tầng với 7 lớp học đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện tại trường có 10 học sinh (6 tiểu học, 4 mầm non). Đầu năm thì có 8 học sinh, vừa rồi có cô giáo chuyển ra, có thêm 2 học sinh là con của cô giáo. Do các độ tuổi khác nhau nên việc phân phối chương trình dạy cũng là một vấn đề. Nhắc chuyện này, cô Minh bảo, mỗi học sinh trên đảo được coi như những “chiến sĩ nhí” mặc “áo vằn cánh sóng”. Bởi khéo léo trong phân phối sẽ trực tiếp góp phần giúp việc học của các em không bị rời rạc, thầy dạy cũng không buồn vì lớp ít học sinh.
Đáng trân trọng hơn, dù là vùng xa đất liền song gia đình các em cũng động viên con cái học tốt. Bản thân họ cũng chấp hành chủ trương, đánh bắt hải sản đúng giờ, để cùng bảo đảm an toàn xung quanh đảo. Cứ thế, theo từng con chữ, các em dần lớn lên giữa biển trời sóng nước. Ngoài học tri thức, các em còn được giáo dục tinh thần bám đảo, giữ biển.
Còn tại Trường Mầm non xã Bản Sen, nằm trên đảo Trà Bản, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Trang cũng là người đã có hơn 12 năm gắn bó với trường xã đảo. Trong ký ức những ngày đầu ra đảo của cô, hình ảnh con đường từ bến cảng xa tít tắp, những thôn bản còn chưa có điện, nhà công vụ chưa có vẫn còn rất rõ nét. Theo tìm hiểu, trước thời điểm năm 2013, nơi đây chưa có điểm trường chính, cơ bản là các lớp học lẻ, học nhờ, không có khu vực làm việc riêng của ban giám hiệu, không có khu văn phòng và chỉ đảm bảo đủ các lớp học.
Từ năm 2013, trường được đầu tư, xây dựng một khu mới với tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Năm 2015, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và cũng được đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non đạt mức 3. Khác với những trường trong đất liền hoặc những trường đông như ở đảo Quan Lạn, số lượng học sinh của trường với quy định chung vẫn ít, nên có những nhóm lớp chỉ có 1 giáo viên đứng lớp. Để các cô trông trẻ bớt vất vả, quản lý nhà trường là hiệu trưởng và hai hiệu phó cũng tham gia hỗ trợ, luân phiên trông các cháu, để các cô phụ trách lớp có thời gian nghỉ trưa. Đến giờ nghỉ trưa, 2 lớp sẽ ghép lại cho dễ quản lý.
Có trường hợp các cháu đi học không đều, hiệu trưởng đến từng nhà vận động. Từ năm làm công tác phổ cập trẻ, tỷ lệ ra lớp của trẻ 5 tuổi tại đây là 100%.“Những năm trước, giáo viên ở đất liền ra có vướng mắc về cơ sở vật chất, phần nhà ở công vụ chưa có, các cô phải đi ở nhờ, hoặc phòng ở cách xa trường. Giáo viên xa nhà thiếu thốn tình cảm gia đình. Có cô con nhỏ, cuối tuần mới được về với con. Mùa rét nóng lạnh chưa có, nước nóng sinh hoạt cho cả cô cả trò đều phải tự đun, tự chuẩn bị. Nhưng gạt qua những khó khăn và nỗi nhớ nhung tình cảm gia đình, các cô vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chăm trẻ, dạy trẻ với sự quan tâm và tình thương yêu” –một giáo viên Trường Mầm non xã Bản Sen chia sẻ.
Ươm mầm nơi đảo xa
Nhắc đến chuyện đoàn kết, cùng nhau vượt qua những khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió giữa quân và dân trên các đảo, một cán bộ đi cùng đoàn cho biết: Trạm 480 và trạm 485 thuộc tiểu đoàn 151 - Vùng 1 Hải quân là hai đơn vị luôn duy trì nền nếp. Đời sống của cán bộ chiến sĩ trên trạm cũng được cải thiện nhiều. Gắn bó với nơi đóng quân của các đơn vị là nhân dân địa phương, khối đoàn kết quân dân cũng rất được các đơn vị chú trong xây dựng.
Ở trạm rađa 480, các cán bộ chiến sĩ ở đây rất gắn bó với nhân dân, hỗ trợ dân trong việc phòng chống bão lụt, xây dựng phát triển kinh tế, nhân dân ở đây rất quý cán bộ chiến sĩ trên đảo. Còn ở trạm rađa 485, mối đoàn kết quân dân cũng được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động. Minh chứng dễ thấy là lối vào doanh trại luôn xanh, sạch, trong lành, ngăn nắp và gọn gàng. Khu tăng gia với rau xanh phủ hàng lối đã góp phần cung cấp thực phẩm sạch, không những cho đơn vị mà còn cho cả các cháu thuộc Trường Mầm non xã Bản Sen – đơn vị kết nghĩa của trạm, để các cháu có nguồn thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng.
Các cô giáo ở Trường Mầm non xã Bản Sen và Trường Phổ thông cơ sở xã Bản Sen nơi là hai đơn vị kết nghĩa với trạm rađa 485 cũng cho biết: Mối quan hệ kết nghĩa giữa các đơn vị rất thân thiết, gắn bó, ở đây, các cán bộ chiến sĩ trạm Rađa 485 được coi như người nhà, là dân xã đảo.
Cùng nhau sống trong cộng đồng quân - dân đoàn kết, gắn bó, yêu thương, quan tâm, chăm sóc nhau như anh em một nhà, đó là điều mà tôi được chứng kiến và cảm nhận được trong những ngày đến thăm các đảo. Đâu đó giữa những câu chuyện ngoài kia, có những điều chúng ta còn băn khoăn về đạo đức thầy trò, về những thắc mắc với chương trình mới, sách thử nghiệm… Nhưng ở những ngôi trường trên xã đảo này, các thầy cô vẫn gắn bó với trường với lớp, học sinh vẫn quý từng ngày được đến trường, từng giờ đến lớp.
Cả cô cả trò thi đua đổi mới, khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng dạy học, chăm sóc trẻ. Sau tiếng trống trường rộn rã của ngày mới, những ngôi trường trên xã đảo lại bắt đầu những giờ học mới, bổ ích, sáng tạo hơn. Sự học tại những nơi này dù có những khó khăn, những đặc thù song tình yêu con chữ chẳng lúc nào phôi pha, tựa như những mầm cây vươn mình trong cát, khẳng khiu và bền bỉ đâm chồi.
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Du lịch 22/11/2024 18:57
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Hợp tác, liên kết du lịch giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận
Du lịch 22/11/2024 16:59
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22