Kỳ 2: Nhiều hoạt động hè bổ ích
Sơn Tây: Phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước Chương Mỹ chủ động phòng chống đuối nước cho trẻ trong dịp hè Phòng, chống đuối nước cho trẻ: Điểm nhấn từ một địa phương |
Trang bị kỹ năng bơi cho trẻ
Tai nạn đuối nước ở trẻ em là vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ. Tại Hà Nội, gần đây, do nhiệt độ tăng cao nên hiện tượng người dân tìm đến các sông, hồ để bơi, tắm, giải nhiệt diễn ra khá phổ biến. Không khó để bắt gặp cảnh nhiều người tìm đến khu vực bãi giữa sông Hồng để tự bơi lội, tập luyện.
Đáng nói, trong số những người đi “giải nhiệt”, có không ít trẻ em. Chỉ cần vài phút bất cẩn của người lớn cộng với sự hiếu động của trẻ nhỏ, hậu quả sẽ khó lường. Để khắc phục tình trạng trên, mới đây, các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em đã được các địa phương triển khai.
Theo ghi nhận, tại quận Đống Đa, hơn 160 trẻ em diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đã được tham gia lớp dạy bơi miễn phí do quận tổ chức. Các em được chia thành các lớp nhỏ, có giáo viên hướng dẫn tận tình, học liên tục 12 buổi để trang bị kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước.
Các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em đã được các địa phương triển khai. |
Tương tự, tại huyện Phúc Thọ, các em học sinh khối Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông chưa biết bơi cũng được tham gia miễn phí các lớp dạy bơi kéo dài tới hết tháng 8/2022. Chương trình đã được thông báo rộng rãi tới từng xã, thị trấn, cơ sở giáo dục để các em và gia đình đăng ký. Khi tham gia, các em sẽ được trang bị kiến thức về kỹ thuật bơi tự do, bơi ếch, kỹ năng phòng, chống đuối nước và sơ cứu người bị đuối nước. Đây vừa là những kỹ năng sống cần thiết cho các em vừa đem đến một hoạt động bổ ích, thú vị và lành mạnh.
Hay như tại quận Bắc Từ Liêm, vào mỗi mùa hè hằng năm, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận đều phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các chương trình dạy bơi; tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ; các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho trẻ bị đuối nước...
“Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em; thường xuyên tổ chức các lớp dạy bơi, phối hợp cùng các cơ sở dịch vụ thể thao có bể bơi hỗ trợ các lớp dạy bơi an toàn, hướng tới mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ em”, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm Trần Trung Tuyển chia sẻ.
Nhằm hạn chế tai nạn thương tích xảy ra trong những ngày hè, thị xã Sơn Tây đã tích cực phổ biến, tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng bơi an toàn và phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Bể bơi Sơn Tây là một trong những điểm đến bổ ích và lý thú của các em thiếu nhi trong dịp hè. Với tổng diện tích 1.000m2, bể bơi Sơn Tây có 8 làn bơi theo tiêu chuẩn quốc tế, các độ sâu theo đúng quy chuẩn.
Được biết, vào dịp hè, bể bơi mỗi ngày thu hút từ 300-400 lượt người đến tham gia học bơi và rèn luyện sức khỏe. Việc phổ cập bơi phòng tránh tai nạn đuối nước cho các em thiếu nhi được Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã thực hiện hiệu quả. Để đảm bảo an toàn trong quá trình học bơi, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã đã bố trí cán bộ, huấn luyện viên hướng dẫn có kinh nghiệm và chuyên môn cao và cắt cử lực lượng cứu hộ túc trực trong suốt quá trình học bơi của các em.
Thống kê của Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây cho thấy, từ năm 2017 đến nay, địa phương đã mở 36 lớp phổ cập bơi cho gần 5.400 thanh, thiếu niên trên địa bàn và các vùng phụ cận, trong đó có 1.600 học sinh tham gia lớp phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước miễn phí.
Mang đến niềm vui, nụ cười
Mỗi một mùa hè đều là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt và đáng nhớ với trẻ. Trải qua hơn hai năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là mùa hè năm ngoái “ai ở đâu, ở yên đó”, trẻ em nói chung và trẻ em trên địa bàn Thành phố nói riêng đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi không thể về quê, đi du lịch, không được giao lưu, vui chơi ở những nơi công cộng hay tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật… Chính vì vậy, mùa hè năm nay càng ý nghĩa hơn với các em khi dịch bệnh đã được đẩy lùi và chúng ta đang sống trong một trạng thái bình thường mới an toàn.
Làm sao để các trẻ có những ngày nghỉ hè an toàn, bổ ích là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. |
Được biết, để chăm lo, đồng hành cùng các em thiếu nhi có một mùa hè bổ ích, lành mạnh, Hội đồng Đội Thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi. Theo đó, trong thời gian nghỉ hè từ tháng 6 đến tháng 8/2022, các đơn vị trên địa bàn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, các quy định của Luật Trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và phát triển toàn diện.
Hội đồng Đội các cấp cũng tổ chức truyền thông, tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội thông qua các tài liệu, video clip, tờ rơi… trang bị kiến thức bảo vệ trẻ em và hướng dẫn cha mẹ, những người chăm sóc các em kỹ năng như: Phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng phòng, chống xâm hại và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, các đơn vị sáng tạo và nhân rộng các mô hình hay về giải pháp tăng cường hiệu quả sử dụng công nghệ thông tin an toàn với thiếu nhi Thủ đô; tiếp tục vận động nguồn lực xã hội để xây mới, chỉnh trang, nâng cấp sân chơi cho thiếu nhi; phối hợp, hỗ trợ xây dựng bể bơi, trang thiết bị vui chơi, giải trí, xây dựng mới và nâng cấp sân chơi thiếu nhi trên địa bàn dân cư…
Những năm gần đây, chính quyền địa phương tại Hà Nội cũng có nhiều hoạt động hướng về trẻ em. Việc chung tay tạo nên nhiều sân chơi, không gian hoạt động cho trẻ là ví dụ. Chẳng hạn, quận Thanh Xuân đã cùng với người dân và các tổ chức xã hội tìm cách để có thêm nhiều sân chơi ngoài trời cho trẻ em, bắt đầu từ việc nhỏ nhất như thay mới, lắp đặt trang thiết bị vui chơi.
Nhiều sân chơi cho trẻ được sử dụng từ vật liệu tái chế. |
Tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, chỉ tính riêng khu B và khu C đã có tới 5 sân chơi cho trẻ nhỏ. Hầu hết hệ thống thiết bị vui chơi được cấp mới hoặc tái sử dụng các vật liệu như lốp ô tô, chai nhựa, ván gỗ cũ... Hiện địa phương này có 62 công trình công viên, vườn hoa, sân chơi trẻ em. Có nhiều sân chơi được hình thành kết hợp với xây dựng mới nhà hội họp khu dân cư đã góp phần nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa.
Ở huyện Đan Phượng, cứ mỗi tối cuối tuần, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện lại trở thành một sân chơi sôi nổi, thu hút đông đảo trẻ em trên địa bàn tham gia. Tại đây, Huyện đoàn Đan Phượng đều đặn tổ chức các chương trình nâng cao sức khỏe và bảo vệ bản thân cho các em thiếu nhi; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích như bịt mắt bắt dê, kéo co, nhảy bao bố, nhảy sạp, múa hát...
Tại thị xã Sơn Tây, Nhà thiếu nhi Sơn Tây đã trở nên thân thuộc với hầu hết thanh, thiếu niên trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu học tập, tham gia sinh hoạt hè, Nhà thiếu nhi Sơn Tây đã từng bước xây dựng đội ngũ cộng tác viên có trình độ và nhiệt huyết. Với chủ đề “Vui chơi bổ ích - Phát triển toàn diện”, hè năm 2022, Nhà thiếu nhi Sơn Tây đã mở các lớp năng khiếu như: Hội họa, múa, đàn organ, luyện chữ, võ thuật, cờ vua, cờ tướng... thu hút trên hàng trăm thiếu nhi tham gia sinh hoạt. Đến đây, các em được giao lưu, học hỏi và thể hiện năng khiếu của mình, từ đó góp phần rèn luyện sức khỏe và thể chất, tạo niềm vui, phấn khởi để các em tự tin bước vào năm học mới.
Dịp này, ngoài việc tiếp tục duy trì và mở rộng các lớp học năng khiếu cũng như hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm, Nhà thiếu nhi Sơn Tây còn mở lớp rèn luyện kỹ năng sống... qua đó, giúp các em nâng cao năng lực giao tiếp, ứng xử trong môi trường tập thể cũng như khơi dậy tình cảm, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm, giúp thanh, thiếu niên có định hướng phấn đấu, học tập và rèn luyện để trở thành những công dân có ích.
Thư viện sách trở thành điểm đến hấp dẫn của thiếu nhi ngày hè. |
Cùng với Nhà thiếu nhi Sơn Tây, Thư viện Sơn Tây từ lâu cũng trở thành điểm đến hấp dẫn của thanh, thiếu niên đến đọc sách trong dịp hè. Để nâng cao công tác phục vụ bạn đọc, nhất là bạn đọc thiếu nhi, Thư viện thị xã đã bố trí phòng đọc riêng được trang bị ánh sáng, điều hòa, bàn ghế sạch sẽ, thoáng mát… để phục vụ tốt nhất cho các em thanh, thiếu niên đến đọc sách, tra cứu tư liệu, thông tin.
Hiện kho sách của phòng đọc sách thiếu nhi có hàng nghìn đầu sách với nhiều chủ đề, thể loại khác nhau, trong đó chiếm 80-90% là sách của Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Giáo dục… với nhiều thể loại được đông đảo thanh, thiếu nhi quan tâm như thơ, truyện ngắn, truyện tranh, truyện cổ tích, thần thoại, truyện kể về những nhân vật lịch sử, các nhà bác học tài năng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Thư viện còn bố trí thủ thư là người có kiến thức về tâm lý học, có kinh nghiệm nghề nghiệp để hướng dẫn, giúp các em lựa chọn những cuốn sách phù hợp tâm lý lứa tuổi, từ đó góp phần kích thích nhu cầu đọc sách, từng bước nâng cao văn hóa đọc cho các em thiếu nhi.
Nhìn tổng thể tại các địa phương từ nội thành đến ngoại thành Hà Nội có thể thấy, tổ chức tốt các hoạt động cho trẻ em trong dịp hè không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tin tưởng rằng các em thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn Thủ đô sẽ được tham gia nhiều hoạt động xã hội sôi nổi, ý nghĩa để kỳ nghỉ hè thực sự là thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng trước khi các em bước vào năm học mới.
Để trẻ có kỳ nghỉ hè bổ ích, khỏe mạnh và an toàn, trước hết phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, quan điểm của mỗi gia đình. Các bậc cha mẹ, ngoài việc dành thời gian cho con, cần hướng trẻ tham gia các hoạt động tập thể, giải trí lành mạnh, góp phần giúp các em phát triển và hình thành thể chất, trí tuệ, nhân cách… một cách toàn diện. Chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần có kế hoạch dành ngân sách hoặc thực hiện chủ trương xã hội hóa để duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, thân thiện cho trẻ em. Cùng với đó là các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức Đoàn thanh niên cần thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tạo ra những hoạt động hè sôi nổi, hấp dẫn, đa dạng hóa hình thức tổ chức để thu hút được đông đảo các em tham gia. Tạo dựng những sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh trong dịp hè là để mọi trẻ em đều có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện, để có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Ngân hàng nào liên quan đến đại án Xuyên Việt Oil?
Vì sao Chứng khoán Smart Invest bị phạt tiền tỷ?
Thành phố Hồ Chí Minh: Công bố 31 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm
Tin khác
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Giáo dục 23/11/2024 15:25
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02
Ba Đình: Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Giáo dục 19/11/2024 18:50