Hà Nội lan tỏa xu hướng tiêu dùng và thói quen sống xanh
Xu hướng tiêu dùng xanh lên ngôi
Khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng tăng, thay vì mua sắm lãng phí, khách hàng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe, môi trường và các câu chuyện nhân văn sau từng sản phẩm. Xu hướng tiêu dùng trách nhiệm khi hạn chế lãng phí, thói quen sống xanh và khả năng chi tiền cho cho các sản phẩm không gây ảnh hưởng đến môi trường tạo động lực để các Công ty khởi nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, nâng cao khả năng được nhận đầu tư và thu lợi nhuận từ hoạt động sản xuất xanh.
Hà Nội lan tỏa xu hướng tiêu dùng xanh và thói quen sống xanh. (Ảnh Thanh Tân) |
Tại Hà Nội, với mật độ dân số lớn, lượng phát thải và ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa cao; do đó xu hướng tiêu dùng xanh đang được nhiều người dân quan tâm và đang tập trung nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến sản phẩm đầu ra. Người tiêu dùng cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh và tiện dụng của sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.
Đã thành thói quen, mỗi lần đi chợ, chị Lê Thị Lan (trú phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) lại mang theo chiếc làn đan bằng mây tre để đựng đồ. Theo chị Lan, việc mang theo làn đi chợ để đựng đồ thực phẩm như rau, củ, quả giúp chị hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, bởi nó gây hại cho môi trường sống và làm phát sinh chất thải nhựa ra môi trường.
“Mua sắm xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà nó còn mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như: Nâng cao độ an toàn, sức khỏe và mang lại giá trị cho cộng đồng trong việc chung tay giảm rác thải nhựa; giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; giúp phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn”, chị Lan cho hay.
Cũng quan điểm như chị Lan, chị Thanh Hương (ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay, mỗi lần đi mua thực phẩm chế biến sẵn, chị thường mang theo hộp thủy tinh để đựng. Khi mua sắm, chị Thanh Hương từ chối tất cả những lời mời chào sử dụng hộp nhựa hay túi nilon để đựng thực phẩm. Theo chị Hương, việc sử dụng túi nilon hay hộp nhựa đựng thực phẩm vừa lãng phí, lại vừa gây hại cho môi trường mà lại không tốt cho sức khỏe.
“Những ngày bận mà không đi chợ mua thực phẩm, đồ uống được, tôi cũng thường đặt đồ uống online. Ngoài ra, với những món đồ uống mình thích, thì tôi thường xem cửa hàng nào sử dụng cốc, ống hút bằng giấy hoặc tre, nứa, nói chung là các dụng cụ thân thiện với môi trường, hoặc tái sử dụng được thì tôi mới đặt. Việc mua sắm này đã trở thành thói quen với tôi và cả gia đình”, chị Thanh Hưng nói.
Tiêu dùng xanh - xu hướng tiêu dùng bền vững của tương lai
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có đến 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa…
Đáng lưu ý, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những Công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường.
Người tiêu dùng Hà Nội hình thành thói quen tiêu dùng xanh để giảm thiểu chất thải nhựa, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, hướng đến cuộc sống xanh. (Ảnh Thanh Tân) |
Số liệu đưa ra từ Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam cũng cho thấy, kể từ khi triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, đến nay, đã có 50% doanh nghiệp tại Hà Nội trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng. Giảm 65% tỉ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị. 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống tại Hà Nội, ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Long Bảo Thịnh Phát cho hay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe nên sẵn sàng chi trả để mua những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn. Mặt khác, người tiêu dùng cũng cân đối lại vấn đề ăn uống theo xu hướng cắt giảm một số nhu cầu khác để tăng cường mua sắm phục vụ nhu cầu thiết yếu và tăng cường sức khỏe, nên tạo ra cơ hội cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh phát triển.
Cũng tham gia tích cực vào việc giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, thúc đẩy tiêu dùng xanh bền vững, vừa qua, Tập đoàn Central Retail cũng đã triển khai đồng loạt chương trình "Bring Your Own Shopping Bag - Mang theo túi riêng", đối với các khách hàng khi đến mua sắm tại hệ thống siêu thị Go! Big C trên địa bàn Hà Nội và các thành phố lớn cả nước.
Ngoài ra, khi khách hàng đến mua sắm tại hệ thống các siêu thị của Central Retail với các sản phẩm tươi sống, thì sẽ được nhân viên sử dụng lá chuối, giấy kraft… để gói sản phẩm thay thế bao nilon và màng bọc thực phẩm. Thông điệp “Mang theo túi riêng”, “Chung tay giảm thải rác nhựa” được truyền thông mạnh mẽ tại siêu thị nhằm tạo sức lan tỏa chương trình ý nghĩa này và truyền cảm hứng cho người tiêu dùng cùng hành động vì một tương lai bền vững hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Phát triển Bền vững, tập đoàn Central Retail cho biết: “Sự kiện Mang theo túi riêng là sáng kiến của Central Retail tại Việt Nam nhằm giảm lượng nhựa sử dụng một lần trong hệ thống siêu thị của Tập đoàn. Là thành viên của Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon, qua việc tổ chức sự kiện trong 2 năm liên tiếp, chúng tôi mong muốn sẽ tạo thói quen để người tiêu dùng tự mang túi đi chợ theo khi đi mua sắm; và hy vọng góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm sử dụng túi nilon cho toàn xã hội, thay đổi hành vi mua sắm theo hướng tích cực”.
Chia sẻ về việc nhiều doanh nghiệp chung tay với các cơ quan Nhà nước trong việc thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua, theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thành phố Hà Nội đã tập trung tuyên truyền rộng rãi đến đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
“Để thay đổi thói quen tiêu dùng tại Hà Nội sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự cam kết chung tay của các doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh tại Thủ đô sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn”, bà Trần Thị Phương Lan tin tưởng.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
359 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024
Tiêu dùng 28/10/2024 20:30
Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất - tiêu dùng làng nghề Hà Nội sẽ bắt đầu từ 28/10
Tiêu dùng 26/10/2024 15:37
Sắp diễn ra Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến
Tiêu dùng 25/10/2024 21:00
Nâng cao chương trình liên kết vùng bảo đảm cung - cầu hàng hóa cho Thủ đô
Tiêu dùng 24/10/2024 21:49
Từ 15h ngày 24/10, giá xăng RON 95 giảm 68 đồng/lít
Tiêu dùng 24/10/2024 15:42
Thay đổi nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng, hướng tới thương mại bền vững
Tiêu dùng 20/10/2024 13:08
Chương trình Khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội 2025 diễn ra trong 3 tháng
Tiêu dùng 19/10/2024 15:07
Nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Tiêu dùng 15/10/2024 11:52
Giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.006 đồng lên 2.103 đồng/kWh từ 11/10
Tiêu dùng 11/10/2024 22:33
Chú trọng xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh
Tiêu dùng 11/10/2024 17:07