Giếng làng trong phố cổ
Tìm lại vẻ đẹp cho Đình Trung Yên nơi phố cổ Trung thu ở Hà Nội: Tìm trăng trên phố |
Ký ức một thời
Một vài năm về trước, trong một dịp tình cờ khi tiếp chuyện nhà giáo Nguyễn Tọa - người đã dành hơn 30 năm để sưu tầm, nghiên cứu, khai thác và phát huy các di sản văn hóa quê hương - về sự hiện diện của những giếng nước trong đời sống, tôi biết rằng, cách đây khoảng 50 năm, những giếng nước được xem là một phần không thể thiếu của người dân Hà Nội, tạo nên nét “văn hóa giếng”.
Một trong những chiếc giếng hiếm hoi vẫn còn được sử dụng ở ngõ Hàng Chỉ. Ảnh: P.T |
Đó không chỉ là nơi lấy nước mà còn là nơi những ánh mắt trai gái trao nhau mỗi khi gánh nước, rửa rau. Có những đôi vợ chồng đã nên duyên nhờ gặp nhau nơi sân giếng. Rồi cả những đứa trẻ được lớn lên dưới sự bao bọc của giếng nước. Những buổi trưa hè trốn giấc ngủ trưa cùng lũ bạn nô đùa bên giếng. Hay những buổi rong chơi lấm lem bùn đất về gột rửa dưới làn nước giếng sạch trong. Lũ trẻ cứ thế lớn lên theo thời gian dưới sự nuôi dưỡng của dòng nước giếng mát rượi… Dường như mọi hoạt động sinh hoạt thường nhật của người dân đều diễn ra xung quanh sân giếng. Từ ngọn nguồn cung cấp nguồn nước, giếng nước cứ thế đi sâu vào đời sống tinh thần.
Nhà giáo Nguyễn Tọa chia sẻ, ngày ấy, mỗi con phố ở Hà Nội đều có giếng. Những chiếc giếng đa phần có đường kính nhỏ, chỉ khoảng 1m, là nguồn cung cấp nước cho người dân. Tới đầu thế kỷ XXI, dân số tăng lên nhanh chóng, sân chung dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các ngôi nhà cao tầng và những chiếc giếng cũng dần biến mất.
Nhắc chuyện này, theo nhà giáo Nguyễn Tọa, đó là sự biến thiên tất yếu. Khi mới có nước máy, giếng vẫn được dùng vì cả xóm phải dùng chung một vòi nước công cộng. Mất nước máy, giếng là lựa chọn duy nhất của dân trong phố. Khi nước máy vào từng nhà thì giếng bỗng chốc bị… “bỏ quên”, rồi dần dần bị mai một trong ký ức của mọi người. Nguồn nước mát trong từ những chiếc giếng không còn được trọng dụng, người dân quên dần tính cộng đồng nơi sân giếng.
Bảo tồn một nét văn hóa
Ngày nay, theo dòng chảy thời gian, mỗi giếng nước có một số phận. Có nhiều giếng đã bị lấp đi dành đất để sinh sống, kinh doanh hoặc đô thị hóa. Có những giếng do ô nhiễm hoặc cạn nước nên cũng bị san bằng... Nhiều người không còn nhớ đến vị ngọt mát lành của nước giếng. Dẫu vậy, rải rác trong ngõ xóm của khu phố cổ Hà Nội vẫn sót lại một vài chiếc giếng đã tồn tại song hành cùng bao thế hệ người dân nơi đây. Những chiếc giếng giữ cho phố phường Hà Nội một nét lạ, nét riêng về thời xưa cũ.
Trong số đó có thể kể đến giếng nước hiếm hoi vẫn còn được sử dụng nằm ở cuối ngõ Hàng Chỉ (quận Hoàn Kiếm). Theo ghi nhận, ngõ Hàng Chỉ dài hơn trăm mét, lại ẩn mình giữa phố Hàng Hòm nên ít ai để ý. Con ngõ nhỏ thông ra cả phố Hàng Gai và Hàng Quạt. Điểm thắt của cả ba ngõ phố đó những năm gần đây bỗng trở nên tấp nập các bạn trẻ và những du khách ưa khám phá. Họ bị cuốn hút bởi cái giếng cổ cuối ngõ. Giếng sâu khoảng 6m đến 7m, quanh năm không bao giờ hết nước. Khi trời nắng có thể nhìn thấu xuống tận đáy giếng. Người dân sống ở ba ngõ phố này, đặc biệt là những người già vẫn hằng ngày ra đây múc nước về để tưới cây, giặt giũ, rửa xe, lau nhà hay làm những việc đơn giản khác.
Theo người dân trong ngõ, giếng nước này có từ rất lâu rồi. Nước giếng quanh năm chỉ ở nhiệt độ đó nên mùa hè thì mát mà mùa đông thì ấm. Do được lấy nước thường xuyên nên nước trong giếng rất trong và ngọt. Hiện nay, dù nước máy chạy đến tận nhà, nóng lạnh đủ cả, nhưng lấy nước giếng để sinh hoạt vẫn là một nét trong cuộc sống của người dân ở đây, như là thói quen, hoài niệm về một thời đã qua.
Hay như tại ngõ 15 Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm) vẫn tồn tại giếng nước có tuổi đời hàng mấy thập kỷ, tựa như người bạn đồng hành, chứng kiến sự trưởng thành của mỗi người dân trong ngõ và lưu giữ bao kỷ niệm. Qua thời gian, thành giếng bị bào mòn, nứt nẻ nhưng nước trong giếng vẫn mát, trong và chưa bao giờ cạn. Hằng ngày, người dân trong ngõ vẫn duy trì và giữ thói quen dùng nước giếng để sinh hoạt.
Chị Khuất Thị Nhạn cho biết, chị về đây làm dâu đã hơn 20 năm. Trước kia, nước trong giếng được mọi người sử dụng để tắm, giặt quần áo, nấu ăn… Bây giờ có nước sạch, nước giếng vẫn được dùng để rửa bát, rửa sân sạch sẽ cho cả xóm. “Nước giếng khơi mùa hè thì mát, mùa đông lại ấm, khi múc lên vẫn trong và sạch, không cặn bẩn. Mỗi lần đi đâu về nóng nực, trời mưa gió, mọi người vẫn sử dụng để rửa chân tay, rất sạch sẽ” - chị Nhạn chia sẻ.
Những chiếc giếng đã từng là một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hiện tại, khi nhà nhà đều có nước máy, người người sử dụng nước máy thì những chiếc giếng được xem là điểm nhấn đặc trưng làm nên nét đẹp văn hóa của Hà Nội, cần được bảo tồn trong nhịp điệu sôi động của Thủ đô ngày nay.
Thảo Phạm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Tin khác
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Thủ đô 23/12/2024 17:27
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52
Quận Bắc Từ Liêm tích cực khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 17:09
Năm 2024: Quận Thanh Xuân thu ngân sách ước đạt 108,91%
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 11:07