Giao lưu trực tuyến: Chăm sóc sức khỏe sau Covid-19 và chế độ, chính sách mới cho người lao động
Buổi Giao lưu nhằm tư vấn, trang bị cho đoàn viên, người lao động những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sau khi bị nhiễm Covid-19, cùng với đó là những chế độ, chính sách đoàn viên, người lao động được hưởng.
Đến dự buổi Giao lưu trực tuyến có đồng chí: Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội. Về phía Ban Tổ chức có các đồng chí: Lê Thị Bích Ngọc, Ủy viên ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tây Hồ.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Buổi Giao lưu trực tuyến còn có sự hiện diện đại diện các ban của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Liên đoàn Lao động các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của hơn 200 đoàn viên, người lao động quận Tây Hồ.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động có các chuyên gia: Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng Phòng chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm ô xy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng; Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
08h30: Phát biểu tại cuộc Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình chia sẻ, đối với bất kỳ người lao động nào khi đi làm, tham gia vào quan hệ lao động đều đặc biệt quan tâm đến các chế độ chính sách dành cho mình, nhất là tiền lương, bảo hiểm xã hội, các quyền lợi khác về thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi…
Ở góc độ người sử dụng lao động, việc nắm rõ và triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động cũng là điều cần thiết, từ đó mới có thể động viên, giữ chân được người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc buổi giao lưu. |
Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách pháp luật mới đối với người lao động là hết sức cần thiết và báo Lao động Thủ đô đã làm rất tốt công tác này thông qua hàng loạt buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức trong thời gian vừa qua.
“Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sau Covid-19 và chế độ, chính sách mới cho người lao động” hôm nay, báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Tây Hồ đã mời các vị khách mời là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chế độ chính sách và chuyên gia y tế sẵn sàng trả lời những câu hỏi, vấn đề mà bạn đọc, đặc biệt là đoàn viên, người lao động quan tâm. Tôi hy vọng và mong muốn rằng, các đoàn viên, người lao động sẽ không bỏ lỡ cơ hội quý được nghe giải đáp trực tiếp những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, chăm sóc sức khỏe”, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
08h45: Tại buổi Giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ quận Tây Hồ Nguyễn Văn Vinh cho biết, để thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVCLĐ, trong những năm qua LĐLĐ quận đã bám sát nhiệm vụ chính trị của quận Tây Hồ và tổ chức công đoàn thành phố Hà Nội, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật cho người lao động.
Chủ tịch LĐLĐ quận Tây Hồ Nguyễn Văn Vinh phát biểu tại buổi giao lưu. |
Hàng năm, LĐLĐ quận tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, Luật Lao động, tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách việc làm, tiền lương, hợp đồng lao động, BHXH, tranh chấp lao động… cho hơn 150 cán bộ Công đoàn cơ sở và đại diện công nhân lao động.
LĐLĐ quận phối hợp với cơ quan Thuế, BHXH, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận tham gia đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra về pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn quận. Mỗi năm kiểm tra trên 20 doanh nghiệp, qua đó đã phát hiện các vi phạm, kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Tham gia chương trình giao lưu có sự góp mặt của các chuyên gia: Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng phòng chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH), thành phố Hà Nội; Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Phụ trách Trung tâm Ô-xy cao áp Việt - Nga; Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. |
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, LĐLĐ quận đã phối hợp với các phòng, ban ngành của quận tham gia tổ thẩm định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 15 của Hội đồng nhân dân Thành phố. Tính đến nay, gần 27.000 người lao động trên địa bàn quận được hỗ trợ với tổng số tiền trên 38 tỷ đồng.
Đề cập đến những nội dung trọng tâm của buổi Giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ quận Tây Hồ Nguyễn Văn Vinh khẳng định, đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm hỗ trợ kiến thức về chăm sóc sức khỏe, giải đáp, nâng cao kiến thức về chế độ, chính sách mới cho người lao động.
Lãnh đạo báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Tây Hồ tặng hoa các chuyên gia. |
09h00: Chuyên gia giải đáp câu hỏi của CNVCLĐ và bạn đọc
- Chị Phạm Vân Anh (Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Medlatec Tây Hồ): Những đối tượng nào được hưởng BHYT 100%? Mức hưởng BHYT trái tuyến như thế nào?
- Chuyên gia Trần Thị Thu Hà: Tùy thuộc vào từng đối tượng tham gia BHYT mà người bệnh được thanh toán chi phí khám chữa bệnh với các mức 100%, 95% hoặc 80%.
Theo đó, những đối tượng được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến gồm 5 nhóm sau:
Nhóm 1: Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Nhóm 2: Các đối tượng sau được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 - khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi.
Nhóm 3: Người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh tại tuyến xã.
Nhóm 4: Các trường hợp đi khám chữa bệnh BHYT mà chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện nay lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng).
Nhóm 5: Người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi khám chữa bệnh vượt tuyến.
Chị Phạm Vân Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Medlatec Tây Hồ đặt câu hỏi tại buổi Giao lưu. |
Đối tượng được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trái tuyến
Khám chữa bệnh trái tuyến là trường hợp người bệnh tự đi khám chữa bệnh không thuộc một trong các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến đã được đề cập ở phần trước. Do đó, mức hưởng đối với người tham gia BHYT trong trường hợp này sẽ có sự thay đổi.
Cụ thể, căn cứ Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng khi đi khám đúng tuyến với các tỷ lệ sau: Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (từ năm 2021); Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám chữa bệnh.
Theo đó, có thể thấy, trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến huyện, các đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, trong khi các đối tượng khác được thanh toán theo mức hưởng khi khám chữa bệnh đúng tuyến là 95% hoặc 80%.
- Anh Nguyễn Văn Vũ (Công ty TNHH N.A Motor Việt Nam): Hiện nay, tôi được biết Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ thuê nhà trọ cho công nhân lao động, tôi muốn hỏi thủ tục, quy trình để được hưởng gói hỗ trợ này như thế nào? Trong trường hợp cả 2 vợ chồng cùng là công nhân tại khu công nghiệp thì chỉ 1 người hay cả 2 người được hưởng?
Anh Nguyễn Văn Vũ - Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
- Chuyên gia Luật sư Nguyễn Văn Hà: Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đây là chủ trương rất lớn để đảm bảo an cư lạc nghiệp, động viên khích lệ người lao động sau dịch Covid-19.
Theo Quyết định này, không phải tất cả người lao động đều được hưởng, đối tượng được hưởng gồm: Người lao động làm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó Hà Nội là một trong 24 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm.
Thời điểm áp dụng tối đa không quá 3 tháng, mức tiền được hưởng 500 nghìn đồng/tháng/người lao động. Trường hợp cả 2 vợ chồng đều là công nhân, nếu cả 2 vợ chồng đều thuộc các đối tượng được hưởng trong quy định thì sẽ được giải quyết theo 2 chế độ bình thường.
Để thực hiện quyền lợi, người lao động phải làm đơn kê khai theo đúng biểu mẫu hướng dẫn của Quyết định số 08, nộp cho doanh nghiệp tại nơi làm việc, doanh nghiệp thực hiện lập danh sách gửi tới cơ quan có thẩm quyền.
Để được hưởng chế độ này, người lao động phải xác lập hợp đồng thuê nhà trước ngày 1/4/2022. Thời gian được hỗ trợ là các tháng 4, 5 và 6.
- Anh Dương Tuấn Anh (Công đoàn Cơ quan phường Bưởi): Tôi được biết mới đây Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Vậy, thời điểm nào người lao động sẽ được tăng lương, như tại Hà Nội thì mức tăng là bao nhiêu?
Chuyên gia Luật sư Nguyễn Văn Hà: Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về vấn đề tiền lương. Hàng năm, Cơ quan này sẽ họp, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và các yếu tố tác động đến đời sống người lao động từ đó đưa ra các mức tăng lương phù hợp để đề xuất với Chính phủ.
Anh Dương Tuấn Anh – Công đoàn cơ quan phường Bưởi đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Mới đây nhất, ngày 12/4/2022, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp, bàn bạc và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Mức tăng được để xuất này có nhích hơn những lần trước một chút, do Hội đồng tiền lương quốc gia đã đánh giá những tác động của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động.
Đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc quận Tây Hồ thuộc vùng 1, như mức lương hiện hành đang là 4.420.000 đồng/tháng, khi tăng 6% sẽ vào khoảng 4,68 triệu/tháng.
Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tham mưu còn Chính phủ mới quyết định mức tăng lương nên hiện nay, mức tăng này mới đang được trình Chính phủ xem xét. Chính phủ sẽ họp bàn và nếu Chính phủ quyết định, thì sẽ được thực hiện từ 1/7.
- Chị Trần Thị Vân Hà (Công ty Cổ phần Phát triển TN): Xin hỏi khi bị Covid-19 thì người lao động được hưởng những chế độ gì? Khám hậu Covid-19 thì cần khám những chuyên khoa gì?
Chuyên gia Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Sau khi mắc Covid-19, nhiều người rất hoang mang với những triệu chứng còn lại của bệnh, có thể kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên lo lắng quá, nhiều khi chính sự lo lắng thái quá làm cho sức khỏe kém hơn. Để sức khỏe được đảm bảo, những người nên đi tầm soát sau Covid-19 là: Những người trên 65 tuổi có nguy cơ cao; những người chưa tiêm đủ vắc xin; người có bệnh nền (tăng huyết áp, tiểu đường, suy gan, suy thận, ung thư, bệnh về máu, bệnh sử dụng thuốc miễn dịch lâu dài); người bị Covid-19 có diễn biến nặng; người sau khi khỏi Covid-19 nhưng các triệu chứng vẫn nặng lên, kéo dài ảnh hưởng đến công việc.
Khi đi tầm soát, mọi người nên đi khám những vấn đề sau: Chụp X quang tim phổi; đo chức năng hô hấp; đánh giá chức năng tim mạch, chức năng thận, chức năng gan; khám nội thần kinh. Ngoài ra, có thể khám một số chỉ số chuyên sâu như xét nghiệm đông máu, xét nghiệm viêm mãn tính…
Chị Trần Thị Vân Hà – Công ty Cổ phần phát triển TN đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Chuyên gia Trần Thị Thu Hà bổ sung: Người lao động bị mắc khi mắc Covid-19 được cơ quan BHXH thanh toán chế độ theo chế độ đau ốm. Việc người lao động cần đi khám sau Covid-19, cơ quan BHXH cũng sẽ thanh toán chế độ này tuy nhiên phải có chỉ định bệnh của bác sĩ và triệu chứng rõ ràng, cụ thể. Tùy vào số năm công tác mà người lao động có số ngày nghỉ được thanh toán BHXH, với 15 năm công tác thì tối đa 30 ngày, từ 15-30 năm công tác là 40 ngày và trên 30 năm công tác là 60 ngày.
- Anh Vũ Tiến (Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam): Tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng vẫn bị Covid-19, sau đó bị mất ngủ, mỗi ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng, xin hỏi triệu chứng này kéo dài bao lâu, cần uống thuốc gì?
Chuyên gia Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Theo thống kê của các nước và Việt Nam, tỷ lệ mất ngủ sau khi bị Covid-19 chiếm khoảng 40% người nhiễm.
Có nhiều triệu chứng của việc mất ngủ như: Khó vào giấc ngủ; hoặc khi ngủ dễ bị thức giấc, khó ngủ lại; hoặc chất lượng giấc ngủ chập chờn; hoặc buổi sáng thức dậy sớm, trằn trọc không ngủ được... khiến chất lượng cuộc sống bị giảm, mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc, nếu kéo dài sẽ gây tâm lý lo lắng. Thậm chí với phụ nữ mang bầu, bị tình trạng này kéo dài còn có thể bị sinh non, nhẹ cân so với các bà mẹ bình thường.
Đoàn viên công đoàn ghi chép giải đáp của các chuyên gia tại buổi giao lưu. |
Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ. Về mặt tâm lý, nhiều người rất căng thẳng, lo lắng khi bị bệnh. Triệu chứng hậu Covid-19 rất nhiều và nhiều người rất hoang mang, hiện nay lại có quá nhiều thông tin, không biết tin vào nguồn tin nào, nên sắp tới đây Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
Khi vi rút xâm nhập vào người, không chỉ gây tổn thương phổi mà còn xâm nhập vào hệ thần kinh, làm các tế bào não bị tổn thương, gây tổn thương hệ thần kinh, thậm chí khi xét nghiệm âm tính rồi, nhưng vẫn còn vi rút trong hệ thần kinh. Vi rút đó còn gây rối loạn hệ miễn dịch và tấn công vào thành mạch máu, gây rối loạn rối loạn đông máu... khiến các tế bào não bị viêm khiến tổn thương hệ thần kinh, gây khó ngủ.
Bên cạnh đó, còn có nguyên do khi điều trị Covid-19, người bệnh đã dùng một số thuốc kháng vi rút và ức chế miễn dịch... có tác dụng phụ.
Ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội trao quà cho đoàn viên công đoàn. |
Như vậy, có 3 nguyên nhân là do tâm lý, do vi rút và do quá trình điều trị dùng thuốc có tác dụng phụ.
Vì mất ngủ liên quan đến tâm lý, nên phải kiểm soát tâm lý trước, như không nên đọc các tin tức không chính thống trên mạng, nên vận động nhẹ nhàng như yoga, đạp xe, đi bộ... mỗi ngày 3-4 lần, để giúp việc lưu thông máu tốt hơn, giúp ăn ngon, ngủ ngon hơn. Đồng thời, không dùng các chất kích thích như trà, cà phê; sắp xếp không gian phòng ngủ thoáng, không nhiều ánh sáng quá... Ngoài ra, cần chọn thức ăn dễ tiêu, tránh đồ chiên rán để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa.
Mọi người cũng có thể dùng một số thực phẩm chức năng để cải thiện giấc ngủ, nhưng nếu sau 7-10 ngày mà vẫn không ngủ được thì cần đi khám chuyên khoa thần kinh để được bác sĩ tư vấn. Có thể liên hệ với bác sĩ Hoàng, số điện thoại 0989205183 để được tư vấn.
Bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô trao quà cho đoàn viên công đoàn tham gia trả lời câu hỏi giao lưu. |
- Chị Nguyễn Trà My - Công ty Cổ phần mỹ phẩm Thu Cúc: Ở cơ quan tôi có 1 nữ đoàn viên mắc Covid-19 nghỉ 7 ngày, có mang giấy đến y tế phường làm chế độ, sau đó được y tế phường xác nhận cho nghỉ dưỡng sức thêm 5 ngày. Sau đó, con của nữ đoàn viên này dưới 6 tuổi lại mắc Covid-19. Bạn nữ lại muốn xin chế độ nghỉ chăm con ốm? Tôi muốn hỏi có thể giải quyết hết chế độ nghỉ đó không? Nếu không thì giải quyết với bạn như thế nào?
- Chuyên gia Trần Thị Thu Hà: Cơ quan bảo hiểm sẽ không giải quyết trùng lặp trong số ngày nghỉ. Khi người lao động điều trị ngoại hoặc nội trú sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán số ngày đó. Trong thời điểm nghỉ đó nếu có con điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, trường hợp này trên giấy chứng nhận để được hưởng bảo hiểm xã hội người lao động có thể ghi thông tin của người bố để đề nghị thanh toán chế độ con ốm.
- Chị Diệu Linh (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Tây Hồ): Xin hỏi bác sĩ có loại thuốc, thực phẩm chức năng nào có thể giúp trẻ phát triển chiều cao tốt không?
- Chuyên gia Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm chức năng giúp trẻ tăng chiều cao trên thị trường, các bậc phụ huynh nên cân nhắc kỹ.
Về tự nhiên, cha mẹ nên bổ sung dinh dưỡng cho con qua thực phẩm, cho con ăn uống đầy đủ, đủ chất, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, khuyến khích trẻ nên tập thể dục, phơi nắng, vận động phù hợp để cơ thể sinh ra hoóc môn tăng trưởng nội sinh.
Ông Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch LĐLĐ quận Tây Hồ trao quà cho đoàn viên công đoàn có câu trả lời giao lưu đúng. |
Tuy nhiên, với những trẻ có cơ địa đặc biệt, do gen… mà cần bổ sung thuốc hay thực phẩm chức năng thì phụ huynh cần lựa chọn loại phù hợp, uy tín. Với những trẻ thiếu hoóc môn tăng trưởng thì cần phải đi khám dinh dưỡng và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Chị Nguyễn Trà My (Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Thu Cúc): Em tôi đang nuôi con 10 tháng tuổi, nhưng công ty vẫn xếp lịch 1 tuần làm đêm, 1 tuần làm ngày như những người khác, nhiều hôm còn phải tăng ca đến 10 giờ đêm. Tôi muốn hỏi việc xếp lịch như vậy là đúng hay sai?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, việc làm đêm hoặc làm thêm giờ đối với người lao động, đặc biệt là đối với phụ nữ nuôi con nhỏ có yêu cầu cao, trong đó có một yếu tố quan trọng đó là thỏa thuận. Việc huy động, sắp xếp người lao động làm thêm, làm đêm là tùy thuộc vào thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng bắt buộc phải có sự thỏa thuận, đồng ý của người lao động. Ngoài ra, đối với phụ nữ nuôi con nhỏ, tổng thời gian làm thêm trong một ngày tối đa không quá 12h và trong một tuần tối đa không quá 40h.
Đối với câu hỏi của chị, việc bố trí làm đêm, làm thêm nếu có sự thỏa thuận với người lao động và số giờ làm thêm có thể vượt quá 12h trong một ngày, nhưng cộng lại không quá 40h trong một tuần thì sẽ không trái với quy định của pháp luật nhưng ngược lại nếu không có sự thỏa thuận, không được người lao động đồng ý và số giờ làm việc vượt quá số giờ như tôi nói ở trên thì là trái luật.
- Một bạn đọc hỏi: Tôi đóng BHXH đến tháng 6/2020 là 20 năm, nhưng nay hoàn cảnh khó khăn, tôi muốn rút hưởng BHXH một lần có được không?
- Chuyên gia Trần Thị Thu Hà: Bạn đóng BHXH đến tháng 6/2022 là tròn 20 năm. Luật BHXH quy định quy định các trường hợp được hưởng BHXH một lần, với trường hợp bạn hỏi không thuộc diện được hưởng BHXH một lần, vì đã đóng 20 năm, và do hoàn cảnh khó khăn, luật không quy định.
Ê kíp truyền trực tuyến buổi giao lưu. |
Tuy nhiên, Luật có quy định trường hợp người tham gia BHXH đóng BHXH trên 20 năm vẫn được rút BHXH một lần khi người tham gia BHXH bị bệnh hiểm nghèo theo danh mục bệnh do Bộ Y tế quy định.
Trong điều kiện dịch bệnh, nhiều người gặp khó khăn, nhưng khi đã đóng BHXH rồi, người lao động nên cố gắng tham gia tiếp, có thể đóng tự nguyện, để khi hết tuổi lao động được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế, bảo đảm đời sống khi về già.
Phát biểu kết thúc cuộc Giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết, sau hơn 2 giờ diễn ra Giao lưu trực tuyến với hơn 20 câu hỏi được ghi nhận và được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Đây là cuộc giao lưu trực tuyến thứ 5 của báo Lao động Thủ đô tổ chức trong năm 2022. Thông qua buổi Giao lưu trực tuyến, nhiều thắc mắc của người lao động liên quan đến các vấn đề về chế độ chính sách, sức khỏe, BHXH được giải đáp; cũng chính qua những buổi giao lưu này, giúp các cán bộ LĐLĐ, các Công đoàn cơ sở có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên, và người lao động. Do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, chúng tôi sẽ gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên báo Lao động Thủ đô. Bạn đọc có thể tiếp tục gửi các thắc mắc đén báo Lao động Thủ đô để chúng tôi gửi các cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng. |
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Vì lợi ích đoàn viên 23/12/2024 11:38
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Hoạt động 22/12/2024 10:26
Hàng nghìn sản phẩm ưu đãi tại Chợ Tết Online của tổ chức Công đoàn
Vì lợi ích đoàn viên 22/12/2024 06:52
Bình Dương: Tuyên dương 183 cá nhân lao động giỏi, sáng tạo
Hoạt động 21/12/2024 08:42
Quận Tây Hồ: Hiệu quả trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn
Công đoàn 21/12/2024 08:42
“Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến chính thức hoạt động
Hoạt động 20/12/2024 20:32
Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thành lập mới 11 Công đoàn cơ sở
Hoạt động 20/12/2024 18:50
Công đoàn Viên chức Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2024
Hoạt động 20/12/2024 18:32
Công đoàn Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả nổi bật năm 2024
Hoạt động 20/12/2024 15:44
LĐLĐ quận Long Biên chuyển giao Công đoàn cơ sở về LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm
Hoạt động 20/12/2024 13:49