Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh
Thước đo của sự văn minh Qui định cấm nói tục, chửi bậy ở chung cư, có khả thi? |
Không còn là cá biệt
Cùng với tốc độ phát triển của một Thủ đô, đô thị lớn hiện đại, Hà Nội đang biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt. Người Hà Nội mang phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giới trẻ giỏi vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào học tập, nghiên cứu, kinh doanh, sản xuất... Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, mặt trái của quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập dường như cũng có những tác động không nhỏ. Minh chứng dễ thấy là không ít sự phai nhạt trong ứng xử văn hóa, đạo đức, nét thanh lịch truyền thống qua nhiều biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày.
Xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh cần sự chung sức của cả cộng đồng. (Ảnh minh họa chụp thời điểm trước khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát) |
Không ít người nhìn nhận, thời gian gần đây, nói tục, chửi bậy đã trở thành “mốt”, bởi ở bất cứ nơi nào người ta cũng có thể nghe thấy thứ ngôn từ tục tĩu ấy, từ quán game, hàng nước đến trường học, công sở. Cáu người ta chửi, buồn vui người ta chửi, thậm chí yêu cũng chửi. Việc người dân, trong đó có học sinh nói tục, chửi bậy dường như đang trở nên bình thường, như thể không nói bậy thì câu nói thiếu đi sức nặng. Bản thân người viết đã không ít lần được nghe những băn khoăn: “Sao bọn trẻ nói tục nhiều thế?” và “Tại sao ngồi trên ghế nhà trường nhưng những học sinh vẫn nói tục, chửi bậy?”.
Quanh câu chuyện này, trong dịp trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội), ông chỉ ra rằng, việc nói tục, chửi bậy đôi khi được người trẻ hiểu lệch lạc và ngộ nhận rằng đó là cái mốt, cái xu hướng thời thượng. Hay nói dễ hiểu là, trong một nhóm bạn, chơi với nhau mà ai không nói tục, chửi bậy, nghiêm chỉnh quá thì bị trách, sẽ lạc lõng và không hòa nhập. Từ những suy nghĩ đó, người ta dần hình thành thói quen thiếu văn hóa.
Năm học 2021-2022 là năm học thứ 11 bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được đưa vào giảng dạy trong các trường học của Thành phố; từ đó góp phần giáo dục các em học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để trở thành người thanh lịch, văn minh. Hiện tại, các trường học đã thực hiện lồng ghép giảng dạy những nội dung trong bộ tài liệu của các môn học khác như Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, kết hợp trong giáo dục đạo đức, hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt Đoàn, Đội. Từ đó, học sinh ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của người Hà Nội và thấy tự hào với vai trò của công dân Thủ đô. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, hiện nay, việc nói tục, chửi thề trong người dân nói chung và học sinh là một biểu hiện kém văn minh, kém văn hoá, một tật xấu trong giao tiếp. Việc này dứt khoát phải từ bỏ, không thể để tồn tại. Cùng đó ông Trần Xuân Nhĩ cũng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến vấn nạn này lan rộng bởi xuất phát từ chính phía gia đình. Gia đình thiếu quan tâm giáo dục con cái về lời ăn, tiếng nói thật chuẩn mực ngay khi các em bắt đầu học nói. Nhiều người lớn trong nhiều gia đình chưa thật sự làm gương, thiếu gương mẫu trong giao tiếp, thậm chí nói tục, chửi bậy một cách thoải mái trước mặt con cháu. Điều này khiến việc uốn nắn con trẻ gặp nhiều khó khăn.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề giáo, cô giáo Đặng Hoàng Hà (giáo viên Trường Tiểu học Giáp Bát, quận Hoàng Mai) cho rằng, việc nói tục, chửi bậy của học sinh trong tình hình hiện nay diễn ra khá phổ biến. Nói tục, chửi bậy không còn là câu nói bộc phát, lỡ mồm mà đã thành thói quen hay nghiêm trọng hơn là câu cửa miệng của một bộ phận học sinh.
“Thói quen này được xuất phát từ chính thế giới quan mà chúng ta mang lại. Trẻ sinh ra không tự có thói quen nói tục, chửi bậy mà được học, được biết theo ngôn ngữ truyền miệng. Bước đầu chỉ là nghe thấy nói, sau đó nói thử. Đôi lần có thể ngượng miệng, sau dần không nhận được phản ứng từ người tiếp nhận ngôn ngữ, nói nhiều thì thành thói quen. Muốn bỏ được thói quen thì hành vi ấy không nên để diễn ra lặp đi lặp lại, không nên tán dương hay chấp nhận ngôn ngữ nói tục, chửi bậy”, cô giáo Đặng Hoàng Hà chia sẻ.
Cần sự chung tay
Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ca dao từ xưa đã mô phỏng “Người thanh nói tiếng cũng thanh” để thấy rằng người Tràng An thanh lịch với nhận dạng đầu tiên là ngôn ngữ nhã nhặn, khiêm tốn. Chẳng thế mà những lời như “cảm ơn”, “cảm phiền”, “xin lỗi”… luôn khiến người nghe vừa lòng. Nói như vậy để thấy, việc giữ lại được những gì đặc trưng, phát huy hơn nữa lối ứng xử văn hóa, văn minh là hết sức cần thiết.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, việc nói tục, chửi bậy dứt khoát phải từ bỏ, không thể để tồn tại. “Chúng ta phải vạch rõ, chỉ rõ ra những lời nói nào là không đẹp, không nên dùng. Nhà trường phải có trách nhiệm giáo dục học sinh; là nơi hạn chế, định hướng và chỉ ra những điều hay, lẽ phải. Cùng đó, các bậc phụ huynh cũng cần phải chú ý tới con cái và giáo dục con cái mình. Trong cộng đồng, khi thấy có những lời nói không đúng thì phải nhắc nhở. Hiện tại, có một số bậc phụ huynh cũng nói tục, chửi bậy khiến con cái bị ảnh hưởng. Như thế thì làm sao giáo dục được con cái. Do vậy, trước hết bản thân phụ huynh phải có trách nhiệm với con cái”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Tùy theo lứa tuổi, các em học sinh được trang bị kỹ năng giao tiếp, ứng xử thanh lịch văn minh. (Ảnh minh họa chụp thời điểm trước khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát) |
Cô giáo Đặng Hoàng Hà cũng bày tỏ, muốn ngăn “vi rút” nói tục thì nói phải đi đôi với làm, lý thuyết phải đi đôi với thực hành mới có thể mang lại hiệu quả. Ngành Giáo dục, cụ thể hơn các cơ sở giáo dục cần tăng cường mở các lớp kỹ năng sống, tăng cường kỹ năng trải nghiệm, đi sâu vào các mặt còn hạn chế; không tổ chức một cách qua loa, hình thức, không đặt nặng vấn đề thành tích, phê bình mà nên thẳng thắn nhìn nhận điểm tốt và chưa tốt để tìm ra hướng khắc phục. Cùng đó, nên tổ chức các buổi tọa đàm, phản biện hay sân khấu hóa các hành vi tiêu cực để chủ thể nhận ra hành vi đúng sai từ bài học trải nghiệm.
Được biết, trong những năm qua, công tác giáo dục đạo đức, giá trị sống người Hà Nội thanh lịch luôn được quan tâm chỉ đạo và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Phần lớn học sinh có nhận thức đúng về những phẩm chất, giá trị sống đặc trưng, tiêu biểu của người Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội là địa phương duy nhất đưa vào giảng dạy tại các nhà trường bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao.
Theo nhận xét của nhiều giáo viên, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được đưa vào giảng dạy đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nội dung các bài giảng được thiết kế phù hợp với từng lớp học, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Nhờ vậy ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, anh chị lớp trên, với người cùng tham gia giao thông… đều có sự chỉn chu, hòa nhã hơn. Bộ tài liệu đã góp phần giáo dục các em học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp…
Nhìn vào văn hóa ứng xử của người Hà Nội hôm nay, có thể thấy, sự hội nhập, giao thoa của các luồng văn hóa. Nói tục, chửi bậy cho đến bây giờ cũng vẫn còn và không hề dễ dàng để loại bỏ nó. Tuy nhiên, có câu nói: “Người ta sẽ trở nên tốt hoặc sẽ không ra gì, tùy theo nền giáo dục được hấp thụ”. Để con trẻ không bị ảnh hưởng bởi những ngôn từ dung tục, bản thân những người làm cha, làm mẹ, làm thầy không chỉ chuyên tâm uốn nắn lời ăn tiếng nói của con em mình mà quan trọng hơn, họ phải thật sự là tấm gương về sự lịch thiệp, là mẫu mực trong văn hóa ứng xử.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Giáo dục 23/12/2024 16:44
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Giáo dục 22/12/2024 20:16
Hà Nội: Gặp mặt, động viên đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Giáo dục 20/12/2024 18:30
Gắn biển công trình trường học cấp Thành phố kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Giáo dục 20/12/2024 13:48
Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
Giáo dục 20/12/2024 08:34
Thấp thỏm chờ phương án tuyển sinh vào lớp 10
Giáo dục 19/12/2024 17:41
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải
Giáo dục 19/12/2024 06:31
Trường THCS Lạc Viên: Hành trình rực rỡ trong năm học 2023 -2024
Giáo dục 18/12/2024 15:31
Ngành Giáo dục Hà Nội: Nhiều kết quả trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU
Giáo dục 17/12/2024 19:22
Học sinh cuối cấp, giải pháp nào vượt qua áp lực?
Giáo dục 17/12/2024 17:12