Đùng một cái đưa doanh nghiệp lên ‘đoạn đầu đài’
Bỏ túi trăm nghìn tỷ chủ đầu tư vẫn “chây ỳ” không nộp thuế | |
Kết luận Sabeco ‘lách thuế’ là áp đặt | |
Honda Việt Nam bị thanh tra truy thu 182 tỷ đồng | |
Chi nhánh ngân hàng Agribank Yên Bái bị tố trốn thuế |
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đề nghị truy thu trên 408 tỉ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Theo KTNN, việc kiến nghị truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco là đúng, trong khi Sabeco lập luận rằng họ đã làm đúng theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước.
Đứng giữa hai luồng ý kiến này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sưTrương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nói:
Không có lý do gì để truy thu 408 tỉ đồng thuế TTĐB của Sabeco cả, mặc dù có thể thất thoát, có lách luật. Bởi lách luật không phải là phạm luật cho nên đừng nói lách luật là phải bị xử lý. Nếu coi lách luật là xấu thì đó là tư duy của một xã hội không có pháp luật. Dĩ nhiên, chúng ta không ủng hộ, không khuyến khích chuyện lách luật nhưng nếu chuyện lách luật không vi phạm đạo đức thì cũng không thể lên án được.
Không đúng về pháp luật
Phóng viên: Theo ông, việc KTNN đề nghị truy thu 408 tỉ đồng thuế TTĐB của Sabeco là đúng hay sai?
Luật sư Trương Thanh Đức: Việc đề nghị truy thu này có thể đúng về tình. Nhưng còn về lý, tức về pháp luật thì không đúng. Bởi Sabeco đã thực hiện đúng với tất cả quy định của luật, nghị định và thông tư.
Điểm đặc biệt nữa là Sabeco do Nhà nước sở hữu tới 90%, chỉ 10% là của cá nhân. Rồi các công ty con của Sabeco được thành lập trước khi cổ phần hóa. Mô hình này trước đây được ca ngợi rất nhiều, được coi như một điển hình rất thành công của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bằng chứng là Sabeco đứng thứ chín trong số DN nộp thuế nhiều nhất. Nhờ có như thế ngành bia nói chung và Sabeco mới phát triển nhanh được trong những năm gần đây.
Nhưng một số ý kiến cho rằng việc Sabeco lập công ty con là để lách luật, trốn thuế. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Luật sư Trương Thanh Đức: Việc Sabeco thành lập các công ty con thời điểm trước đây là đúng với tinh thần chỉ đạo của Nhà nước với tinh thần đổi mới. Vì vậy ở đây xét cho cùng các công ty con là do Nhà nước thành lập. Nên nhớ trước ngày 1-7, Sabeco là DNNN, mới có hơn 10 ngày nay, Sabeco theo luật mới không còn là DNNN thôi.
Ông bình luận gì khi Sabeco khẳng định rằng họ đã làm đúng tất cả hướng dẫn của Bộ Tài chính, của Tổng cục Thuế nhưng bây giờ lại bị đề nghị truy thu thuế một cách oan ức. Tức lỗi của Nhà nước chứ không phải lỗi của họ?
Luật sư Trương Thanh Đức: Đối với các DN lớn như Sabeco, tôi cho rằng việc họ hỏi chi tiết các hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan về thuế là việc làm đương nhiên để đề phòng việc bị vi phạm pháp luật. Lý do là mỗi hành vi vi phạm sẽ đáng giá tiền tỉ chứ không phải chuyện chơi.
Thế nhưng đùng một cái đưa người ta lên “đoạn đầu đài”, bắt phải nộp thuế. Kiểm toán nói rằng kiểu gì cũng phải truy thu thuế TTĐB nhưng nếu xét theo pháp luật, tôi nghĩ rằng kiểu gì Sabeco cũng không cần phải nộp!
Nếu cơ quan quản lý quyết truy thu thuế TTĐB của Sabeco đến cùng thì theo ông, động thái này sẽ tác động thế nào đối với cộng đồng DN nói chung?
Luật sư Trương Thanh Đức: Thứ nhất, cộng đồng DN sẽ mất lòng tin. Nói một cách ví von DN (tư nhân, nước ngoài, nhà nước...) sẽ chẳng khác nào như “cá nằm trên thớt”. Điều này sẽ khiến cộng đồng DN hoài nghi về một môi trường kinh doanh tốt, lành mạnh, đúng luật.
Thứ hai, tiền lệ này sẽ làm cho các bộ, ngành cứ ép DN theo ý chí chủ quan của mình, dù văn bản không rõ ràng, có lỗ hổng.
Thứ ba, DN sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý và kinh tế rất nặng nề và oan ức. Chẳng hạn đối với Sabeco, số thuế TTĐB đang bị kiến nghị truy thu là 408 tỉ đồng. Nhưng nên nhớ rằng đây là số thuế bị truy thu trong một năm. Nếu điều này được thực hiện thì phải truy thu cả các năm trước và các năm sau này. Số tiền bị truy thu sẽ lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Việc này có thể dẫn đến nguy cơ phá sản Sabeco, tạo điều kiện cho các DN bia nước ngoài vào Việt Nam.
Lỗi là do… cơ chế
Trên thực tế hiện nay nhiều DN cũng có mô hình hoạt động tương tự Sabeco nhưng vì sao chỉ công ty này bị truy thu thuế TTĐB, thưa ông?
Luật sư Trương Thanh Đức: Đó cũng là một câu chuyện bất cập. Ở đây lẽ ra nếu truy thu thì phải áp dụng với tất cả DN nhằm đảm bảo công bằng chứ không thể truy thu của công ty này nhưng lại không truy thu của công ty khác.
Như ông phân tích thì Sabeco không sai, vậy ai phải chịu trách nhiệm cụ thể vì để xảy ra “lỗ hổng pháp luật” dẫn đến thất thoát tiền ngân sách nhà nước?
Luật sư Trương Thanh Đức: Không ai phải chịu trách nhiệm cả, vì người phải chịu trách nhiệm là “cơ chế”. Trong khi chúng ta không có tiền lệ “xử trảm cơ chế”, không kiện được văn bản quy phạm pháp luật! Không thể trách Quốc hội hay Chính phủ vì không bịt hết được các lỗ hổng pháp luật.
Nếu có trách nhiệm thì đó là trách nhiệm chính trị chung chung chứ tội về cơ chế, về chính sách thì không thể truy tố!
KTNN thừa nhận rằng có lỗ hổng chính sách nhưng đồng thời khẳng định Sabeco vẫn phải nộp thuế TTĐB bị truy. Liệu có thể vừa kiến nghị sửa luật nhằm bịt lỗ hổng lại vừa hồi tố bắt DN chịu trách nhiệm cho lỗ hổng này không?
Luật sư Trương Thanh Đức: Không được vì như thế là vi phạm nguyên tắc “sai đâu sửa đấy” và “một hành vi thì chỉ được xử lý một trách nhiệm”. Ở trường hợp này, nếu luật pháp còn hổng thì bịt lại, còn nếu DN sai thì xử lý DN. Chứ không thể cùng một lúc chế tài cả hai bên. Nếu có thì chỉ cần xem lại về mặt pháp luật để nhanh chóng hoàn thiện các văn bản, thể chế, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Theo ông, phải làm gì để tránh được những trường hợp tương tự Sabeco?
Luật sư Trương Thanh Đức: Trước hết là phải “hở đâu bịt đấy”! Tức là phải nâng cao kỹ thuật, năng lực lập pháp, lập quy. Phải bịt rất kỹ lưỡng. Phải phát hiện sớm và khi phát hiện được các lỗ hổng pháp luật thì phải bịt ngay để hạn chế tối đa các sơ hở pháp lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh.
Dĩ nhiên, những sơ hở là không thể tránh được ngay cả đối với những nước có hệ thống pháp luật kinh doanh được cho là rất hoàn thiện. Điều này chúng ta phải chấp nhận trong nền kinh tế thị trường, đấy là chưa kể đến tình trạng “tranh tối tranh sáng” ở nước ta trong thời kỳ chuyển đổi.
Thứ hai, bên cạnh những quy định chi tiết thì phải quy định được các nguyên tắc chung cảnh báo DN để soi rọi những trường hợp như Sabeco, đi thẳng vào bản chất vấn đề chứ không chỉ bám vào câu chữ trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Xin cám ơn ông.
Ông Phạm Đình Thi- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính: Sẽ sửa đổi Lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế nghiên cứu trả lời với DN theo đúng quy định, đảm bảo việc chống thất thu thuế. Bộ Tài chính cũng đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thuế TTĐB sửa đổi. Trong đó, dự thảo quy định giá tính thuế là giá của cơ sở sản xuất bán ra; trong trường hợp nếu DN bán qua công ty thương mại thì công ty thương mại này không có quan hệ với công ty mẹ và công ty con bị chi phối. Điều này sẽ tránh tình trạng chuyển giá ở DN. Đặt doanh nghiệp vào thế bất an Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra tòa Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp (DN) được làm những gì pháp luật không cấm. Nếu DN tuân thủ theo hướng dẫn của văn bản luật theo cách có lợi cho DN mà không thể hiện sai phạm thì không thể quy tội DN. Đặc biệt nếu vì kẽ hở của luật pháp thì không thể đổ cho người dân và DN gánh chịu. Trong kinh tế thị trường, nếu có chuyện lách luật cũng là hiện tượng bình thường. Đây không phải là hiện tượng xấu. DN vẫn tuân thủ luật pháp nhưng theo cách có lợi cho họ mà không vi phạm gì cả. Trách nhiệm của các nhà làm luật là làm sao để các lỗ hổng đó càng nhỏ càng tốt, càng ít càng tốt. Trường hợp đề nghị truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco là trường hợp điển hình về những bất cập của luật pháp hiện nay. Trong xây dựng kinh tế thị trường, quyền sở hữu tài sản phải được minh định rất rõ ràng. Đặc biệt, một trong những tính chất quan trọng của Nhà nước là phải bảo vệ được tài sản và quyền sở hữu tài sản của người dân và DN. Trong trường hợp như của Sabeco, thuế là đánh vào tài sản. Như vậy chỉ có Quốc hội mới có quyền ra những chính sách và thực thi về tài sản của DN. Đang thu thế này lại bắt thu thế kia thì rõ ràng tài sản của DN bị thiệt rất nhiều đường. Có thể nói, với cách hành xử thực thi luật pháp như thế này đặt người dân và DN vào thế rất bất an. Có thể đang bình thường lại bị quy kết là vi phạm. Trong trường hợp này, DN có quyền khởi kiện ra tòa để tòa phán quyết chứ không phải là một cơ quan nhà nước ra phán quyết. Với Sabeco, theo tôi DN phải khởi kiện vụ đó ra tòa. Khi nào tòa phán quyết thì mới là phán quyết cuối cùng. Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco: Xin tiền nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước Sabeco không đồng tình với kiến nghị của KTNN. Việc tính thuế TTĐB “mò” đến các công ty thương mại khu vực của Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn thì tất nhiên xảy ra hiện tượng thuế chồng lên thuế, làm sai lệch bản chất của Luật Thuế TTĐB. Bởi lẽ hàng hóa tiêu thụ từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn đến các công ty khu vực hiện có trên 400 cung tuyến vận tải với chi phí vận tải năm 2013 là trên 1.200 tỉ đồng. Ngoài ra còn các chi phí cầu đường, phí dịch vụ bảo quản sản phẩm, phí bốc xếp, các phát sinh rủi ro khi vận tải… Như vậy, nếu tính thuế TTĐB đến các công ty khu vực thì vô hình trung thuế TTĐB đã tính chồng lên các chi phí lưu thông nêu trên. Mặt khác, cơ quan kiểm toán áp giá tính thuế TTĐB đến 10 công ty khu vực là chưa có cơ sở. Vì tất cả đơn vị này đều có tư cách pháp nhân độc lập và hạch toán độc lập, không có việc chuyển giá. Toàn bộ lợi nhuận từ các công ty này đều hợp nhất vào lợi nhuận của tổng công ty để nộp thuế TNDN và chia cổ tức cho cổ đông. Nếu tuân thủ theo kết luận truy thu thuế của KTNN, Sabeco phải sử dụng nguồn quỹ dự phòng hoặc nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Bản chất nguồn tiền này là tiền nhà nước. Chúng tôi lại phải xin tiền nhà nước để nộp vào ngân sách nhà nước! Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam: Kiến nghị xem xét lại việc truy thu thuế Lúc còn làm lãnh đạo Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội, tôi đã được chỉ đạo xây dựng hệ thống thương mại và sự thật là hệ thống phân phối thương mại đã phát huy tốt. Tốc độ tăng trưởng của ngành sau khi thành lập hệ thống thương mại đã tăng gấp bốn lần. Ngành bia rượu, nước giải khát là ngành có đóng góp ngân sách lớn nhất với hơn 35.000 tỉ đồng. Không chỉ đóng góp về ngân sách, ngành bia còn là nơi làm việc của gần 400.000 lao động trực tiếp trong các nhà máy và các dịch vụ thương mại cũng như hơn hai triệu lao động khác làm việc gián tiếp và các công việc liên quan tới ngành. Bởi vậy, nếu kiến nghị của KTNN được thực thi sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng DN và lực lượng lao động. Đối với các DN làm ăn chân chính, việc chấp hành pháp luật là một trong những tiêu chí đầu tiên trong hoạt động sản xuất kinh của mình. Tuy nhiên, luật cũng có những kẽ hở, các DN hoàn toàn có thể tận dụng những kẽ hở của chính sách để tạo ra lợi ích cho mình. Điều này là không sai. Cơ quan quản lý nhà nước cần tìm ra những kẽ hở, lỗ hổng chính sách để bịt lại. Chúng tôi sẽ kiến nghị với KTNN xem xét lại việc truy thu thuế đối với Sabeco. Ông Phạm Công Tham, Phó Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam: Biết tin vào đâu? KTNN phát hiện ra lỗ hổng chính sách, cơ quan quản lý nhà nước phải bịt lỗ hổng ấy rồi mới thu thuế chứ không thể chưa sửa chính sách đã đòi truy thu thuế của DN. Sabeco thành lập các công ty thành viên năm 2008 trong khi năm 2012 Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 05 nên không thể nói là DN lập ra chuỗi công ty con để trốn thuế. Bản chất của thuế TTĐB là đánh vào khâu sản xuất chứ không đánh vào khâu lưu thông nên Sabeco không sai trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Sabeco không nên xin xỏ mà phải khẳng định là thực hiện đúng luật. Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải bảo vệ cái đúng, nếu không DN biết tin vào đâu? Ông Nguyễn Sỹ Kiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Trách nhiệm cơ quan kiểm toán ở đâu? Tôi cho rằng việc công bố Sabeco “trốn” thuế là hơi vội vàng, gây thiệt hại cho DN. Thực tế cho thấy không có bằng chứng nào nói Sabeco thực hiện không đúng quy định của cơ quan thuế. Vậy trách nhiệm của các cơ quan này như thế nào? Từ câu chuyện của Sabeco, khi thảo luận về Luật KTNN sửa đổi, nhiều ĐBQH đề cập đến vấn đề: Sau khi có kết quả kiểm toán nhưng phát hiện kết quả kiểm toán sai thì trách nhiệm của kiểm toán tới đâu? Ông Cao Tấn Khổng Phó Tổng KTNN: Chắc chắn sẽ truy thu thuế Chắc chắn Sabeco sẽ thực hiện kết luận truy thu thuế. Lãnh đạo Bộ Tài chính thống nhất cao quan điểm của KTNN và Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự luật Thuế TTĐB sửa đổi và bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2016. Trong giai đoạn này Bộ Tài chính đang soạn thảo một nghị định để bịt lỗ hổng về thuế TTĐB. Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương: Bộ Tài chính sẽ chốt lại chuyện Sabeco Hiện nay vấn đề mới chỉ dừng lại ở kiến nghị của KTNN. Bộ Tài chính và cơ quan thuế sẽ là cơ quan chốt lại câu chuyện này. Theo đó, nếu muốn truy thu, cơ quan thuế phải ra quyết định chính thức, khi có quyết định DN mới có căn cứ để phản hồi lại. Bộ Tài chính là người kết luận cuối cùng vì họ là cơ quan đưa ra chính sách cũng như hướng dẫn thi hành luật. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mở rộng tiêm phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Noel trong tôi
Cuối năm, tăng cường xử lý vi phạm về giao thông
Điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo tăng trưởng bền vững
Thủ tục báo tăng đóng bảo hiểm xã hội
Tin vui: Người dân được nhận 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH trước Tết
Doanh nghiệp cần hỗ trợ trong chuyển đổi “xanh”
Tin khác
Tin vui: Người dân được nhận 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH trước Tết
Tin mới 24/12/2024 08:21
Đánh giá tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Tin mới 24/12/2024 08:07
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15
Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc
Tin mới 19/12/2024 14:40