Dung hòa lợi ích khi rút BHXH một lần
Đề xuất rút BHXH một lần tương ứng với mức người lao động đóng Hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Cần quy định chặt chẽ để không xảy ra hệ lụy về an sinh |
Bàn luận về vấn đề rút BHXH một lần, đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Thời gian vừa qua, mặc dù các cấp, các ngành, đặc biệt là các cấp Công đoàn đã tăng cường công tác tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động về những hệ lụy khi rút BHXH một lần, tuy nhiên, vẫn ghi nhận tình trạng hàng loạt công nhân rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc. Họ cho rằng khi nào có việc mới thì đóng lại, sẽ không ảnh hưởng gì. Nhưng nếu làm như vậy thì về lâu dài, lương hưu khó được đảm bảo.
Người lao động nên cân nhắc kỹ khi rút BHXH một lần để đảm bảo quyền lợi an sinh lâu dài của bản thân. Ảnh minh họa: B.D |
Theo ông Sơn, với những quy định hiện hành, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Đây được cho là chính sách về BHXH một lần khá thông thoáng nên người lao động sẽ tính tới chế độ này đầu tiên khi nghỉ việc hoặc gặp các khó khăn tài chính trước mắt.
Về phía người lao động, số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Đồng thời, người lao động sẽ mất cơ hội hưởng lương hưu và nguồn thu nhập ổn định khi về già. Bên cạnh đó, họ cũng mất cơ hội được nhận thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi hết tuổi lao động. Nếu có BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho con cháu của họ. Ngoài ra, thân nhân cũng mất cơ hội nhận trợ cấp mai táng phí và chế độ tử tuất nếu không may người lao động qua đời.
“Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động rút BHXH một lần, nhưng trong đó phải kể đến một nguyên cũng rất cơ bản đó là do sự mất niềm tin của người lao động với chủ doanh nghiệp khi tình trạng nợ, trốn đóng BHXH vẫn diễn ra. Do vậy, muốn tăng niềm tin của người lao động và tránh hiện tượng rút BHXH một lần, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để giảm tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đối với người lao động.”, ông Võ Mạnh Sơn đề xuất.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm rất thuận lợi cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần. Thực tế cho thấy, vì lý do nào đó, người lao động không tham gia BHXH khi còn trẻ tuổi, đến độ tuổi trung niên (40-45 tuổi) mới tham gia BHXH. Do đó, nếu giữ nguyên quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 20 năm, thì những đối tượng này sẽ không tham gia được. Ngoài ra, với những người lao động không đóng BHXH liên tục, thì việc giảm thời gian tối thiểu sẽ giúp nhiều người đủ số năm tham gia và được hưởng lợi hơn.
“Hiện còn những ý kiến lo ngại về việc nếu giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH thì lương hưu của người lao động sẽ rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống. Song, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, vấn đề này cũng không đáng lo ngại lắm. Bởi, đề xuất giảm thời gian đóng tối thiểu là để hướng tới những đối tượng như đã nêu ở trên. Đặc biệt, dù có mức lương hưu thấp, thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động hơn là khi không có chế độ an sinh của Nhà nước; đấy là chưa kể đến việc người lao động còn được hưởng nhiều quyền lợi an sinh khác”, đại biểu Võ Mạnh Sơn nêu quan điểm.
Trao đổi về vấn đề rút BHXH một lần, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho rằng: Tình trạng rút BHXH một lần có xu hướng tăng là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội; mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện an sinh xã hội toàn dân.
Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, các phương án mà Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang hướng đến là hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Do đó, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt, để đảm bảo duy trì cuộc sống như: Tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động… Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để người lao động biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò khi bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau. Ngoài ra, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp, tránh gây “sốc” chính sách, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết: Qua nắm tình hình trên địa bàn Đồng Nai, người lao động ở độ tuổi 40 - 45 hầu như khả năng lao động bắt đầu giảm sút, nguy cơ bị sa thải, mất việc nhiều. Nếu làm thêm 20 năm nữa để có lương hưu là rất khó khả thi. Vì vậy, việc rút BHXH một lần cũng là nhu cầu tất yếu, nên nhiều người đã chọn phương án này. Tuy nhiên, việc rút BHXH một lần không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của họ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia, khi những năm tới, dân số nước ta bắt đầu già hóa.
Đồng quan điểm về vấn đề này, cũng từ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) cho rằng: Tờ trình của Chính phủ đã phân tích ưu, nhược điểm của 2 phương án nhận BHXH một lần. Trong khi đó, người lao động lại có cái nhìn thực tế hơn cho nhu cầu cuộc sống của họ. Nhìn từ góc độ tâm tư, nguyện vọng của những người trực tiếp sản xuất, họ luôn có suy nghĩ và cho rằng tuổi hưu đủ 60 tuổi đối với nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài. Hầu hết người lao động không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu, do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe sẽ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc rất hạn chế... Vì vậy, đa phần người lao động đã rời thị trường lao động, không tiếp tục tham gia BHXH được nữa, nên nhu cầu hưởng BHXH một lần rất lớn. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, đòi hỏi chúng ta cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động.
Bảo Duy
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Xây trường mầm non tại các KCN và đối tượng thụ hưởng: Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách
Chính sách 21/11/2024 07:42
Đề xuất điều chỉnh tăng mức trợ cấp thất nghiệp
Chính sách 19/11/2024 09:07
Xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Chính sách 14/11/2024 09:59
Sửa Luật Quảng cáo: Tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí
Chính sách 12/11/2024 11:43
Quy định về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động mới nhất
Chính sách 09/11/2024 08:44
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi từ các chính sách thuế, hải quan
Chính sách 09/11/2024 06:32
Chế độ mới về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 1/1/2025
Chính sách 08/11/2024 16:31
Cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân
Chính sách 05/11/2024 18:14
Điều kiện nào để giáo viên được nghỉ hưu trước tuổi?
Chính sách 04/11/2024 07:26
Quy định mới về chế độ thai sản, người lao động cần biết
Chính sách 03/11/2024 19:23