Giao lưu trực tuyến: Lương và Bảo hiểm xã hội có gì mới từ 1/1/2021?
Các đại biểu tham dự buổi Giao lưu trực tuyến những điểm mới về chế độ lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2021 |
Buổi giao lưu trực tuyến nhằm giúp các doanh nghiệp, cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động, đặc biệt là công nhân lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội, nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật liên quan đến người lao động, nhất là những vướng mắc về tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.
8h 30: Buổi giao lưu trực tuyến được bắt đầu
Dự buổi giao lưu trực tuyến có các đại biểu: ông Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; ông Phạm Bá Châu - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội; ông Lê Hồng Phong - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam; ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó phòng quản lý báo chí ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn lao động Thành phố, Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô; bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội. Phía Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội có ông Trần Quốc Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc; ông Trương Tiến Hưng, Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Công đoàn; bà Phạm Thị Vân Hương – Chủ tịch Công đoàn Công ty.
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chế độ lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2021 |
Đặc biệt tham dự buổi giao lưu có hơn 200 công nhân, viên chức, người lao động thuộc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội.
Trực tiếp giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến vấn đề lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trong Bộ Luật lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 có các chuyên gia: Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng truyền thông và phát triển đối tượng – Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Luật sư – Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Người lao động tham gia buổi trực tuyến những điểm mới về chế độ lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2021 |
8h35
Phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Bích Ngọc - Uỷ viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động là những phạm trù quyền lợi sát sườn, xuyên suốt cuộc đời của người lao động. Chế độ tiền lương, thai sản, ốm đau, nghỉ hưu, nghỉ chế độ tính bảo hiểm xã hội thế nào? đâu là điều kiện cần và đủ để lao động an toàn... là những vấn đề người lao động, thậm chí cả người sử dụng lao động đặt nhiều câu hỏi.
Hiểu không kỹ, thực hiện không đúng về lương và bảo hiểm xã hội có thể gây thiệt thòi cho người lao động; không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh lao động có thể gây tai nạn lao động; không đồng nhất trong quá trình thực hiện chế độ chính sách giữa người động, người sử dụng lao động có thể gây bất hoà, mâu thuẫn trong quan hệ lao động.
Bà Lê Thị Bích Ngọc - Uỷ viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi Giao lưu |
Với mong muốn giúp người lao động có thêm kiến thức về những điểm mới của Bộ Luật Lao động sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021, nhất là những điểm mới về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn lao động, áp dụng vào thực tế tình huống của mình, hôm nay, Báo Lao động Thủ đô đã mời các chuyên gia là những người rất am hiểu các lĩnh vực này, sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các khúc mắc mà người lao động quan tâm.
Buổi giao lưu trực tuyến nằm trong chuỗi các hoạt động quan tâm phổ biến kiến thức pháp luật tới công nhân viên chức lao động của Thành phố.
8h40
Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội cho biết: Để thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân viên chức lao động, trong những năm qua, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn Thành phố, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật cho người lao động nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật để chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc được chú trọng thường xuyên, không để sảy ra sự cố cháy nổ và tai nạn lao động nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội phát biểu tại buổi Giao lưu |
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến về pháp luật lao động cho công nhân viên chức lao động ngành Xây dựng Hà Nội nhằm hỗ trợ pháp lý, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, quyền và nghĩa vụ cho người lao động. Tại diễn đàn này các chuyên gia tư vấn sẽ giải đáp những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, về các điểm mới trong Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… Trang bị thêm kiến thức vốn rất rộng lớn cho người sử dụng lao động, cho cán bộ công đoàn và đặc biệt công nhân lao động của ngành hiểu rõ, thực hiện tốt, góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, ổn định quan hệ lao động để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế xã hội của ngành và thành phố.
“Tôi hy vọng rằng, trong buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay, các đại biểu, người lao động sẽ đặt nhiều câu hỏi, nêu những vấn đề, những tình huống trong thực tiễn xảy ra cần trao đổi làm rõ để các chuyên gia giải đáp trên tinh thần dân chủ, cởi mở, trao đổi thẳng thắn, để buổi giao lưu thành công tốt đẹp…” - đồng chí Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
8h50
Đến dự và phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố Phạm Bá Vĩnh ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của báo Lao động Thủ đô trong việc thường xuyên phối hợp với các Công đoàn cấp trên cơ sở, trong đó có Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội để tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động. “Hoạt động này đã trở thành hoạt động thường xuyên của báo Lao động Thủ đô và đạt hiệu quả rất thiết thực”- Phó Chủ tịch Phạm Bá Vĩnh nhận xét.
Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố Phạm Bá Vĩnh phát biểu chỉ đạo tại buổi Giao lưu trực tuyến |
Phó Chủ tịch Phạm Bá Vĩnh cũng đánh giá cao sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội trong việc tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật cho người lao động. Đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của buổi giao lưu trực tuyến “Những điểm mới về lương, Bảo hiểm xã hội, An toàn vệ sinh lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021”, Phó Chủ tịch Phạm Bá Vĩnh cho rằng, từ ngày 1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến quyền lợi của người lao động, vì vậy, chắc chắn đoàn viên, người lao động sẽ có rất nhiều tâm tư, thắc mắc khi đến tham gia buổi giao lưu này.
Phó Chủ tịch Phạm Bá Vĩnh đề nghị các đoàn viên, công nhân viên chức lao động thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia để hiểu rõ, hiểu kỹ và thực thi tốt chính sách pháp luật. Với các chuyên gia, Phó Chủ tịch Phạm Bá Vĩnh mong muốn các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn để trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất đối với người lao động.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Phạm Bá Vĩnh đề nghị báo Lao động Thủ đô tiếp tục phối hợp với các Liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành tổ chức thêm nhiều các buổi giao lưu trực tuyến, tạo kênh thông tin thiết thực, hữu ích cho người lao động cập nhật kiến thức pháp luật, để tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động.
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia buổi giao lưu trực tuyến |
9h: Các chuyên gia bắt đầu trả lời các câu hỏi, vướng mắc người lao động đang gặp
Các chyên gia tham gia buổi giao lưu trực tuyến: những điểm mới về chế độ lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2021 |
Ông Đinh Văn Cường (Chủ tịch công đoàn xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa hỏi: Đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và người lao động có gì thay đổi trong Bộ luật Lao động 2019?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Đối với quy định về đối thoại, trong Bộ luật lao động năm 2019 có một điểm mới là bỏ quy định về đối thoại định kỳ. Trước đây, Luật Lao động năm 2012 quy định doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại định kỳ mỗi quý 1 lần, một năm 4 lần nhưng trong Luật mới thì quy định doanh nghiệp chỉ tổ chức đối thoại một năm/lần và có thể kết hợp đối thoại trong hội nghị Người lao động. Về nội dung đối thoại ngoài một số nội dung bắt buộc như nội như nội quy lao động, sa thải lao động… thì có thể lựa chọn đối thoại về bất cứ nội dung nào mà hai bên yêu cầu và việc đối thoại là để chia sẻ thông tin, tham khảo ý kiến giữa chủ doanh nghiệp với người lao động chứ không phải phải là thương lượng, bắt buộc phải thỏa thuận, quyết định nội dung gì đó.
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân |
Một bạn đọc ở quận Ba Đình hỏi: Điểm mới cơ bản của Bộ luật lao động 2019 so với Bộ Luật Lao động năm 2012 là gì?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Đối với câu hỏi về những điểm mới của Bộ Luật lao động 2019 thì có 11 điểm mới cơ bản đó là: mở rộng đối tượng điều chỉnh cả với người lao động không có hợp đồng lao động, độ bao phủ rộng lớn; tăng cường sự linh hoạt trong chấm dứt, giao kết hợp đồng lao động; tăng cường tự chủ của các bên trong quan hệ lao động; có sự linh hoạt hơn về thời giờ làm việc nghỉ ngơi, bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm; bảo vệ lao động nữ trên cơ sở bình đẳng giới; tăng cường sự bảo vệ các nhóm lao động đặc thù (chưa thành niên, cao tuổi, phụ nữ, khuyết tật); điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; quy định tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống công đoàn Việt Nam; hoàn thiện quy định về cơ chế đối thoại tại doanh nghiệp; quy định về thương lượng tập thể; và thay đổi về quy định giải quyết tranh chấp lao động.
Chị Trần Thị Hồng Vân (Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy) hỏ: Trong Luật Lao động mới, tuổi nghỉ hưu được triển khai ra sao? Và liệu có sự khác biệt giữa người lao động làm việc tại các đơn vị doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với Luật Lao động mới và sự khác biệt, cho đến nay chúng tôi chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào. Tuy nhiên, ở Luật Lao động hiện tại, theo các quy định pháp luật, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ như nhau, trừ trường hợp lao động trong các ngành nghề độc hại, vùng sâu vùng xa… mang tính chất đặc thù sẽ có quy định, hướng dẫn nghỉ hưu đặc thù.
Bạn đọc hỏi: Người lao động bị bệnh tim mạch phải khám bệnh hàng tháng theo yêu cầu của bác sĩ. Vậy những ngày đi khám đó thủ tục sẽ do doanh nghiệp trả lương hay cơ quan BHXH? Thủ tục như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Thông thường mỗi người lao động sẽ có các ngày nghỉ ốm trong năm. Nếu như theo quy định về số năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ có từ 15-30 ngày trong năm. Khi người lao động không làm việc ở đơn vị đương nhiên sẽ không có lương tại đơn vị đó. Thế nên khi người lao động đi khám chữa bệnh sẽ do bảo hiểm xã hội trả tiền lương ốm. Thủ tục cần có giấy chứng nhận nghỉ bảo hiểm xã hội do cơ quan y tế khám bệnh cung cấp, sau đó nộp cho cơ quan làm việc để cơ quan làm việc đề nghị thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bà Phạm Thị Vân Hương (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội): Tôi xin hỏi các chuyên gia, những đồng chí thành viên hội đồng thành viên của doanh nghiệp, được bổ nhiệm theo quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố như: Tổng giám đốc, Kế toán trưởng… thì có hợp đồng lao động hay không có hợp đồng lao động mới là đúng quy định của pháp luật? Hợp đồng thử việc có được gọi là hợp đồng lao động không?
Luật sư Nguyễn Văn Hà |
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Trường hợp Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm cán bộ thường là trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vốn quản lý, còn ở các loại hình doanh nghiệp khác thì không có hình thức bổ nhiệm cán bộ này. Theo đó, những vị trí cán bộ quản lý được thực hiện theo quy trình bổ nhiệm của nhà nước chính là những cán bộ công chức được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tại doanh nghiệp và nắm giữ phần vốn của nhà nước nên sẽ không phải ký hợp đồng lao động. Đối với câu hỏi thứ hai thì hợp đồng thử việc không được coi là hợp đồng lao động, bởi vì hợp đồng lao động được xác lập khi phát sinh quan hệ lao động, gắn với quyền và nghĩa vụ hai bên, còn hợp đồng thử việc chỉ được lập trong một thời gian ngắn để hai bên xác định xem điều kiện làm việc, môi trường làm việc, công việc, năng lực của người lao động v.v… có phù hợp với yêu cầu của mỗi bên không rồi mới quyết định xác lập hợp đồng lao động, nên hợp đồng thử việc không phải là hợp đồng lao động.
Anh Công Nghĩa Cảnh (Nhà máy nước Cáo Đỉnh): Xin chuyên gia giải đáp giúp, trường hợp nào người lao động không được bồi thường từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị tai nạn lao động tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (trường hợp này yêu cầu văn bản theo yêu cầu từ đơn vị); trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Anh Công Nghĩa Cảnh (Nhà máy nước Cáo Đỉnh) đặt câu hỏi cho chuyên gia |
Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau: a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.
Người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động, nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau: a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh trao quà cho công nhân viên chức lao động trong phần giao lưu |
Chị Nguyễn Lan Anh (Công đoàn Công ty Du lịch Hà Nội): Theo cách tính hiện tại tôi được biết mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Trong khi đó, theo thỏa ước lao động tập thể và nội quy lao động là có 22 ngày công. Nếu tính chế độ thì người lao động rất thiệt thòi. Tại sao Luật BHXH lại chia như vậy.
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Cá nhân tôi cũng được tham gia đóng góp vào Luật Bảo hiểm xã hội. Trước đây, khi xây dựng, dự kiến số ngày chia là 26. Sau khi sửa đổi năm 2014, có đề cập, và có sự điều chỉnh theo hướng tính chung cho các đối tượng, lấy 24 ngày.
Rất nhiều câu hỏi của người lao động được các chuyên gia giải đáp thoả đáng |
Chị Phạm Thị Kim Thanh (Phụ trách phòng Hợp tác phát triển, Công ty nước sạch Hà Nội): Theo Bộ luật lao động mới 2019 thì người lao động hay người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần có điều kện gì để đúng luật?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Chúng ta biết rằng trong Bộ luật lao động 2012 và 2019 hiện nay, quan hệ lao động và người sử dụng lao động xác định với nhau bằng hợp đồng. Việc chấm dứt hợp đồng có thể thông qua các hình thức chấm dứt hợp đồng; đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng thông qua hình thức xử lý kỉ luật; người lao động nghỉ hưu, hoặc đơn vị sử dụng lao động phá sản, giải thể…
Luật sư Nguyễn Văn Hà |
Có 5, 6 hình thức mà Bộ Luật lao động quy định về việc hợp đồng lao động có thể chấm dứt. Như vậy, giữa người sử dụng lao động và người lao động muốn thực hiện đúng quy định, chúng ta căn cứ vào những hình thức lao động trên để có những điều kiện quy định cụ thể khác nhau. Ví dụ, trong trường hợp người sử dụng lao động và người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do mà chỉ cần báo trước 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn. Hoặc việc chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận thì người sử dụng lao động và người lao động có thể chấm dứt hợp đồng mà không cần tuần thủ bất cứ một lý do nào... Khi rơi vào những trường hợp nhất định thì chúng ta sẽ có những như định khác nhau.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (Nhà máy nước sạch Gia Lâm): Việc xây dựng thang bảng lương được quy định thế nào trong bộ luật sửa đổi mới?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Điều 93 của Bộ luật Lao động 2019, các doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động và thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động.
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân |
Các bước xây dựng thang lương, bảng lương 2019 tại các doanh nghiệp được thực hiện như sau: Bước 1: Cập nhật mức lương tối thiểu vùng; Bước 2: Thống kê các chức danh, công việc chuyên môn trong doanh nghiệp; Bước 3: Phân nhóm các chức danh công việc - Các công việc có cùng yêu cầu trình độ đào tạo thì xếp cùng một chức danh, đồng thời xem xét thêm các yếu tố khác như kinh nghiệm làm việc, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ…; Bước 4: Thiết kế mức lương tương ứng theo các nhóm chức danh; Bước 5: Tham khảo ý kiến của công đoàn - khi xây dựng thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện. Bước cuối cùng: Gửi thang lương, bảng lương đến Phòng Lao động Thương binh và Xã hội nơi đặt cơ sở sản xuất kinh doanh.
Chị Vũ Thanh Thu (Nhà máy nước Yên Phụ): “Cha mẹ mất được nghỉ 3 ngày”, nếu với trường hợp trong 3 ngày chế độ nghỉ liên tiếp trong đó có 1 ngày nghỉ hàng tuần của người lao động làm việc theo ca thì người lao động có được nghỉ bù thêm 1 ngày tiếp theo không.
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Trong Bộ Luật lao động năm 2012 và Bộ Luật lao động 2019 quy định, chúng ta chỉ được nghỉ bù trong trường hợp ngày nghỉ là ngày lễ, ngày Tết. Trong trường hợp này, được xác định đây là việc riêng, nên trong điều luật của Bộ Luật lao động hiện nay không có quy định luật nào liên quan đến việc nghỉ bù, gối cho hoàn cảnh này.
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc tặng quà cho công nhân viên chức lao động tham gia phần giao lưu. |
Chị Lương Thu Hương (Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình): Theo Bộ luật lao động mới đối với cán bộ công nhân viên mới làm tại công ty được 5 năm nhưng đã làm ở các đơn vị khác 20 năm thì có được cộng thêm ngày nghỉ phép năm hay không? Quan hệ lao động giữa người lao động và chủ sử dụng lao động dựa trên hợp đồng lao động. Trong trường hợp quá dài, doanh nghiệp có được quy gọn việc ký hợp đồng hay thay đổi hoặc thêm phụ lục không?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Liên quan đến ngày nghỉ hằng năm, theo bộ Luật lao động năm 2012 và 2019, đối với những người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn thì 1 năm làm việc sẽ có các ngày nghỉ tối thiểu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cũng có quyền áp dụng những điều kiện tốt nhất cho người lao động, cho người lao động nghỉ phép trên số ngày tối thiểu của luật. Do vậy, có doanh nghiệp cộng thâm niên để tạo điều kiện thêm ngày nghỉ phép cho người lao động là rất khuyến khích.
Đối với vấn đề hợp đồng lao động, trong bộ Luật lao động có nêu khi ký hợp đồng lao động lần đầu tiên phải xác định được hợp đồng có xác định thời hạn hoặc khi đã hiểu nhau rồi có thể ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn, đó là 2 cái chúng ta có quyền lựa chọn. Thông thường sẽ từ xác định thời hạn sau đó đến không xác định thời hạn.
Chị Lương Thu Hương (Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình) đặt câu hỏi |
Khi xác lập hợp đồng không thời hạn, trong vòng 5 năm hay 10 năm… giá trị của hợp đồng này có thể thay điểm ở thời điểm hiện tại so với thời điểm ký kết. Do vậy nếu có thay đổi hay bổ sung những điều so với trước đây đã ký doanh nghiệp có 2 sự lựa chọn: Một là giữa doanh nghiệp và người lao động cảm thấy cần phải điều chỉnh nội dung trong hợp đồng cho sát với điều kiện thực tế và đảm bảo quyền lợi của hai bên thì hoàn toàn có thể ký lại hợp đồng. Hai là không cần thiết phải ký lại hợp đồng trong trường hợp những điều khoản vẫn có giá trị. Trừ trường hợp các quy định của pháp luật hiện hành những điều chỉnh thay đổi so với nội dung trong hợp đồng đã ký thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ông Phí Văn Thuận (Nhà máy nước Gia Lâm): Một công nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong năm 2020 và xin chấm dứt hợp đồng lao động thì chế độ hưởng lương hưu giữa bộ Luật cũ và mới có gì khác nhau? Nếu người lao động nghỉ hưu vào năm 2021 thì sẽ được tính lương hưu thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Người lao động vì mắc bệnh hiểm nghèo mà muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì phải xem xem bệnh hiểm nghèo đó nằm trong danh mục xác định về bệnh hiểm nghèo không; và phải xem thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đến thời điểm chấm dứt thì tuổi bao nhiêu, nếu đủ điều kiện được nghỉ trước 5 năm thì sẽ được nghỉ chờ để hưởng hưu trí; trường hợp không nằm trong điều kiện đó ví dụ người đó còn trẻ mà sức khỏe không cho phép tiếp tục làm việc thì phải căn cứ vào thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, nếu trong quá trình tham gia quan hệ lao động người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, ngoài ra các chế độ tạo điều kiện của doanh nghiệp với người lao động thế nào là do thỏa thuận, có thể có hỗ trợ người lao động là do điều kiện kinh tế của doanh nghiệp.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: Nếu người lao động nghỉ hưu năm 2021 thì thực hiện theo Luật Lao động mới có sự điều chỉnh về tăng tuổi hưu ví dụ đối với nam thì sẽ tăng thêm 3 tháng, do đó sẽ căn cứ vào tuổi đời để nghỉ hưu ở thời điểm nào; còn các chế độ khác thì không có sự thay đổi vì Luật chỉ điều chỉnh tăng tuổi hưu chứ không thay đổi cách tính hưởng lương hưu và các chế độ khác.
Anh Nguyễn Thanh Dũng (Nhà máy nước Mai Dịch hỏi): Tôi muốn hỏi tiền lương làm thêm giờ theo Luật Lao động mới với luật cũ có gì thay đổi không? Về phía doanh nghiệp quy đổi làm thêm giờ bằng cách cho lao động nghỉ bù thì theo luật có đúng không?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Với trường hợp này, và với các quy định của pháp luật thì Luật Lao động mới với luật cũ sẽ không có gì thay đổi. Về ý thứ hai, Luật không quy định bởi sự điều chỉnh này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Hai bên sẽ tự thỏa thuận với nhau để sắp xếp và bố trí thời gian nghỉ. Và trong trường hợp cho lao động nghỉ bù, người sử dụng lao động vẫn phải trả lương cho lao động. Thời gian làm thêm thì người lao động hưởng chế độ sẽ cao hơn bình thường. Còn bù trừ thời gian nghỉ ra sao thì do thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và lao động.
Ông Trần Quốc Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội tặng quà cho công nhân lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Chị Trần Thị Hằng (Nhà máy nước Bắc Thăng Long): Trong sổ bảo hiểm xã hội của tôi ghi thông tin theo chứng minh thư cũ nhưng theo quy định là ghi theo căn cước công dân mới vậy tôi phải thay đổi thông tin như thế nào để đồng nhất? Thủ tục như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Khi muốn thay đổi đăng ký sổ bảo hiểm từ chứng minh thư sang thẻ căn cước công dân và thì người lao động có thể làm đơn theo mẫu của cơ quan bảo hiểm xã hội gửi đơn vị sử dụng lao động, đơn vị sẽ gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện điều chỉnh. Trên dữ liệu cơ quan bảo hiểm xã cũng sẽ lưu dữ liệu của cả chứng minh thư và căn cước công dân để đồng nhất được việc giải quyết chế độ. Nếu bảo hiểm xã hội có nhu cầu đổi sổ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đổi, tuy nhiên cũng không nhất thiết phải đổi.
Anh Nguyễn Thanh Dũng (Nhà máy nước Mai Dịch) đặt câu hỏi |
Bạn đọc hỏi: Mẹ tôi đóng quan bảo hiểm xã hội tại quận Ba Đình. Mẹ tôi có ghi Căn cước công dân sinh năm 1940, song thẻ bảo hiểm lại ghi 1941. Thẻ bảo hiểm y tế không khớp với năm sinh. Bệnh viện đề nghị ra công an phường xác nhận hai người là một. Vậy, tôi xin hỏi có thể làm lại thẻ bảo hiểm được không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với thành phố Hà Nội, những trường hợp như bạn đọc vừa hỏi có rất nhiều. Tôi có một lời khuyên là, với những trường hợp bị lệch năm sinh như trên, khi bản thân bạn phát hiện thì cần có sự điều chỉnh ngay, tránh những rắc rối nảy sinh sau này. Với trường hợp này, cơ quan quan bảo hiểm xã hội vẫn tổ chức đổi thẻ được. Nói cách khác, với trường hợp lệch 1 tuổi chúng tôi vẫn tiến hành điều chỉnh cho bạn.
Ông Đinh Văn Cường (Công ty Nước sạch Đống Đa): Người lao động như chúng tôi đi làm 40 năm rôi, nếu theo quy định bảng lương hiện nay của tôi là hơn 4 triệu đồng, với mức đóng bảo hiểm là khoảng hơn 500 ngàn đồng. Ví dụ tôi còn đi làm thêm 20, 30 năm nữa, tôi có thể xin đóng thêm tiền bảo hiểm xã hội cao thêm để sau này về hưu hưởng lương cao hơn có được không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Thực ra trong luật có quy định nhưng Chính phủ chưa triển khai, đó là Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Nó nằm ngay trong Luật Bảo hiểm xã hội, chúng ta có Bảo hiểm xã hội hưu trí bắt buộc, bảo hiểm hưu trí của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…Giống như anh, nhu cầu hưởng cao hơn, sẽ đóng một khoản cao hơn để sau này hưởng lương hưu cao hơn. Thực tế, quy định này đã nắm sẵn trong luật bảo hiểm xã hội năm 2014 rồi, nhưng hiện tại chưa triển khai.
Tuy nhiên, hiện nay mức đóng bảo hiểm xã hội hiện tại theo hợp đồng lao động. Ngoài hợp đồng lao đồng còn có rất nhiều khoản phụ cấp nữa. Tôi thấy rất hiếm đơn vị xin đóng bổ sung, chỉ có đơn vị xin đóng thấp hơn, giảm mức bảo hiểm xã hội.
Các tính lương hưu bình quân hiện nay đối với các doanh nghiệp không theo thang bảng lương nhà nước mà theo chủ sử dụng lao động quy định thì chúng ta chia bình quân cả quá trình. Nếu theo thời gian nào chúng ta theo cơ quan nhà nước mà đóng trước năm 1995 thì sẽ tính bình quân 5 năm cuối. Nếu không theo thang bảng lương nhà nước mà chỉ theo lương do chủ lao động quyết định thì chia bình quân cả quá trình đóng nên đóng càng cao, sẽ hưởng càng nhiều.
Cán bộ công đoàn, các chuyên gia giao lưu văn nghệ tại buổi Giao lưu trực tuyến |
Chị Nguyễn Thanh Nga (Phòng nhân sự, Công ty nước sạch Hà Nội): Trên sổ bảo hiểm có ghi quá trình là “không tham gia” thì không rõ là nghỉ không lương hay nghỉ ốm?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động và người sử dụng lao động sẽ được ghi nhận trong sổ bảo hiểm xã hội. Cơ quan Bảo hiểm xã hội có quy trình rà soát thông tin để nhập thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội của người lao động vào cơ sở dữ liệu. Trong quá trình cơ quan bảo hiểm xã hội in phiếu đối chiếu quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và chuyển cho đơn vị sử dụng lao động. Người sử dụng lao động chuyển cho người lao động xác nhận trên phiếu đối chiếu, nhưng có lẽ người lao động nhận phiếu nhưng không đọc kỹ, không ghi rõ thông tin lý do không tham gia bảo hiểm xã hội thời điểm đó để ghi lại quá trình nên chúng tôi cũng không thể xác định được người lao động nghỉ vì lý do gì.
Anh Vũ Bảo Dương (Nhà máy nước Yên Phụ): Khi tôi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng vợ lại không tham gia. Vậy khi vợ tôi sinh con thì có được hưởng chế độ trợ cấp gì không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Điều 31 – Luật bảo hiểm xã hội quy định, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp: Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Như vậy, khi vợ sinh con thì chỉ cần đang tham gia bảo hiểm xã hội thì lao động nam sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ thời gian hưởng chế độ thai sản của nam như sau: 05 ngày làm việc với những trường hợp thông thường; 07 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi; từ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; 14 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật…
Cũng theo Luật này, cụ thể Điều 38, trường hợp vợ sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội thì chồng được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Thủ tục để hưởng trợ cấp chỉ gồm: Bản sao giấy chứng sinh; Bản sao giấy khai sinh.
Cán bộ công đoàn, các chuyên gia giao lưu văn nghệ tại buổi Giao lưu trực tuyến |
Bạn đọc hỏi: Tôi là giáo viên, được biết từ 1/7 bỏ biên chế suốt đời. Vậy thay bằng hình thức hợp đồng nào, chế độ có gì thay đổi? Biên chế suốt đời được cho là mục tiêu của nhiều người làm cơ quan nhà nước. Khi bỏ biên chế suốt đời liệu có ảnh hưởng đến tâm huyết của người lao động? Liệu nhà nước có trả lương cao như các doanh nghiệp khi bỏ biên chế?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Theo quy định Luật Cán bộ công chức, viên chức sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 có một nội dung quan trọng là liên quan đến vấn đề không còn viên chức suốt đời. Thực ra Luật trước đây và luật sửa đổi không có bất kì quy định nào cho rằng là viên chức suốt đời. Bởi vì viên chức đó khi hoàn thành nhiệm vụ đến lúc nghỉ hưu thì công việc của người đó cũng kết thúc và thực hiện nghỉ hưởng chế độ.
Trong Luật sửa đổi năm 2019 xác định rất rõ là tất cả các viên chức khi thực hiện nhiệm vụ được nhà nước phân công đều phải trên cơ sở hợp đồng làm việc. Hợp đồng làm việc được phân định là hợp đồng xác định thời hạn (12-36 tháng) và hợp đồng không xác định thời hạn. Đặc biệt hợp đồng không xác định thời hạn, đối với các viên chức ký hợp đồng này sẽ phải trải qua 1 năm thử việc. Trong quá trình làm việc mà công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ được phân công, không chấp hành kỷ luật vẫn sẽ bị xử lý theo mô hình bộ Luật Lao động nhưng dựa trên cơ sở Luật Cán bộ công chức, viên chức. Đây là thay đổi rất lớn thay đổi tư duy của công chức, viên chức trong quá trình làm việc tại cơ quan nhà nước, buộc mỗi người phải có sự vận động để làm sao có thể đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của cơ quan nhà nước trong công tác thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đội ngũ phóng viên tham gia trực tuyến |
Ông Phí Văn Thuận (Nhà máy nước Gia Lâm): Trước đây, tôi có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự từ 1985, sau khi phục viên chế độ phục viên là 7 năm 2 tháng mà được quy đổi ra khoảng 9 năm 10 tháng. Khi luật mới của bảo hiểm xã hội cho phép ghép nối giữa 2 quá trình công tác, thời gian ghép nối chỉ là thời gian thực tế còn thời gian quy đổi sẽ không được ghép nối. Việc này căn cứ theo luật nào và có đúng hay không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Căn cứ Thông tư 13, năm 1972 tức là thời gian tính bảo hiểm xã hội của chúng ta là thời gian công tác thực tế chứ không phải thời gian công tác quy đổi. Trước đây theo Nghị định 236, khi giải quyết các chế độ nghỉ hưu từ những năm 1985, có quy định quy đổi thời gian ở các vùng nặng nhọc, độc hại hay ở quân đội thì có quy định việc đổi 1+2, 1+4, 1+6…
Chúng ta cũng biết bây giờ quy định thời gian tham gia thực tế, vì vậy khi tính thời gian cộng nối chỉ tính thời gian cộng nối thực tế mà thôi chứ không có quy định đối với thời gian quy đổi. Từ năm 1995 trở lại đây khi thực hiện Nghị định 12 và sau này là luật bảo hiểm xã hội chúng tôi không còn tính thời gian quy đổi đấy vào để tính thời gian công tác để giải quyết chế độ hưu trí nữa.
Đánh giá về buổi giao lưu trực tuyến, ông Trần Quốc Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc và bà Phạm Thị Vân Hương- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa, kết quả đạt được của buổi giao lưu trực tuyến. Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà N ội, đông đảo người lao động đang chờ đợi từng ngày tới thời điểm Bộ Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, việc đi trước một bước để giúp người lao động tiệm cận với những chính sách mới thông qua những hoạt động như buổi giao lưu hôm nay thật sự cần thiết và ý nghĩa. Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội trân trọng cảm ơn Báo Lao động Thủ đô, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội và các chuyên gia đã tổ chức buổi giao lưu ý nghĩa này và cung cấp những kiến thức pháp luật quý giá cho người lao động. |
Xem toàn bộ hình ảnh buổi Giao lưu trực tuyến tại đây
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Tin mới 22/11/2024 19:31
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Tin mới 22/11/2024 19:30
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tin mới 21/11/2024 21:42
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Tin mới 21/11/2024 19:44
Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc kinh doanh hiệu quả
Tin mới 21/11/2024 16:43
Hưng Yên đẩy mạnh thu hút vốn FDI có hàm lượng công nghệ cao
Tin mới 21/11/2024 16:32
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Dominica
Tin mới 21/11/2024 10:28
Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia
Tin mới 20/11/2024 20:22
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn tổ chức bộ máy phải thực hiện với quyết tâm cao nhất
Tin mới 19/11/2024 19:35
Điều kiện để được trao danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô
Tin mới 19/11/2024 14:31