Cảnh giác với biến chủng mới Omicron
Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị người dân không chủ quan trước biến thể Omicron Biến thể Omicron có thể là lối thoát đại dịch Covid-19? |
Nguy cơ lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của vi rút SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi như Nam Phi, Botswana... Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021, có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của vi rút SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác. Đơn cử, biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta.
Tiêm vắc xin là giải pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. |
Những ngày qua, Bộ Y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến sáng ngày 30/11, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 với biến thể này. Ngay sau khi có thông tin về biến chủng Omicron, để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào Việt Nam từ các quốc gia đã ghi nhận, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, nhất là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong khi xây dựng kịch bản, Bộ Y tế yêu cầu cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.
Tại buổi làm việc để trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến chủng Omicron cùng lãnh đạo Bộ Y tế sáng 30/11, Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh có 4 yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron gồm: Tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron; đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vắc xin phòng Covid-19; tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống khi ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến chủng Omicron. Đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gene các ca bệnh Covid-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới…
Cũng theo lãnh đạo Bộ y tế, hiện Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Khu vực Đông Nam Á và Chương trình An ninh Y tế toàn cầu CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, cũng như trong ứng phó với biến chủng mới. Bởi vậy, người dân cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, tuy nhiên không nên quá hoang mang, lo lắng.
Tuân thủ 5K để phòng biến chủng Omicron
Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron. Tuy nhiên các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuân thủ 5K và tiêm vắc xin phòng Covid-19 là các biện pháp quan trọng để phòng biến chủng mới có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta.
Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết đến nay những điều thế giới biết về biến chủng Omicron này còn rất ít, chủ yếu ghi nhận ở các nước Nam châu Phi. Chúng ta thấy nó có nhiều đột biến hơn rất nhiều so với biến thể Delta, nhưng chưa có dữ liệu về dịch tễ, khả năng lây lan cũng như độc lực của vi rút. "Vi rút luôn luôn đột biến, vì thế tuân thủ 5K- khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế là quan trọng nhất. Bên cạnh đó là vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19"- Giáo sư Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.
Sáng 30/11, tại buổi làm việc để trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến chủng Omicron, lãnh đạo Bộ Y tế cùng đại diện của Tổ Chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Khu vực Đông Nam Á và chương trình An ninh Y tế toàn cầu CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thống nhất sẵn sàng chia sẻ và cập nhật kết quả giải trình tự gene các ca bệnh Covid-19 để có thêm thông tin cùng tìm phương pháp ứng phó. Đồng thời, các bên cũng thống nhất quan điểm tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêm chủng, ưu tiên các đối tượng nguy cơ cao và đảm bảo tiêm chủng an toàn. |
Đồng quan điểm trên, Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cho rằng: Dù biến thể nào thì vũ khí hiệu quả nhất vẫn là thực hiện tốt 5K, vắc xin, thuốc điều trị và nâng cao năng lực y tế. Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cho biết, hiện Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia tăng cường cảnh giác, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á. Nhiều nước đã cấm đường bay từ Nam Phi đến nước mình, có quốc gia đã áp dụng biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên với sự giao thương của các nước, các biện pháp trên cũng chỉ làm chậm sự lây lan của biến chủng mới này chứ không thể ngăn chặn tuyệt đối được.
“Cũng may, qua nghiên cứu chưa đầy đủ thì biến chủng Omicron có triệu chứng nhẹ hơn Delta, nếu có triệu chứng thì chỉ có sốt, đau mỏi cơ, những triệu chứng giống như cúm vậy, ít khi diễn biến nặng. Sau khi nghiên cứu đầy đủ,nếu thực sự đúng như vậy thì đó là một tín hiệu đáng mừng với nhân loại”, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn bày tỏ quan điểm.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, thực tế cho thấy thế giới và Việt Nam đã chao đảo với các biến thể của vi rút SARS- CoV-2 ngày càng lây lan nhanh, càng biến thể khả năng của vi rút né tránh miễn dịch tự nhiên và vắc xin càng cao, hiệu quả của vắc xin ngày càng giảm. “Bởi vậy, theo tôi trước biến thể mới này Việt Nam cần phải bình tĩnh đối phó, ngoài vắc xin ra thì thực hiện nghiêm 5K vẫn là vũ khí hiệu quả nhất, rẻ tiền nhất. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến thuốc điều trị Covid để hạn chế diễn biến nặng và tử vong. Đồng thời tăng cường năng lực cho hệ thống y tế từ xã phường đến Trung ương, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến y tế cơ sở”, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo Bộ Y tế, tính đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 120 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, tiến độ tiêm đang tiếp tục được đẩy nhanh. Đặc biệt, công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 12-17 tuổi đang được thực hiện tại hơn 30 tỉnh, thành phố… Đặc biệt yêu cầu về an toàn là yếu tố hàng đầu trong tiêm chủng luôn được chú trọng./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Văn hóa 04/11/2024 22:00
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Xã hội 04/11/2024 19:26
Y học tái tạo - Xu hướng mới trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp
Y tế 04/11/2024 14:06
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy
Giáo dục 04/11/2024 13:59
Bộ GD&ĐT cảnh báo việc giả mạo văn bản thông báo tổ chức Giải đạp xe
Giáo dục 04/11/2024 12:26
Phú Quốc quyết liệt xử lý lấn chiếm lòng đường, lấy lại cảnh quan
Xã hội 03/11/2024 22:29
Đề xuất công nhận Ngày Chiều cao thế giới
Y tế 03/11/2024 22:25
Đồng hành cùng các gia đình hiếm muộn trên hành trình “tìm con”
Y tế 03/11/2024 19:31
Hà Nội: Khích lệ tinh thần hiếu học của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Cộng đồng 03/11/2024 19:03
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trưng bày 4 bảo vật quốc gia
Du lịch 03/11/2024 16:46