Cảnh báo nhầm lẫn triệu chứng sốt xuất huyết và Covid-19
Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết Cảnh giác với sốt xuất huyết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp |
Gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai: Từ đầu năm 2021 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó, có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính,… Các bệnh nhân đến từ hầu hết các địa bàn quận, huyện ngoại thành và các vùng lân cận của Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Trong khi, nhập viện điều trị muộn khiến tình trạng bệnh càng thêm nguy kịch, việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. |
Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết,số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu,… Điểm khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu. Dịch sốt xuất huyết năm nay xảy ra khi Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, người dân lo ngại đi bệnh viện nên dễ xảy ra những bất cập do nguy cơ “dịch chồng dịch”.
Điển hình như bệnh nhân N.L.A (42 tuổi, quê Hà Tĩnh) ra Hà Nội chăm chồng mắc nhiễm trùng huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 21/9. Đến ngày 29/9, chị bắt đầu xuất hiện sốt cao, đau mỏi người, mệt nhiều kèm tiêu chảy. Bệnh nhân được chuyển ra khám sàng lọc Covid-19 để làm xét nghiệm Covid-19 và đồng thời test nhanh sốt xuất huyết. Kết quả test Covid-19 âm tính, nhưng test sốt xuất huyết cho kết quả dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết và nhập viện điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới cùng với chồng. Hiện bệnh nhân vẫn sốt cao, tiểu cầu hạ thấp, có ngày xuống còn 20 G/L, men gan tăng, chảy máu chân răng. Bệnh nhân hiện đang được điều trị và theo dõi sát sao tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới.
Theo Sở Y tế Hà Nội, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Tại Hà Nội, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa và từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 týp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 týp vi rút khác nhau. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh. Riêng ở Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến ngày 26/9 đã ghi nhận 1.031 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã, chưa có ca tử vong. |
Tương tự, trường hợp khác là một bệnh nhân chạy thận chu kỳ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân quê ở Thanh Hóa nhưng ra Hà Nội ở cùng nhà cô chú tại Xã Đàn, quận Đống Đa. Ngày 1/10, khi đang thực hiện lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện rét run kèm sốt cao nên được đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9 và chuyển vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới sau khi xét nghiệm sốt xuất huyết dương tính, test Covid âm tính. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy bạch cầu, tiểu cầu đều hạ, thiếu máu, có dịch trong ổ bụng. Bệnh nhân được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, theo dõi chặt chẽ tại Trung tâm.
Người dân không nên chủ quan với sốt xuất huyết
Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường thông tin, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do vi rút gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau.
“Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp”, Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường phân tích.
Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: Sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.
Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho người dân. |
Cụ thể hơn, theo các chuyên gia y tế, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết, các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Đồng thời, để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch ngay tại nhà. Trong đó, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để hạn chế chỗ cho muỗi sinh sản và phát triển như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, các dụng cụ chứa nước khác như xô, thùng chậu, chai, lọ.
Thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như xô, thùng, chậu, lọ hoa. Lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng… Bên cạnh đó, người dân cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch và trong các đợt thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy nhằm phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00
Quy định mới về tiêu chuẩn sức khoẻ, khám sức khỏe của người lái xe
Y tế 18/11/2024 14:30