Cần làm rõ “trường hợp cần thiết” áp dụng ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Xem xét áp dụng với 3 nhóm công trình
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, ngày 22/7/2024, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó nội dung xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố cụ thể hóa quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 33 về áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn Hà Nội. Đây là một trong những nội dung được giao quy định chi tiết theo Luật Thủ đô, cần ban hành trước ngày 1/1/2025 để có hiệu lực cùng với Luật.
Theo dự thảo, Nghị quyết gồm 11 điều, đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức quản lý sử dụng, sở hữu các công trình phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô; người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn Hà Nội.
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam góp ý vào dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. |
Nghị quyết quy định một số trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Thứ nhất, nhóm công trình quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 33 Luật Thủ đô: Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng… Với nhóm công trình này, Dự thảo quy định trường hợp cần thiết áp dụng là khi công trình đã bị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành.
Thứ hai, với nhóm công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm đ, e Khoản 2 Luật Thủ đô (công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy), dự thảo quy định trường hợp cần thiết được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước công trình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã bị đình chỉ hoạt động nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành.
Thứ ba, với công trình quy định tại điểm c khoản 2 Điều 33 Luật Thủ đô (công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền), dự thảo quy định trường hợp cần thiết được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước công trình khi “tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời”.
Cần phân định rõ như thế nào là “trường hợp cần thiết”
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học cơ bản bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sớm ban hành Nghị quyết, bởi đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, về các “trường hợp áp dụng” quy định trong Điều 3, dự thảo đã nêu một số nội dung cụ thể theo khoản 2 Điều 33 Luật Thủ đô và có bổ sung một số nội dung về kiến trúc, chức năng công trình..., nhưng diễn đạt chưa khoa học, không phù hợp khái niệm “trường hợp thật cần thiết” đã nêu trong Luật, nên cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh.
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cũng bày tỏ băn khoăn với quy định “cắt điện nước các công trình sai quy hoạch”, bởi theo ông, quy hoạch là khái niệm rất rộng, nhất là trong quy hoạch tích hợp như hiện nay (Quy hoạch Thủ đô đang hoàn chỉnh có nội dung liên quan 11 ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, 6 ngành công nghiệp xây dựng...); Quy hoạch chung Thủ đô (đến năm 2045 - tầm nhìn 2065) có định hướng về sử dụng đất, 12 ngành về hạ tầng kinh tế - xã hội, 10 ngành về hạ tầng kỹ thuật, 3 ngành về bảo vệ môi trường… Do vậy, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm đề nghị cần làm rõ “sai quy hoạch” ở đây là gì ? cần lựa chọn sai phạm nào là cần thiết để áp dụng yêu cầu ngừng dịch vụ điện, nước.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng lưu ý theo Hiến pháp, người dân được quyền cung cấp điện, nước, điều này nâng cao chất lượng đời sống người dân, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước. Trong dự thảo Nghị quyết hiện hay không đề cập đến khái niệm thế nào là "trường hợp cần thiết", do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn các trường hợp áp dụng phải là "trường hợp cần thiết".
Về thẩm quyền áp dụng phân theo 3 cấp Thành phố; quận, huyện; xã, phường - theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm là hợp lý. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn liệu năng lực cán bộ cơ sở có đủ để nhận diện được "sai quy hoạch" không, đồng thời đề nghị xem xét lại thẩm quyền này.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh tham gia phản biện vào dự thảo Nghị quyết. |
Cũng quan tâm đến “thẩm quyền áp dụng”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định, theo dự thảo Nghị quyết, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã là rất lớn, nên cũng cần tạo điều kiện nhất là nguồn lực con người, để thực thi thẩm quyền bảo đảm kịp thời, chất lượng.
Hơn nữa, các khoản 2,3,4,5 trong dự thảo quy định thời hạn lập biên bản và chuyển lên người có thẩm quyền, cũng như thực hiện ra quyết định, thực hiện quyết định là quá dài (6-7 ngày), trong thời gian đó công trình vi phạm chắc chắn sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện với tốc độ cao, sẽ gây ra hệ lụy lớn. Do đó, nên rút ngắn thời gian hơn để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm từ đầu, không để xảy ra nghiêm trọng hơn.
“Đối với công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời (khoản 6 Điều 3), cần bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị. Bởi ông Dĩnh chp rằng, đã thuộc trường hợp khẩn cấp và nguy hại đến tính mạng mà cơ quan chức năng vẫn tiếp tục cho ở, chỉ cắt mỗi điện, nước thì có khi người vi phạm vẫn cứ ở; trong khi đó, cơ quan chức năng đã thuyết phục, có quyết định rồi nhưng họ không di dời thì biện pháp khẩn cấp phải là cưỡng chế.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh cũng góp ý, cơ quan soạn thảo cần sửa đổi, làm rõ thêm về số liệu, thực trạng về vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy để thấy rõ hơn sự cấp thiết khi ban hành Nghị quyết. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt đối với tổ chức, cá nhân ở gần có hành vi cung cấp điện, nước cho trường hợp vi phạm, thuộc diện đã bị ngừng cung cấp điện, nước.
Cũng đồng tình với việc cần xem xét kỹ về “thẩm quyền áp dụng”, ông Vũ Hào Quang - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tổng hợp và phân tích dư luận xã hội - cho rằng: “Việc phân cấp là cần thiết, nhưng có nên trao quyền cho lãnh đạo xã, phường khi trình độ còn chưa đủ, thậm chí còn yếu”. Ông Quang cũng đề nghị, sự phân cấp này cần bổ sung chế tài kiểm tra chéo, để kiểm soát việc thực thi ở cấp phường, xã rõ hơn.
Bàn về tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết: Thời gian qua, vi phạm trên địa bàn Thành phố về trật tự xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy ngày càng phức tạp; công tác thanh, kiểm tra, xử lý của cơ quan có thẩm quyền dù đã được chú trọng nhưng ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cá nhân, tổ chức còn rất hạn chế, lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện vi phạm. Với các công trình hay dự án đầu tư xây dựng lớn, lợi nhuận thu được từ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy… cao hơn nhiều lần so với chế tài xử phạt, nên chủ đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Trong khi, việc áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và nhất là khắc phục hậu quả đã được áp dụng nhưng việc thi hành còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết này sẽ góp phần ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm vi phạm hành chính, giúp việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh, hiệu lực, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp, tài sản của người dân, doanh nghiệp và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Dự kiến, ngày 19/11, tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 19), HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, cho ý kiến về Nghị quyết này. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Chú trọng xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ có nút giao kết nối đường Vành đai 3,5
Bí thư Thành ủy Hải Phòng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân xã Hữu Bằng
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: "Đại tiệc" văn hóa thu hút 30 vạn lượt khách
Tuyên dương Tổng phụ trách Đội xuất sắc tiêu biểu Thủ đô
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Tin khác
Hà Nội: Xử lý 2.397 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua phản ánh từ Zalo
Trật tự đô thị 09/11/2024 17:36
Hà Nội có thêm 14 dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh
Trật tự đô thị 04/11/2024 15:34
Hà Nội quyết liệt xử lý tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”
Trật tự đô thị 01/11/2024 17:22
TP.HCM: Mục tiêu giảm trên 75% công trình vi phạm trật tự xây dựng
Trật tự đô thị 30/10/2024 16:26
Thanh Trì: Chú trọng công tác hỗ trợ, tái định cư các dự án trọng điểm
Trật tự đô thị 30/10/2024 14:04
Đồng Nai: Nước sông dâng cao khiến nhiều nhà dân bị ngập nặng
Trật tự đô thị 29/10/2024 17:59
Cảnh sát trật tự Công an thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác
Trật tự đô thị 29/10/2024 09:09
TP.HCM: Thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND các quận, huyện
Trật tự đô thị 26/10/2024 10:04
Quyết tâm xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự, văn minh đô thị
Trật tự đô thị 24/10/2024 13:06
100% hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng mở rộng phố Nguyễn Tuân
Trật tự đô thị 15/10/2024 08:20