Bệnh viện Tim Hà Nội: Tiết kiệm 35 tỷ đồng cho Quỹ BHYT, tăng cơ hội điều trị cho bệnh nhân
Bệnh viện Tim Hà Nội có nhiều nỗ lực nâng cao sức khỏe nhân dân |
PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. |
Phóng viên: Thưa PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền, được biết thời gian qua, Bệnh viện có những giải pháp cụ thể để tối ưu hóa việc sử dụng nguyên vật liệu trong khám, điều trị bệnh mà không làm giảm chất lượng dịch vụ y tế. Xin ông cho biết những giải pháp cụ thể Bệnh viện đã triển khai đạt được hiệu quả?
PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền: Chúng ta biết rằng việc tiết kiệm vật tư tiêu hao, trang thiết bị, dụng cụ, vật dụng y tế xuất phát từ các yếu tố: Thứ nhất, mức sống của người Việt Nam, nhìn chung chưa phải là cao. Thứ hai, các chi phí khám chữa bệnh so với người dân có thu nhập trung bình vẫn ở mức cao. Thứ ba, các vật tư tiêu hao, các trang thiết bị sử dụng trong khám chữa bệnh đều được sản xuất với các quy chuẩn của quốc tế. Chính vì vậy, đặt ra vấn đề phải tiết kiệm cho người bệnh, cho Quỹ khám chữa bệnh BHYT, để góp phần giảm gánh nặng cho Quỹ BHYT.
Thực tế hiện nay, những máy móc, trang thiết bị dùng trong khám chữa bệnh đều rất tốt. Có những dụng cụ, có thể dùng như vật tư tiêu hao ở nước ngoài, dùng một lần rồi bỏ đi. Tuy nhiên, có một số đồ có thể dùng lại được cho người bệnh để tiết kiệm tối đa cho Quỹ BHYT cũng như cho người bệnh để giảm giá thành điều trị nhưng vẫn đảm bảo được tính an toàn.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, để chống nhiễm khuẩn cho người bệnh, chúng tôi đã tiến hành tái sử dụng bằng cách rửa hấp tiệt trùng, đảm bảo vô trùng, vô khuẩn, kiểm tra an toàn, tuyệt đối. Chúng tôi đã thực hiện tái sử dụng, có dụng cụ dùng lại một lần, có dụng cụ dùng lại ba, bốn lần.
Như năm 2023, Bệnh viện đã tiết kiệm được 35 tỷ đồng cho Quỹ BHYT. Khoản kinh phí rất lớn từ sự tiết kiệm trên đã góp phần giảm giá thành điều trị cho bệnh nhân, nhờ đó sẽ có nhiều người bệnh được thụ hưởng kỹ thuật cao hơn.
Để duy trì hiệu quả việc điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi đã xây dựng định mức cho từng loại dịch vụ khám chữa bệnh rõ ràng đầy đủ. Trong trường hợp y bác sĩ dùng quá định mức sẽ phải giải trình, dưới định mức là tiết kiệm. Mức tiết kiệm cần giới hạn đủ đảm bảo an toàn cho những kỹ thuật được triển khai sẽ rất tốt. Nhưng khi chúng ta cắt giảm quá, như một dụng cụ hấp đi hấp lại nhiều lần nó sẽ hỏng hóc, gây nguy hiểm cho người bệnh, như tăng nguy cơ gây tổn thương, nhiễm trùng khi tái sử dụng…
Đứng trước thách thức này, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, tất cả những đồ tái sử dụng đều được khảo sát sẽ sử dụng đến một mức phù hợp, không tái sử dụng quá nhiều. Căn cứ trên các khuyến cáo của nhà sản xuất để sử dụng vừa an toàn, vừa tiết kiệm.
Phóng viên: Xin ông cho biết rõ hơn làm thế nào để Bệnh viện đảm bảo rằng việc tiết kiệm chi phí không ảnh hưởng đến việc tiếp cận các phương pháp điều trị mới và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân?
PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền: Vâng, hai vấn đề này luôn đi song hành với nhau. Nếu chúng ta không khéo kết hợp sẽ gây ảnh hưởng, khi tiết kiệm quá cũng không phát triển được những kỹ thuật mới. Ở Bệnh viện Tim Hà Nội chúng tôi luôn cân đối giữa tiết kiệm đi cùng với phát triển.
Có thể đưa ra đây những ví dụ cụ thể: Năm 2023, chúng tôi đã mổ tim hở 2.245 ca, trong đó có hơn 600 ca mổ ít xâm lấn. Mổ ít xâm lấn là dùng kỹ thuật mở các lỗ nhỏ, dựa trên hình ảnh camera, chúng tôi tiến hành thay van tim, sửa chữa van tim và sửa chữa những tổn thương tương đối phức tạp trong tim của bệnh nhân.
Với công nghệ mổ ít xâm lấn ở các nước phát triển chi phí cho một ca điều trị bệnh rất cao. Công nghệ đó phải dùng những dụng cụ đặc biệt. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do điều kiện không cho phép về kinh phí của người bệnh nên có những dụng cụ chúng tôi dùng lại một vài lần theo đúng khảo sát đo lường của từng loại vật dụng đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Ngoài ra, chúng tôi dùng những dụng cụ tự chế trong phẫu thuật. Những dụng cụ này vừa với kích thước người Việt Nam, vừa theo đúng tính năng sử dụng lại không tốn kém nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi đã nghiên cứu một số phương pháp sửa chữa van tim cho người bệnh, không phải thay van tim tối ưu việc bảo toàn van tim cho người bệnh. Khi van tim sửa chữa tốt, người bệnh không chỉ tăng chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ biến chứng khi mổ, điều quan trọng giúp người bệnh sau mổ không phải dùng thuốc chống đông. Đây chính là những tâm huyết chúng tôi làm tất cả vì người bệnh.
Bệnh nhân chờ làm thủ tục tại Bệnh viện Tim Hà Nội. |
Phóng viên: Bệnh viện đã xem xét đến việc áp dụng công nghệ mới hoặc phương pháp quản lý tiên tiến nào để giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu chưa, thưa ông?
PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền: Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Bệnh viện Tim Hà Nội luôn quan tâm, thúc đẩy gắn chuyển đổi số với mọi hoạt động như: Số hóa trong quản lý bệnh viện, quản lý người bệnh và quản lý trang thiết bị, vật dụng, vật tư tiêu hao… Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành làm bệnh án điện tử để tiết kiệm nhân lực, vật lực trong vận hành quản lý bệnh viện. Các phần mềm đang được xây dựng để đồng bộ hóa quản lý bệnh viện, như: Phần mềm PACS để lưu trữ và truyền hình ảnh y khoa; phần mềm LIS trong quản lý xét nghiệm, phần mềm HIS quản lý thông tin và dữ liệu bệnh nhân.
Nếu bệnh án điện tử thành công, hoạt động này sẽ tiết kiệm tối đa cho quản lý. Ví dụ, trước đây phải dùng phim in ra, bây giờ bác sĩ và bệnh nhân có thể dùng QR code trên máy tính hay điện thoại thông minh để có dữ liệu về hình ảnh cũng như xét nghiệm, thông tin của bệnh nhân. Việc này có thể thấy ngay việc tiết kiệm giấy mực, công quản lý… đây là mục tiêu chúng tôi sẽ hoàn thành trong tương lai gần.
Phóng viên: Thưa ông, Bệnh viện Tim Hà Nội đã và đang có kế hoạch hợp tác với các nhà cung cấp như thế nào để đảm bảo về giá cũng như chất lượng vật dụng, vật tư, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, thuốc?
PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền: Chúng ta đều biết rằng tất cả những vật dụng, vật tư, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, thuốc... ở trong bệnh viện đều được mua bán thông qua đấu thầu rộng rãi. Đấu thầu phải tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh, đảm bảo giá cả hợp lý, hàng hóa chất lượng.
Theo đó, tất cả các nhà cung cấp phải tuân thủ nguyên tắc đấu thầu về giá cả, chất lượng, khả năng đáp ứng, thời gian cung cấp… khi đó Bệnh viện mới tiến hành đặt hàng để sử dụng cho người bệnh.
Phóng viên: Bệnh viện có kế hoạch nào để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ trong việc sử dụng nguyên vật liệu một cách hiệu quả, tiết kiệm không, thưa ông?
PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền: Về vấn đề này chúng tôi đã đưa vào quy định, quy chế của Bệnh viện. Thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ với tất cả những nguyên vật liệu, vật tư, vật tư tiêu hao… theo định mức. Ngoài ra, những y bác sĩ tiết kiệm có sáng kiến tiết kiệm sẽ thưởng phần trăm, hoặc thưởng đột xuất, do đó, việc các y bác sĩ tăng cường tiết kiệm cho người bệnh cũng chính là tăng thêm thu nhập cho bản thân mình, từ đó tạo nên phong trào tiết kiệm, nhưng vẫn an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân.
Trân trọng cảm ơn ông./.
“Bằng những sáng kiến kỹ thuật của đội ngũ y bác sĩ, năm qua theo thống kê ít nhất Bệnh viện chúng tôi đã tiết kiệm là 35 tỷ đồng cho Quỹ BHYT. Trong quá trình làm việc thực tế còn rất nhiều tiết kiệm khác của chúng tôi mà không thể thống kê hết được. Năm 2024 và các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ thống kê ghi nhận và cùng nhau cải tiến kỹ thuật thật tốt để đảm bảo tiết kiệm tối đa cho người bệnh, cho Quỹ BHYT trên cơ sở chất lượng điều trị sẽ vẫn đảm bảo tốt nhất cho người bệnh. Tôi cho rằng việc tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu trong Y tế không chỉ là nhiệm vụ của riêng các nhà quản lý, mà còn là trách nhiệm của toàn bộ đội ngũ nhân viên Y tế. Sự chung tay và cải tiến không ngừng sẽ giúp hệ thống y tế vượt qua những thách thức về tài chính, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng”, PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền nhấn mạnh. |
Kim Quyên thực hiện
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (5/11): Giá dầu thế giới tiếp đà tăng mạnh
Tỷ giá USD hôm nay (5/11): Đồng USD thị trường tự do quay đầu giảm
Giá vàng hôm nay (5/11): Vàng trong nước đồng loạt giảm mạnh
Tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 đến người lao động ngành Xây dựng Hà Nội
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội với loạt tranh vẽ bằng bút bi
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 5/11: Sáng sớm có mưa rào, trời chuyển rét
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Tin khác
Y học tái tạo - Xu hướng mới trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp
Y tế 04/11/2024 14:06
Đề xuất công nhận Ngày Chiều cao thế giới
Y tế 03/11/2024 22:25
Đồng hành cùng các gia đình hiếm muộn trên hành trình “tìm con”
Y tế 03/11/2024 19:31
Nhân viên y tế trung tâm tiêm chủng cứu sống cụ ông bị nhồi máu cơ tim khi đi trên đường
Y tế 02/11/2024 16:50
Phát động giải chạy vì trẻ sinh non
Y tế 02/11/2024 16:38
Phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 7 tuổi gãy xương đùi
Y tế 02/11/2024 12:36
6 giờ phẫu thuật hồi sinh sự sống cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng
Y tế 02/11/2024 06:18
Những điều cần biết để tránh đột quỵ khi chạy bộ
Y tế 31/10/2024 06:40
Phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường tiền đình miệng
Y tế 30/10/2024 11:44
4 bệnh nhân được hồi sinh sự sống từ mô, tạng của người chết não hiến tặng
Y tế 29/10/2024 15:05