Trung tướng Phạm Hồng Cư: Hà Nội sẽ tiến những bước dài
Phát huy hào khí 10/10 xây dựng Thủ đô giàu đẹp | |
Những hình ảnh độc quý giá về thủ đô Hà Nội ngày giải phóng 10.10 |
Được biết Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị đầu tiên rút ra khỏi Hà Nội năm 1947 nhưng đồng thời cũng là đơn vị đầu tiên vào tiếp quản Thủ đô năm 1954. Trung tướng có thể nói rõ hơn về sự trùng hợp lịch sử này? Cảm xúc của Trung tướng lúc đó như thế nào?
Đối với chúng tôi, đây là ngày về lịch sử 10/10 cách đây 63 năm. Tôi là chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca, thuộc thế hệ đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô, được lệnh rút ra khỏi Hà Nội sớm nhất.
Nhưng lại có một điều may mắn và trùng hợp là chính Tiểu đoàn Bình Ca của chúng tôi, sau toàn quốc kháng chiến cho đến ngày thắng lợi lại là đơn vị đầu tiên được nhận nhiệm vụ vào tiếp quản Thủ đô, 2 ngày 2 đêm trước khi đại quân tiến vào ngày mùng 10.
Trung tướng Phạm Hồng Cư. |
Năm 1947, sau 60 ngày đêm cầm chân quân Pháp, Trung đoàn Thủ đô bắt đầu rút khỏi nội thành, bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài. Ra khỏi Thủ đô, trong tâm tưởng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn da diết một nỗi nhớ Hà Nội khôn nguôi. Nhà thơ Chính Hữu, nhà thơ của Trung đoàn đã sáng tác bài thơ “Ngày về” phản ánh đúng tâm trạng chúng tôi ngày ấy.
Ai ai cũng mơ tới ngày về, hẹn một ngày về, và trong trí tưởng tượng của chúng tôi, ngày về sẽ là một cuộc chiến đấu quyết liệt. Tôi còn nhớ có bài thơ viết rằng: “Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu/ Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội/ Bao giờ trở lại?/Phố phường xưa gạch ngói ngang đường/ Ôi đêm nay họ nhớ mái nhà hoang/ Bức tường đổ điêu tàn ngày xưa trấn ngự/ Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng...”
Thế rồi, đến ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đội hình của Đại đoàn Quân Tiên phong 308 tiến vào tiếp quản. Đeo huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” trên ngực, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở về với thành phố - quê hương nơi sinh ra Trung đoàn.
Ngày 10/10/1954 đối với nhân dân cả nước là ngày Giải phóng Thủ đô, còn đối với Trung đoàn Thủ đô, đó là ngày về, ngày về lịch sử mà thế hệ chúng tôi hằng mơ ước suốt chặng đường vạn dặm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chúng tôi - các cựu chiến binh Tiểu đoàn Bình Ca rất tự hào về đơn vị mình là nhân chứng lịch sử hai đầu sự kiện: Ra đi và Ngày về. Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị đầu tiên thực hiện lời thề của các chiến sĩ Thủ đô “Ra đi, hẹn một Ngày về”.
Là người vinh dự đi cùng đội hình của đoàn quân tiến về Hà Nội, Trung tướng có thể chia sẻ về không khí, phố xá, con người trong ngày về lịch sử ấy?
Đúng 5 giờ sáng ngày 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa hết. Cả thành phố náo nhiệt hẳn lên. Nhà nhà mở cửa đón chào ngày mới, ngày Giải phóng Thủ đô. Phố xá trang điểm thêm bằng cờ, biểu ngữ, trang trí thêm cổng chào.
Người người mặc quần áo đẹp nhất, đường phố sạch sẽ tinh tươm đón đoàn quân chiến thắng trở về. Khoảng 8 giờ sáng, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo trở về trong lòng nhân dân Hà Nội, giữa một rừng cờ hoa trong sự đón mừng nồng nhiệt của đồng bào.
Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 Trần Đông dẫn đầu đội hình bộ binh tiến từ khu vực Mai Dịch, qua ô Cầu Giấy, Kim Mã, Hàng Đẫy, vườn hoa Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, cửa Bắc vào Thành Hà Nội.Từ phía Nam, một đội hình bộ binh khác gồm Trung đoàn Tu Vũ và Đại đoàn bộ do Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tu Vũ chỉ huy từ Việt Nam học xá, lần lượt tiến qua Bạch Mai, phố Huế, ra Tràng Tiền rồi vòng về khu vực Đồn Thủy.
Tiến sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới. Hơn 100 xe Mô-lô-tô-va nước sơn màu lá mạ còn mới tinh khôi, cánh cửa in phù hiệu sao vàng trên nền đỏ, nối đuôi nhau tiến vào nội thành. Trên xe, các chiến sĩ ngồi ngay ngắn, súng dựng trên sàn, lưỡi lê tuốt trần sáng loáng.
Dẫn đầu đội hình cơ giới là một đoàn xe com-măng-ca mui trần. Trên xe đầu tiên, Tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố giơ tay chào đồng bào. Tiếp theo đó là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, rồi đến xe của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn: Chính ủy Song Hào, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh.
Sau đoàn Mô-lô-tô-va chở bộ binh là đội hình pháo binh. Những khẩu đội pháo cao xạ nòng súng vươn thẳng trời cao với các chiến sĩ ngồi nghiêm trang trên mâm pháo. Đoàn quân đi đến đâu là tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Đường phố rực màu cờ, chật ních người. Những gương mặt rạng rỡ, nụ cười, ánh mắt, tay vẫy và có cả những giọt lệ.
Buổi chiều ngày 10/10/1954 là lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ. Trời thu Hà Nội xanh ngăn ngắt, điểm một sắc cờ đỏ thắm tựa bông hoa. Đúng 15 giờ, còi Nhà hát lớn nổi lên một hồi dài. Toàn thành phố hướng về Cột cờ thành Hoàng Diệu.
Đứng chủ lễ chào cờ là Tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng. Mọi người kính cẩn nhìn lên lá Quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột cờ cao ngất. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô.
Chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của Thủ đô Hà Nội, Trung tướng có suy nghĩ gì về những chặng đường phát triển của Thủ đô hiện tại và tương lai?
Sau 63 năm Đại đoàn quân tiến vào, Hà Nội nay đã khác xưa rất nhiều. Với chúng tôi là những người con của Trung đoàn Thủ đô quê hương đã đổi mới và rất vui mừng với những thành tựu mà Hà Nội đã đạt được.
Là trái tim cả nước, Hà Nội luôn hòa chung nhịp đập, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một thành phố có qui mô dân số, kinh tế nhỏ bé, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ, vị thế ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò trung tâm lớn của đất nước về mọi mặt.
Tôi cho rằng, là trung tâm văn hoá – chính trị - xã hội của cả nước, có vị trí địa lý đặc biệt của Hà Nội với hàng ngàn năm lịch sử, Hà Nội sẽ tiếp tục có những bước tiến dài trong tương lai, xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam, từng bước đi lên Xã hội Chủ nghĩa.
Vậy, Trung tướng có thể cho thế hệ trẻ ngày nay lời khuyên để tiếp bước hào khí cha anh?
Tôi cho rằng, thế hệ tìm đường cứu nước nhà là Bác. Thế hệ chiến đấu với lời thề độc lập là chúng tôi. Và thế hệ trẻ ngày nay là thế hệ của việc giữ gìn và bảo vệ độc lập. Mỗi thế hệ có một nhiệm vụ lịch sử do Tổ quốc giao.
Với nhiệm vụ chiến lược là “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, tôi tin tưởng rằng thế hệ trẻ ngày nay cũng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Xác định tư tưởng rõ ràng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng thì những người trẻ sẽ hoàn thành những nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.
Minh Phương – Đinh Luyện
Bài viết cùng chủ đề
70 năm ngày Giải phóng Thủ đôCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tổ chức Hội nghị cán bộ năm 2025 đảm bảo dân chủ, thiết thực
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Tin khác
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00
Để xứng đáng với “nghề cao quý dưới ánh mặt trời”
Gương sáng 17/11/2024 14:57
Người quản đốc yêu nghề, không ngừng sáng tạo
Gương sáng 15/11/2024 15:05
Cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu
Gương sáng 10/11/2024 20:28
Tiếp thêm niềm tin cho người khuyết tật
Gương sáng 08/11/2024 18:25
Thầy hiệu trưởng tâm huyết, sáng tạo
Gương sáng 06/11/2024 19:04
Bí thư chi bộ hết mình với công việc
Gương sáng 06/11/2024 16:12
Nữ nông dân thành công từ mô hình nuôi bò sữa
Gương sáng 03/11/2024 09:10