Phí đường bộ cho mô tô, xe máy: Tăng phí, tăng bức xúc
Mấy ngày đầu tuần, nhiều báo đồng loạt đăng tin tăng phí sử dụng đường bộ đối với xe máy theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11, thay thế Thông tư số 197/2012/ TT-BTC). Cụ thể xe máy có dung tích xy lanh trên 100cm3 sẽ phải đóng 150 nghìn đồng/năm phí sử dụng đường bộ, thay vì 100 nghìn như trước đây. Đến khi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đăng đàn thì người dân mới té ngửa rằng Bộ Tài chính đang… chơi chữ.
Theo Thông tư 197 thì đối với loại xe mô tô (không bao gồm xe máy điện) có dung tích xy lanh đến 100 cm3 có mức phí sử dụng đường bộ là từ 50 đến 100 nghìn đồng/năm, loại có dung tích xy lanh trên 100 cm3 có mức phí là từ trên 100 đến 150 nghìn đồng/năm. Trong khi Thông tư 133 quy định mức phí đối với xe mô tô loại có dung tích xy lanh đến 100 cm3 là tối đa 100 nghìn đồng/năm, loại có dung tích xy lanh trên 100 cm3 có mức phí tối đa là 150 nghìn đồng/năm. “Như vậy, về bản chất là không tăng phí đường bộ đối với xe máy… Mức phí vừa đưa ra trong Thông tư là mức phí tối đa theo khung trần, còn cụ thể thu bao nhiêu là do Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố quyết định, chứ không quy định thực thu tối đa là 100.000, 150.000 đồng” - ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Dù phí sử dụng đường bộ không tăng đều ở một mức thống nhất trên toàn quốc, mà chỉ tăng ở một vài tỉnh, thành phố khi Hội đồng Nhân dân địa phương đó quyết định tăng mức phí lên kịch khung, thì hầu hết nhân dân ở các địa phương trên cả nước đều có ý kiến tỏ ra không đồng tình, thậm chí đề nghị bỏ loại phí này và kiến nghị thu qua giá xăng. Những người chấp nhận nộp phí thì chất vấn về hiệu quả sử dụng quỹ bảo trì đường bộ, rằng cơ quan chức năng thu tiền của dân nhưng đường hỏng chậm sửa... LĐTĐ cuối tuần xin nêu một số ý kiến tiêu biểu.
Anh Nguyễn Bình An (Kiến Thụy, Hải Phòng): Thu, nộp, phạt còn nhiều vấn đề đáng bàn Thông tư 133 quy định bắt đầu từ 1/11/2014, ai không nộp phí sử dụng đường bộ mới bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền phí phải nộp, thế nhưng Công an tỉnh Hải Dương đã phạt vi phạm hành vi này từ lâu rồi. Hồi đầu tháng 5 vừa qua, tôi bị công an Hải Dương phạt 750 nghìn đồng (gấp 7,5 lần số tiền phải nộp) vì không mang theo biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Tôi là người nghiêm chỉnh nộp phí từ hồi năm ngoái ngay khi bác tổ trưởng tổ dân phố đến nhà bắt kê khai rồi đưa cho một tờ biên lai mỏng dính, không có dấu đỏ, có mỗi chữ ký của bác này. Sợ tờ biên lai rách và mất, tôi cất kỹ không mang theo nên mới bị phạt. Ở một số nơi lại có tình trạng nộp tiền đợt sau mới đưa biên lai thu tiền đợt trước, vậy thử hỏi nếu bị kiểm tra, người nộp tiền lấy gì để chứng minh mình đã nộp? Hoặc biên lai không có dấu chỉ có chữ ký của tổ trưởng tổ dân phố, liệu có bị lợi dụng? Tôi còn biết rất nhiều người không nộp phí này và khi họ cố tình không nộp người thu cũng bỏ qua luôn, như vậy liệu có công bằng cho những người chấp hành nộp phí? Cô Nguyễn Thị Tự (Hải An, Hải Phòng): Thu chi bất minh Dân không ngại nộp phí, mà chỉ sợ phí tăng nhưng chất lượng đường giao thông không tăng, thậm chí còn xuống cấp hơn. Tiền của dân bỏ ra thì không biết sử dụng vào mục đích gì? Mà tiền đó thu được bao nhiêu, chi tiêu ra sao, người nộp tiền không biết. Thu tiền mồ hôi nước mắt của người dân thì cũng phải đảm bảo đường sá có chất lượng cao chứ. Việc thu và nộp phí có thể coi như giao dịch mua bán, một bên trả tiền sử dụng đường, một bên có trách nhiệm xây dựng và bảo trì đường, thế nhưng đường xấu, toàn hố, đá, cát, bụi, đi hỏng xe thì bên thu có bồi thường không? Có phạt chậm nộp thì cũng phải phạt chậm sửa đường hư hỏng chứ. Có những con đường sửa thì cũng như kiểu vá một cái áo rách. Những người tôi quen biết ai cũng than kêu về tình trạng yếu kém của đường giao thông ở Việt Nam hiện nay. Đường nhiều sống trâu, điểm đen, cầu cống tạm bợ, hố ga không nắp che, đèn hiệu không có hoặc không phát huy hết tác dụng, gây tai nạn giao thông, chết người thì ai chịu trách nhiệm? Hay là đổ tội cho lỗi khách quan do thời tiết khí hậu Việt Nam và lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông? Nhiều nơi một cây cầu tạm cũng không có, để rồi người dân phải đu dây qua sông rồi rơi xuống sông chết. Đã có người nói vui rằng Bộ Tài chính nên trích phần trăm để đóng bảo hiểm phương tiện và bảo hiểm nhân thọ cho người tham gia giao thông. Anh Trần Đình Định (An Dương, Hải Phòng): Phí chồng phí là không công bằng Tôi thấy việc thu phí này không công bằng. Thứ nhất, cùng đóng phí như nhau nhưng người dân ở nông thôn đi đường đất, đường xấu trong khi dân thành thị được đi đường nhựa, đường đẹp, bởi đường sá được ưu tiên làm cho thành thị trước. Thứ hai, xe máy của tôi chỉ đi trong đường làng, cả năm mới ra phố một lần, mà đường làng thì trước kia toàn đường đất, khi làm đường bê tông, đường nhựa chúng tôi đã phải đóng góp khá nhiều rồi. Mới đây còn phải nộp phí xây dựng đường giao thông nội đồng. Nay lại phải nộp phí bảo trì đường bộ nữa là quá nhiều. Ai có ô tô lại còn phải nộp thêm phí cầu đường tại các trạm thu phí. Như vậy là phí chồng phí. Thứ ba, những người chở hàng bằng xe máy, người chạy xe ôm một ngày đi trăm cây số, trong khi có nhiều người cả tuần chỉ đi khoảng chục cây, cả hai đều nộp phí như nhau. Thử hỏi có công bằng không? Theo tôi cứ thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng, xe nào đi nhiều thì nộp nhiều là công bằng nhất. Thứ tư, cả hai Thông tư đều quy định: Tại các phường, thị trấn, cơ quan thu phí được để lại tối đa không quá 10% số phí thu được; tại các xã, cơ quan thu phí được để lại tối đa không quá 20% số phí thu được để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định. Con số 10% và 20% có nhiều quá không? Sao không để người dân tự ra kho bạc nộp để quỹ được nhiều hơn, tránh tình trạng thất thoát tiền phí. Ủy ban nhân dân cấp xã để lại quá số phần trăm quy định, thu nhiều nhưng nộp ít hay ỉm đi rồi bảo thất thu thì cơ quan cấp trên có xử lý nổi không. Trong Thông tư 197 không có điều nào nói về việc xử lý vi phạm chủ phương tiện, cơ quan thu phí có hành vi vi phạm các quy định về khai, thu, nộp phí sử dụng đường bộ. Sang đến Thông tư 133 mới có quy định xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy tạo ra sự bất công giữa địa phương làm ăn nghiêm chỉnh với địa phương ăn gian làm dối, giữa người tự giác nộp đầy đủ phí với người chậm, trốn nộp phí hoặc gian dối số xe của gia đình. Ngô Quang Chính Ông Vũ Hùng Vỹ (Hoàng Mai, Hà Nội): Xe tải, xe container mới là thủ phạm làm hỏng đường Ai cũng biết xe máy có chạy đến mòn lốp, hỏng xe thì đường vẫn chưa hư, xe máy chạy cả trăm năm nữa cũng không thể hỏng đường. Thủ phạm chính làm hỏng đường là mấy ông xe tải, rơ moóc, nhất là xe ô tô đầu kéo có khối lượng trên 40 tấn. Hiện nay đi trên đường 5 đoạn Hưng Yên - Hải Phòng, các đường bao cảng Hải Phòng như Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ thấy la liệt xe container, xe tải đỗ trên làn dành cho xe máy, xe đạp, rồi tình trạng bán hàng tràn xuống lòng đường khiến cho hai loại xe này phải vượt qua vạch kẻ liền để đương đầu với sống trâu và những xe container phía sau vượt lên. Đã có không ít vụ tai nạn giao thông theo kiểu này. Bây giờ thu phí xe máy, có khi sau này thu cả phí xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp, thậm chí đi bộ trên đường cũng phải mất phí? Hoàng Thị Phượng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Dẹp được tham nhũng không cần phải thu phí Nhiều đoạn đường mới làm xong đã xuống cấp lại mất tiền tu bổ, vỉa hè xây xong lại bóc ra làm lại vì không đúng kỹ thuật. Làm ăn không đồng bộ nên đường xây xong lại đào lên để làm ống thoát nước, chôn cáp điện. Gạch vỉa hè vừa lát xong đã hỏng, chỗ chưa hỏng lại bóc lên lát gạch khác. Có phải phí bảo trì đường bộ để dùng vào những việc đó không? Hay để có tiền làm những con đường đắt nhất hành tinh? Nếu làm đường tốt ngay từ đầu, không để thất thoát, lãng phí thì tôi tin rằng sẽ không có chuyện tăng phí, thậm chí bỏ phí đường bộ đối với xe máy. Đó là còn chưa nói chuyện tham nhũng khi làm cầu đường, thì thừa tiền bảo trì cầu đường. |
Ngô Quang Huy
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Ngân hàng nào liên quan đến đại án Xuyên Việt Oil?
Vì sao Chứng khoán Smart Invest bị phạt tiền tỷ?
Tin khác
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Sự kiện 23/11/2024 15:24
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sự kiện 22/11/2024 21:31
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Sự kiện 21/11/2024 16:55
Đại biểu Quốc hội: Không thể để một công chức nếu không chi tiêu gì mất cả hơn trăm năm mới mua được nhà
Sự kiện 21/11/2024 14:14
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói về thời điểm thích hợp xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Sự kiện 20/11/2024 21:08
Nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Sự kiện 20/11/2024 17:39
Hội Luật gia thành phố Hà Nội tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Sự kiện 20/11/2024 17:28