Phép màu cho trái tim tật nguyền
Vá lành nỗi đau
Có mặt tại bệnh viện từ rất sớm để làm thủ tục cho cô con gái ra viện, chị Nguyễn Thị Tâm mẹ của bé Nguyễn Thùy Duyên ( 3 tuổi ở Vĩnh Phúc) mừng mừng, tủi tủi. Chị kể lại, lần đầu tiên mang thai nên chị cũng khá cẩn thận trong suốt thai kỳ. Bác sĩ dặn sao, chị tuân thủ đúng như thế. Dẫu kinh tế không dư dả cho lắm, lại không có bảo hiểm nhưng chị Tâm vẫn đều đặn đi khám thai định kỳ. 9 tháng đợi chờ, cuối năm 2011 anh chị mừng rỡ khi đón con gái đầu lòng. Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi cháu liên tục có những cơn co rút lồng ngực, không tăng cân và hay ốm vặt.
Bé Duyên ngày ra viện
Thậm chí, trong suốt tháng thứ 2, thứ 3 sau sinh cô con gái chỉ lên được 5 lạng. Quá sốt ruột, anh chị đưa cháu đi khám tại bệnh viện Phú Thọ, các bác sĩ nghi ngờ cháu mắc tim bẩm sinh. Không tin lắm, anh chị quyết định vay mượn đưa con đến Bạch Mai khám. Ở bệnh viện tuyến đầu cả nước, sau rất nhiều khám xét, siêu âm, chiếu chụp, bác sĩ kết luận con gái chị bị hở van ba lá. “ Bác sĩ nói, cháu còn quá nhỏ nên không thể can thiệp được gì. Chấp nhận sống chung với lũ, đợi khi nào lớn mới đưa ra chỉ định cụ thể. Nghe các bác sĩ nói lòng tôi như xát muối. Thương con còn quá nhỏ mà đã phải mang bệnh. Lo lắng không biết lấy gì để chạy chữa cho con” – chị Tâm ngân ngấn nước mắt nói.
Từ dạo đó, cứ 3 tháng một lần, vợ chồng chị Tâm lại phải dắt díu nhau đưa con xuống Bạch Mai để siêu âm theo dõi. Mỗi một lần đi là một lần tốn kém. Mỗi một lần đi là một lần âu lo cho bệnh tình của con. Tháng 7 năm 2014, khi bé Duyên được 3 tuổi, Bệnh viện Bạch Mai quyết định mổ nội soi bít chỗ hở nơi van tim. Thế nhưng thật không may, sau cả ngày chờ đợi bên ngoài phòng mổ, chị nhận được tin như sét đánh ngang tai… ca mổ không thành công. Chị nói: Họ chuyển con tôi sang Trung tâm tim mạch Bệnh viện E. Tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. Bởi ngay ở nơi đầu ngành tim mạch, các bác sĩ đã khẳng định bít là khỏi vậy mà không được, huống hồ…
Thế nhưng được sự động viên của các bác sĩ, chị tiếp tục ký giấy đồng ý mổ cho con vào ngày 20/8/2014. Ca mổ được thực hiện trong 5 tiếng đồng hồ. Thời gian đó với chị Tâm dài hơn thế kỷ. Chị không dám ăn, không dám uống, không dám đi vệ sinh, ngồi trầu trực bên ngoài phòng mổ. 4h chiều khi nhận được tin báo ca mổ thành công, chị như trút được cả gánh nặng khổng lồ đè nén suốt ba năm qua… 6h20 các bác sĩ báo con chị đã tỉnh nhưng vẫn phải thở ô xy, chỉ một ngày sau cháu đã tự thở được. Sau 4 ngày cháu khỏe mạnh, nhanh nhẹn như đứa trẻ bình thường. Sau 2 tuần, con chị được ra viện trong niềm vui của đại gia đình. Nhìn cô bé 3 tuổi nặng hơn 10kg với 2 bím tóc tết hai bên nhảy nhót bên mẹ, tôi không thể tin cháu từng ốm nheo ốm nhóc như con mèo hen, không đùa không nghịch…
Các bệnh nhân: Hờ A Rua (18 tuổi, ở Yên Bái), Đỗ Kiên Cường (7 tuổi, ở Thái Nguyên), Nguyễn Thị Duyên (3 tuổi, ở Vĩnh Phúc), Cao Văn Tập (10 tuổi, ở Bắc Ninh), Đỗ Ngân Thương (3 tuổi, ở Thái Nguyên)… được chẩn đoán thông liên thất, tăng áp lực động mạch phổi… đã được phẫu thuật tim vá lỗ thông liên thất bằng phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ ít xâm lấn. Kết quả sau mổ các bệnh nhân đều hồi phục nhanh, không gặp biến chứng và có thể ra viện sau 5-7 ngày. |
Ít gây sang chấn cho người bệnh
Trao đổi về ca mổ này, PGS.TS Lê Ngọc Thành – Phó Giám đốc BV E, Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết, trường hợp của bé Duyên là một trong 6 ca bệnh mà Trung tâm vừa thực hiện thành công bằng phương pháp phẫu thuật tim vá lỗ thông liên thất ít xâm lấn.
Đây là nơi đầu tiên ở nước ta thực hiện kỹ thuật này, tiếp sau thành công triển khai phẫu thuật tim hở ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ trong vá thông liên nhĩ, thay van, sửa van hai lá, cắt u nhầy nhĩ trái… mà trung tâm này đã thực hiện. Phẫu thuật tim ít xâm lấn là hướng đi mới trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch. Từ đầu năm 2000, các trung tâm phẫu thuật lớn về tim mạch trên thế giới như ở các nước: Mỹ, Đức, Pháp, Nhật… đã từng bước triển khai kỹ thuật phẫu thuật tim vá lỗ thông liên thất ít xâm lấn trong xu thế phát triển của phẫu thuật nói chung và phẫu thuật tim hở nói riêng. Việc triển khai thành công phẫu thuật tim hở ít xâm lấn qua đường mở ngực phải có nội soi hỗ trợ trong vá thông liên nhĩ, thay van, sửa van hai lá, cắt u nhầy nhĩ trái… đã tạo tiền đề cho việc triển khai kỹ thuật tim hở ít xâm lấn vá thông liên thất - kỹ thuật lần đầu tiên thực hiện thành công ở Việt Nam.
Nếu phẫu thuật tim hở vá thông liên thất kinh điển, bệnh nhân sẽ phải cưa toàn bộ xương ức với đường mổ dài, từ hõm ức tới mũi ức khoảng 15 – 20cm với người lớn, 8 - 10cm với trẻ nhỏ và phải thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể trung tâm… Do bị xấm lấn nhiều, nên kỹ thuật mổ hở này thường có những bất cập như: chảy máu, nhiễm trùng xương ức, sẹo xấu, thời gian nằm viện, phục hồi sức khoẻ kéo dài từ 15 - 20 ngày. Tuy nhiên, với phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ ít xâm lấn các bác sỹ chỉ mở một phần xương ức phía thấp, đường rạch da ngắn khoảng 6cm với người lớn, 3 - 4cm với trẻ nhỏ với sự trợ giúp của các phương tiện trong phẫu thuật nội soi. Ưu điểm của phương pháp ít gây sang chấn cho người bệnh, đỡ đau sau mổ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng vết mổ. Điểm mới mà các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E thực hiện là thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể lựa chọn đường truyền ngược dòng. Phương pháp này không tác động đến động mạch chủ nên an toàn cho người bệnh.
Đánh giá về kỹ thuật này, GS Đặng Văn Đệ, chuyên gia hàng đầu về tim mạch ở nước ta đánh giá, đây là phương pháp hay. Bởi theo GS Đệ thời của ông cũng như trước kia người ta thường nói các phẫu thuật viên lớn thì đường mổ lớn. Khi tôi vào trường Y thì thầy Tùng ( GS Tôn Thất Tùng - PV) vẫn dạy, mổ thì đường mổ rộng ra thì mới đảm bảo…. đừng có mổ moi như mổ gà thì nguy hiểm đấy. Giờ xu hướng ngược lại, càng kỹ thuật phức tạp thì các kỹ thuật viên càng mổ nhỏ. Mổ đường nhỏ hết sức lợi. Đường mổ nhỏ không riêng gì nam giới, nữ giới thì đường mổ to bất tiện. Nhất là bây giờ đi bơi, đi tắm thòi ra mấy cái sẹo thì chẳng ra sao, nhỏ giấu được đường sẹo đảm bảo thẩm mỹ.
Kỹ thuật mới vừa an toàn, đảm bảo thẩm mỹ
GS Đệ cũng cho biết thêm: Trong mổ tim thì sẹo hết sức quan trọng. Vì đưỡng mổ kinh điển là đường mổ dọc xương ức. Đường mổ này dễ thành sẹo lồi. Mổ xong, chữa được bệnh thì ngực có sẹo chạy dọc giữa ngực, tím đen như con rết. Nam giới không sao, nữ giới sắp lấy chồng, mở ngực ra thấy con rết… chắc chạy luôn. Chính vì thế các kỹ thuật viên tim mạch tìm đường mổ nào cho hợp lý nhưng trên cơ sở đảm bảo an toàn. Trên cả nước đã 20 cơ sở tiến hành mổ tim nhưng đây là cơ sở đầu tiên triển khai được kỹ thuật này. Để làm được đòi hỏi phải có đội ngũ y bác sĩ giỏi nghề, trang thiết bị y tế đầy đủ bởi làm không cẩn thận sẽ phải làm lại thậm chí có thể tử vong.
TS Thành cũng hy vọng, sau khi Bệnh viện E tiến hành thành công kỹ thuật này, nhiều cơ sở phẫu thuật tim mạch đủ điều kiện trong cả nước cũng có thể triển khai để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.
N. Huyền
Nên xem
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
Luật quy định như thế nào về hành vi gian lận bảo hiểm?
Ngày 24/12: Giá dầu thế giới giảm nhẹ
Kiểm soát an ninh hàng không dịp Tết 2025
Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai tới đâu?
Mở rộng tiêm phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Noel trong tôi
Tin khác
Mở rộng tiêm phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Y tế 24/12/2024 08:35
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Y tế 23/12/2024 16:40
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
Y tế 20/12/2024 20:37
Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Xã hội 20/12/2024 09:58
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn
Y tế 19/12/2024 17:38
Tình trạng các nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng đang điều trị tại Bệnh viện E
Y tế 19/12/2024 16:43
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Y tế 17/12/2024 20:52
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người nhập viện vì mắc sởi
Y tế 17/12/2024 08:06
Nhiều người cần tham vấn tâm lý trong điều trị bệnh “khó nói”
Y tế 17/12/2024 06:39