Niềm vui tuổi già
Niềm vui là khi bố mẹ cùng nhau ăn hết một quả na. Bố bóc vỏ giục mẹ ăn. Mẹ dằm dằm miếng na, tưởng để ăn nhưng rồi lại đưa mời bố. Bố lắc đầu không ăn. Thế là mẹ dỗi. Mẹđặt cái bát có quả na xuống, mặt buồn xo. Bố vội vàng cầm thìa, xúc miếng na nhai lủm thủm rồi đưa bát cho mẹ. Mẹ vừa tủm tỉm cười vừa cúi xuống trệu trạo nhai. Cứ thế bố và mẹ mỗi người một miếng cho đến khi hết quả na. Cả hai cười hân hoan như thể vừa… cày xong một thửa ruộng. Những hàm răng đều tăm tắp như hạt na của bố mẹ ngày nào giờ khấp khểnh cái còn cái mất. Ăn được một quả na chung nhau, thế là quá vui rồi!
Niềm vui là khi thảng hoặc có những buổi chiều mẹ không phải tiêm isulin. Mẹ vui một thì bố vui mười. Bố cứ nắc nỏm: “May thế, hôm nay mẹ con không phải tiêm nhỉ. Cứ chọc mãi như thế thì chẳng còn chỗ mà tiêm nữa!”. Xong rồi bố quay ra khen mẹ: “Thế là bà giòi đấy! Hôm nay không phải tiêm nhé!”. Bà ừ ừ: “ Thì có giỏi gì đâu. Chỉ mong hôm nào cũng được như thế này ông ạ”. Rồi ông bà cười móm mém như thể vừa nhận được món quà gì lớn lắm. Mình hòa cùng điệu cười của bố mẹ, lặng lẽ cầm bàn tay mẹ, mân mê những đầu ngón tay đã bị chai sần vì tiêm nhiều. Bất giác lòng quặn lại rưng rưng. Ai rồi cũng phải trải qua tuổi già và bệnh tật yếu đau. Hãy chắt chiu nụ cười từ những điều bình dị nhất!
Niềm vui từ một cái cây! Tết năm nào mình cũng tìm mua rồi đặt ở phòng của bố mẹ một chậu cây. Năm nào bố mẹ cũng cứ xuýt xoa khen đẹp. Ngày nào tỉnh dậy, việc đầu tiên cũng là nhìn xem hôm nay cái cây trông thế nào. Tết năm ngoái mình mua cây sống đời với những cành đan cài vào nhau hình cái chum rượu. Năm nay mình mua cây phật thủ có ba quả to và vàng trong một thân cây bé xíu. Ông cứ hỏi bà sao mà người ta trồng giỏi thế, hay là họ có “phép thuật” gì. Bà bỏm bẻm nhai trầu và ngẫm nghĩ: Dễ họ phải bỏ cả năm để tạo ra một cái cây như thế ấy ông ạ! Rồi ông và bà đoán xem khi nào thì quả rụng, khi nào thì lá non phía trên ngọn sẽ xòe ra. Những câu chuyện nho nhỏ, ngăn ngắn, khi bổng, lúc trầm trong những âm thanh bập bõm, đứt quãng vì mệt của bố mẹ nghe thương quá là thương. Câu chuyện về cây phật thủ kéo dài cho đến lúc cái cây được đưa lên sân thượng để đón ánh nắng và khí trời.
Niềm vui là khi nhìn thấy… một bộ bàn ghế mới. Ngày tết mình sắm một bộ sofa đặt ở tầng 1. Không thể tự đi xuống tầng 1 để mục kích sở thị bộ bàn ghế mới nên cả ngày bố mẹ sôi nổi “thảo luận” và hình dung về bộ bàn ghế đó. Rằng không biết nó màu gì, đặt vào phòng khách có bị vướng víu không. Rồi không biết có chỗ để con trai tranh thủ ngả lưng buổi trưa không. Tranh luận mãi cho đến một hôm mẹ đánh liều lò dò xuống tầng 1 “thăm” bộ bàn ghế. Mẹ lên, tíu tít kể cho bố. Bố xuýt xoa, nắc nỏm. Hai ông bà sung sướng vì không phải tưởng tượng về bộ bàn ghế nữa. Ít nhất là bà đã nhìn thấy và mô tả chi tiết cho ông rồi.
Niềm vui là khi mỗi ngày hai cô con gái ở xa gọi điện hỏi thăm. Ngày nào cũng chừng ấy câu hỏi: Bố mẹ có khỏe không? Hôm nay mẹ có ăn được không? Chân bố đỡ đau chưa? Mẹ có phải tiêm không?... Chỉ vậy thôi mà chưa thấy các con gọi điện là ông bà ra ngóng vào trông. Lại hỏi nhau không biết chúng nó đang làm gì? Cái Hồng đã đi dạy học về chưa? Cái Lụa chắc lại bị đau nên chưa thấy gọi. Lầm rầm, thì thào, lo lắng, thắc thỏm! Cho đến khi những tiếng chuông điện thoại vang lên rồi lần lượt được trả lời các câu hỏi đến thuộc lòng. Những câu trả lời lúc khoan lúc nhặt, lúc nao nức vui tươi, khi hồn nhiên làm mình làm mẩy, cơ mà vui!
Niềm vui nhất là những lúc mình ghé qua “vấn an” chăm bẵm. Mình thích cái cảm giác được thả mình trên cái giường nhỏ kê cạnh giường bố mẹ để vợ chồng mình tiện chăm sóc. Thích cái cảm giác mơ màng ngửi mùi dầu nóng, mùi trầu không vấn vít. Thích được nghe bố mẹ giục: Đi tắm rồi còn ăn cơm đi con. Mà tắm ào ào thôi kẻo cảm đấy! Mình cúi xuống bóp chân cho bố, đi tất cho mẹ. Bố cười lộ hai cái răng cửa còn sót lại, xua xua tay: Bố không đau đâu, con cứ nghỉ đi. Vậy mà mình biết ông vui, vui lắm!
Niềm vui là khi mẹ được về quê thăm họ mạc, làng xã. Mình thấm thía những vần thơ trong trẻo con trai viết tặng ông bà nội dịp tết vừa rồi: “Ông bà nội cố lần giường tập đi/ Mong ngày tết về quê thăm làng xã/ Mới xa đó mà chừng nghe như đã/ Lâu lắm rồi không được thở hương quê…”. Nỗi nhớ làng, nhớ nước, nhớ nếp nhà thương khó như đằm sâu trong từng nhịp thở. Nên dịp thanh minh này, khi mẹ nhúc nhắc đi lại được, mình cho mẹ về quê. Mẹ mừng vui ríu rít như trẻ nhỏ. Mẹ thao thức cả đêm trước ngày về. Bốn giờ sáng đã gọi con dâu dậy đeo cho cái vòng, thắt cho cái cặp tóc. Nằm thêm tí nữa lại gọi dậy để uống thuốc chống say. Cứ thế, phập phồng, thấp thỏm, hồi hộp. Rồi náo nức, rôm rả lúc ở quê, khi lên thành phố lại có cả một kho chuyện để thao thao cùng bố. Những câu chuyện vẩn vơ không đầu không cuối bởi có khi chính bố mẹ cũng không còn nhận ra hết những người quê một thuở. Cơ mà vẫn rất vui.
Niềm vui là khi được các con sửa sang cho căn nhà ở quê. Mỗi năm bố mẹ lại nghĩ ra một thứ để sang sửa, để cơi nới. Năm thì là sửa công trình phụ, trồng lại cây. Năm thì lát cổng, nới sân. Còn năm nay là sửa và lợp lại hai cái chái. Ban đầu mình cũng lạ lắm. Nhà thì quanh năm chẳng có người ở, sửa rồi lại hỏng cứ bày vẽ làm gì. Chiều bố mẹ thì mình làm nhưng lòng không ngớt phân vân. Sau rốt thì mình hiểu, hạnh phúc của bố mẹ là mỗi lần sửa sang lại được tính tính toán toán, được gọi điện thông báo rằng đã sửa chỗ này, đã lắp chỗ kia… Những khi ấy, bố mẹ như được sống cùng với ngôi nhà thân thương gắn với bao nhiêu là kí ức, với bao nhiêu là nhịp thở nồng nàn. Và cũng mỗi lần sửa là như một lần ông bà báo với thần linh thổ địa, với gia tiên rằng: Chúng con vẫn ở đây, vẫn chăm chút cho ngôi nhà này. Nó vẫn ấm áp tròn đầy và vì thế, thổ công, thần linh hãy phù hộ cho cả đại gia đình. Mỗi lần sửa là một lần bố mẹ được bàn luận, được chuyện trò về những người quê, những cảnh quê gần gụi, quyến thuộc. Vậy nên rất vui.
Niềm vui của bố mẹ là…
Những niềm vui ấy chẳng quan hệ gì với vật chất. Chúng cứ hồn nhiên như nụ cười con trẻ. Bởi một điều giản đơn, ở đâu có bố mẹ thì ở đó có niềm vui. Và chính những niềm vui giản dị bé con thuần khiết ấy đã dạy chúng con biết sống bao dung, nhân từ, biết nhìn cuộc đời vạn vật theo con mắt “thiền”. Người già chỉ cần được ấm áp sẻ chia theo đúng nghĩa tuổi già đã là vui, là hạnh phúc lắm rồi. Cái đích đến của mỗi người, suy cho cùng cũng giản dị vậy thôi!
Anh chị em chúng con sinh ra, khôn lớn và trưởng thành từ ngôi nhà mẹ cha bé như tổ chim nép dưới lũy tre. Nơi ấy bố mẹ chắt chiu niềm vui để nuôi đàn con lóc nhóc sắn khoai. Nơi ấy khai nồng mùi nước đái trong những manh chiếu con mục nát. Những ngày nắng nóng, cả nhà nằm dưới nền đất ẩm nghe bố kể chuyện chèo đò bị ma bắt nạt. Những ngày lạnh giá cả nhà quây quần quanh cái ổ rơm. Mấy chị em tranh nhau bắt chấy trên tóc mẹ rồi cùng ùa vào lòng mẹ, nô đùa cho đến khi cái ổ rơm rối tung, ấm sực mới thôi. Ngôi nhà khi ấy lúc nào cũng nêm chật niềm vui.
Bố mẹ càng già, ngôi nhà ấu thơ của anh em chúng con càng như hư hao trong miết mải thời gian trôi đi cuồn cuộn. Nhưng dù gì, con luôn nguyện giữ trọn niềm vui cho tuổi già bố mẹ ở chính tại ngôi nhà thương yêu của mình.
Bởi vì! Thực ra đó cũng là cách con đang giữ trọn niềm vui cho con trai của con, cho cả gia đình bé nhỏ của mình nữa.
Chắp tay, nguyện mong thế gian này luôn ăm ắp niềm vui!
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Cộng đồng 23/11/2024 08:12
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39