Mùa xuân không hẹn trước
Người cắm cờ thầm lặng | |
Chiếc vòng cẩm thạch |
Dạo ấy nghe tin vậy, ông khăn gói quả mướp tìm về nơi người lính trở về, may ra anh ấy biết gì về tin tức của Thân - con trai ông. Người lính ấy vì gia cảnh bố lấy vợ hai, biết có về cũng phải sống riêng không gia đình, nên đã tình nguyện ở lại xây dựng cuộc đời ở mảnh đất phương nam, lấy cô gái bưng biền mà anh đã quen trong lần đi xuống cơ sở. Rồi chiến tranh kết thúc, như giận người cha tệ bạc với mẹ mình, anh không thư từ, không báo tin mà ở lại Cà Mau. Họ đã có bốn mặt con. Đứa lớn nhất năm ấy đã hai mươi tuổi cùng về với cha thăm quê nội. Ba mươi năm, không hiểu sao một đêm giáp Tết, sau khi nhậu với bạn bè say bí tỉ, gần ba giờ sáng anh đánh thức thằng con lớn dậy và rủ nó đi ra Bắc. Bấy giờ đã hai mươi tám tháng Chạp, tàu xuống ga Hà Nội thì cũng là lúc thành phố chuẩn bị đón giao thừa. Không còn xe khách, cha con anh kêu taxi đi Thái Bình. Hai triệu bạc cầm theo trả taxi hết một nửa. Xe đến Thái Bình, vừa lúc chuông đồng hồ trên tháp nhà thờ điểm đúng 12 tiếng. Cha con anh tìm thuê xe ôm lao về quê ở ngôi làng nhỏ gần thị trấn Vũ Thư...
Nhưng. Ông Điền thất vọng khi người lính trở về sau chiến tranh ấy không hề biết Thân. Họ ở hai chiến trường, xa nhau đến gần ngàn cây số...
Nhưng từ đó, cứ giao thừa là ông Điền lại ngồi ngóng. Ông biết là nỗi mong ngóng ấy có thể là vô vọng nhưng đã thành thói quen như vậy gần năm năm nay. Thân chiến đấu ở mặt trận Quảng trị và Nam Lào. Biết đâu nó đã bị thương sọ não mất trí nhớ không biết đường về như anh Thúc trong phim Người lang thang không cô đơn. Hoặc giả lạc sang đất Lào được nước bạn chăm sóc tại nhà an dưỡng nào đó...Biết đâu, biết đâu trong muôn một còn có cái may. Thôi thì, Thân tìm về được thì dù đui mù, ngớ ngẩn ông cũng cam lòng, miễn được thấy lại đứa con một thời là niềm hy vọng của ông và dòng họ. Thân là con một, lại là con thương binh lẽ ra nó không phải đi bộ đội. Nhưng trai thời loạn mà, xưa ông đi bộ đội đánh Pháp vào sinh ra tử mà có sao đâu. Vậy là ông đồng ý ký vào đơn cho Thân nhập ngũ...
Sau bao năm chờ đợi trong vô vọng, trong một lần vô Quảng Trị tìm mộ con, ông được nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ ở đây tra cứu danh sách liệt sĩ tại địa phương và đã tìm được nơi Thân con trai ông hy sinh…
Từ đó sau lễ ông Công, ông Táo, năm nào ông cũng cùng con gái hay mấy đứa cháu ngoại tìm vô Quảng Trị, đến nghĩa trang Mai Xá thắp hương cho người con trai duy nhất đang nằm lại đây. Đã mấy lần ông định xin đưa hài cốt của Thân về quê nhưng ban quản trang nói rằng, anh Thân hy sinh ở đây coi như anh dâng hiến cho đất này, vậy thì bà con Mai Xá xin được chăm sóc phần mộ anh, coi anh là người con của làng đã hy sinh cho quê hương, đất nước... Trưởng thôn Gio Bình Nguyễn Thế Đá vốn là du kích thời đánh Mỹ. Dáng người nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, ông Đá dẫn thân nhân liệt sĩ thăm nghĩa trang xã. Dưới hàng dương xanh ngắt trên bãi cát trắng lốp, hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ đứng ngay ngắn như hàng quân năm nào tề chỉnh trước giờ xung trận. Gió nồm buổi chiều thổi từ biển vô làm xao xác tán cây dương liễu góc nhà quản trang. Người dẫn đường không cần nhìn vẫn tìm ra ngôi mộ cần tìm. Tấm bia khắc dòng chữ: Liệt sĩ Trần Xuân Thân SN ...Hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Ngày 15 tháng 8 năm 197... Đặt mâm hoa quả lên mộ, tay run run, ông Điền thắp ba nén nhang cắm lên ô đất để trống trên năm mộ xây bằng xi măng. Cả ông và hai đứa cháu ngoại lầm rầm khấn vái. Mắt ông cay cay. Ông cũng không hiểu là do khói nhang hay ông khóc thật. Chỉ thấy mắt ông đỏ khè, ầng ậng nước. Ông Thân và hai đứa cháu chuẩn bị rời nghĩa trang. Chợt ông quay lại phía mộ Thân như muốn ngắm lại một lần nữa mộ đứa con thân yêu trước khi ra về. Ông Điền dụi mắt lần nữa khi ngay tại ngôi mộ Thân, một người đàn bà và một chàng trai cũng đang thắp nhang, đặt đồ lễ lên đó. Linh tính báo ông biết có thể có điều gì đó. Trong đầu ông loé lên ý nghĩ hay là có người nhận nhầm mộ? Thực hư ra sao, tại sao họ thắp hương lên mộ Thân? Họ là ai?...Ông bảo hai đưa cháu cùng ông quay lại nghĩa trang...
- Ai đây nhỉ?
- Cháu...cháu... Bác là...ai...
- Chị là ai mà đến lễ trên mộ con trai tôi?
- Con trai bác là...là...
- Con trai tôi tên Thân. Thế người nhà cô tên gì...
- Dạ dạ... Tên... Thân. Mà bác là gì của anh Thân ạ!
- Tôi là bố Thân. Cô nhầm rồi nhé. Có thể có một anh Thân khác, của gia đình cô... Ngày tháng năm sinh và ngày mất trùng với giấy báo tử đây này...
Người đàn bà nãy giờ thái độ khác thường. Chị luống cuống, lại như có nét gì lạ lùng ánh lên trong mắt. Bây giờ thị chị nhớ ra rồi. Mấy năm liền lên thắp hương cho Thân ở đây Lành cũng đều thấy có chân hương mới. Nghĩa là đã từng có người đến thắp hương cho anh hàng năm vào dịp Tết? Hay đây là gia đình anh Thân? Mà đúng rồi, bác ấy nói giọng Bắc. Quê anh Thân đâu như Hà Nội, huyện Đông Anh hay Gia Lâm gì đó thì phải...
Nghĩ đến đây Lành đột ngột hỏi ông:
- Bác có phải là ...
- Tôi là bố của Thân. Còn cô?
- Thưa bác, cháu là...là...Nhưng thôi, bác vô nhà cháu chơi và nếu có thể được, nếu bác không chê nhà cháu nghèo thì mời bác ở lại một hôm thôi cũng được, để cháu kể bác nghe chuyện anh Thân ...
- Cô là gì với Thân mà cô biết nó?
- Dạ... Mà bác cứ về nhà cháu chơi rồi cháu kể...
Cuộc gặp gỡ bất ngờ với cô gái lạ, lại nghe nói cô biết Thân trước khi anh hy sinh làm ông Điền càng tò mò muốn nán lại để tìm hiểu sự tình, đặc biệt là trường hợp hy sinh và nơi người thân nằm xuống cũng như việc an táng sau này về nghĩa trang... Và còn mối quan hệ giữa Thân và cô gái này... Bởi nghe người dân nói lại thì hài cốt dưới mộ không còn nguyên vẹn, nên lâu nay ông bán tín bán nghi, đoán rằng, Thân có thể còn sống, còn cái ngôi mộ liệt sĩ kia có thể không tìm được đủ bộ hài cốt, người ta chia ra cho đủ tên...Chính cái thông tin kia làm ông nghĩ đến trường hợp Thân bị thương, lạc đơn vị hay do bị thương sọ não mất trí đang lang thang đâu đó. Bao năm nay ông nằm mộng thấy Thân về. Khoẻ mạnh, chững chạc dáng một công chức...
- Vâng! Cám ơn cô! Nếu cô biết thêm gì về Thân thì cho tôi biết. Ở quê nhà chúng tôi, ngoài cái giấy báo tử, gia đình không biết thêm thông in gì về Thân cả...
Nói rồi ông Điền cùng hai người chaú ngoại theo người đàn bà và chàng trai đi theo con đường cát trắng dẫn về làng An Mỹ. Cái làng này chỉ cách nghĩa trang Mai Xá một cánh đồng. Hai mẹ con người đàn bà có gì vui lắm. Trời chiều cuối năm thường tối rất nhanh. Ngôi nhà lợp ngói nhỏ nhắn nằm rìa làng hôm nay có thêm mấy vị khách lạ làm cả xóm Rú ai cũng tò mò muốn biết khách chị Lành là ai mà nghe giọng Bắc. Hai mẹ con người đàn bà xuống bếp bàn bạc gì đó một lát sau thấy chàng trai bước lên chắp tay thưa với ông Điền: “Ông và các anh ở chơi, cháu đi ra ngoài có việc một chút!”
-Ừ! Cháu đi đi.
Lành bưng mâm cơm đặt lên bàn thờ rồi bước lại thắp hương khấn vái. Ở nhà ngoài, ông Điền ngồi uống nước, nhưng ông để ý từng diễn biến trong ngôi nhà nhỏ. Tiếng Lành khấn thì thầm nhưng khá rõ ràng:
“Anh Thân ơi, anh sống khôn thác thiêng, hôm nay có ông nội thằng Hải từ miền Bắc vô thắp hương cho anh và trời xui đất khiến cho mẹ con em được gặp lại gia đình anh. Rứa là từ nay thằng Hải có ông nội rồi. Từ nay con anh đã có họ. Anh tha lỗi cho em vì khi bên nhau em quên không hỏi quê quán, thành ra từ ấy, thằng Hải bơ vơ như đứa con hoang. May mà mẹ con em chống chọi với đời đến hôm nay... Hải trưởng thành bây gìờ con làm cán bộ công chức nhà nước trên tỉnh rồi anh ạ!. Cho em lạy anh ba lạy nhân hôm nay làm mâm cơm xin cho con được nhận ông nội, họ hàng...”
Quỳ trước mặt ông Điền, Lành nhỏ nhẹ:
- Xin bác cho cháu mạo muội thưa chuyện. Không giấu gì bác, cháu là bạn chiến đấu của anh Thân hồi nớ. Chúng cháu đã yêu nhau và ngay sau đó, cháu chịu cảnh goá bụa. Anh Thân hy sinh trong một trận chống càn khi con chưa sinh cháu Hải đây - Lành chỉ tay sang Hải:
- Con lạy ông đi con!
Hải quỳ xuống: - “Cháu xin lạy ông”!
- Cháu đứng dậy lại đây ông nói chuyện. Ông biết rồi. Cha bố mày, giống thằng Thân quá ! Ông thốt lên sung sướng. Thâm tâm, ông mừng như bắt được vàng. Hết ngắm thằng cháu nội đến nhìn người thiếu phụ từng là người yêu con trai mình, không gì thì là con dâu mình, lòng ông trào dâng niềm vui quá bất ngờ . Mọi chuyện cứ như nằm mơ....
Sau bữa cơm, khi cả nhà quây quần bên cái bàn duy nhất vốn làm nơi tiếp khách...Câu chuyện hơn bốn mươi năm trước lần đầu tiên được kể trọn vẹn bởi người trong cuộc và là nhân vật chính của một câu chuyện tình lãng mạn...
***
Mưa dầm lê thê. Mưa như thối đất. Trong một đêm mưa dầm gió bấc, Lành từ ngoài ấp chiến lược nắm tình hình địch trở về, đang định thay quần áo đi ngủ thì chợt nghe ngoài vườn có tiếng động. Tụi thám báo thường tung quân rình mò như vậy. Mẹ và Lành là gia đình có người đi lính cộng hoà nên bọn chúng ít để ý, nhưng từ hồi nghe tin Lành tham gia giao liên bí mật, thằng Tá đồn trưởng đã từng đe: Chúng bay coi chừng con Lành. Nó là đứa "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản" đó bay! Nghĩ vậy, Lành lẻn xuống bếp hé liếp cửa nhìn ra vạt chuối sau hè. Có một bóng đen. Bóng đen trườn về phía ngôi nhà của Lành. Cô im lặng nép vào bên vách nghe ngóng.
- Mẹ ơi! Tiếng gọi khẽ nhưng Lành nghe rõ giọng Bắc hổn hển: Mẹ ơi mở cửa cho con vào với. Con bị thương...Cùng lúc Lành bước ra thì đã thấy bà Hội, mẹ Lành, đứng tấn cửa hỏi nhỏ: Ai? đêm hôm khuya khoắt vô đây làm chi. Nhà tôi theo “quốc gia”, mấy ông không sợ à?
Tiếng rên khe khẽ của người đàn ông khiến bà ngờ ngợ. Hay là anh ta bị thương?. Lúc tối nghe có tiếng súng ngoài sông Rào. Tụi lính bảo an hò hét ghê lắm, chắc có Việt cộng về nằm vùng. Bà lùi vào trong nhà lấy lối cho Lành dìu người bị thương đặt lên cái chõng. Nhin bộ quân phục màu xanh biết chắc là bộ đội bị địch phục kích, Lành vẫn cần phải kiểm tra lại mật khẩu để khẳng định. Một viên đạn xuyên qua bả vai. May mà chỉ vào phần mềm, nhưng máu ra nhiều khiến người bị thương lả đi. Lành loay hoay băng bó vết thương đang rỉ máu. Bà Hội khơi bếp nấu nhanh bát cháo bưng vào buồng. Bà lay gọi người thương binh dậy và bảo Lành đút từng thìa cho anh. Gần sáng, khi vừa tỉnh lại, người thương binh thấy mình nằm trong cái hòm gỗ dùng chứa thóc của gia đình. Anh cố bò ra qua cánh cửa gọi: “Mẹ ơi, chị ơi...!”
Lành chạy vào đỡ anh ngồi dậy:
- Có chuyện chi rứa anh? Lành hỏi khẽ.
- Cảm ơn mẹ và cô. Bây giờ trời sắp sáng tôi phải rời ấp ngay kẻo không kịp….
- Anh bị thương thế, em chắc không đi nổi đâu. Cứ ở lại đây em sẽ có phương án bảo đảm cho anh an toàn. Khi mô lành vết thương và khoẻ lại, anh đi...
- Nhưng nhỡ bị lộ, làm phiền luỵ đến gia đình...
Nói vậy là Thân lo xa, chứ gia đình này qua cơ sở anh được biết bà mẹ tuy có con trai đi lính Sài Gòn nhưng anh trai cả lại tập kết ra Bắc. Bà rất ủng hộ kháng chiến. Còn Lành, hiện cô là giao liên của huyện cử về ấp nằm vùng...Lý do anh lần vào ẩn nhờ đây là vì anh tin đây là cơ sỏ tốt. Bọn nguỵ chúng không dám vào đây, nghi Lành theo Việt cộng nhưng chưa có bằng cớ gì...Một tuần sau, Lành nhận được tin từ trên đưa về: “Sắp có càn lớn phải bố trí đưa Thân ra căn cứ càng sớm càng tốt”. Vậy là giờ chia tay rồi cũng đến. Nhiệm vụ là trên hết. Lành chuẩn bị cho Thân lên đường vào buổi tối. Hai người bịn rịn mãi. Bà Hội biết ý lánh lên nhà trên, chỉ còn hai người với nhau, Lành chủ động:
- Anh đi mạnh khoẻ, em luôn nhớ và đợi anh đó! Nước mắt Lành thấm thấm ướt vai Thân.
- Anh cám ơn Lành nhiều. Anh sẽ luôn bên em, dù em ở đâu!
Thân ôm cô du kích nhỏ vào lòng, dặn rằng dù thế nào cũng phải đợi. Đến ngày thống nhất đất nước sẽ về bên nhau...Không biết duyên phận thế nào mà ông trời đưa đẩy anh đến với Lành. Từ cái đêm mưa gió ấy đến hôm nay là vừa mười hôm. Mười ngày bên nhau, họ đã nói với nhau tất cả. Mối tình vừa nhen nhưng anh thấy Lành như thể đã là của mình từ lâu lắm. Lành đã trao cho Thân sự trong trắng của đời con gái. Chiến tranh mà! Căn hầm bí mật mẹ Lành đào dưới gậm giường bây giờ thành phòng riêng cho hai người. Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Họ đã có nhau và đã sống cho nhau trọn vẹn, dù ngắn ngủi. Căn hầm chật chội đã chứng kiến hai thân thể hòa vào nhau từng đêm, quằn quại và mê say. Trong một lúc như sực tỉnh ý thức về chiến tranh và nhiệm vụ, Thân giật mình đẩy Lành ra: “Anh thương Lành thật sự, nhưng em ạ! Chiến tranh còn dài, biết sống chết thế nào, nên anh sợ em phải ...” Nói đến đây chợt anh thấy bàn tay Lành bịt lấy miệng mình. Lành thủ thỉ: Em chẳng cần chiến tranh, em chỉ cần anh. Đêm nay và nhiều đêm nữa. Em là của anh, từ nay em mãi mãi là của anh, anh ạ! Giải phóng rồi chúng mình tìm nhau nghe anh...”. Rồi Lành nhận được tin đơn vị Thân đánh vô căn cứ D bị tổn thất lớn, trong những người hy sinh có liệt sĩ tên Thân…Nỗi đau ập đến. Lành ôm đứa con còn bé bỏng trao lại cho mẹ rồi lao vào chiến đấu công tác…
***
Chiến tranh kết thúc đã bốn mươi năm. Mấy lần Lành cùng con ra Bắc tìm gia đình Thân nhưng cơ quan chính sách thành phố cho hay, có đến hàng trăm người tên Thân cùng hy sinh. Cô lại không nhớ đích xác quê quán, ngày tháng năm sinh của Thân. Chị đã đến mấy gia đình có Liệt sĩ tên Thân nhưng ai cũng bảo không phải. Lành đưa con trở về Quảng Trị sống một mình, chịu bao điều tiếng. Bao nhiêu chị em cùng hoạt động nay có người đã trưởng thành thành cán bộ cốt cán ở địa phương. Ai cũng có một hạnh phúc gia đình, trừ Lành...Người thì bảo Là̀nh có con với thằng Vệ, lính bảo an cộng hoà vì hồi đó có người gặp Lành đi với hắn trên chợ huyện. Họ đâu biết Lành đã làm thân móc nối được với Vệ để biết kế hoạch đợt càn lớn dạo ấy để kịp đưa Thân ra cứ. Vệ bị chết ở Thừa Thiên sau đó nên không ai có thể minh oan cho Lành. Cô cố nuôi thằng Hải ăn học nên người. Bây giờ Hải đã tốt nghiệp đại học Bách khoa thành phố, hiện là cán bộ sở công nghiệp tỉnh.
***
Bữa cơm chia tay ông Điền, Lành hứa, ra giêng sẽ đưa Hải và vợ con Hải về thăm bên nội. Ông Điền vui như chưa bao giờ ông vui như vậy.
- Bây giờ thì có chết bố cũng thoả lòng khi biết thằng Thân còn giọt maú gửi lại. Bố mừng hơn nữa khi biết cháu Hải trưởng thành... Bố ra Bắc báo lại để mọi người mừng. Đời bố ba mươi mấy năm nay mới có Tết đấy con ạ! Đây là lần đầu tiên bố thực sự có muà Xuân, mùa Xuân không hẹn trước, phải không con!.
Lành đã sụt sùi khóc khi tiễn ông Điền ra xe trở về bắc. Mùa Xuân này là lần đầu tiên niềm vui gõ cửa nhà chị. Cành mai Hải trồng trước ngõ bây giờ tự nhiên trổ những nụ hoa vàng tươi tắn. Đó là niềm vui sum họp chị từng mơ ước bao nhiêu năm...
Tân Linh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tin khác
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Cộng đồng 23/11/2024 15:27
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Cộng đồng 23/11/2024 08:12
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21