Một đời thương nhớ
Ngày xưa chẳng về | |
Nhất quỷ nhì ma | |
Chỉ sóng biết rằng... biển sẽ mãi yêu em |
Người ta gọi bà là má Hai. Bà có chồng và ba người con trai đi bộ đội, lần nào cũng lặng lẽ khóc thầm mỗi lúc chồng và con đi, rồi lặng lẽ khóc thầm khi lần lượt hay tin chồng và ba người con ngã mình trên chiến trường bom đạn, vậy là bà trở thành người phụ nữ góa chồng và không có con, thế mà ai cũng gọi bà là “má”, cứ như “má” có đến vài chục đứa con.
Lưng má còng rồi, trí óc cũng không còn được minh mẫn. Lúc nhớ, lúc quên. Có lúc má gặp ông Năm xóm trên thì gọi lại hỏi “đợt này chú Năm về thăm nhà đó à, có hay tin gì của chồng tôi không? đến mấy tháng nay tôi không nhận thư của ông ấy”, ông Năm đáp lại “tôi đi lính về lâu rồi mà chị Hai, chị Hai đừng trông tin anh Hai nữa”, ý bảo má hãy thôi ngày ngày ra đầu ngõ đứng đợi chồng con. Lúc đó không biết má nhớ hay quên mà nước mắt lưng tròng, rồi ngậm ngùi chống gậy quay vào nhà. Có lần khác, tôi sang nhà chơi với má, vừa thấy dáng tôi nhấp nhô ngoài ngõ má đã vọng ra “Mầy sang tìm thằng út đấy à. Nó lại đi bắt chim nữa rồi. Cái thằng lớn tồng ngồng rồi mà ham chơi quá đỗi”. Tôi nước mắt thành dòng mà cố gắng quệt để vào thăm má.
Trong ba người con của má, tôi chơi thân nhất với anh út. Anh út lớn hơn tôi ba tuổi, anh út cũng là người bạn ấu thơ thân thiết nhất của tôi. Hồi đó má cứ ghẹo “Sau này mầy lớn mầy nhớ làm con dâu má nghe”, tôi cười tít mắt đáp lại: “Dạ, sau này con chỉ ưng mỗi anh út thôi má ơi, anh út thương con lắm, đầu làng cuối xóm đi đâu ảnh cũng dẫn con theo”. Mà thật, hồi anh út chưa là bộ đội, anh hay dẫn tôi đi theo ảnh bắn chim, câu cá, có những trưa hè hai đứa còn trốn ba má đi hái sim, đi lên rừng tìm dủ dẻ, chùm chày… những đặt sản mà bất kì một đứa trẻ nào ở vùng đất nghèo miền trung cũng mê miệt và đem lòng thương nhớ. Đồi hoa sim tím còn đó, anh út bây giờ đã mãi không về.
Tôi nhớ mãi hình ảnh anh út trong quân phục người lính, oai phong lẫm liệt đến chừng nào. Anh út ngồi trên chiếc xe chở bộ đội vẫy tay tạm biệt tôi và má, lòng tôi thương biết bao nhiêu. Năm ấy tôi vừa tròn mười sáu. Và rồi đồi hoa sim tím, và rồi những trưa hè câu cá, bắn chim, và rồi những ngày cùng nhau lang thang mọi ngóc ngách trên đồng cứ đi mãi, đi mãi theo dấu chân của anh út. Ngày hay tin anh hy sinh, nước mắt tôi không rơi nổi, trái tim tưởng chừng vụn vỡ hoặc có một thứ gì đó rụi thiêu nóng hực. Tôi không dám nhìn về đôi mắt của má. Anh út ở lại với chiến trường tuổi đôi mươi, trái tim chắc chưa từng thổn thức vì một bóng hồng nào.
Tôi thương anh út bao nhiêu thì thương má bấy nhiêu. Tôi hiểu trái tim của những người phụ nữ như má đã phải mạnh mẽ nhường nào để chấp nhận nỗi đau mất chồng, mất con. Tôi không biết chiến tranh có giá trị như thế nào nhưng nếu nó như một mảnh thủy tinh thì tôi sẽ vồ lấy nó mà cấu xé, mà ngấu nghiến và đập tan đến từng mảnh vụn mới thôi. Chiến tranh để lại quá nhiều nỗi đau, có những người ngã mình xuống đất và có những trái tim gầy hao đến xót lòng. Tôi thương má nhất là những lúc má không minh mẫn, cứ gọi tên những đứa con của mình trong vô thức. Có phải rằng nếu người ta trở nên lú lẫn thì kí ức mà người ta nhớ nhất chính là kí ức ngọt ngào và đớn đau nhất.
Mỗi lúc sang chơi với má, nếu là lúc minh mẫn thì má sẽ hỏi tôi chuyện chồng con, má bảo “Mầy tính thương thằng út hoài vậy sao, tuổi xuân người con gái trôi nhanh lắm con à, coi mà kiếm nơi nương nhờ”. Còn nếu là lúc má không minh mẫn thì sẽ bảo “Tao là tao thích mầy thôi, đợi thằng út đi bộ đội về rồi hai đứa cưới được không con?”. Rồi lần nào cũng vậy má lấy những lá thư của ba và các anh ra bảo tôi đọc cho má nghe. Thư của ba và các anh má cất kĩ trong chiếc rương gỗ nho nhỏ, bọc bên ngoài lớp bịch nilon cẩn trọng. Má nói “Gia tài đời má chỉ có bấy nhiêu, không bảo quản được thì hổ thẹn lắm”. Má nói má thích nghe tôi đọc thư cho má, má già rồi mắt mũi lim dim đọc chữ được chữ mất. Má nói vậy thôi chứ những lá thư của ba và các anh má thuộc lầu lầu.
Má hay chỉ cho tôi những tấm hình về các con của má, má nói má thương anh út nhất, vì anh út là người chịu cực nhất nhà, hồi anh út chưa đi bộ đội cái gì má cũng gọi anh út. Nhiều lúc tôi sang nấu cơm cho má dưới nhà, mà nghe má vọng về gọi “út ơi”, “út à” như thể anh út vẫn còn ở đâu đó trong căn nhà này và như thể anh út rồi sẽ quay về khi hòa bình lập lại. Tôi thương má mà không dám nói “Anh út hy sinh rồi má ơi”.
Chiều nay, khi nắng vàng ngã xuống, ánh lên vài hạt xuyên qua bờ tre già đầu ngõ, tôi lại thấy bóng dàng gầy gầy, cong cong của một người phụ nữ tóc bạc lơ phơ, nét mặt nhen nhóm, ánh mắt dõi về phía phương trời xa xôi. Đôi mắt chờ chồng, đợi con cả một đời thương nhớ.
Thu Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40