Liệu pháp mới: Chỉnh sửa gen để chữa ung thư
Sự thật chỉ ăn gạo lứt muối mè sẽ khỏi ung thư? | |
Tìm ra phương pháp mới chữa u não mà không cần phẫu thuật |
Theo Washington Post, chính quyền Mỹ vừa cấp phép cho phương pháp trị liệu ung thư máu bằng công nghệ biến đổi gen, mở ra hy vọng mới cho cuộc chiến chống lại một trong những “kẻ giết người” hàng đầu thế giới.
1. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận liệu pháp điều trị ung thư mới có tên Kymriah của hãng dược Novartis, Thụy Sĩ. Kymriah là tên mà Novartis đặt cho liệu pháp CAR-T của mình. Liệu pháp điều trị này không dùng thuốc hay phương pháp hóa, xạ trị, vốn có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể, cũng không thay thế gen bệnh bằng gen khỏe mạnh, mà là một liệu pháp miễn dịch: CAR-T “đào tạo” các tế bào Lympho T - một loại bạch cầu có chức năng miễn dịch - của bệnh nhân, để chúng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư.
Các tế bào Lympho T được lấy ra bằng một quy trình lọc máu đặc biệt, rồi được đưa tới phòng thí nghiệm để chỉnh sửa gen. Các nhà khoa học tái lập trình (sửa chữa) AND bằng cách dùng một virus lành tính để đưa một đoạn mã di truyền (một đoạn gen) vào cấu trúc gen của tế bào T. AND “mới” sẽ “hướng dẫn” tế bào T cách tạo ra thụ thể kháng nguyên (có khả năng nhận diện kháng nguyên và kích hoạt miễn dịch đặc hiệu) nhân tạo (chimeric antigen receptor - CAR), nhận biết được CD19, một phân tử có nhiều ở tế bào bạch cầu ung thư (vì thế khi mới triển khai, liệu pháp này có tên CTL019). Sau đó, các tế bào T đã được “đào tạo” này được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân, để chúng săn lùng, tấn công tiêu diệt các tế bào bạch cầu bị ung thư. Kymriah rất phức tạp, đòi hỏi điều chỉnh theo từng bệnh nhân...
2. Kymriah đã được FDA cho phép dùng để điều trị những bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu (bệnh bạch cầu, bệnh máu trắng) cấp thể Lympo (Acute Lymphocytic Leukemia - ALL, phổ biến ở trẻ nhỏ; một trong 4 thể lâm sàng chính của bệnh máu trắng) từ 3 - 25 tuổi, một loại ung thư máu ác tính do sinh ra quá nhiều tế bào bạch cầu non yếu (không có khả năng miễn dịch), mà mỗi năm khoảng 6.250 người Mỹ mắc phải... Trong cơ thể, tế bào T trưởng thành có thể sống tới một năm (trong khi hầu hết các loại bạch cầu khác sống rất ngắn) đã trải qua quá trình ‘đào tạo” ở tuyến ức: Sinh ra từ tế bào gốc vạn năng, hầu hết các tế bào T “phải” tới vùng vỏ tuyến ức để được các hormone tuyến ức “dạy bảo” cách nhận biết kháng nguyên và phân biệt kháng nguyên của cơ thể với kháng nguyên lạ (ngoại nhập). Sau “khóa học”, 95 % các tế bào T không “lĩnh hội” được khả năng này sẽ bị “chết theo chương trình”, chỉ có 5% tế bào T có được khả năng này, tức là không chống lại kháng nguyên của “mình”, chỉ chống lại kháng nguyên lạ, gọi là tế bào đã được biệt hóa (trưởng thành) đi vào tủy tuyến ức để tiếp tục “chín”. Bằng cách phát hiện các protein khác nhau trên bề mặt tế bào T, chính là các thụ thể kháng nguyên (gọi là “dấu ấn” bề mặt), người ta biết được mức độ (hay giai đoạn) “chín” của nó và số lượng cũng như thứ tự các “dấu ấn” giúp phân loại những nhóm tế bào T (CD4, CD8, CD3...) có khả năng nhận diện kháng nguyên cao hay thấp... Tuy nhiên, sự “đào tạo” tự nhiên này chỉ giúp các tế bào Lympho T nhận biết và tiêu diệt các tác nhân (chính là kháng nguyên) không gây bệnh ung thư...
Novartis cho biết, kết quả thử nghiệm trên 63 tình nguyện viên trong 3 tháng cho thấy hiệu quả trị bệnh của Kymriah đạt 83%. Hãng dược phẩm lớn nhất Thụy Sĩ này cũng dự định nộp đơn xin cấp phép lên cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) vào cuối năm nay.
3. Tại Mỹ, các thử nghiệm được tiến hành dưới sự chỉ đạo của TS Carl June, Đại học Pennsylvania. Một trong những bệnh nhân đầu tiên được thử nghiệm là Emily Whitehead, 12 tuổi. Emily được điều trị từ 6 năm trước và sau đó em đã không còn dấu hiệu của bệnh ung thư. TS Carl June nhận định, liệu pháp là bước ngoặt mang đến hy vọng cho những người mắc ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
BS chuyên khoa ung thư nhi Kevin Curran ở Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering đánh giá: Kymriah “vô cùng thú vị” và kỳ vọng nó sẽ vượt qua phương pháp cấy ghép tủy xương mà ông cho là đã lỗi thời.
Hiện tại, liệu pháp Kymriah được FDA chấp thuận sử dụng cho những bệnh nhân dưới 25 tuổi, mắc ALL không đáp ứng với hóa, xạ trị, hoặc những người ung thư máu tái phát sau điều trị hóa, xạ trị. Thống kê cho thấy khoảng 3.100 trẻ em và thanh, thiếu niên Mỹ mắc ALL mỗi năm. Trong đó, ước tính khoảng 600 bệnh nhân đủ điều kiện được điều trị bằng Kymriah. Tương lai, Novartis dự định mở rộng đối tượng điều trị sang các nhóm ung thư khác, chẳng hạn ung thư Lympho tế bào B lớn lan tỏa (DLBCL), một thể bệnh ung thư Lympho cấp có độ ác tính cao, nếu không được điều trị thời gian sống chỉ tính bằng tháng, chiếm khoảng 30% số bệnh nhân các thể bệnh ung thư Lympho.
Lần đầu tiên ở Mỹ, liệu pháp chỉnh sửa gen nhằm điều trị bệnh được chấp thuận chính thức. Trước đó, 2 liệu pháp gen là Glybera và Strimvelis được phê chuẩn ở Châu Âu để điều trị bệnh di truyền và liệu pháp Gendicine được phê chuẩn điều trị một số bệnh ung thư tại Trung Quốc năm 2004. Trong một tuyên bố, FDA gọi sự chấp thuận này là “hành động lịch sử”, là một “cách tiếp cận mới đối với việc điều trị ung thư và các bệnh hiểm nghèo”.
4. Ông Bruno Strigini, Giám đốc điều hành nhánh thuốc ung thư của Novartis, cho biết giá thành một đợt điều trị duy nhất với liệu pháp Kymriah là 475.000 USD (gần 11 tỉ đồng). Tuy nhiên, công ty có chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân và bệnh nhân chỉ phải trả tiền khi điều trị đạt hiệu quả. Ông Strigini cũng so sánh rằng, phương pháp điều trị ung thư bạch cầu phổ biến nhất hiện nay ở Mỹ là ghép tủy xương có giá từ 540.000 USD - 800.000 USD, phải trả ngay trong năm đầu tiên điều trị, trong khi các phân tích đều đưa ra mức giá cho hiệu quả điều trị của Kymriah từ 600.000 đến 750.000 USD. Ông Strigini nói rằng: “Nhận thức được trách nhiệm của mình, chúng tôi đã đưa ra mức giá thấp hơn mức đó rất nhiều”. Theo Novartis, phần lớn bệnh nhân phù hợp với các tiêu chuẩn điều trị sẽ được bảo hiểm chi trả phần nào, bởi vì các bệnh nhân này đều dưới 25 tuổi, có thể dùng chung bảo hiểm với bố mẹ hoặc bảo hiểm do chính phủ tài trợ.
Tuy nhiên, mức giá đắt đỏ nói trên đã khiến nhiều người lo ngại nó có thể tạo ra một thế hệ thuốc điều trị siêu đắt mà không phải ai cũng chi trả được. TS Craig Devoe, chuyên gia về ung thư và huyết học tại Viện ung thư Northwell Health, New York nói rằng, chi phí đắt đỏ trong ngành công nghiệp ung thư là một xu hướng “không bền vững” và nói rằng mức giá mà Novartis đưa ra không phải là mức giá hợp lý. Devoe cũng cho rằng, mặc dù các kết quả thử nghiệm là tích cực và thú vị, nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn rằng hiệu quả điều trị của liệu pháp mới sẽ kéo dài trong bao lâu? Ông nói: “Không chỉ đáp ứng hiệu quả tức thời mà hiệu quả lâu dài mới là điều mà các bệnh nhân mong muốn”.
Dù sao đi nữa, nếu bước ngoặt này hiện thực sẽ là một trang mới mở đường cho con người chiến thắng căn bệnh quái ác nhất. Tuy đến đích cả về chữa trị và giá cả còn xa, nhưng chúng ta có quyền hy vọng.
Theo BS Bình Nguyên/laodong.com.vn
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
Y tế 20/12/2024 20:37
Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Xã hội 20/12/2024 09:58
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn
Y tế 19/12/2024 17:38
Tình trạng các nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng đang điều trị tại Bệnh viện E
Y tế 19/12/2024 16:43
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Y tế 17/12/2024 20:52
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người nhập viện vì mắc sởi
Y tế 17/12/2024 08:06
Nhiều người cần tham vấn tâm lý trong điều trị bệnh “khó nói”
Y tế 17/12/2024 06:39
Hà Nội ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc sởi
Y tế 17/12/2024 06:38
Duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 13/12/2024 11:46