Hồi sinh văn hóa đọc
Thắp tình yêu sách, nâng cao văn hóa đọc |
LĐTĐ lược ghi những ý kiến bàn luận xung quanh những ngày hội sách và văn hóa đọc.
Nhà phê bình văn học Văn Giá:
Sách in vẫn có sức sống riêng
Nhìn một cách tổng quát, việc tổ chức các Ngày hội sách đã làm sâu sắc một số mối quan hệ: Giữa nhà xuất bản với bạn đọc, các tác giả với bạn đọc, thư viện với bạn đọc và giữa bạn đọc với nhau. Tôi cho rằng các hình thức đọc không thay thế nhau được, bởi chứng cứ là các hội sách vẫn rất đông bạn đọc tham gia, đặc biệt là giới trẻ. Tôi chứng kiến có những bạn trẻ mua sách nhiều đến nỗi phải gánh sách, nhờ bạn bè chở giúp.
Sách in có những ưu thế. Thứ nhất, là thói quen đọc truyền thống không thể ngày một ngày hai thay thế được. Thứ hai, sách là những ấn phẩm văn hóa có vẻ đẹp riêng, nhất là những cuốn sách có mỹ thuật đẹp, nó giống như một tác phẩm nghệ thuật. Thứ ba, là sách in có thể lưu trữ từ đời này sang đời khác và sách làm quà tặng trong đời sống. Vì vậy, sách in có thể suy giảm, chứ không thể bị tiêu diệt. Với những cuốn sách chất lượng và được truyền thông tốt thì vẫn có sức sống riêng của nó. Hiện bạn đọc có sự phân hóa cao, được chia theo các nhóm rất rõ ràng: Nhóm đọc sách cao cấp có hàm lượng trí tuệ, sách chuyên sâu, sách kinh điển; có những bộ phận thích đọc truyện tranh, kỹ năng sống, làm giàu…Không có cuốn sách nào chiếm lĩnh được tất cả độc giả.
Hiện các hoạt động như ngày hội sách còn rất thưa thớt, vậy nên các cơ quan, ban, ngành cần tổ chức thành hoạt động thường xuyên, được quan tâm ráo riết. Ví dụ như đầu tư các thư viện, CLB sách ở nông thôn, dòng họ, trường học … theo hình thức cởi mở nhất để công chúng tiếp cận được với sách dễ dàng. Đặc biệt, cần giải pháp tổng hòa mới hy vọng văn hóa đọc được nâng lên. Tôi thấy bức tranh văn hóa đọc không u ám như cách đây 5 năm, mà đã có khởi sắc. Tuy nhiên, sách cao cấp bạn đọc chưa được tiếp cận nhiều, hoặc ngại đọc. Tôi khuyến khích các bạn trẻ nên dành cơ hội tiếp cận được những sách học thuật cao, có hàm lượng tư tưởng lớn.
Nhà văn Y Ban:
Ảnh hưởng của sách rất lớn
Không phủ nhận mặt tích cực của các hội sách, bởi nó góp phần kéo người đọc lại với sách. Người ta không mua sách thì cũng đi chơi, giao lưu và trò chuyện, ít nhất cũng là một dịp để người ta thoát khỏi ảnh hưởng của mạng internet và các tiện ích hấp dẫn của nó như game online, như mạng xã hội.
Nhưng trong những lễ hội sách ấy, vì lý do kinh tế, người ta sẽ quảng bá cho các cuốn sách ngôn tình đủ thể loại, chứ không dành cho những cuốn sách có giá trị văn chương đích thực. Hoặc nhiều khi, người ta phải bán sách ngôn tình, diễm tình để lấy vốn đầu tư cho những cuốn sách văn chương đích thực mà hiện nay tự nhiên rất kén người đọc và luôn nằm ở một góc khiêm nhường trong các quầy sách. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu người đọc sống trong thế giới ảo của các nhân vật ngôn tình, đam mỹ, không hiểu sau này bước ra thế giới thật sẽ như thế nào? Ảnh hưởng của sách rất lớn đến cách suy nghĩ, cách hành xử của người đọc một cách từ từ và vô thức. Tôi nhớ thời gian trước, những người nam giới quanh tôi, vì ảnh hưởng của các tiểu thuyết kiếm hiệp, nhất là cuốn “Thủy hử” của Thi Nại Am, nên luôn có tư tưởng coi bạn bè ngoài xã hội là máu thịt, rồi kết bè kết đảng, nhiều khi chỉ để chơi cho vui, trong khi đó coi nhẹ những mối quan hệ trong gia đình, với người thân. Những cuốn sách kiếm hiệp thời ấy cũng phần nào cổ súy cho phong trào uống rượu của nam giới Việt, khi họ coi rượu là thước đo bản lĩnh đàn ông, khi các anh hùng trong truyện uống rượu cứ như uống nước lã theo cách mà các tác giả phóng đại lên cho có vẻ oai hùng.
Tại sao ngày trước, người ta phải chọn những tác phẩm có giá trị nhân văn, như “Những tấm lòng cao cả” cho trẻ em đọc? Là để trẻ em hấp thụ những tình cảm con người nhất từ lúc bé, khi trẻ em còn là trang giấy trắng. Những tác phẩm có giá trị ấy sẽ là nguồn nuôi dưỡng tinh thần cho trẻ em, khiến đứa trẻ ngày ấy (cũng là người lớn hôm nay) không bị lệch lạc về tư tưởng. Cuốn sách đầu tiên cũng quan trọng như người thầy đầu tiên, đó là điều không ai có thể phủ nhận được. Ngày nay, việc định hướng đọc cho trẻ em đã gần như bị thả nổi. Cha, mẹ đưa cho con cái mình một cái máy tính bảng, thế là yên tâm không phải để mắt tới chúng nữa. Hoặc giả, có đi nhà sách, thì lựa một ít truyện tranh cho con mình đọc, thế là hài lòng. Và tác hại của việc này, ngoài việc kéo văn hóa đọc xuống rất thấp, còn kéo theo nhiều hệ lụy, tuy vô hình, nhưng rất nguy hiểm cho xã hội.
Ông Nguyễn Quang Thạch - “cha đẻ” của dự án “Sách hóa nông thôn Việt Nam”:
Không nên chỉ vì cái thiếu sót mà quên đi những thành tựu
Theo tôi, các nỗ lực của các thành phần trong xã hội và cả hệ thống chính trị, văn hóa đọc đang được xây dựng theo hướng đúng trong mấy năm qua. Tổ chức các hội sách là một phần kích thích đại chúng đến với sách, tạo môi trường cho giới trẻ đến với sách và những người yêu tri thức được có cơ hội trao đổi và tri thức được tương tác. Hội sách là nơi gặp gỡ của những người yêu sách và cần sách. Các hội sách góp phần lan truyền tầm quan trọng của sách đối với đại chúng.
Danh từ “sách” và những cuốn sách được giới thiệu trên truyền hình, báo viết, báo điện tử và trên mạng xã hội sẽ góp phần đánh thức tiềm năng đọc trong xã hội. Bởi vậy, những ngày hội sách sẽ góp phần xây dựng văn hóa đọc. Đúng là gần đây có nhiều cuốn sách sai sót về nội dung và tư tưởng của người viết, nhưng cái thiếu sót chỉ là một phần nhỏ, không nên chỉ vì vậy mà quên đi những thành tựu.
Chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” đã và đang tạo hiệu ứng xã hội về tầm quan trọng của sách, về tầm quan trọng của hệ thống thư viện, về tình trạng thiếu sách ở nông thôn và các giải pháp cụ thể bằng những loại tủ sách đến gần người đọc như “Tủ sách Dòng họ”, “Tủ sách Phụ huynh” đặt trong lớp học, Tủ sách “Hậu phương Chiến sĩ”…Mục tiêu của chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” sẽ giúp tất cả người dân nông thôn có sách đọc, đặc biệt là 15.000.000 trẻ em được nghe sách và đọc sách.
Qua 2 năm triển khai ngày hội sách quốc gia cho thấy văn hóa đọc đang dần được “hồi sinh”, phong trào đọc sách trong các tầng lớp nhân dân đang phát triển. Đặc biệt, năm qua, hàng loạt Hội sách được tổ chức tại Công viên Thống Nhất, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thư viện Hà Nội, Thư viện Quốc gia…thu hút hàng trăm nghìn độc giả tham gia. Sự hưởng ứng đông đảo của độc giả trong các ngày hội sách đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa đọc và thắp sáng lên ngọn lửa đam mê với sách trong đời sống cộng đồng. |
Vũ Lâm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40
Hà Nội đêm trầm lắng, bình yên!
Văn hóa 17/12/2024 09:07