“Giữ lửa” điệu múa cổ đất Hà Thành
Một số món ăn vặt đặc trưng của mùa đông đất Hà Thành | |
Thạch Lam - người nghệ sĩ nặng tình của đất Hà thành | |
“Phố khóa” đất Hà thành |
Những chuyện chưa kể
Lần đầu tiên tôi gặp nghệ nhân Triệu Đình Hồng – một trong số ít người được coi là thành thạo và nắm được hết cái hồn cốt của múa Bồng là trong đận trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội do Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tổ chức.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, điệu múa Bồng vẫn được dân làng Triều Khúc gìn giữ, lưu truyền đến hôm nay |
Hôm ấy, tại làng Triều Khúc, hay còn được các cao niên quan gọi với cái tên Đơ Thao, ai cũng ngạc nhiên khi người đứng lên thuyết minh, múa minh họa, giúp đỡ các thanh niên trang điểm là một... ông lão hơn 70 tuổi. Ông lão ấy trang điểm “mặt hoa, da phấn” và đắm mình trong điệu múa mềm mại, uyển chuyển và có phần lả lơi khiến không ít người xem phấn khích.
Nhắc đến điệu múa cổ, nghệ nhân Hồng kể rằng, ông biết đến múa Bồng từ khi còn là cậu bé đánh thanh la phục vụ trong các lễ hội của làng. Tất cả những cử chỉ, đường đi của tay, nhịp bước của chân, điệu bộ lả lơi trong điệu múa “Cái đĩ đánh bồng” đã được ông khắc sâu trong tâm trí từ ngày ấy và ông đã có mong ước được đắm mình trong các cặp múa bồng ở hội tế lễ của làng. Tuy nhiên do đời sống khó khăn, múa Bồng cũng phần nào bị lãng quên. Đến tận năm 1975, khi thống nhất đất nước, múa Bồng mới được làng khôi phục lại và truyền dạy cho con cháu.
Thế rồi, trong một dịp ra đình xem, Hồng đã được cụ Bùi Văn Tốt, người nắm giữ những kỹ thuật múa nhìn trúng. Cụ Tốt đã đích thân truyền dạy điệu múa cho Hồng. Sẵn đam mê, chàng thanh niên Hồng nhanh chóng nắm bắt được những kỹ thuật của điệu múa. Chỉ một thời gian sau Hồng trở thành đội trưởng của đội múa.
Theo lời nghệ nhân Triệu Đình Hồng, cái hay, cái lạ của múa trống bồng là trai giả gái để múa. Khi hóa trang, các chàng trai phải mặc váy đụp, chít khăn mỏ quạ, tô son, điểm phấn như phụ nữ. Các động tác mềm mại, cánh tay vừa đánh trống, vừa phải múa rất dẻo. Mỗi động tác phải nhịp nhàng với từng bước di chuyển, lắc thân. Trong lúc múa, còn phải “liếc ngang, liếc dọc”. Bởi thế, dân gian còn có câu “lẳng lơ như đĩ đánh bồng”. Những động tác “lẳng lơ” ấy đem lại tiếng cười sảng khoái vui vẻ cho người xem.
Giải thích thêm về tên gọi đặc biệt của điệu múa, nghệ nhân Triệu Đình Hồng cho biết, từ “đĩ” ở đây không như cách hiểu thông tục mà là gái. Trong đội múa, các “đĩ” đều là nam giới đóng giả nữ, mặc áo váy, chít khăn mỏ quạ và đeo chiếc trống bồng trước ngực. Từng cặp “đĩ” nhảy múa và lả lướt tạo dáng theo nhịp trống. Trong múa bồng, điều đặc biệt chính là khuôn mặt các “đĩ” lúc nào cũng phải thể hiện được niềm vui. Động tác nổi bật nhất của điệu múa là khi hai “đĩ” tựa lưng vào nhau, lả lướt đầy vẻ hạnh phúc.
Lưu giữ điệu múa truyền thống
Theo tìm hiểu, điệu múa “Cái đĩ đánh bồng” có nguồn gốc từ truyền thuyết về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng sau khi thắng giặc Đường ở thành Tống Bình (làng Triều Khúc bây giờ), ông chọn nơi đây làm đại bản doanh để quân nghỉ ngơi, dưỡng sức và tập luyện. Trong quân ngũ không có phụ nữ nên một số binh lính giả trai thành gái để múa nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ.
Điệu múa ra đời từ đó và có truyền thống hơn 12 thế kỷ. Và điệu múa Bồng đã trở thành một tiết mục diễn xướng trong những hình thức nghệ thuật dân gian được lưu truyền và có những bản sắc riêng.
Không giống như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, điệu múa này chỉ nhằm mục đích phục vụ cho việc tế lễ Thánh làng Triều Khúc (mỗi năm hai lần là tháng Giêng và tháng Tám Âm lịch). Vì là điệu múa phục vụ trong việc tế lễ nên rất cầu kì, từ việc lựa chọn những người tham gia múa đó nhất định phải là nam giới đến trang phục biểu diễn.
Khi lễ rước kiệu bắt đầu, đội múa bồng mặc váy yếm đào, trang điểm khăn mỏ quạ y như những người con gái thôn quê. Phía trước bụng mỗi người đeo một cái trống dài gọi là trống bồng. Lúc biểu diễn, nam diễn viên vừa dùng hai tay đánh trống “bung bung” vào hai bên trống và nhảy múa uốn éo, lẳng lơ, mắt lúc nào cũng phải liếc ngang, liếc dọc, ve vãn những thanh niên rước kiệu.
Trở lại với câu chuyện “giữ lửa” điệu múa cổ, nghệ nhân Triệu Đình Hồng cho biết, khoảng năm 2010 ông đã đề nghị UBND xã Tân Triều, đề nghị Trường THCS Tân Triều đưa điệu múa bồng vào giảng dạy trong nhà trường. Nghệ nhân tình nguyện truyền dạy mà không lấy tiền công.
Điểm khó khăn nhất trong quãng thời gian đầu truyền dạy điệu múa là khi lên lớp, các cháu học sinh đều ngại không muốn tham gia. Để xóa tan sự rụt rè, nghệ nhân Triệu Đình Hồng phải giải thích, động viên mãi, các em học sinh nam mới mạnh dạn múa thử theo ông. Cứ thế, nhiều ngày trôi qua, nhiều em bắt đầu thấy yêu thích điệu múa cổ. Và càng bất ngờ hơn, chỉ ít năm sau, Trường THCS Tân Triều đã có một đội múa trống bồng. Tiết mục của các em đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ của ngành giáo dục.
Ngoài công tác trực tiếp đào tạo những người “giữ lửa” kế cận, để tạo “hậu phương” cho các em nghệ nhân Hồng còn tích cực đến các gia đình vận động người dân cho con em tham gia đội múa. Khi mọi người hiểu ra những giá trị di sản, hiểu ra việc cần tiếp nối truyền thống của quê hương, cũng là khi đội múa trống bồng lớn mạnh hơn. Múa trống bồng là điệu múa nghi lễ, nhưng để quảng bá, ông Hồng cùng các cụ cao niên thống nhất xin thánh cho phép được đi biểu diễn ở các nơi.
Với cách làm ấy, nghệ nhân Triệu Đình Hồng đã thành công trong “ươm mầm” những thế hệ múa trống bồng kế cận. Bây giờ, dù tuổi tác đã cao, chân chậm, mắt mờ nhưng người nghệ nhân già vẫn chăm chỉ ra đình dạy các thế hệ học trò trong làng, uốn nắn cho các em từng động tác một.
Có nhà văn hóa đã từng ví von với tôi rằng, nếu ví tinh hoa văn hóa từng vùng đất giống như những dòng chảy nhỏ, sự quần tụ, hợp thành không làm mất đi bản sắc riêng biệt mà còn tạo điều kiện cho nó phát triển, cùng hòa quyện, lan tỏa trong một dòng chảy chung. Múa Bồng chắc hẳn cũng vậy. Những tinh hoa của điệu múa cổ hẳn âm ỉ và cùng chảy trong một mạch nguồn chung tạo nên nét tinh hoa của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Và sẽ thật thiếu nếu không nhắc đến công lao giữ lửa của nghệ nhân Triệu Đình Hồng - người được ví như viên ngọc quý âm ỉ cháy, tỏa sáng nuôi giữ điệu múa. Người luôn âm thầm lặng lẽ đem tài năng và tâm huyết cống hiến cho quê hương mà không màng danh lợi để điệu múa “đĩ đánh bồng” trở thành niềm tự hào của Triều Khúc đất Thăng Long.
Giang Nam
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
TIN BUỒN
Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện
Nâng cao chất lượng hoạt động vì lợi ích đoàn viên
Đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Nâng cao chất lượng để nâng tầm vị trí
Trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng tăng tốc
Cập nhật sinh trắc học trước “giờ G”: Khách hàng không nên “đủng đỉnh”!
Xây dựng đô thị thông minh xứng tầm khu vực
Tin khác
Xử lý tình trạng tụ tập gây mất an ninh trên các cầu vượt đi bộ
Trật tự đô thị 25/12/2024 19:31
Quận hoàn Kiếm: Xử phạt hàng loạt bãi xe tự phát trong đêm Giáng Sinh
Trật tự đô thị 25/12/2024 09:49
Cuối năm, tăng cường xử lý vi phạm về giao thông
Trật tự đô thị 24/12/2024 08:30
Xây mới, cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội: Công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát
Trật tự đô thị 20/12/2024 20:45
Công an Thanh Trì ra quân trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán
Trật tự đô thị 18/12/2024 12:17
Công an thành phố Hà Nội đảm bảo an ninh trật tự dịp cuối năm
Trật tự đô thị 16/12/2024 10:33
TP.HCM: Kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng sân thể thao ngoài trời sai quy định
Trật tự đô thị 15/12/2024 11:56
Vẫn khó việc quản lý con người và bố trí địa điểm kinh doanh
Trật tự đô thị 08/12/2024 19:26
Hà Nội khảo sát, nghiên cứu cho thuê vỉa hè tại 123 tuyến phố
Trật tự đô thị 04/12/2024 22:40
Bảo đảm trật tự đô thị dịp cuối năm
Trật tự đô thị 03/12/2024 07:08