Gần 90 tuổi vẫn cần mẫn “trồng người”!
Thầy giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người | |
Chuyện về nữ giáo viên luôn trăn trở với sự nghiệp “trồng người” | |
Không chỉ “gieo” con chữ… |
Xuất phát từ tình thương
Thầy Trà xuất thân từ một dòng họ nhiều đời dạy học, trong gia phả dòng họ Nguyễn, có cụ tổ từng là Quốc sư thời vua Lê chúa Trịnh. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Trà đã nổi tiếng là một học trò thông minh, nhanh nhẹn, lại được kế thừa truyền thống hiếu học của gia đình.
Lớp học ngay tại sân nhà của thầy Trà. Ảnh:M.Tiến |
Thời còn học phổ thông, thầy từng được vinh danh là “Cậu bé vàng” của Hà Nội. Sau khi đỗ tú tài phần II, Nguyễn Trà là một trong số ít học sinh được tuyển vào Trường đại học Sư phạm I, Hà Nội khóa đầu tiên năm 1954. Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành vật lý nhưng thầy có thể dạy bất cứ môn học nào, thầy còn đọc thông viết thạo 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức, Italia. Thời trẻ, thầy tình nguyện lên dạy ở các trường miền núi, sau lại vào Đồng bằng sông Cửu Long. Sau hai năm tham gia giảng dạy tại nước Cộng hòa dân chủ Công-gô, thầy về nhận công tác tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho đến ngày nghỉ hưu.
Khi về nghỉ hưu cũng là lúc thầy Trà có nhiều thời gian để quan sát khu dân cư mình ở, thấy nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến lớp, thầy không khỏi trăn trở khi nghĩ đến tương lai mịt mù của chúng, nếu không được đi học. “Sống ở trên đời mà không biết chữ thì thiệt thòi lắm.
Nhiều cháu nhỏ rất ham học, có tố chất nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn nên không được đi học, phải ở nhà phụ giúp cha mẹ. Tôi muốn mang đến cho các cháu một tương lai khác, một tương lai tươi sáng hơn, tôi bàn với gia đình sẽ mở một lớp học miễn phí ngay tại nhà. Lớp học ấy sẽ là mái ấm thứ hai, là môi trường giáo dục tốt cho các cháu”, thầy Trà chia sẻ.
Với suy nghĩ ấy, năm 1992, thầy Trà mở lớp với cái tên “Lớp học tình thương”. Những học sinh đến với lớp của thầy thời điểm ấy chủ yếu là những em có hoàn cảnh khó khăn. Về sau, thầy động viên cả những đứa trẻ sống lang thang bằng nghề bán báo, đánh giầy, không nhà cửa…đến học.
Bên cạnh việc dạy chữ, thầy luôn tâm niệm phải dạy cả đạo đức, dạy cách làm người để chúng trở thành người có ích cho xã hội. Suy nghĩ như vậy, thầy đổi tên lớp thành lớp học “Hướng thiện”. Thầy giải thích: “Hướng thiện có nghĩa là hướng đến nhân nghĩa, lương thiện. Ở đây, cả thầy và trò đều phải tu dưỡng. Con người ta dù xuất thân và sống trong hoàn cảnh nào cũng phải hướng tới sự trung thực, lương thiện. Thầy tu đức, lòng thương người, còn trò học đạo làm người, hướng đến những điều tốt đẹp”.
Thầy cho biết, trong giao tiếp với các học sinh, kể cả những người xung quanh, thầy luôn giữ tác phong chuẩn mực, nói không thừa, không thiếu câu chữ, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Thầy không rao giảng đạo đức một cách sáo rỗng mà phải lấy mình làm gương. Mỗi lần lên lớp thì nhất cử nhất động phải gương mẫu để cho các học trò noi theo. Có lần, thầy còn chìa bàn tay cho chúng tôi xem, thầy bảo, mình dạy học trò phải cắt móng tay, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ thì bản thân mình cũng phải làm gương trước.
Học trò của thầy có nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ khác nhau, thầy xếp lịch không theo trình độ hay chuyên môn cụ thể, mà sẽ kèm từng người trong cả buổi học. Các cháu nhỏ bậc tiểu học được dạy toán, tiếng Việt, rèn luyện chữ viết. Học sinh cấp 2 được dạy toán, lý, hóa. Còn lứa học sinh cấp 3 được ôn tập, bồi dưỡng kiến thức để thi đại học. Thầy còn nhận dạy cho những người có nhu cầu đi nước ngoài đến học tiếng Anh, Pháp, Đức. Lớp học của thầy Trà bao năm nay vẫn vậy, không có bảng đen phấn trắng, chỉ đơn sơ vài chiếc bàn, chục chiếc ghế, nhưng đã cưu mang bao phận đời, dạy chữ cho biết bao thế hệ học sinh.
Cũng bởi mong muốn đem những điều tốt đẹp đến cho đời, cho người, gần 30 năm qua, thầy Nguyễn Trà vẫn lặng lẽ, không ngại khó khăn, tìm đến những đứa trẻ kém may mắn ở chợ lao động, xóm trọ nghèo để động viên khích lệ các em đến lớp, giúp các em thay đổi suy nghĩ, định hướng tương lai bằng chính con đường học vấn. Đối với nhiều mảnh đời kém may mắn, thầy còn hỗ trợ cả về vật chất trong điều kiện có thể. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều học sinh được các phụ huynh tin tưởng gửi gắm đến ông giáo già, với hy vọng con cháu họ không những học được con chữ mà còn được chỉ bảo những điều hay lẽ phải.
Chị Đào Thu Hà (Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội), phụ huynh em Phạm Quốc Anh, học sinh lớp 7 đang theo học thầy từ đầu năm tới nay cho biết, “Quốc Anh là học sinh khá, nhưng có tính tự phụ, không khiêm tốn học hỏi, hơn nữa ở nhà lại không chịu nghe lời bố mẹ. Mặc dù chị dành khá nhiều thời gian để kèm cặp cho con, nhưng chị không tìm được phương pháp phù hợp. Nhiều lúc anh chị cảm thấy bế tắc, không biết phải dạy con như thế nào. Được biết lớp của thầy Trà vừa dạy chữ, vừa rèn đức nên chị quyết định gửi con để nhờ thầy chỉ bảo. Thầy còn cho phép chị ngồi cùng với con để học phương pháp của thầy, kèm cặp thêm cho Quốc Anh những lúc ở nhà. Đến nay, ngoài học lực tăng đáng kể, Quốc Anh còn trở nên ngoan ngoãn hơn. Nhờ đó, vợ chồng chị cũng đỡ lo lắng đi nhiều”.
Ngoài dạy chữ, dạy làm người, thầy còn hướng nghiệp
Ngoài dạy kiến thức, dạy làm người, thầy còn hướng nghiệp cho các em. Thầy bảo: “Thầy thường khuyên những em có học lực khá, giỏi cố gắng để theo học đại học đúng với chuyên môn mình yêu thích. Còn đối với những em có học lực trung bình, kinh tế gia đình lại khó khăn thì nên học một cái nghề nào đó phù hợp để sớm ổn định cuộc sống chứ không hướng đến những điều viển vông, xa thực tế, vất vả cho các em và gia đình”.
Trong quá trình hướng dẫn học trò, thầy cho phụ huynh ngồi xem phương pháp của thầy để về phụ đạo thêm cho các con. Ảnh-M.Tiến |
Gần 30 năm qua, thầy Trà không nhớ đã dạy cho bao nhiêu thế hệ học trò, có những học trò nay đã gần 50 tuổi, mặc dù không nhớ nổi con số chính xác nhưng thầy nhớ những hoàn cảnh đặc biệt của các em. Nhiều trường hợp được thầy dạy dỗ, đến nay đã thành đạt, không chỉ có công ăn việc làm, mà còn có thể giúp nhiều người có công việc để ổn định cuộc sống. Thầy chia sẻ: “Đến với lớp học, có cháu thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, cháu thì cha mẹ nghiện ngập, công việc không ổn định... Mỗi cháu một số phận nhưng tôi nhìn thấy ở chúng có những ước mơ trong sáng, tất cả đều mong muốn trở thành người có ích cho xã hội”.
Học trò của thầy đều đặn hằng năm vẫn tìm về thăm hỏi, ôn lại chuyện cũ, chia sẻ những vui buồn, khó khăn hay thành công trong cuộc sống. Với thầy, đó chính là sự đền đáp ý nghĩa nhất, là động lực để thầy cố gắng và cũng là niềm vui đối với thầy lúc tuổi già.
Chị Lê Kim Cúc, chủ nhà hàng ở đường Tôn Thất Tùng, Hà Nội, cũng là học trò cũ của thầy chia sẻ: “Tôi có may mắn được theo học thầy từ khi lên 6, điều ảnh hưởng lớn nhất ở thầy đó là nhân cách, sự mẫu mực hiếm có, thầy luôn chuẩn mực trong từng lời nói, lời giảng. Phong cách dạy của thầy luôn dễ hiểu, gần gũi, luôn tìm cách để động viên học sinh cố gắng. Thầy luôn chia sẻ mọi khó khăn với học sinh, thầy còn tự bỏ tiền túi của mình để mua phần thưởng cho chúng tôi. Nhờ thầy, tôi cũng như nhiều thế hệ học sinh khác đã trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Những thành công của tôi hiện tại chính là nhờ sự định hướng nghề nghiệp của thầy”.
Với những đóng góp của mình, năm 2014, thầy Trà vinh dự được Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen ngợi. Mong rằng thầy sẽ luôn mạnh khỏe để đóng góp nhiều hơn nữa tâm huyết, sự tận tâm của mình cho xã hội, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Cao Tiến
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21